Ông Trương Minh Tuấn: Anh lính tư tưởng bị khóa miệng!?

VNTB

Ánh Liên

19-3-2018

Ảnh: internet

Điều cay đắng nhất của một chính trị gia là gì? Đó là phải đối diện và bị trừng phạt bởi những nguyên tắc và quan điểm mà mình đặt ra.

Ông Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông – Bộ TT&TT) là một trong những trường hợp điển hình như vậy.

Là người đứng đầu một cơ quan mà chức năng của nó là quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn,… Nhưng ông Trương Minh Tuấn lại bị gạt bỏ một cách lạnh lùng trên báo chí. Điệp khúc đăng-xóa mà ông từng không ít lần đứng ra chỉ đạo nay nghiệm đúng vào ông. Điệp khúc ‘chặn các luồng thông tin độc hại’ nay cũng vận đúng vào cái văn bản phản bác với hàng tá điều Luật mà ông và nhóm soạn thảo đã dày công nghiên cứu và chắp bút.

28 đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT cũng ‘phản bội’ ông và im lặng trước cái chỉ tay của Ban Tuyên giáo Trung ương. Và cay đắng nhất, khi Thanh tra Chính phủ kết luận những sai phạm, chĩa mũi giáo về phía người đứng đầu Bộ thì ngay lập tức, đứa con thân yêu của Bộ – Mobifone cho biết trên mặt báo: mình chỉ làm theo chỉ đạo của Bộ và báo cáo Bộ về tất cả thực trạng của AVG.

Nhiều người sau khi đọc ‘phản bác’ của Bộ TT&TT, và ngay sau đó ‘phản bác’ bị xóa, họ nghĩ ngay đến một sự trừng phạt. Và có vẻ, người đứng đầu Bộ đang kêu lên những tiếng kêu cứu.

Nhưng ai cứu? Cứu ai? Sau khi làm rõ tội trạng, và sau khi những giá trị về số mệnh chính trị được sắp đặt xong. Có khi, chính lần ‘phản bác’ và ‘kêu cứu’ này lại sẽ là một trong những tình tiết tăng nặng trong Đảng, theo đó ông Tuấn sẽ bị truy xét vì đã làm phức tạp thêm tình hình, rối loạn thông tin về chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Và giả như ông kết thúc một số phận chính trị trong sự kiện liên quan đến định giá cao để lấy ngân sách nhà nước thì liệu ông có thấy chính mình trong cuốn sách do ông Chủ biên mang cái tên rất kiểm soát tư tưởng: ‘Phòng chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay’.

Chưa dừng tại đó, câu chuyện ‘sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’ là ác mộng của rất nhiều độc giả, của những nhà báo chân chính, nay trở thành một ác mộng của chính ông Trương Minh Tuấn. Nó như cái còng số 8 khiến những lời – dù kêu cứu, giãi bày của ông đã không thể tồn tại được quá 12h/ngày. Cũng phải thôi, vì ông nhiều lần chủ trương ‘tuýt còi’ làng báo, mặc dù họ ngây thơ thực hiện đúng sự nhắc nhở, khuyến nghị của ông về việc: Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không ngăn cản tự do ngôn luận, không ngăn cản thông tin đa chiều, hay gọn hơn là ‘báo chí không bị kiểm duyệt’.

Suy cho cùng, ông bị khóa miệng bởi chính những gì mình viết, phát ngôn, hành động trong cái thời còn đương quyền cao chức trọng, khi mà những lỗi sai phạm còn chưa được phát lộ ra.

Nhưng vì sao người đứng đầu Bộ TT&TT phải làm như vậy? Phải ‘xé rào’ một cách đầy mạo hiểm như vậy? Sinh mạng chính trị của người đứng đầu Bộ này có gì đáng chú ý?

Facebooker Quang Vũ Trần trong một chia sẻ khá thú vị trong ngày 17.03, đó là ông Trương Minh Tuấn sinh năm 1960, ông quá 1 tuổi nếu theo quy định chọn nhân sự lần đầu tham gia BCH TW và dư luận đặt ra câu hỏi: ông giỏi hay có tài năng đặc biệt?

Facebooker này nhìn nhận, vì ông Tuấn có học vị Tiến sĩ, lại có hẳn một cuốn sách đứng đầu về chống diễn biến hòa bình nên thiên về ‘tài năng đặc biệt’, cho đến khi tìm đọc cuốn sách và nhận ra ‘không tầm lý luận, không luận điểm mới, nhưng đúng thời điểm Đảng đang cần’.

Báo chí được quản lý gắt gao hơn thời kỳ ông Tuấn, và ông Tuấn là người ‘tích cực trong vai trò chỉ huy’ của Quy hoạch chiến lược báo chí, một loại ‘tài liệu mật’ cho đến nay. Và hiện tượng tiêu cực của báo chí không những không được giảm mà có phần gia tăng đáng kể.

‘Và vấn đề tôn trọng sự thật của báo chí [thời ông Tuấn] đang có vấn đê qua vụ Bộ này xử lý một cơ quan báo chí đăng vụ Xuân Anh (Đà Nẵng)’, Facebooker Quang Vũ Trần chia sẻ.

Câu chuyện ‘tôn trọng sự thật’ càng đáng được nhắc lại hơn khi mà tình trạng báo chí ‘sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’ như đề cập trên diễn ra nhiều đến mức mà ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một phiên họp trực tuyến chính phủ phải đòi ‘xử nghiêm’.

Những chiêu trò làm vừa lòng Đảng trong thời gian qua với thùng sắt ‘chống diễn biến hòa bình’ mà ông Trương Minh Tuấn phát động, chỉ huy chưa làm hài lòng tất cả, và nó cũng chưa thể là điểm cộng để xóa những tội trạng hoặc liên đới tội trạng mà ông gây ra với ngân sách nhà nước. Trong cái thời kỳ mà, đói đến mức ‘lính tư tưởng’ cũng phải bò ra đường xin ăn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Khóa mồm là đúng, nhưng còn phải khóa cả hai tay nữa.
    Mồm thì chống “diễn biến hòa bình”, còn tay thì vơ vét, ăn cắp!

    (Tác gỉả viết câu chót: “Trong cái thời kỳ mà, đói đến mức ‘lính tư tưởng’ cũng phải bò ra đường xin ăn”, tôi thấy không đúng. Thời nay, chúng hoàn toàn không “đói”, chúng cũng không phải “xin ăn”.
    Ngày xưa chúng từng phát động phong trào “thi đua yêu nước, mỗi người làm việc bằng hai”, thì ngày nay, trong cái đảng toàn đầu trộm đuôi cướp ấy, chúng cũng đang “thi đua” – Thi đua ăn cắp, chẳng thằng nào chịu kém thằng nào!)

Comments are closed.