14-3-2018
Việt Nam thực thi chủ quyền đối với Trường Sa cũng như Hoàng Sa từ rất lâu đời trước khi Trung Quốc và các nước trong khu vực biết đến nó.
Cần nhớ cho rõ điều này: Năm 1975 Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam VN, sau đó là Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất đã tiếp quản toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa do quân đội VNCH đóng giữ trước đó, không để mất một đảo nào. Tuy nhiên, chính quyền VNCH của ông Ngô Đình Diệm đã để cho Đài Loan chiếm đóng trái phép thực thể lớn nhất của Trường Sa là đảo Ba Bình (sau này còn chiếm thêm 1 rạn san hô nhỏ), tiếp đó chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu trước khi để mất Hoàng Sa (dù các binh sĩ chiến đấu rất dũng cảm) cũng đã “thả” cho Phippines chiếm mất 5 đảo, chỉ lấy lại được đảo Song Tử Tây.
Sau năm 1975, lợi dụng tình hình Việt Nam chưa đủ lực lượng và phương tiện đóng giữ tất cả các đảo mà chính quyền VNCH chưa đóng giữ, Malaysia và Philippines lén lút chiếm giữ và chiếm giữ thêm một số bãi đá và san hô.
Đối với Trung Quốc, sau khi chiếm Hoàng Sa của ta vào năm 1974, mãi cho đến năm 1988 họ vẫn chưa chiếm giữ được bất kỳ một thực thể nào của quần đảo Trường Sa. Điều đó cho thấy thêm một bằng chứng là quần đảo này chưa từng có một tí nào thuộc về họ.
Năm 1988, lợi dụng tình hình nước ta đơn độc trong vòng bao vây cấm vận, trong nước thì kinh tế khủng hoảng trầm trọng với lạm phát phi mã (giai đoạn 1985-1988, lạm phát bình quân hơn 400%, riêng năm 1986 lạm phát lên tới trên 700%), lần đầu tiên Trung Quốc cho hải quân chiếm đóng trái phép một số bãi đá mà ta chưa kịp cho quân đóng giữ ở một số khu vực trong quần đảo Trường Sa của ta. Trong tình hình khó khăn vô tiền khoáng hậu về mọi phương diện, chúng ta vẫn tiếp tục triển khai đóng giữ thêm nhiều đảo tại các khu vực trọng yếu nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Trong đó, việc đóng giữ đảo đá Gạc Ma cùng với hai đảo đá Cô Lin và Len Đao mang ý nghĩa then chốt.
Trung Quốc đã dùng thủ đoạn đê tiện, tiến hành cuộc thảm sát man rợ để chiếm giữ cho bằng được Gạc Ma của ta, thậm chí bất chấp công ước quốc tế về chiến tranh khi ngăn chặn tàu của Hội chữ thập đỏ đến cứu hộ tàu của ta đang chìm. 64 chiến sĩ ngoan cường của ta đã hy sinh anh dũng mà Gạc Ma không giữ được. Nhưng chúng ta đã giữ được Cô Lin, Len Đao và tiếp tục triển khai đóng quân trên nhiều thực thể khác của quần đảo này. Thực tế cho thấy lúc đó nếu như đem hải quân và không quân lấy lại Gạc Ma thì chỉ có thể là đem quân ra “nướng”, Gạc Ma không những không lấy lại được mà còn kích ngòi cho Trung Quốc mang hạm đội tấn công chiếm giữ toàn bộ quần đảo. Trong điều kiện quốc lực cạn kiệt, chúng ta đã khôn khéo kiềm chế được sự bành trướng của Trung Quốc trên quần đảo này.
Đến thời điểm này, chúng ta đã thực thi chủ quyền bằng quân sự và dân sự trên 21 thực thể địa lý của quần đảo, từ đây kiểm soát toàn bộ quần đảo không để cho bất kỳ đám lâu la nào đến cướp bóc hoặc hôi của nữa.
Trung Quốc chỉ chiếm giữ được 6 rạn san hô (trong đó có Gạc Ma) của ta vào năm 1988, đến năm 1995 chúng mới cướp thêm đảo đá Vành Khăn do Philippines cướp của ta thời VNCH. Các đồng bào hồ hỡi với thắng lợi của Philippines trong vụ kiện gần đây hãy nhớ cho rõ: ở vị trí của ta mà nhìn thì đó là thắng lợi của một thằng ăn cướp kiện một thằng ăn cướp lại.
Chúng ta cần hòa bình cho dân yên ổn làm ăn. Về phía nhà nước, như các vua Trần trước đây khiêm nhường trong ngoại giao để giữ yên bờ cõi, chúng ta cần giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, nhưng mối thù bị cướp đất, mối thù bị thảm sát thì không thể nào quên và không được phép quên. Nhưng chỉ có thể lấy lại những gì đã mất khi dân ta giàu nước ta mạnh và khi cả nước đồng lòng.
_____________
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
làm sao anh hiểu?
có những người lính đảo
trần lưng trước mưa đạn quân thù
“chỉ được xáp lá cà bằng lê”
nhưng với khoảng cách này là không thể
đành chỉ được chết vì đảo
đành cho lãng quên vùi mấy mươi năm
Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển
không quỉ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy
hãy kể cho con cháu anh
rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma
những tràng hoa biển ấy
dạt trôi
về ôm chặt Mẹ
chân sóng
bắt đầu từ đó…
(Thanh Thảo, trích trường ca Chân đất)