4-3-2018
Dĩ nhiên chuyện này có ý nghĩa rất lớn, tóm gọn trong câu “thương hải biến vi tang điền”, biển xanh hóa thành ruộng dâu – tang thương – cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. “Kẻ thù” ngày xưa đang được Việt Nam mơ ước trở thành “đồng minh chiến lược”.
Đã qua rồi thời kỳ đầu óc mông muội, trong lòng chất chứa thù hận “còn cái lai quần cũng đánh”, “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung quốc”.
Bây giờ nhìn lại, ai có thể giải thích lý do tại sao phải thù Mỹ, phải đánh Mỹ cho tới người Việt cuối cùng?
Vì “chủ nghĩa” hay vì “giặc” xâm lăng ?
Lý do đánh Mỹ “vì chủ nghĩa”, tức ta đánh Mỹ là đánh cho LX, cho TQ. Nhìn nhận vậy hóa ra đảng cộng sản là một tập đoàn tay sai ngoại bang, nô lệ chủ nghĩa ngoại lai ?
Lý do đánh Mỹ “giải phóng đất nước” cũng không ổn. Đâu có người Mỹ nào có tham vọng lãnh thổ ở VN ? Đâu có người dân miền Nam nào muốn được “giải phóng” ?
Đuổi Mỹ đi, cơ hội một quốc gia hùng mạnh (hơn cả Nam Hàn) được xây dựng ở miền Nam sụp đổ. Cả nước bây giờ phải làm thuê, làm mướn cho tài phiệt Đài loan, Singapour, Nam Hàn… những đất nước thua xa VNCH ngày trước.
Đúng là cảnh “dẫn mình đi bỏ chiến trường như không”(Kiều). Bỏ xương máu trên triệu người để “đánh Mỹ”, bây giờ tìm đủ cách để “rước” Mỹ trở lại.
Biện hộ cách nào thì cũng “nhổ ra rồi lại liếm vào”.
Vì vậy Chủ tịch nước Trần Đại Quang tìm cách “vắng nhà”, đặt khách (hàng không mẫu hạm) vào lý do “vắng nhà chẳng tiện ngồi dai” (Kiều), hy vọng lý do này thiên triều Bắc Kinh không “nổi trận lôi đình”. Đối với Nga thì rõ rệt hơn nhiều. Không cho khách vào Cam Ranh là một hành động “khéo léo”. Trong khi báo chí thì viết bài ca ngợi vũ khí tối tân của Nga mà Putin mới “nổ” hôm kia.
Ngoại giao cách nào thì VN cũng một mình, “trên đe dưới búa”.
Bối cảnh thế giới bây giờ là “cạnh tranh kinh tế”.
Quyết định mới hôm kia của Mỹ “áp thuế” lên thép và nhôm không chỉ nhằm đối phó với TQ mà còn nhắm tới các “đồng minh” cũ của Mỹ là Canada và Châu Âu. Trump còn lớn tiếng đe dọa đánh thuế xe cộ nhập từ Châu Âu, nếu các nước này trả đũa lên hàng hóa của Mỹ.
Quan niệm “Mỹ xoay trục sang VN” xem chừng đã lỗi thời. Sự “trỗi dậy” của TQ (và Nga) sẽ không đưa thế giới trở lại thời “chiến tranh lạnh”. Hai nước này đâu có “xuất khẩu” chủ nghĩa như TQ và LX thời Mao Trạch Đông và Stalin ? Mà quan niệm “chuyển trục” nọ kia là quan điểm sót lại thời chiến tranh lạnh.
“Sách trắng” quốc phòng của Mỹ (chiến lược quốc phòng) vừa qua công bố, từ của miệng của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, đặt TQ và Nga là “hai đe dọa chính đối với an ninh và thịnh vượng của quốc gia”.
Toàn bộ chỉ nói tới nước Mỹ, nói “hai đe dọa chính” mà không nói các “đe dọa phụ”. Không một dòng nói tới “thịnh vượng và an ninh của đồng minh”.
Về “an ninh”, rõ ràng ám chỉ Nga.
Tham vọng địa chính trị của Nga hết sức đơn giản: áp đặt ảnh hưởng Nga ở Địa Trung Hải. Vì vậy Nga thách thức cả khối OTAN, Châu Âu và Mỹ.
Về “thịnh vượng” là nói về TQ.
TQ với sách lược “vành đai con đường”, mục đích đơn giản là khi khách hàng không đến nhà mình mua nữa thì mình đem hàng hóa tới nhà khách hàng để bán. Tham vọng TQ cực kỳ lớn: TQ muốn thống lĩnh nền kinh tế thế giới.
Tức là TQ xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông ở các nước, trên bộ qua nhiều hệ thống xa lộ, thiết lộ thông thương từ TQ đến Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, các nước Trung Á…. cho đến Châu Âu. Trên biển từ các hải cảng TQ, qua hải cảng các nước chung quanh Biển Đông, thông qua Ấn Độ Dương, chế ngự đồng thời thuộc địa hóa Châu Phi. TQ cũng lên tiếng đòi “chia hai” Thái Bình Dương với Mỹ.
Yếu tố quan trọng ít ai đề cập là TQ cũng xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất ở các nước “chư hầu”, nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong lợi nhuận kinh tế.
Tức là, khi TQ bị Mỹ hay các nước Châu Âu, Nhật… “trừng phạt”, tức hàng hóa của TQ bị “áp thuế”, thì chỉ có hàng hóa sản xuất tại lục địa bị ảnh hưởng mà thôi. Hàng TQ sản xuất ở các nơi khác thì không bị ảnh hưởng. Thí dụ thép sản xuất ở VN hiện nay hầu hết là của TQ, nếu không do nhà máy TQ sản xuất thì cũng là thép nhập từ TQ. Nhiều quốc gia Châu Âu (điển hình nước Ý và Hy lạp) hiện đang “bối rối” vì nhân công TQ đã “thống lĩnh” một số thị trường sản xuất nội địa, như may mặc.
Sách lược “vành đai con đường” của TQ vì vậy rất “dài hơi”. “Trung hoa mộng” có thành công hay không tùy thuộc vào sách lược “vành đai con đường” (có thành công hay không). Vì vậy chuyện Tập Cận Bình (có thể) được làm lãnh tụ cho tới chết, thực ra là cần thiết (cho sách lược vành đai con đường). Chính trị TQ đang cần một sự cần một sự quyết lâm và liên tục, ít ra đến năm 2030.
Việt Nam ở đâu trong bối cảnh đó ?
VN cần Mỹ, nói trắng ra, là để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” ở HS và TS đồng thời lợi ích của VN ở khu vực biển của mình đúng theo qui định của Luật quốc tế về Biển 1982.
VN muốn lợi dụng quyền tự do hàng hải của Mỹ, theo đúng qui định của Luật quốc tế, khi các chiến hạm của Mỹ qua lại khu vực biển Trường Sa, để bảo vệ lợi ích của mình.
Việc này, nếu xem lại, thì lãnh đạo CSVN cũng “nhổ ra rồi lại liếm”.
Năm 1965, nhà nước VNDCCH lên tiếng trên các cơ quan ngôn luận của mình rằng, vùng biển mà Đệ thất hạm đội của Mỹ đang hoạt động là thuộc về Trung quốc.
Điều này phía TQ có nhắc lại năm 2014, trên diễn đàn LHQ, gồm công hàm 1958, bản đồ, các bài báo trên tờ Nhân Dân…
Từ lâu tôi có nói là chính sách “quốc tế hóa Biển Đông” của lãnh đạo CSVN là “thất bại”.
Không một chính sách nào thành công nếu cơ bản nó đặt trên những điều mâu thuẩn. Nguyên tắc “không được nói ngược – Estoppel” đã khiến cho VN bây giờ “hả miệng mắc quai”.
Từ lâu tôi viết rằng, khi mà nhà nước CSVN vẫn xem chính quyền VNCH là “ngụy”, là tập đoàn “đánh thuê” thì Hoàng Sa và Trường Sa xem như “mất vĩnh viễn”.
Gọi VNCH là “ngụy”, là “tập đoàn đánh thuê” thì không hề có vấn đề “kế thừa”.
Mà nếu không kế thừa VNCH, tức không vịn vào các hành vi của chế độ này thể hiện trước trường quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS, từ hội nghị San Francisco 1951 cho tới trận thủy chiến Hoàng Sa 17,19 tháng Giêng 1974, thì nhà nước CSVN hôm nay không có cách nào, không còn lý do gì để khẳng định chủ quyền tại HS và TS.
Mỹ “trở lại” cũng không thể biến CHXHCNVN thành VNCH. Mỹ trở lại không phải để “be bờ”, cô lập TQ, (mà để “bảo vệ anh ninh và thịnh vượng” của nước Mỹ).
Câu hỏi cần đặt ra là “quyền lợi” của VN có “tương đồng” với lợi ích của Mỹ hay không ?
Theo tôi là “không”.
Về chính trị VN là một “tiểu Trung quốc”. Chỉ có một thiểu số đảng viên CS (cánh miền Nam) mới “thân Mỹ”. Lãnh thổ VN là một “bộ phận gắn liền” với sách lược “vành đai con đường” của TQ. Tuyên bố chung VN-TQ 2017 khẳng định VN và TQ có “vận mệnh chung, tương lai chung”. VN có nhiều cơ sở sản xuất hàng của TQ, như các nhà máy sản xuất thép.
Lợi ích chung Mỹ-VN ở Biển Đông, mà thực ra là “lợi ích song song”, bên nào có lợi ích của bên ấy. Lợi ích của Mỹ là “tự do hàng hải”. Việc này hạn chế tham vọng “đường lưỡi bò” của TQ, mà điều này là lợi ích của VN.
Lịch sử thế giới chứng minh, chiến tranh luôn xảy ra do yếu tố “lợi ích kinh tế”. Con người ngày xưa cũng như con thú, tranh giành, chém giết với nhau vì “miếng ăn”. “Lợi ích chiến lược” cũng là “kinh tế” mà “an ninh, thịnh vượng quốc gia” cũng là kinh tế. Ngay cả “chiến tranh lạnh” cũng là một hình thức “chiến tranh kinh tế”: tư bản với vô sản; cá nhân với tập thể; tư do với kiểm soát…
Chiến tranh giữa Mỹ và TQ nếu có xảy ra, nếu Mỹ “đánh trước”, trước hết là “chiến tranh kinh tế”, thể hiện ở mặt “thuế khóa”, “tiêu chuẩn mặt hàng”, “sở hữu trí tuệ” v.v…
Điều này thể hiện thì Mỹ “bẻ gảy” những “ngoe, càng” của TQ về kinh tế. Sách lược “vành đai con đường” bị “cắt”.
Lúc đó TQ trở thành phía phát động chiến tranh.
“Tứ giác kim cương” hay cái gì đó đều là chuyện xa vời đối với VN.
Với sự phát triển của vũ khí, chiến tranh “thứ ba” nếu xảy ra sẽ thể thiện ở mặt không gian và các đại dương.
Mỹ chỉ cần VN không ngả về TQ trong cuộc chiến. Mà trường hợp nào Biển Đông cũng trở thành một “chiến trường”.
Dĩ nhiên không bên nào muốn chiến tranh xảy ra. Trật tự thế giới hiện tại, với hệ thống “công pháp quốc tế”, nhiều năm nay LHQ hô hào một “thế giới thượng tôn pháp luật – International Rule of Law”, theo đó các nước đối xử, giải quyết các mâu thuẩn, các tranh chấp bằng “luật pháp”. Dĩ nhiên VN, nước nhỏ “trên đe dưới búa”, có lợi nhiều hơn khi sử dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình.
Mà khi nói tới pháp luật thì các hành vi “nhổ ra rồi lại liếm” là điều cấm kỵ (nguyên tắc không được nói ngược Estoppel).
VN không thể nhìn nhận HS và TS của TQ (công hàm 1956) rồi phủ nhận nó, như thái độ hiện nay. Tương tự VN không thể công nhận vùng biển HS thuộc TQ (1965) rồi bây giờ nói ngược lại.
Để bảo vệ lợi ích của VN, lãnh đạo CSVN không thể “quốc tế hóa Biển Đông” mà phải “kế thừa di sản VNCH”. Thủ tục thừa kế VNCH là chính sách “hòa giải quốc gia”, điều này tôi đã nhiều lần nói qua. Ngoài ra không có cách nào khác.