Cấn Thị Thêu – Bông hoa từ lòng đất

FB Nguyễn Thúy Hạnh

4-3-2018

Bà Cấn Thị Thêu (thứ 4 từ phải qua). Ảnh: Đặng Bích Phượng.

Dẫn chúng tôi đi trong vườn bưởi đang mùa hoa nở rộ, chị cứ nhắc đi nhắc lại: “Em đừng nói gì về chị nhé! Nếu có nói thì chỉ nói rằng chị biết ơn mọi người đã ủng hộ, chia sẻ với gia đình chị và bà con Dương Nội suốt thời gian qua, đặc biệt lúc chị đi tù”.

Tôi: “Vâng”. Nhưng, khó có thể ko viết ít dòng chỉ đáng phần nhỏ những gì thực sự diễn ra với chị trong 20 tháng ở tù lần thứ hai này, chỉ giữ lời hứa không kể cụ thể.

Quả thật, một con người khi đã muốn sống có ích thì dù ở hoàn cảnh, điều kiện và vị trí nào vẫn có thể cháy hết mình. Chị Thêu là như thế.

Ở trong tù, chị cứng rắn quyết liệt đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống của người tù, đòi những quyền lợi chính đáng của họ. Nhưng với những người bạn tù đủ mọi thành phần (chị bị giam chung với tù hình sự, thường phạm), chị lại trở về mộc mạc chất phác, sẻ chia, tâm tình.

Sự chân tình ấy đã thấm tới tận góc những tâm hồn đầy vết chém của cuộc đời, khiến những con người từng lầm lỗi đó hiểu ra trách nhiệm của họ đối với gia đình và xã hội, phân biệt ra đúng sai. Chị cảm hoá được ngay cả người từng bị chỉ đạo đe doạ uy hiếp chị trong phòng giam.

Khi còn bị tạm giam ở hoả lò, trong một lần chị tuyệt thực phản đối việc bắt giam chị, một cô gái trẻ chung buồng giam, (cô này do lêu lổng ăn chơi mà phạm tội), cứ ôm lấy chị khóc: “Cô đừng chết nhé. Con nhận ra lỗi lầm rồi. Con hứa sau này ra tù sẽ sống nghiêm chỉnh không làm khổ bố mẹ nữa, và con sẽ đi đấu tranh cùng với cô”.

Những ngày tháng ấy đối với chị không hề tẻ nhạt, không hề lãng phí, chị đấu tranh, chị đoàn kết mọi người lại, chị đọc sách… Chị đã khiến từng ngày trở nên có ích. Và đặc biệt chị chỉ dành cho gia đình một góc nhỏ trong tâm hồn, choán hết tâm trí chị là nỗi lo về dân oan Dương Nội và anh em trong phong trào đấu tranh.

Mình hỏi lúc chị ra tù những người ở lại có lưu luyến không. Chị cười, bảo: “Một tháng trước khi ra tù mọi người thay nhau mời cơm chị”. “Ở trong đó nấu ăn được sao mà mời cơm?”, mình thắc mắc. “Cơm mua ở căng tin”, chị trả lời. Ai cũng hẹn hò khi ra tù sẽ tìm đến chị.

*

Buổi chiều, anh Khiêm (chồng chị), và cháu Tư đưa bọn mình leo lên ngọn núi giáp gianh Ninh Bình. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng sâu ở phía Ninh Bình, anh bảo ngày xưa thường cõng con sang bên đó làm nương, và cũng thường vác những bó củi nặng không dưới 50kg trèo từ thung lũng kia qua đỉnh núi này mang về nhà. Anh từng là bộ đội, nhập ngũ đóng quân ở Hoà Bình, khi xuất ngũ anh ở lại, lấy vợ rồi 2 vợ chồng lăn lưng ra khai hoang. Vườn bưởi cả ngàn gốc này là do vợ chồng anh cày vỡ và dành dụm mua thêm đất mà có được.

Anh kể, khi đó cuộc sống chật vật, sáng sáng chị Thêu chỉ uống một chén rượu cho ấm người rồi đi cày cả buổi. Mình cảm thấy vừa khâm phục vừa thú vị, nếu anh Khiêm không kể thì mình chẳng tin chị từng lao động như thế, bởi chị ít nói về mình. Đức tính khiêm tốn của chị thật đáng quý!

*

Tiễn bọn mình ra xe về Hà Nội, chị bảo sáng mai cũng về để dự đám cưới của con một người bạn tù. Hoa bưởi quanh chị ngát hương như cùng tiễn khách, thơm mộc mạc như tâm hồn chị.

Dẫu biết con đường chị đang đi còn đầy chông gai, nhưng chị vẫn thật hạnh phúc khi dám sống hết mình, càng hạnh phúc hơn khi chị được cả chồng và các con cùng đồng hành, Trịnh Bá Khiêm, Trịnh Bá PhươngTrịnh Bá Tư. Và cả những người yêu chuộng công lý, tự do nữa, luôn đồng hành cùng chị!

Trân quý chị biết mấy, Cấn Thị Thêu, bông hoa của đất!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Kính Bạch Thầy! Con đã đọc bài: Hãy tránh xa “chủ nghĩa cho nhận. Từ lá thư xin được cúng dường với tâm mong cầu của đạo hữu Mật Cát Xuyên, Thầy đã từ bi chỉ ra những sai lầm trong mục đích cúng dường và cúng dường với tâm bất tịnh là nguyên nhân gây tổn phước để giúp học trò Mật gia Song Nguyễn luôn giữ thân, ngữ, tâm thanh tịnh khi có ý nguyện cúng dường bậc Đạo sư. Con cầu nguyện cho sức khỏe và sự trường thọ của Thầy Cô vì lợi lạc cho chúng sinh. Cầu nguyện cho tất cả chúng sinh có đức tính khiêm tốn và ý thức hổ thẹn. Om Mani Padme Hum!

Comments are closed.