24-2-2018
“Tôn giáo duy nhất cần thiết để cứu vớt nhân loại là tình yêu thương. Phép màu hảo diệu nhất là bao dung và làm điều tốt cho người khác. Thánh thần chỉ tồn tại và ngự trị ở trong chính họ khi con người ta luôn có thiện tâm hiện diện trong tâm hồn”.
Đây chính là điều nguy hiểm nhất cho một xã hội, cho công cuộc xây dựng quốc gia. Các cụ nhà ta từ xa xưa đã nói, một lần bất tín, vạn lần bất tin, vậy nhưng dường như là người dân chúng ta vẫn chưa học thuộc và thấm nhuần cái tư tưởng này vào trong đầu thì phải.
Chúng ta đến nay trên đất nước có khoảng hơn chục loại tôn giáo chính thống, hoặc nhóm tín ngưỡng đủ kiểu cả, đấy là tôi còn chưa tính đến các loại mê tín tâm linh quái gở và mù quáng khác đang hoành hành và tàn phá xã hội. Hầu hết con người trong đất nước ta cứ mê mải dựa dẫm vào thánh thần trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng khi tôi vừa hỏi người ta là làm thế nào để xã hội tốt lên, hay làm ăn kinh doanh thì cần cái gì trước tiên, thì đa phần lại im lặng hoặc là trả lời không ra sao cả. Kể cả là những người được cho là đã có chút vốn liếng hay thị tiếng làm ăn trong xã hội. Cái quan trọng nhất là niềm tin với nhau dựa trên sự trung thực và tôn trọng luật pháp, chứ không phải là trước khi ký hợp đồng, giao dịch thì cứ cúng bái hay thắp hương, cầu trời, khấn phật cho làm ăn phát đạt hoặc đề cao quan hệ với quan quyền như một sự đảm bảo chính yếu, còn trong khi thực hiện hợp đồng thì cứ dè chừng nhau, sợ người ta ăn quỵt, bội tín. Và còn có tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ rồi nhờ vả người này người kia bảo lãnh, để cốt là làm gì trong cái việc ấy. Tôi cho là chẳng có gì khác là để tạo dựng niềm tin cho đối phương, nhưng mà chính mình thì lại với tâm lý nghi ngờ là suy nghĩ người ta cũng lo sợ và có khả năng bội tín như mình không.
Vậy nên, thiếu cái đó thì làm ăn làm thế nào được với nhau. Mà như thế thì quốc gia cũng làm sao mà trông cậy vào được những con người thiếu niềm tin mà làm ăn còn có tư tưởng manh mún, chụp giật, chỉ nghĩ được cái lợi trước mắt rồi nếu không làm được thì còn quở trách, lý do này nọ mà đổ lỗi cho cái này cái kia, cốt để trốn tránh trách nhiệm.
Thế thì đi ra ngoài làm ăn, hợp tác với quốc tế, nếu có thì chỉ được một lần là họ không dám làm ăn thêm lần nào nữa. Tôi nói không sai là vậy.
Mà như vậy thì thần thánh hay tôn giáo nào có ích gì cho con người và dân tộc. Mà nếu cứ bám vịn vào thần thánh và tôn giáo kiểu đó thì tôi cho là còn làm con người ta mụ mị và u mê thêm đi chứ chẳng đem lại lợi lộc gì cho cuộc sống và sự văn minh cả.
Tôi chưa thấy quốc gia nào mà đa sắc về tôn giáo và các tín ngưỡng tâm linh như ở xứ ta, tôi cho là nhiều vô tội vạ, khiến tôi không thể nào hiểu hết hay nắm bắt cặn kẽ được. Nhưng điểm qua hiện tại chúng ta có đạo Phật là có lượng phật tử đông đảo hơn cả, tiếp đến là Công Giáo, Tin Lành, Đại Thừa, Tiểu Thừa, và Hồi Giáo,…
Tôi thì cho rằng, người ta đang lợi dụng thần thánh và sự mê tín của dân chúng mà phần lớn nhận thức về khoa học còn hạn chế nhưng lại dành nhiều niềm tin vào truyền thuyết và kiểu tư duy bám vịn vào thánh thần để giải quyết các khúc mắc bị bế tắc trong tinh thần mà hiện thực đời sống cũng như sự hạn chế về hiểu biết, học thuật khiến họ không có câu trả lời thỏa đáng hay tìm ra phương cách giải quyết. Đâm ra cứ thế mà họ tin vào thần thánh như là một phép màu cho mình.
Mà khi thiếu niềm tin vào con người, mà đặc biệt luật pháp không phải là chỗ dựa cho việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thì tôn giáo và thần thánh lại càng được đà để phát huy trong đời sống dân chúng.
Đi đâu tôi cũng thấy người ta nói những lời giáo huấn, đạo lý, những câu chuyện về lương tâm, phẩm giá và nhân cách, nhưng mà thực là đảo điên hết mức và bậy bạ quá sức tưởng tượng. Cứ nhìn thẳng vào đời sống mà xem, tại sao mà lễ hội văn hóa hay trong các buổi hội họp, sinh hoạt, tưởng niệm mà người ta cứ thản nhiên cướp bóc, giành giật và giẫm đạp lên nhau để cướp lộc? Trong đời thường thì sao, người ta vô tư bán thực phẩm bẩn, làm ăn gian dối và sẵn sàng ám hại nhau, pháp luật thì không sử dụng, từ trong kinh doanh đến quan hệ gia đình, làng xóm. Đối đãi với nhau thì qua quýt, khéo léo, giả tạo, dễ dàng chê bai nhau, phán xét nhau, phạm lỗi lầm hay chuyện xích mích nhỏ cũng khó bỏ qua hay tha thứ cho nhau, hơn thua bằng được, ganh ghét đố kỵ,…Vậy thì thần thánh với cả những lời hay ý đẹp được rao giảng nào có ích gì cho những con người và xã hội như thế.
Rồi trong đời thường, người ta bảo làm sao để được an yên, thanh thản trong tâm hồn, thế là họ trích dẫn ngay lời của Phật dạy ra (vốn họ chỉ hiểu được một phần giá trị của những lời răn dạy đó) mà cho rằng nên buông bỏ, không tham lam, biết diệt dục vọng, tránh tâm tà, không làm điều ác, và cần xa rời thị phi thì tâm hồn mới trở nên tĩnh tại được. Nghe đến đây thôi là tôi đã thấy được những kiểu giáo huấn này thực làm con người ta trở nên lệch lạc và vô cảm. Đức Phật đi hành hương khắp nơi và suốt đời để truyền thụ phật pháp cốt làm cho con người tốt đẹp hơn lên trong tâm hồn, nhưng Phật cũng dạy con người ta phải có cả Dũng và Trí, tức là trí tuệ và lòng dũng cảm. Thế thì lòng dũng cảm được thể hiện ở đâu và lúc nào, thì người ta lại cứ lờ nó đi, thật là tai hại. Dũng và Trí, chính là lúc đối đầu với cái ác, cái xấu xa hoành hành trong xã hội, có dẹp bỏ được những điều gây ra đau khổ và bất công trong xã hội thì ta mới có thể yên lòng và thanh thản được chứ. Chứ đâu phải chỉ biết chấp nhận những thứ tồi tệ diễn ra trước mắt mà mình thì không hành động gì cả, rồi tự vấn đó là buông bỏ và mình là một người tốt, thậm chí đã giác ngộ. Thật bậy bạ hết mức với những nhận thức và giáo huấn như thế. Tôi cho rằng, đa phần chưa giác ngộ và lĩnh hội được cốt lõi những chân giá trị của đạo Phật mà khiến cho con người trở nên nhầm lẫn hoặc cố tình sử dụng nó để phục vụ mưu cầu cá nhân, ru ngủ thiên hạ nhằm mục đích tư lợi hoặc phục vụ làm công cụ cho chính quyền để dân chúng xa lánh chuyện chính trị và xã tắc.
Chúng ta cũng thử nhìn vào các sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo hiện nay để xem. Người ta đến cầu khấn thánh phật chỉ đơn giản là để được xoa dịu tâm can, đến trấn an tâm hồn mình, hoặc để gột rửa những tội lỗi mà họ phạm phải trong đời thường hay chứng kiến tội ác người khác gây ra mà lẳng lặng bỏ đi. Người ta ra ngoài xã hội gì mà đầu độc nhau bằng cách buôn gian bán lận, đồ giả, quỵt nợ, phản bội và lật lọng chỉ vì ít lợi lộc, thương mại thì lắm mưu mẹo, khôn lỏi, thế nên xã hội cứ đảo điên và hỗn loạn như một mớ bòng bong, mà cốt chỉ do con người không trung thực và thiếu niềm tin tạo ra.
Thế thì thiếu niềm tin còn tìm đến thánh thần để làm gì?
Muốn dự phòng rủi ro thiệt hại, hoặc muốn kiện tụng đòi quyền lợi thì phải tìm luật sư và đến tòa án; muốn chữa bệnh thì phải tìm đến bệnh viện và có bác sỹ giỏi; muốn học tốt phải tìm thày có trình độ và trường lớp đàng hoàng; muốn con cái khôn ngoan thì phải khích lệ và chỉ dẫn chúng; muốn làm ăn lớn và lâu dài thì phải giữ chữ tín; muốn có kỷ cương thì pháp luật phải nghiêm; muốn quốc gia thịnh vượng thì nền chính trị phải dân chủ (tức không được độc quyền) và minh bạch; muốn tâm hồn thanh thản thì luôn phải trung thực, làm điều tốt đẹp và kể cả mang lại điều tốt đẹp đến cho người khác; muốn sống an toàn và lành mạnh thì phải có môi trường trong sạch; muốn có thành phẩm thì phải lao động.
(…)
Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN