47 dường như đã bại, cơ hội cho… n7

Blog VOA

Trân Văn

22-2-2018

Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 – 2016. Photo Courtesy

Lần đầu tiên trên mạng xã hội, các facebooker tấn công lẫn nhau về việc tưởng niệm hay làm ngơ sự kiện đã xảy ra cách nay 39 năm: Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc ồ ạt tràn qua biên giới để “dạy cho Việt Nam một bài học”…

Tuy đang trong những ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất 2018 nhưng nhiều facebooker vẫn lên tiếng khẳng định, phàm đã là người Việt, chớ quên sự kiện phải “khắc cốt, ghi tâm” này.

Thêm một lần nữa, hàng trăm ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam thắc mắc rằng tại sao cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông thi nhau quảng bá về cuộc “tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” mà bản chất là “huynh đệ tương tàn”, thêm một lần nữa, đâm, xé… khiến vết thương lòng của hàng triệu người rỉ máu nhưng lại phớt lờ vụ Trung Quốc xâm lăng Việt Nam (?).

Thêm một lần nữa, hàng trăm ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam lại chia sẻ với nhau những hình ảnh, thống kê, kèm thắc mắc: Phải hiểu thế nào là tự hào dân tộc, là tự trọng khi không dám nhận diện, gọi tên kẻ thù, cấm biểu diễn những bài hát, vở kịch, tự ý đục bỏ khỏi sách giáo khoa những bài học đề cập đến mười năm chống “bành trướng Bắc Kinh” bảo vệ lãnh thổ, thảng hoặc có nhắc tới thì chỉ gọi một cách chung chung là “địch”, làm cả người lớn lẫn hậu sinh hoang mang.

Thêm một lần nữa, hàng trăm ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam phẫn nộ khi sáng mùng hai Tết Mậu Tuất 2018, thời điểm mà nhiều người hẹn nhau đến thắp hương, tưởng niệm những người lính Việt đã đền nợ nước trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam, khoảng trống trước tượng đài Lý Thái Tổ ở thành phố Hà Nội tiếp tục trở thành “sàn nhảy” cho một số cặp của Câu lạc bộ Khiêu vũ Thăng Long biểu diễn…

Tuy nhiên khác hẳn trước đây, dẫu không nhiều song trong dịp 17 tháng 2 năm nay, có một đợt “đánh trả” quyết liệt các nhận định, thắc mắc vừa kể trên những diễn đàn điện tử và mạng xã hội. Theo đó, nếu hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tổ chức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam thì chắc chắn Việt Nam sẽ có thêm… hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ mới và những người phản đối việc phớt lờ có dám nhận cho mình một… suất trong những nghĩa trang liệt sĩ mới ấy không (?).

Theo đó, nếu hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tổ chức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam thì chắc chắn nhiều người Việt sẽ… “há mõm” vì Trung Quốc cấm nhập các loại nông sản (cả trồng trọt lẫn chăn nuôi). Yêu cầu tổ chức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam bị xem là “máu quá đà”, thiếu thức thời và chủ yếu là do chưa từng đến Trung Quốc, chưa hiểu Trung Quốc hùng mạnh như thế nào!…

Việc lên án những thành viên của Câu lạc bộ Khiêu vũ Thăng Long giành khoảng trống trước tượng đài Lý Thái Tổ ở thành phố Hà Nội, biến nơi đó thành “sàn nhảy”, khiến nhiều người đã hẹn nhau đến thắp hương, tưởng niệm những người lính Việt đã đền nợ nước trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc không thể thực hiện được dự tính của họ bị cho là “thái quá”, là “dân chủ giả hiệu” vì những cặp từng ôm nhau uốn ép theo tiếng nhạc vào sáng 17 tháng 2 tại tượng đài Lý Thái Tổ có quyền làm điều họ muốn.

Một số facebooker tham gia vào đợt “đánh trả” những chỉ trích về việc phớt lờ sự kiện 17 tháng 2 đã chia sẻ một bài viết của facebooker Hung Ngo Manh viết vào dịp này năm 2016 và năm sau (2017) được trang web của Quốc hội Việt Nam dẫn lại cũng đúng vào dịp 17 tháng 2. Theo facebooker Hung Ngo Manh thì việc khai thác ảnh chụp tấm bia ghi lại chiến tích của Sư đoàn 337 (chặn đứng đợt tấn công của quân đội Trung Quốc hồi 1979) ở cầu Khánh Khê (bản Pa Pách xã Bình Trung, H.Cao Lộc, Lạng Sơn), bị đục bỏ dòng chữ “quân Trung Quốc xâm lược” thì hoặc là “ấu trĩ”, hoặc là “phản động” vì “cố tình xuyên tạc” khiến nhiều người hoang mang, cho là giới lãnh đạo Việt Nam “hèn với giặc, ác với dân, vô ơn với các liệt sĩ”. Ngay cả những nhà báo, tờ báo thuộc hệ thống truyền thông chính thức từng đề cập đến sự kiện 17 tháng 2 cũng bị lên án là “cơ hội, kích động đểu”. Facebooker Hung Ngo Manh nhấn mạnh, tấm bia vừa kể bị đập bỏ chỉ vì nó bằng gạch. Năm 2013, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã chi ra 600 triệu dựng hẳn một “nhà bia” để kỷ niệm chiến thắng Khánh Khê.

Đối chiếu cả hai ảnh thì rõ ràng tấm bia mới dựng trong “nhà bia” trang trọng hơn, nhiều chữ hơn nhưng xét về nội dung thì tấm bia mới chẳng khác gì tấm bia cũ từng làm nhiều người hoang mang bởi người ta không rõ 700 người lính và dân Lạng Sơn từng kết thành một “lá chắn thép” quanh khu vực cầu Khánh Khê hồi đầu năm 1979 để chống ai và đã bị ai giết. Dẫu kẻ thù không được nhận diện, gọi tên mà chỉ được nêu chung chung là “địch” nhưng Hung Ngo Manh dõng dạc cho rằng chừng đó là đủ vì chẳng lẽ năm 1979, Việt Nam đánh nhau với phỉ Fulro ở biên giới phía Bắc…

***

Bất kể cuộc phản công trên Internet, bảo vệ “đường lối, chủ trương” của Đảng CSVN, chống “luận điệu thù địch, phản động” của một số người dùng Internet “khởi sắc” hơn trước, đặc biệt là đối với sự kiện 17 tháng 2, song còn rất nhiều câu hỏi mà chính họ vẫn chưa thể nghĩ ra câu trả lời.

Ví dụ, tại sao đã hơn hai thập niên tính từ ngày “ta” bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhưng thân nhân của hàng chục ngàn liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc vẫn còn chờ hài cốt người thân? Nếu Đảng không vô ơn thì tại sao đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ nhưng Quốc hội, chính phủ không chi tiền để tìm kiếm – qui tập hài cốt hàng trăm ngàn liệt sĩ của nhiều cuộc chiến (chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng Trung Quốc, chống chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia)?

Ví dụ khi Quốc hội, chính phủ đắn đo, nâng lên đặt xuống nhiều lần đề nghị chi một vài tỉ để tìm kiếm – qui tập hài cốt của 2.000 người lính vì chống trả Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ mà trở thành liệt sĩ, giờ vẫn đang phơi giữa mưa nắng trên nhiều cao điểm ở Hà Giang, song không ngần ngại phê duyệt kế hoạch dùng 1.400 tỉ của công quĩ để xây dựng Nghĩa trang Yên Trung, tạo ra 2.000 chỗ nẳm cho giới lãnh đạo Đảng CSVN yên tâm sẽ có “mồ yên, mả đẹp” thì phải hiểu thế nào về bốn chữ “đền ơn, đáp nghiã”?

Đảng vẫn muốn quân đội chiến đấu vì sự tồn vong của mình. Thế nhưng nếu cầm súng chiến đấu chỉ nhằm bảo vệ Đảng mà Đảng thì… thủy chung như thế thì tương lai quốc gia, dân tộc ra sao?

Có rất nhiều vấn đề then chốt mà lực lượng 47 – lực lượng bảo vệ Đảng của quân đội trên Internet – không trả lời được. Chắc phải chờ sự ra đời của nhiều lực lượng khác. Công khố dẫu rỗng nhưng “ta” có thể vay như… vẫn, thế thì cứ… thử!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lăng mộ, tượng đài, bia đá… dù to lớn, hoành tráng đến đâu cũng chỉ có thời của nó.
    “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
    Không ai có thế xóa được ký ức của dân tộc. Đã là xương máu nhân dân, sẽ được khắc sâu vào tâm khảm của nhân dân:
    – Đảng cầm quyền CSVN đã ăn cướp xương máu của nhân dân VN. Chúng là lũ “hèn với giặc”, vì CHÚNG NÓ CHÍNH LÀ GIẶC.
    Giặc cướp! Chúng đã cướp quyền làm chủ đất nước, quyền làm người của nhân dân VN.
    Lũ DLV, lực lượng 47… chỉ là công cụ của Giặc. Thời mạt của đảng cướp đã điểm. Nhục là phải.

Comments are closed.