Chân Lạp Phong Thổ Ký đáp thuyền ngược dòng Cửu Long thăm Đế Thiên Đế Thích

Hồ Bạch Thảo

21-2-2018

Trên 700 năm về trước tác giả Chân Lạp Phong Thổ Ký [真臘風土記] đáp thuyền ngược dòng Cửu Long, thăm Đế Thiên Đế Thích.

Chu Đạt Quan, người thời Nguyên, tác giả sách Chân Lạp Phong Thổ Ký là người đầu tiên viết hồi ký về hành trình đến nước Chân Lạp cùng cuộc viếng thăm Đế Thiên Đế Thích. Ông người châu Ôn, Phúc Kiến; đời vua Thành Tông Nguyên Trinh năm thứ nhất [1295] được tham dự sứ đoàn chiêu dụ nước Chân Lạp, đến năm Đại Đức thứ nhất [1297] mới trở về nước. Trong vòng mấy năm tại Chân Lạp, ông có dịp quan sát khá tường tận, lúc về hoàn thành tập hồi ký; Nguyên Sử Kỷ Sự Bản Mạt đã dùng tư liệu trong sách ông để viết về Chân Lạp.

Hành trình của Chu Đạt Quan cũng có liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay. Trong sách Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hối Biên [我國 南海 諸 島史料滙编] do Hàn Chấn Hoa chủ biên, lập luận rằng Thất Châu Dương là quần đảo Tây Sa [Paracel, Hoàng Sa] (1); do đó ra sức chứng minh rằng hàng hải thời xưa từ Trung Quốc xuống vùng Đông Nam Á đều đi qua quần đảo đảo Tây Sa; rồi cho rằng Tây Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc. Lời khẳng định Thất Châu tức quần đảo Tây Sa nằm trong sách Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hối Biên trang 44; sau đó tại trang 49, nêu lên cuộc hành trình của Chu Đạt Quan từ Trung Quốc đến Chiêm Thành có đi qua Thất Châu Dương; dụng ý cho rằng trên đường đến Chiêm Thành, Chu Đạt Quan từng đi qua Tây Sa.

Trong phần 1, Tổng Tự, Chu Đạt Quan viết về hành trình từ Trung Quốc đến Chân Lạp như sau:

Từ châu Ôn ra biển, thuyền khởi hành theo hướng Đinh Mùi, qua vùng biển Phúc Kiến, Quảng Đông đền biển Thất Châu, rồi qua biển Giao Chỉ đến Chiêm Thành. Lại từ Chiêm Thành theo hướng gió, thuyền đi nữa tháng đến Chân Bồ, thuộc lãnh thổ nước này”.

[自溫州開洋,行丁未針。歷閩、廣海外諸州港口,過七洲洋,經交趾洋到占城。又自占城順風可半月到真蒲,乃其境也]

Hãy sử dụng bản dồ Googles; từ cửa biển châu Ôn, Phúc Kiến tại tọa độ 27.901953,120.929841, thuyền đi theo hướng Đinh Mùi, nếu đổi qua [decode] địa bàn ngày nay tức 202.5 độ; như vậy chỉ có thể đi qua Thất Châu Liệt Đảo [qizhou liedao] tức Thất Châu Đảo tại tọa độ 19.957679,111.255097; chứ không thể nào đến Tây Sa [Paracel Islands, Hoàng Sa] tại tọa độ 16.548301,112.727282 được. Cần minh xác thêm, sách Đông Tây Dương Khảo của Trương Tiếp, tại quyển 9, mục Châu Sư Khảo, cũng chép rằng: “Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý; trên biển có 7 ngọn núi nhô lên liên tiếp, trong có nước suối ngọt có thể uống được”.

Chu Đạt Quan kể tiếp cuộc hành trình:

“Lại từ Chân Bồ theo hướng Khôn Thân, qua biển Côn Lôn, thì vào cửa sông. Cửa sông có hàng chục, nhưng chỉ có cửa thứ 4 có thể vào, kỳ dư cạn và nhiều cát nên thuyền lớn không thông được. Nhưng nhìn từ đằng xa thì cây cổ thụ, mây tre lau lách che lấp, trong lúc thảng thốt khó nhận ra đúng sông mà vào, bởi vậy việc tìm cửa sông rất khó. Từ cửa sông thuyền đi lên hướng bắc, thuận con nước khoảng nữa tháng đến vùng đất gọi là Tra Nam, đây là một quận trực thuộc. Rồi từ Tra Nam phải đổi sang thuyền nhỏ, thuận nước có thể đi hơn 10 ngày, đến thôn Bán Lộ, thôn Phật, qua biển Đạm, đến vùng đất gọi là Can Bàng, đi 50 lý sẽ đến thành”.

[又自真蒲行坤申針,過崑崙洋,入港。港凡數十,惟第四港可入,其餘悉以沙淺故不通巨舟。然而彌望皆修藤古木,黃沙白葦,倉卒未易辨認,故舟人以尋港為難事。自港口北行,順水可半月,抵其地曰查南,乃其屬郡也。又自查南換小舟,順水可十餘日,過半路村、佛村,渡淡洋,可抵其地曰干傍,取城五十里]

Theo sự ước đoán ngày nay, Chân Bồ tức vùng địa dầu Chân Lạp giáp giới Chiêm Thành, thuộc tỉnh Bà Rịa. Từ đó thuyền đi theo hướng Khôn Thân [232.5 độ] qua biển Côn Lôn tức vùng biển từ Côn Đảo đến bờ biển phía đông Nam Phần, đến cửa thứ 4 sông Cửu Long [tính từ bắc xuống nam] tại tọa độ 9.954357,106.633598, tức sông Hàm Luông. Từ một vùng đất tại Bà Rịa như Long Hải, dùng địa bàn nhắm theo hướng 232.5, có thể tởi cửa sông Hàm Luông; hơn nữa Hàm Luông là sông có lưu lượng nước mạnh nhất trong 9 nhánh sông Cửu Long, có khả năng dùng thuyền lớn. Thuyền theo hướng bắc, từ sông Hàm Luông, ngược sông Tiền Giang, đến sông Mekong đi nữa tháng đến Tra Nam; chỗ này phải từ bỏ sông Mekong lớn sang sông Tonle Sap nhỏ, nên bắt buộc phải đổi sang thuyền nhỏ, vị trí ứng vào thủ phủ Nam Vang ngày nay, tại tọa độ 11.564781,104.938461. Xin lưu ý vào thời đó kinh đô Chân Lạp tại Đế Thiên Đế Thích, còn Nam Vang tức Tra Nam chỉ là một quận trực thuộc thôi. Từ Nam Vang ngược dòng Tonle Sap, đi 10 ngày, qua Biển Đạm tức Biển Hồ Tonle Sap, rồi đến Can Bàng thì rời thuyền, nơi này có thể là Phnom Krom tại tọa dộ 13.270983,103.819336, thuộc vùng phụ cận phía nam Siem Reap, cách Đế Thiên Đế Thích khoảng 50 lý [25 km].

Về Đế Thiên Đế Thích sách Chân Lạp Phong Thổ Ký mô tả khá tỷ mỹ; khách thưởng ngoạn kỳ quan thế giới ngày nay, có thể chia sẽ những hiểu biết với tác giả Chu Đạt Quan, qua những điều tai nghe mắt thấy hơn 700 năm về trước. Họ Chu phân chia thắng cảnh này thành 2 phần: thành quách tại phía nam và cung điện ở phía bắc.

Thành quách có hai thành tiêu biểu: thành lớn nhất chu vi 20 lý [1 lý tương đường 0.5 km] có 5 cửa; theo sự mô tả vị trí ứng vào Angkor Thom, tại tọa độ 13.441273,103.859086. Thành thứ 2, tại phía nam Angkor Thom, chu vi 10 lý; vị trí ứng vào Angkor Watt, tại tọa độ 13.412453,103.867013.

Angkor Thom

Thành Angkor Thom, Chu Đạt Quan gọi là châu thành, ông mô tả như sau:

“Châu thành chu vi độ 20 lý, có 5 cửa, cửa có 2 lớp; duy hướng đông có 2 cửa, các hướng khác chỉ có một mà thôi. Ngoài thành có hào lớn, ngoài hào có đường giao thông và cầu bắc qua. Hai bên cầu đặt 54 vị thần bằng đá, to lớn uy nghiêm như thạch tướng quân; cả 5 cửa đều thiết trí như vậy. Lan can cầu đều bằng đá, tạc hình rắn có 9 đầu; 54 vị thần vươn tay chặn vào đầu rắn, ở vào vị thế không cho chúng chạy khỏi. Trên mỗi cửa thành có đầu Phật lớn; 5 đầu, mỗi đầu có 4 mặt nhìn 4 phương. Bên trong đặt một tượng Phật, trang sức bằng vàng; hai bên cửa tạc đá thành hình voi. Thành lũy xây bằng đá, cao 2 trượng [1 trượng=3.3 mét], đá xây rất kiến cố chu mật, cỏ không mọc được, không có nữ tường (2). Tại thành có vài chổ trồng cây quang lang; nhà trống san sát, mái nhà nghiêng nghiêng, sâu đến hành chục trượng; trước có cửa lớn, ban đêm đóng, ban ngày mở, đặt người coi cửa, cấm không cho chó vào. Thành vuông, 4 phương đều có tòa tháp bằng đá, những người phạm tội hình bị chặt ngón chân, không được vào.

Trong thành một tòa tháp bằng vàng, gần quanh có hơn 20 tháp đá, hơn 100 ngôi nhà đá, tất cả đều hướng đến cầu vàng phía đông. Hai phía tả hữu cầu có 2 tượng sư tử vàng; 8 vị Phật vàng tại phía dưới dãy nhà đá. Phía bắc tòa tháp vàng khoảng 1 lý, có tòa tháp đồng so với tháp vàng cao hơn; xem ra vẻ to lớn, phía dưới có mấy chục căn nhà đá. Lại phía bắc khoảng 1 lý là tòa nhà Quốc chúa, chỗ ngủ lại có tháp vàng. Thuyền buôn các nơi đến, có lời khen ‘Phú quí Chân Lạp’, ý chỉ về chốn này”.

[州城周圍可二十里,有五門,門各兩重。惟東向開二門,餘向皆一門。城之外皆巨濠,濠之外皆通衢大橋。橋之兩傍共有石神五十四枚,如石將軍之狀,甚巨而獰,五門皆相似。橋之闌皆石為之,鑿為蛇形,蛇皆九頭。五十四神皆以手拔蛇,有不容其走逸之勢。城門之上有大石佛頭五,面向四方。中置其一,飾之以金。門之兩旁,鑿石為象形。城皆疊石為之,高可二丈。石甚周密堅固,且不生繁草,卻無女墻。城之上,間或種桄榔木,比比皆空屋。其內向如坡子,厚可十餘丈。坡上皆有大門,夜閉早開,亦有監門者,惟狗不許入門。其城甚方整,四方各有石塔一座,曾受斬趾刑人亦不許入門。

當國之中有金塔一座,傍有石塔二十餘座。石屋百餘間,東向金橋一所。金獅子二枚,列於橋之左右。金佛八身,列於石屋之下。金塔之北可一里許,有銅塔一座,比金塔更髙,望之鬱然。其下亦有石屋數十間。又其北一里許,則國主之廬也。其寢室又有金塔一座焉。所以舶商自來有「富貴真臘」之褒者,想為此也。]

Angkor Watt

Riêng Angkor Watt tại phía nam Angkor Thom; chu vi 10 lý, bằng một nữa Ankor Thom, nhìn qua bản đồ Google thấy tương đối đúng với kích thước hiện tại. Chu Đạt Quan mô tả thành này như sau:

“Tháp đá tại ngoài cửa nam [Angkor Thom] hơn nữa lý; truyền thuyết do Lỗ Ban xây 1 đêm thành. Mộ Lỗ Ban tại cửa nam khoảng 1 lý, chu vi thành 10 lý. Nhà bằng đá có đến hàng trăm gian.

Ao phía đông cách phía đông thành 10 lý, chu vi hàng 100 lý; trong đó có tháp đá, nhà đá. Trong tháp có Phật nằm bằng đồng, tại rốn thường có nước chảy ra, mùi vị giống rượu, dễ làm say người.

Ao phía bắc tại phía bắc thành 5 lý, trong có tòa tháp vàng hình vuông, mấy chục gian nhà đá. Lại có sư tử vàng, Phật vàng; các loại tượng, voi, ngựa bằng đồng”.

[石塔在南門外半里餘,俗傳魯般一夜造成。魯般墓在南門外一里許,周圍可十里,石屋數百間。

東池在城東十里,周圍可百里,中有石塔、石屋。塔之中有臥銅佛一身,臍中常有水流出。味如中國酒,易醉人。

北池在城北五里,中有金方塔一座,石屋數十間。金獅子、金佛、銅象、銅牛、銅馬之屬,皆有之.]

Cung điện 

Cung điện tại phía bắc thành, ứng với vị trí đền Preah Khan tại tọa độ 13.461898, 103.871868, tác giả Chân Lạp Phong Thổ Ký mô tả như sau:

Cung điện và phủ đệ các quan đều theo hướng đông. Cung điện tại phía bắc tháp vàng, cầu vàng; gần cửa bắc, chu vi khoảng 5,6 lý. Những ngôi nhà chính làm bằng ngói và chì; kỳ dư là ngói đất màu vàng. Cột và rường rất lớn, đều điêu khắc hình Phật. Nhà trông hùng tráng, hành lang đường ngang lối dọc, đột ngột sâm si, trông rất qui mô. Nơi công sự việc quan có cửa song vàng, cột cửa hình vuông, trên có mấy chục kính chiếu xuống, ở dưới có hình voi. Nghe rằng ở trong có nhiều nơi kỳ lạ; nhưng phòng cấm rất nghiêm, không thể vào xem được.

Ở trong tháp vàng, ban đêm Quốc chúa nằm nghĩ trong đó. Dân bản xứ nói trong tháp có xà tinh 9 đầu, là con gái, chủ thổ địa; mỗi đêm đều gặp Quốc chúa. Trước hết Quốc chúa phải ngủ và giao cấu với tinh này; tuy vợ cũng không được vào. Đến canh hai mới ra, sau đó ngủ với vợ. Nếu con tinh này một đêm không đến, tức Quốc chúa đã đến ngày chết; nếu Quốc chúa một đêm không đến, ắt phải gặp tai họa.

Thứ đến nhà cửa của Tôn thất, đại thần, theo chế độ rộng hẹp, đối với thường dân có sự sai biệt. Chu vi che bằng cỏ, riêng miếu và nhà chính cho phép lợp bằng ngói; lại tùy theo chức quan được phép có nhà cửa rộng hẹp theo qui chế. Loại thấp như nhà dân thường, chỉ lợp bằng lá, không dám lợp ngói; nhà rộng hẹp tùy theo nghèo giàu, nhưng không được bắt chước qui cách phủ đệ quan”.

[國宮及官舎府第皆面東。國宮在金塔、金橋之北,近北門,周圍可五六里。其正室之瓦以鉛為之;餘皆土瓦,黃色。樑柱甚巨,皆雕畫佛形。屋頗壯觀,修廊複道,突兀參差,稍有規模。其蒞事處有金窗,欞左右方柱,上有鏡約有四五十面,列放於窗之旁。其下為象形。聞內中多有奇處,防禁甚嚴,不可得而見也。

其內中金塔,國主夜則臥其下,土人皆謂塔之中有九頭蛇精,乃一國之土地主也。係女身,每夜則見,國主則先與之同寢交媾,雖其妻亦不敢入。二鼔乃出,方可與妻妾同睡。若此精一夜不見,則番王死期至矣;若番王一夜不往,則必獲災禍。

其次如國戚大臣等屋,制度廣袤,與常人家迥別;周圍皆用草蓋,獨家廟及正寢二處許用瓦。亦各隨其官之等級,以為屋室廣狹之制。其下如百姓之家,止用草蓋,瓦片不敢上屋。其廣狹雖隨家之貧富,然終不敢傚府第制度也.]

Chú thích:

1. Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên [我國南海 諸島史料滙编], Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 44.

2. Nữ tường: tường nhỏ, xây phụ bên trên tường chính của thành.

Bình Luận từ Facebook