Phạm Chí Dũng
13-2-2018
Thấm thoắt lại một cái tết nữa…
Cũng thấm thoắt đã hai năm trôi qua kể từ lúc tân Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng nghênh ngang “tiến về Sài Gòn” với khẩu hiệu không kém kênh kiệu: “Vì dân và hành động”.
Mị dân rẻ tiền nhưng vẫn hiệu quả
Thời thế mới cần những triết lý và những khẩu hiệu mới – cho đảng, nhưng trên hết là cho những cá nhân trong đảng. “Vì dân và hành động” dù chẳng có gì mới nhưng vẫn khác với thứ bẻm mép “của dân, do dân và vì dân” đã ôi thiu đến rữa khuẩn mà vẫn chẳng thấy hành động đâu.
Xây đường cho “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, dàn xếp để Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) mua sữa của người nuôi bò ở Củ Chi, đứng ven kênh Nhiêu Lộc để vớt rác… là những hành động mới, theo khẩu hiệu mới của Đinh La Thăng. Dù chỉ là số ít, vụn vặt và một số hành động đã chẳng mang lại kết quả thực tế nào ngoài lời hô hào và hứa hẹn, Đinh La Thăng vẫn được nhiều người dân, nhất là tầng lớp bình dân hoan nghênh, bởi một chân lý đơn giản là biểu hiện của Đinh La Thăng khác hẳn với quá nhiều quan chức chỉ nói mà không làm, nhiều khi còn không dám nói. Kết quả của chuỗi “hành động Đinh La Thăng” thậm chí còn khiến cho một số người dân Sài Gòn giữ được thiện cảm với ông Thăng ngay cả về sau này khi Thăng bị Nguyễn Phú Trọng tống vào tù.
Trong giới chính trị gia hỗn độn vào thời chủ nghĩa tư bản dã man ở Việt Nam, Đinh La Thăng xứng đáng là một trong những chóp bu khoa trương nhất, ồn ào nhất mị dân nhất và mị báo nhất. Đinh La Thăng hẳn có một sự am hiểu và độ nhạy cảm mạnh mẽ về tình trạng đại đa số người dân và cả công chức viên chức phụ thuộc báo chí nhà nước về mặt định hướng và tuyên truyền. Theo đó, bất cứ một hành động quan chức nào, dù chỉ rất nhỏ hoặc chưa mang lại kết quả nào hay biết chắc là sẽ chẳng mang lại kết quả nào, nhưng một khi được vài chục tờ báo đảng và nhà nước đồng loạt cho “lên đồng” thì đó vẫn là hành động có ý nghĩa, để lại dấu ấn sâu đậm cho một bộ phận xã hội đang lang thang cháy cổ ngoài sa mạc chế độ xã hội chủ nghĩa, để chỉ cần một làn mưa nhỏ là vội ngẩng mặt nhìn trời ơn vái.
So với chủ nghĩa tư bản dã man cách đây gần 300 năm, Đinh La Thăng rõ là đã đáp ứng tiêu chí của hình thái mị dân rẻ tiền nhưng lại đạt hiệu ứng khá cao.
Nhưng Đinh La Thăng cũng là một tiêu biểu về tính quả báo nhất trên nền bức tranh chế độ độc đảng đang ngả sang màu tối đùng đục.
Cứ buông đao là thành Phật?
Hai năm sau “vì dân và hành động”, Đinh La Thăng đã đi thẳng vào nhà lao bởi nhát “cẩu đầu trảm” của những người đồng chí không đồng lòng của ông.
Cuộc đời đã chứng minh rằng triết lý “buông đao thành Phật” không phải đúng với tất cả.
Đinh La Thăng xuất thân từ một nhóm lợi ích và móc xích với một nhóm quyền lực. Vào mùa xuân năm 2016, nhân vật này đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp chính trị bằng một vị trí trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể vào lúc ấy, Thăng đã cảm thấy tiền bạc đã quá dư dả mà không còn là một nhu cầu quá bức thiết đối với mình, trong khi phần đời còn lại là quyền lực và danh vọng – những điều mà một người dân thường thì chẳng mấy quan tâm, nhưng loại chính trị gia nửa mùa như Thăng và các đồng chí của ông thì sẵn sàng tự chết đuối trong nó.
Không khác gì Trịnh Xuân Thanh sau chuỗi năm ăn chơi trác táng ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rồi tìm cách “hạ cánh” ở một tỉnh trú phú miền Tây Nam Bộ với cương vị phó chủ tịch phụ trách về an sinh xã hội, Đinh La Thăng có thể đã muốn “rửa tay gác kiếm” bằng tâm nguyện “từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TP. Hồ Chí Minh”, muốn tìm một “bãi đáp” an dưỡng sau thời quẫy vùng các dự án béo bở ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các gói thầu béo bở không kém thời làm bộ trưởng giao thông vận tải sau đó.
Có thể, sự nghiệp danh vọng chính trị của Đinh La Thăng sẽ không đến nỗi nào, thậm chí còn “lưu vào sử xanh”, nếu không có cú “hồi tố” của Nguyễn Phú Trọng dành cho Nguyễn Tấn Dũng.
Hai mùa xuân sau khi bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị – mà theo nhiều đồn đoán thì đó là một thỏa thuận ngầm giữa các quan chức cao cấp với nhau tại đại hội 12 – Đinh La Thăng chỉ còn “xin được ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi thụ án”.
Trong một trạng thái hoang tưởng cùng cực và dù đã gần như sụp xuống khóc lóc thảm thiết, Đinh La Thăng đã bị chính những đồng chí của mình “giết sống”.
Cái án 13 năm tù giam dành cho Đinh La Thăng chỉ riêng trong vụ án đầu tiên còn nặng hơn cả mức án tù bình quân mà chế độ độc đảng đối xử với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Nhưng dù gì, những người hoạt động nhân quyền vẫn ngẩng cao đầu vì họ đều không nhỏ một giọt nước mắt nào, đều tỏ một tinh thần bất khuất không nhận tội và luôn tin vào lý tưởng cùng con đường của mình. Cái giá mà họ phải trả là khác hẳn với số phận của những quan chức như Đinh La Thăng.
Vận đen phá chùa
Chỉ trước nỗi cám cảnh của Đinh La Thăng có một năm, một quan chức đầy ắp tham nhũng khác là Trịnh Xuân Thanh cũng đã nếm mùi mất nhân quyền cá nhân khi người này phải la làng về chuyện đảng mất dân chủ và độc tài quy chụp. Nhưng chỉ đến khi bị đảng cho công an truy nã ráo riết, Trịnh Xuân Thanh mới đủ can đảm viết đơn “ly dị” đảng.
B14 – nơi Đinh La Thăng đang “tạm trú” – cũng như nhiều trại tạm giam khác của Bộ Công an, lại là những nơi giam giữ chính trị phạm, hoặc tù nhân lương tâm – những người đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Có thể lần đầu tiên Đinh La Thăng mới thực sự trải nghiệm để ý thức một cách chua chát rằng ông đã bị bắt và bị xử bởi chính những người mà chỉ mới ngày hôm qua còn gọi ông là “đồng chí”, cùng nhậu nhẹt và chơi bời với nhau như thể cái tình bạn cảm động và vĩ đại ấy không bao giờ chia lìa.
Vào giờ này, nằm trong trại tạm giam B14 của Bộ Công an, có lẽ, lần đầu tiên trong cuộc đời quan chức lên như diều gặp gió và tiền nhiều như nước sông Đà của mình, Đinh La Thăng nhớ về… nhân quyền.
Trong lúc không hề sượng sùng tuyên ngôn “vì dân và hành động” và tìm cách lấy lòng giới cán bộ lão thành, có công cách mạng, trí thức và cả những người dân thường, Đinh La Thăng lại tuyệt đối không nhân nhượng với giới hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn trong suốt thời gian ông ta nhậm chức bí thư thành ủy.
Thậm chí thời Đinh La Thăng còn qua mặt và vượt hẳn cả bí thư thành ủy cũ là Lê Thanh Hải cùng đương kim bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về “thành tích” ném mắm tôm, đánh đấm và bắt bớ nhân quyền vào các lễ tưởng niệm 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh để bảo vệ Trường Sa năm 1974, ngày 17/2/2016 tưởng niệm 6 vạn quân nhân và người dân Việt Nam đã hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc 1979 chống Trung Quốc xâm lược. Hàng trăm người bị đàn áp, bị đánh đập, bị cấm ra khỏi nhà ở Sài Gòn. Công an TP.HCM lao vào đám đông và giật phá tan nát vòng hoa tưởng niệm ở Sài Gòn.
Nhưng trong bảng vàng thành tích của Công an TP. HCM và Bí thư Đinh La Thăng, trận đàn áp cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày 8/5/2016 mới cần được gạch dưới như một “đỉnh cao chói lọi”: lực lượng ăn thuế của dân đã bắt đến 500 công dân biểu tình nhốt tại sân vận động Hoa Lư. Ngày hè đỏ nắng và đỏ máu ở Sài Gòn. Khắp trung tâm thành phố này là cảnh “các lực lượng bảo vệ trật tự” nhe nanh lao vào hành hung không thương tiếc người biểu tình. Xịt hơi cay, đánh đập đến đổ máu rất nhiều người, đấm đá đến ngất xỉu hai mẹ con tuần hành như một cách kỷ niệm “Ngày của Mẹ”… Một số hình ảnh đã được xác minh: chính những nhân viên công an đã hóa trang làm thanh niên xung phong để tấn công dã man người biểu tình.
Còn “thành tích tâm linh” lớn nhất của Đinh La Thăng là vào năm 2016, quan chức này đã hạ lệnh cho công an ủi sập chùa Liên Trì – một cơ sở thờ tự lâu năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và cũng là địa điểm hiếm hoi dành cho sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền. Về sau này, nhiều người nói rằng vận đen của Đinh La Thăng, đã khởi sự từ vụ phá chùa chiền ấy.
Ai cứu vớt Thăng?
Vụ phá chùa Liên Trì không chỉ “đen” cho Đinh La Thăng, cả một số quan chức cấp dưới của Thăng ở Sài Gòn, cùng những bàn tay đen đúa bí mật của giới quan chức cao cấp và nhóm lợi ích đã đẩy đuổi dã man người dân khỏi khu đất vàng Thủ Thiêm và “ăn đất” tàn mạt đến thế nào, cũng đang dần bị “báo ứng”.
Giờ đây, Đinh La Thăng biết dựa vào ai để cứu vớt “quyền làm người” cho bản thân mình khỏi bàn tay dữ tợn của các đồng chí của ông?
Các tổ chức nhân quyền quốc tế chăng?
2018, năm đầu tiên Đinh La Thăng ăn tết trong tù. Đã xa lắm rồi “vì dân và hành động”.
Cuối 2017, đầu 2018. Cái tết trong tù đầu của Đinh La Thăng là sự khởi đầu cho một năm “bắt quan chức”, thay vì chỉ “bắt nhân quyền” trong năm 2017.