Dân ý về chết và chôn

Blog VOA

Trân Văn

13-2-2018

Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cấp của Việt Nam. Ảnh: VNFinance

Chắc chắn đại diện Bộ Xây dựng và chính quyền thành phố Hà Nội không thể ngờ rằng, “Lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500, Nghĩa trang Yên Trung” do họ phối hợp tổ chức hôm 1 tháng 2, lại trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về thời điểm giới lãnh đạo cao cấp nên chết và chuyện chôn giới này…

***

Dẫu đã hơn một tuần tính từ “buổi lễ” đó song cuộc bàn luận về ý tưởng trục xuất 105 gia đình đang sinh sống dưới chân núi Ba Vì thuộc huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để dùng 120 héc ta đất xây dựng Nghĩa trang Yên Trung, không những chưa kết thúc mà càng ngày càng rôm rả.

Trên các diễn đàn điện tử và mạng xã hội, song song với sự thịnh nộ vì bất chấp thâm thủng ngân sách, nợ nần gia tăng, các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh (trường học, bệnh viện,…) vừa thiếu, vừa tồi tệ về chất lượng, số người nghèo khổ càng ngày càng đông, giới nào cũng ta thán về “sưu cao, thuế nặng”, chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt dự án ngốn tới 1.400 tỉ này chỉ để chôn cất “từ 2.200 đến 2.500 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các anh hùng, danh nhân” lần đầu tiên, dân chúng Việt Nam thi nhau bày tỏ suy nghĩ của họ về chuyện chết cũng như chôn những cá nhân thụ hưởng đặc quyền “an nghỉ cuối cùng” ở Nghĩa trang Yên Trung.

Cho dù Nghĩa trang Yên Trung được giới thiệu còn là nơi “an nghỉ cuối cùng” của “các anh hùng, danh nhân” song mũi dùi của dư luận chỉ chĩa trực tiếp vào “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”.

Giống như nhiều người, Duong Thang nêu thắc mắc: Chắc gì các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa thích được chôn cùng chỗ với các quan chức cao cấp? Đoàn Khắc Xuyên nhận định xếp “các anh hùng, danh nhân” vào cùng một nhóm với những “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước” là “nhập nhèm, đánh đồng cái này với cái kia, bởi cái này không phải cái kia, cái kia chưa chắc đã là cái này”. Theo ông Xuyên đó là một kiểu “đánh lận con đen” nhằm “né tránh dư luận”.

Chẳng phải chỉ có Duong Thang và Đoàn Khắc Xuyên nhìn ra điều đó. Có hàng triệu người cùng thấy như vậy, thành ra…

– Những bình luận kiểu: Hết ý khi đến giờ này mà vẫn còn phân biệt chỗ chôn giới lãnh đạo cao cấp với thường dân. Hoặc Nghĩa trang Yên Trung cho thấy “tầm nhìn xa” của giới lãnh đạo cao cấp thành ra họ hối hả chuẩn bị hậu sự cho mình. Hay đừng tiếc 1.400 tỉ mà nên chấp nhận đóng góp thêm vài chục ngàn tỉ nữa để lập các nghĩa trang, chôn toàn bộ giới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã một lần cho xong

– Rồi những băn khoăn kiểu: Con cháu giới lãnh đạo cao cấp đã định cư ở ngoại quốc hết rồi. Bỏ ra 1.400 tỉ sẽ phí vì lấy ai thắp hương?…

– Và những an ủi kiểu: Bởi khó mà chặn dự án Nghĩa trang Yên Trung thành ra cứ xem đó như chi phí cho việc gom hết vào một chỗ để sau này nhân dân dễ tìm

… được người sử dụng Internet rải đầy trên mạng xã hội Việt ngữ. Chúng nhiều như lá…. mùa thu!

Điểm đặc biệt là tham gia luận bàn theo các hướng vừa kể không chỉ có thường dân. Dự án Nghĩa trang Yên Trung đã đẩy những người xưa nay vẫn không ngại bày tỏ sự tin yêu Đảng, Nhà nước, hoặc từng hay đang gắn bó mật thiết với hệ thống công quyền tại Việt Nam, cùng với đám đông đồng bào của mình nhìn về một hướng.

Hai tháng trước, facebooker Trần Đình Triển – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – nhận định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “vị hào kiệt của dân tộc”, ngày mùng 2 tháng này, ông Triển chất vấn: Tại sao chết mà còn phân biệt nơi chôn? Nói không đi đôi với làm, dân tin yêu sao được?

Giữa trận bão dư luận ấy, có facebooker như Nguyễn Thiện nhắc mọi người, dự án Nghĩa trang Yên Trung do chủ trương của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa trước đề ra, ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng đã rời chính trường để trở về “làm người tử tế” – phê duyệt, chứ không phải sản phẩm do ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng đương nhiệm tạo ra. Nguyễn Thiện dẫn một link cho thấy, người đứng đầu Ban Bí thư thời đó chính là “vị hào kiệt của dân tộc” hôm nay.

Facebooker Nguyễn Văn Thọ – người khẳng định là cùng thời, có số tuổi Đảng, tuổi cống hiến ngang với những “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”, gọi họ là “đồng chí” – khuyến cáo, chi 1.400 tỉ thực hiện dự án Nghĩa trang Yên Trung là “tự đào huyệt chôn mình, chôn theo cả lòng tin mà cuộc chiến chống tham nhũng đang nhen nhóm lại, thậm chí chôn đi cả lòng biết ơn của nhân dân với sự nghiệp cách mạng mà các bậc tiền bối đã dành cho Đảng”.

Đặng Huỳnh Lộc, cháu của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, huỵch toẹt: Thay vì xây nghĩa trang để củng cố lòng tin của nhân dân thì hãy tự sát để nhân dân tin là đã chết thật! Võ Đắc Danh, con của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tán thưởng: Đó là cách tốt nhất để lấy lòng tin của nhân dân.

Đã có không ít người dẫn câu ca dao: Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương! – như một cách răn đe. Hoàng Tư Giang cũng dẫn câu ca dao này kèm câu hỏi: Triết lý đơn giản như vậy, trải qua nhiều triều đại mà sao các anh không nhận ra từ lúc còn trên đỉnh cao quyền lực cho tới khi nhắm mắt xuôi tay? 1.400 tỉ là máu và nước mắt của người dân đấy!

Theo khuynh hướng đó, Đỗ Minh Tuấn bỡn cợt rằng nên “đối xử bình đẳng” với tất cả các “dự án”, khoan phản đối khi chưa xác định các “thông số khoa học”. Giống như các dự án khác, dự án Nghĩa trang Yên Trung cần phải qua giai đoạn khảo sát, nghiên cứu “tiền khả thi”, kèm “đánh giá tác động môi trường”. Theo ông Tuấn, trước khi xài cho hết 1.400 tỉ để xây “bãi tha ma quan chức”, chôn đồng loạt các xác chết thì nên… chôn thử. Ông hiến kế: Chôn thử thằng nghĩ ra dự án xem môi trường trong khu vực có bị ảnh hưởng do nước tiểu của dân không? Sau đó “kiểm tra xem dư luận xã hội ra sao”? Gia đình người được “chôn thử” có phát tài phát lộc hay không? Ông Tuấn còn đề nghị nên khảo sát và dự báo cả yếu tố, trong tương lai, liệu con cháu của những người sử dụng “bãi tha ma quan chức” có bị tổn thương khi suốt ngày nghe chửi và ngửi mùi nước tiểu không?.

***

Từ khi trở thành tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện tại Việt Nam, dù nhiều người, nhiều giới đề nghị nhiều lần nhưng chưa bao giờ Đảng CSVN tổ chức trưng cầu dân ý.

Dự án Nghĩa trang Yên Trung giống như giọt nước làm tràn ly, dẫu chẳng có ai, nơi nào đứng ra tổ chức nhưng nhiều người, nhiều giới đồng loạt bày tỏ tâm ý của họ. Sau lần dân chúng tự phát biểu thị tâm ý này, không rõ các “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước” có đắn đo chút nào mỗi khi lập lại luận điểm “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối là sứ mệnh mà nhân dân tin tưởng giao phó” hay không?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đồng ý xây dựng nghĩa trang kiểu này.
    Vì rằng: Bọn lãnh đạo cao cấp của VN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI. Nên chúng ta quyết KHÔNG CHO CHÚNG NÓ ĐƯỢC CHÔN CÙNG DÂN VIỆT NAM.

  2. Các cháu ngoan Bác Hồ hãy thực hiện đúng di chúc của Bác. Nếu cho Bác được cùng với các cán bộ cao cấp của Đảng an táng ở Nghĩa trang Yên Trung, thì cái gía 1400 tỷ là qúa rẻ, nhân dân ủng hộ!

Comments are closed.