12-2-2018
Cách đây khoảng một năm, ông Thủ tướng nói, thay đổi hay là chết. Tiếp đó, cách đây chỉ khoảng một tháng, ông Thủ tướng lại nói “Thể chế, thể chế, thể chế” một cách nhấn mạnh (như tiêu đề một mục của cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại) để khẳng định nguyên do cốt lõi tạo nên những vấn đề của một quốc gia.
Nay ông Thủ tướng nhắc đến thế “kiềng ba chân” như một sự liên tưởng tới cơ chế đối trọng và kiểm soát quyền lực giữa ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Có vẻ như ông Thủ tướng đang diễn biến chính trị và tự chuyển hoá một cách sâu sắc.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, Đảng đã tự diễn biến và chuyển hoá từ lâu rồi. Sau năm 1975 thì đóng cửa và tập trung với nền kinh tế bao cấp. Nhưng tới năm 1986 thì lại quyết định phá bỏ nó để mở cửa và thay đổi chính mình. Vậy đó chính là một sự tự chuyển hoá và diễn biến chứ có gì phải tìm kiếm đâu xa.
Hay như chuyện Đảng không chấp nhận chương trình Khoán 10 của ông Kim Ngọc, vì cho như vậy là đi ngược đường lối của chủ nghĩa xã hội, chống lại tư tưởng chủ đạo của Đảng và nhà nước, là thành phần có tư tưởng tư sản, tư bản. Thế nhưng chỉ ít năm sau, chính họ, tức đảng cộng sản, lại dùng chính sách Khoán 10 của ông Ngọc để áp dụng rộng rãi không chỉ ở tỉnh Vĩnh Phú mà ở trên cả nước.
Đảng thực ra cũng tự chuyển hoá và diễn biến, khi mà học thuyết Marx Lenin không cho phép tiếp nhận bất kể thành tố nào của kinh tế tư bản, vì đó là bóc lột công nhân, là nguyên nhân tạo nên sự thống khổ của giai cấp này. Bởi thế, nếu chấp nhận kinh tế thị trường là bác bỏ một tiên đề quan trọng nhất của chính cha đẻ học thuyết cộng sản chủ nghĩa. Nhưng Đảng đã đưa ra khái luận “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Những học trò khả uý và trung thành tuyệt đối của Karl Marx và V.I Lenin đã chống lại chính người mà họ lấy làm kim chỉ nam trong mọi sự vận hành nhà nước và tổ chức xã hội của mình. Cũng trước đây, Đảng không bao giờ chấp nhận tư hữu, nhưng sau này đã buộc phải tự chuyển hoá khi phải công nhận kinh tế tư nhân, và rồi sẽ phải thừa nhận tầm quan trọng thực sự của thành phần kinh tế mấu chốt này nếu muốn đất nước phát triển và thịnh vượng.
Trước đây, khi còn là sinh viên luật, tôi đã định viết một tiểu luận (luận đề) khoa học về chủ nghĩa xã hội trong thực tế. Tôi đã sưu tập các loại sách, báo, đặc biệt là khá cổ và hiếm, để sẽ tạo nên một chiếc gương soi vào hình hài của chủ nghĩa không tưởng và vô định ấy. Cũng may là những năm đó tôi chưa hoàn thành, chứ không chưa chắc đã được tốt nghiệp ngành luật vì dám cả gan công kích và phê phán chủ nghĩa này.
Nhưng dẫu sao, như Galileo đã nói, dù gì Trái đất vẫn quay quanh mặt trời sau khi bước chân ra khỏi phiên toà dị giáo của những kẻ coi mình đặt trên cả những luân lý/quy luật tự nhiên.
“Cách đây khoảng một năm, ông Thủ tướng nói, thay đổi hay là CHẾT”.
– Chỉ muốn sống để độc tài thống trị đất nước, đàn áp nhân dân, sống mà không biết nhục, thì sống làm gì?
Thà CHẾT còn hơn.
Ba cái “chân” mà Thủ tướng Phúc nói ở Đăk Nông vớ vẩn như thế này đây:
“Ở Đắk Nông có một đặc điểm khác các tỉnh khác, các đồng chí đi bằng ba chân vững chắc. Một là nông nghiệp thì rõ ràng rồi. Thứ hai công nghiệp chế biến, công nghiệp khoáng sản cần rất cụ thể. Thứ ba là du lịch thành thế mạnh với tiềm năng văn hóa và điều kiện tự nhiên ở đây, kể cả thời tiết khí hậu.”
Đó là “ba chân” — cộng với thời tiết. Không phải vấn đề cơ chế như tác giả Luân Lê nói. Tiến trình tự diễn biến chưa xảy ra với Thủ tướng Phúc. Các ý tưởng nhảm như “ba chân” (cộng với thời tiết) sẽ tiếp tục nảy ra trước khi có sự tự diễn biến thực chất.