‘Nói như vẹm – câm như hến’

Lò Văn Củi

13-2-2018

Những ngày cuối năm, Bà con cô bác bàn chuyện Tết nhứt, nói cười rôm rả hết sức, như thể muốn quên hết một năm nhọc nhằn. Nhưng riêng chú Tám Thinh thì… vẫn làm thinh, mọi ngày chú vẫn nói vài câu chứ không như bữa nay. Ông Hai Xích lô hỏi:

– Có chuyện chi hông Tám?

Chú Tám đáp:

– Dạ, hông có chi, bữa nay hông có hứng.

Anh Bảy Thọt đùa giỡn:

– Chú Tám bữa nay nhứt quyết mần thinh. Chú xài luật im lặng đó mà.

Anh Năm Ba gác cười hi hi:

– À, vậy là quyền im lặng vừa được đưa vào, chú Tám áp dụng hen.

Ông Hai Xích lô nói tiếp:

– Coi phim Mỹ từ hồi nẫm đã nghe lúc cảnh sát bắt ghi can, thường nói: “Anh có quyền giữ im lặng, bất cứ điều gì anh nói sẽ là bằng chứng chống lại anh trước tòa”. Nghe nói luật này cũng hay, vậy sao giờ mình mới áp dụng? Ông Thầy giáo hay chữ giải thích dùm đi ông Thầy.

Ông Thầy trả lời:

– Dạ, theo tui thì có mấy vụ vầy:

Thứ nhứt, luật phải được Quốc hội quyết định thông qua biểu quyết của các đại biểu Quốc hội. Mà một số đại biểu Quốc hội, nói theo cách hồi xưa là ông Nghị, một số ông Nghị là Nghị gật, tức ngu dốt, chỉ biết gật đầu đưa tay biểu quyết, nhưng gật hoài cũng kỳ, lâu lâu kiếm chuyện nói, kiếm chuyện phản đối chơi, cho nên toàn nói tào lao mía lao, kiếm chuyện tầm bậy tầm bạ. Vậy là một số luật khó được thông qua. Như “Quyền im lặng”, nhiều ông nghĩ trật lất, cho rằng hổng… mở miệng ra thì làm sao điều tra xét hỏi? như vậy là bó tay. Kỳ thực thì, từ quyền này buộc người ta phải điều tra theo hướng bằng chứng, phải có bằng chứng rõ ràng để khẳng định, để không thể chối cãi, để truy tố, để xét xử; và tránh trường hợp ép cung, nghi can có quyền không tự buộc tội mình, có quyền chờ có luật sư, luật sư giám sát trong lúc thẩm vấn, tư vấn cho nghi can.

Thứ nhì, các ông nhà ta có một luật bất thành văn là ‘nói như vẹm, câm như hến’ từ xưa tới giờ. Nên khi nghe tới hai chữ im lặng, tức là ‘câm như hến’ thì ngại lắm, phải né tránh, phải vùi nó đi ngay tức thì.

‘Nói như vẹm’, ta thầy cứ mãi thao thao bất tuyệt về chiến thắng, thắng lợi vẻ vang, về anh hùng anh dũng, về tự hào, về truyền thống, về kỷ lục; về kẻ thù thì lúc nào cũng tàn ác, thua tan tác,…

Quân ta chết như rạ thì ‘câm như hến’, chẳng bao giờ nói ra. Những sai lầm, những hành động man rợ, lừa bịp, hèn nhát cúi đầu trước ngoại bang… dĩ nhiên càng câm tiệt.

Đâu có xa xôi gì, mờ ảo gì, hình ảnh của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường sờ sờ ra đó, được nhắc tới rần rần bữa giờ đó. Ông ta một thời hùng hồn dùng không biết bao nhiêu ngôn từ sặc mùi máu xương, rồi mấy chục năm ròng ông ta dán băng keo kín miệng mình.

Chú Tám Thinh… hết giữ “Quyền im lặng”:

– Nhưng ổng vừa rồi đã mở miệng, đã xin lỗi, nên tha thứ cho ổng đi chứ ông Thầy.

Ông Thầy giáo lắc đầu:

– Lòng vị tha nên có, nhưng phải đúng nơi đúng chỗ. Ông ta mở miệng nhưng lại tiếp tục ‘nói như vẹm’. Vẫn là ‘dân nổi dậy’, vẫn sai lầm của ta, vẫn là địch tàn ác,… Không có sự thành tâm trong ông ta, thì đó không phải là sự sám hối để được tha thứ. Thành tâm là đức tính đứng hàng bật nhứt của một Phật tử.

Ông ta, ngày xưa, một là ngu dốt, không hề biết gì về chủ thuyết ông ta lý tưởng, chủ thuyết đó làm gì có tâm linh, làm gì có Phật pháp, hoặc hai là ông ta lợi dụng, lợi dụng cửa Phật để đấu tranh cách mạng. Rồi bây giờ ông ta tiếp tục lợi dụng cửa Phật, lừa bịp những người nhẹ dạ để không còn mang tiếng nhơ ở đời khi nghĩ mình sắp lìa xa nhân thế, chỉ một hành động nhận mình đã sai lầm khi nhận công trạng thì sẽ được về cõi Phật hay sao? Còn biết bao sự thật thì ông ta định đem theo bên mình luôn hay sao?

Anh Năm Ba gác nói:

– Rất nhiều kẻ giống như ông Tường, kể chẳng xiết đâu.

Bà con cô bác ở quán cô Tư thở dài và… giữ “Quyền im lặng”. Lát sau anh Bảy mới phá tan bầu không khí trầm luân:

– Rốt lại đó là bổn chất rồi, không thể thay đổi. Thôi, kết chuyện đi, chuyển chuyện vui những ngày Tết những ngày xuân đi.

Quán từ từ vui lên đôi chút.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook