6-2-2018
Hồi thăm Israel, có lần đi ngang qua một vài nghĩa trang, thấy nhiều ngôi mộ được xếp các cục đá nhỏ vòng quanh hay trên bề mặt. Hỏi ra mới hay đó là tập tục khi đi viếng mộ người đã khuất của các bạn. Người Do Thái quan niệm khi qua đời, thân xác chúng ta cũng về lại cùng đất đá. Vì thế, thay vì mang hoa, họ mang đá đến để lên mộ người chết. Những ngôi mộ ở vùng đất này, vốn dĩ trông đã đơn sơ giữa nắng gió sa mạc, lại càng thêm giản dị bởi không có chút sắc màu nào của hoa lá.
Xem nghĩa trang ở nhiều nước phương Tây cũng thấy khác biệt hẳn so với nghĩa trang ở xứ mình. Cùng quan niệm thân xác sinh ra từ cát bụi và khi chết đi thì lại trở về với cát bụi, nên người phương Tây cũng không xem trọng việc mồ mả. Những ngôi mộ ở mấy xứ “giãy chết” đều chung một kiểu chỉ có tấm bia đơn giản trên mặt mộ phẳng phiu chứ không lô xô, phô trương đủ kiểu như ở ta. Vì thế, đi trong nghĩa trang mà có cảm giác như đi dạo trong công viên! Đặc biệt, nếu có phân chia thì thường thấy nghĩa trang được phân biệt theo tôn giáo, theo dòng tộc hoặc theo các địa hạt dân cư. Họ cũng có nghĩa trang quân đội, nghĩa trang dành cho các danh nhân, anh hùng dân tộc… nhưng chẳng thấy chỗ nào có nghĩa trang quốc gia dành riêng cho quan chức!
Vì thế, đọc tin Nhà nước chuẩn bị chi 1.400 tỷ đồng để xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cao cấp, ngẩn ngơ nghĩ đúng là nước mình tuy nghèo nhưng ngay cả chuyện “hậu sự” cũng phải khác với người ta! Mà kể cũng lạ, người cộng sản VN luôn nêu cao sự trung thành với chủ nghĩa Mác -Lênin và xây dựng hệ tư tưởng trên cơ sở học thuyết về duy vật biện chứng. Thế nhưng trên thực tế thì lại khác hẳn! Tình trạng quan chức chăm chỉ đi lễ chùa, xây đền thờ miếu mạo hoặc các khu “văn hoá tâm linh” ngày càng trở nên phổ biến. Chưa có thời kỳ nào mà “buôn thần bán thánh” phát triển rực rỡ như thời nay. Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi các “đầy tớ” phải lo đến cả chỗ an nghỉ cho mình ngay từ lúc còn đang sống!
Ừ thì có lý do là Mai Dịch đầy rồi nên phải cần một khu mới! Nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi ngân sách thường xuyên rỗng ruột vì bội chi, khi nhân dân vẫn đang oằn mình dưới đủ loại thuế – phí mà chỉ có tăng chứ không có giảm, khi vẫn còn những hộ nghèo thiếu ăn, khi vẫn còn bao người bệnh bó tay chịu chết vì không đủ tiền mua thuốc, khi vẫn còn không ít trẻ em vùng sâu, vùng xa thiếu một ngôi trường đàng hoàng để học… lẽ nào người ta có thể thản nhiên rút từ ngân quỹ quốc gia một số tiền hàng ngàn tỷ đồng để lo chỗ nằm cho một nhóm nhỏ người (sẽ) chết? Lẽ nào ngay cả khi đã trở về cát bụi, vẫn cần phân biệt quan với dân? Lẽ nào với tầng lớp lãnh đạo ở xứ mình, “lộc bất tận hưởng” là phải đến cả lúc chết như vậy?
Ngày trước, thời nhân dân miền Bắc đói khổ trong chế độ tem phiếu và còn phải thắt lưng buộc bụng theo lời kêu gọi “vì miền Nam thân yêu”, lúc ấy đã có cái cửa hàng “Tôn Đản là chợ vua quan” ở Hà Nội. Đó là nơi chuyên cung cấp thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng… dành riêng cho bộ máy lãnh đạo cao cấp được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt. Giờ nghĩ lại, cứ tự hỏi không hiểu hồi đó có vị “đầy tớ” nào cảm thấy nghẹn lòng áy náy mỗi khi rời cửa hàng Tôn Đản với hàng đống “tiêu chuẩn” xa hoa, cách biệt rất nhiều so với chế độ phân phối cho dân thường?
Nay, “chợ vua quan” kiểu ấy không còn cần thiết phải duy trì nữa, nhưng dường như vẫn tiếp tục tồn tại quan niệm “ăn trên ngồi trốc”, khẳng định đặc quyền đặc lợi của bộ máy lãnh đạo đất nước mà việc xây dựng nghĩa trang riêng cho cán bộ cao cấp chỉ là một ví dụ. Điều này thật khác xa với những gì mà các bậc lãnh đạo tiền bối của ĐCSVN thường nói về đạo đức cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết: “Chúng ta phải hiểu rằng: các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Tôi nhớ đến lời hứa của mình cách đây hai năm với Bệnh viện Mường Khương (Lào Cai) vẫn chưa thực hiện được. Hồi đó, vào cuối tháng 1/2016, khi biết chúng tôi quyên góp gửi hàng “tiếp viện” cho đồng bào huyện Si Ma Cai do đợt rét hại đột ngột về giáp Tết, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Mường Khương đã chủ động liên lạc với tôi để xin tài trợ cho một dự án xã hội của các đoàn viên thanh niên ở Bệnh viện. Đó là kế hoạch xây dựng tủ thuốc miễn phí cho bệnh nhân người dân tộc, vì bà con thường xuyên không đủ khả năng mua thuốc điều trị mà cũng không có bảo hiểm. Tôi hứa với vị bác sĩ trẻ rằng sẽ cố gắng tìm cách giúp, nhưng đã hai năm trôi qua mà vẫn chưa thực hiện được việc này ?.
Lại nhớ đến những lần thầy trò ở trường bày ra làm đủ thứ để quyên góp tiền xây nhà cho đồng bào vùng lũ trong chương trình hỗ trợ gia cư của CLB H4H (Habitat for Humanity). Hàng năm, các học sinh tham gia CLB chỉ dám đặt chỉ tiêu xây từ một đến hai căn nhà. Mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Như vậy, để xây 100 căn cần có 4 tỷ đồng: Một số tiền mà theo kế hoạch như hiện nay, có lẽ thầy trò phải mất từ nửa thế kỷ cho đến 100 năm mới quyên góp đủ! ☹️☹️☹️.
Một cái tết nữa lại sắp tới… Hôm qua tôi thấy trên sân trường những học sinh tiểu học bé xíu đang khệ nệ ôm những bao gạo, những thùng mì, những gói quần áo, sách vở… chất lên xe chuẩn bị mang “Tết Box” của cộng đồng chúng tôi đến cho những trẻ em nghèo như mọi năm… Luẩn quẩn trong đầu con số 1.400 tỷ đồng và câu hỏi miên man: Những học sinh đáng yêu đang được dạy để biết quan tâm và chia sẻ kia, các con sẽ nghĩ gì khi biết người lớn chúng ta có thể bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng (số tiền lớn đến độ đầu óc non nớt của các con chắc không thể hình dung nổi!) để xây tượng đài hoặc làm nghĩa trang – những thứ mà ai cũng biết là không dành để chăm lo cho người đang sống?
1400 tỉ để xây nghĩa trang cho Cán bộ cấp cao! Rẻ quá.
Nhưng xây xong thì phải sử dụng ngay!?!
Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con vật lại được bình đẳng hơn. Vì vậy, khi trở về cát bụi …thì chúng vẫn mong được bụi hơn…