Bùi Tín
5-2-2018
Đã có những phiên họp của Chính phủ và Quốc hội kiểm điểm tình hình năm 2017 và bàn công việc của năm 2018.
Nhìn chung việc kiểm điểm không thật sâu sắc, không nhìn thẳng vào sự thật, không có tranh luận trong đánh giá một cách minh bạch công khai cho nên có rất ít sức thuyết phục, không có sức hấp dẫn những ai muốn biết rõ sự thật, thành tích chân thực, những tồn tại đích tực và ngững biện pháp hữu hiệu nhất.
Đó không phải là cung cách làm việc của một Nhà nước trưởng thành muốn làm việc thật sự có hiệu quả cho đất nước mình, nhân dân mình.
Đây là kiểu cách xử sự của một Nhà nước yếu kém luôn có mặc cảm, lo sợ dư luận nhân dân và thế giới chê cười nên chỉ cố lên gân, tự khoe khoang thổi phồng thành tích, che dấu những khó khăn bế tắc, chỉ cốt tuyên truyền để nhân dân yên lòng buộc phải tin là mọi sự đều tốt đẹp, thành tích là mặt nổi trội, những tồn tại là không đáng kể, là thứ yếu, để rồi không sao đổi mới, đất nước như không chịu phát triển.
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri hay chúc Tết không quên nhắc nhở « bà con ta chớ có ngủ say trên vòng nguyệt quế ». Vòng nguyệt quế từ xa xưa là phần thưởng danh dự giành cho những chiến thắng lẫy lừng.
Ai tặng nhân dân ta vòng nguyệt quế vậy? Về những chiến thắng lẫy lừng nào?
Hay chỉ có một nhóm các chú thanh niên dưới 23 tuổi của đội bóng U23? Thế thì đáng buồn quá, nghèo nàn quá!
Vòng nguyệt quế? mà sao nước ta lạc hậu đến thế, chưa sản xuất nổi một cái đinh vít công nghiệp lớn có chất lượng. Mà sao không một trường Đại học Việt Nam nào được kể trong 300 trường Đại học có chất lượng của châu Á. Sao mức sống thu nhập hằng năm phải 16, 20 năm nữa mới bằng mức của Indonesia và Thái Lan hiện nay? mà sao Việt Nam có chỉ số tham nhũng vào hàng cao nhất và về chỉ số tự do báo chí thấp đến mức gần tận cùng của thế giới? Văn hóa ta phát triển sao tham nhũng tràn lan khắp nơi, thanh niên uống bia, nói tục đạt kỷ lục quốc tế, cô giáo tát học sinh thành thương tích, vợ chặt cổ chồng, ông hiếp cháu?
Trong thành tích chung nổi lên nhận định là trong năm qua, « ta đạt những thành tích nổi bật, chưa bao giờ uy tín quốc tế được nâng cao như năm qua »! Ghê chưa!
Nhưng thật ra là gì? Thật ra nhìn cho kỹ, trong hàng mấy chục năm qua, lãnh đạo đã không quan tâm gì đến lĩnh vực đối ngọai. Không có một cuộc bàn luận chuyên đề của đảng, của chính phủ, của quốc hội về đường lối chính sách đối ngoại. Không có một Nghị quyết nào về mặt trận đối ngoại, là một mặt trận thiết yếu có ý nghĩa sinh tử của đất nước.
Có thể nói từ sau cuộc họp và mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), tất cả đường lối đối ngoại là theo chính sách lệ thuộc phương Bắc, bám chặt Trung Cộng, không cần bàn bạc gì thêm nữa. Toàn bộ chủ quyền về đối ngoại của quốc gia đã bị tự nguyện hiến dâng cho Trung Cộng cầm chịch.
Do mất chủ quyền, theo đường lối Bắc thuộc, chính trị nước Việt theo mô hình Tàu, nền kinh tế tài chính bị phụ thuộc Trung Quốc nặng nề, quốc phòng bị lép vế, trói tay, văn hóa dân tộc mờ nhạt dần, vị trí quốc tế xuống thấp một cách thê thảm, uy tín quốc tế xuống tận đáy.
Có những sự thật không ai có thể phủ nhận. Tấm hộ chiếu Việt Nam là tấm hộ chiếu bị miệt thị và cảnh giác nhất trong bang giao quốc tế. Ở Nhật Bản, cả xã hội và mọi siêu thị cảnh giác cao độ với du khách Việt Nam vì nổi tiếng là hay ăn cắp hàng hóa nhất, cũng như các phi công dân dụng và các cô chiêu đãi viên hàng không đến từ Việt Nam đều nổi tiếng là có tỷ lệ buôn lậu, mang tiền bất hợp pháp đi rửa nhiều vào loại nhất. Năm 2017 Việt Nam còn nổi tiếng về vụ cử một trung tướng an ninh sang cùng Sứ quán ở Berlin tổ chức một cuộc bắt cóc phi pháp theo kiểu cách thời « chiến tranh lạnh », bất chấp luật quốc tế, để bị CHLB Đức lên án và trừng phạt nặng nề, nay vẫn chưa thoát. Như vậy mà còn nói lấy được là uy tín quốc tế lên cao hơn bao giờ hết! Lưỡi không xương là thế.
Trước sự kiện đầu hàng ở Thành Đô, lĩnh vực đối ngọai của Việt Nam có lúc khá khởi sắc.
Là nhà báo ở trong nước, tôi từng đảm nhận theo dõi mặt trận ngọai giao khá chặt chẽ, tôi nhận thấy quả thật có những nhà ngoại giao xuất sắc, lão luyện. Từ những năm 1945, 1946, Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam, Lê Giản là những nhà ngoại giao sắc xảo để thương lượng với phía Pháp. Các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cũng chịu khó suy tư về những nước cờ ngoại giao độc đáo để duy trì sự hòa hoãn để có thời gian chuẩn bị cho thời chiến.
Về sau nổi lên các ông Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ là 2 nhà ngoại giao đích thật, tự đào tạo có bài bản trong thực tiễn, am hiểu luật quốc tế và am hiểu thế giới trong thời đại mới, phân tích sâu tâm lý các đối thủ. Tôi từng làm việc hàng mấy chục lần với 2 ông cùng ông Ngô Điền, Vụ trưởng báo chí bộ ngoại giao, sau đó là Đại sứ ở Pnom Pênh. Đó đích thật là những nhà ngoại giao có chiều sâu, có lý luận, bài bản, có sáng kiến cụ thể, hữu hiệu. Mỗi lần gặp là hiểu thêm vấn đề. Khi tôi làm nhiệm vụ người phát ngôn của phái đoàn Quân sự miền Bắc tại Sàigòn đầu năm 1973, tôi cũng nhận thấy ông Lưu Văn Lợi, phó trưởng đoàn miền Bắc, là nhà ngoại giao đúng nghĩa, biết phân tích tình hình, đưa ra những sách lược đúng lúc có hiệu quả.
Mấy năm nay tôi theo dõi kỹ nền ngọai giao Vịet Nam, thấy rõ nó đuối sức một cách tệ hại. Viện Ngoại giao, tạp chí Ngoại giao, Học viện chính trị quốc gia không hề có những bài nghiên cứu chuyên sâu về đối ngoại, một lĩnh vực lẽ ra phải có nhiều đề tài phong phú, lý thú cho những sinh viên và chuyên viên đối ngoại bỏ công sức ra nghiên cứu và cống hiến. Thật ra, nhiều nhà dân chủ trẻ trong các tổ chức xã hội dân sự đã nghiên cứu và hành động sắc bén hơn các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của bộ ngoại giao và ban Đối ngoại TƯ.
Ở Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ, Canada… ngay sau khi giáo sư Vương Hỗ Ninh được Tập Cận Bình đưa vào Thường vụ Bộ chính trị, các chuyên viên ngoại giao thượng thặng các nước này liền bỏ công nghiên cứu sâu về nhân vật này, chỉ ra rằng ông ta từng tu học lâu năm ở Pháp, Hoa Kỳ nhưng đã quay lưng lại nền dân chủ thế giới mà ông ta gọi là « đặc sản của nền dân chủ bệnh hoạn phương Tây » để cổ súy cho chế độ « siêu độc đoán », một chế độ cực quyền toàn trị phản dân chủ, phi nhân tính. Lập thuyết trung tâm của quân sư họ Vương là dân chủ phá hoại đoàn kết, ổn định và phát triển, toàn trị duy trì đoàn kết dân tộc và ổn định để phát triển. Đây là chủ nghĩa phát xít mới. Các nhà nghiên cứu tài giỏi đều cho rằng không ai làm hại cho Tập Cận Bình bằng ông Vương, xui dại tâng bốc ông Tập để ông này nuôi dưỡng tham vọng trở thành lãnh tụ « hạt nhân », lãnh tụ cá nhân như Mao khi xưa, khiêu khích hảng tỷ nhân dân Trung Hoa khao khát tự do dân chủ. Vương và Tập chỉ là các ông đồ nho cổ hủ mang đậm dòng máu Đại Hán, coi Trung Quốc là Trung tâm thế giới, Trung tâm vũ trụ, khi thế và lực chưa đủ, cần một thời gian dài mới đủ lông cánh và nanh vuốt. Làm chính trị mà không am hiểu thực lực và tình thế thì chỉ có thất bại. Cao ngạo nôn nóng đã làm cho ông Tập quên lời khuyên khôn ngoan « thao quang dưỡng hối ».
Lịch sử Trung Hoa đã chỉ ra khi chế độ phong kiến Đại Hán có bản chất độc đoán cá nhân lên đến tột đỉnh là khi ấy nó sẽ trở nên yếu thế nhất, lúc ấy một nước nhỏ như Mông Cổ hay một tộc cực nhỏ như Mãn Châu cũng đủ sức để vật ngã tộc Đại Hán lăn kềnh và thống trị nó một thời gian dài.
Chính nhờ những phân tích đối ngoại sắc xảo như thế mà tổng thống D. Trump trong « Báo cáo tình hình Liên bang » mới đây không ngần ngại coi Trung Quốc và Nga là 2 đối thủ nguy hiểm thứ nhất và thứ hai mà Hoa Kỳ phải ngăn chặn kjp thời, và đó là những đối thủ không đáng sợ.
Ở Việt Nam đã có cá nhân hay nhóm chuyên viên đối ngoại nào hay cuộc họp các nhà nghiên cứu nào nghiên cứu về Vương Hỗ Ninh? Chưa có ai cả. Họ còn ngủ gật, hay lo chuyện mua bán sừng voi, sừng tê giác, vây cá mập, đồng hồ cao cấp, computer hiện đại nhất đang có giá cao, hay chuẩn bị một màn bắt cóc nào đó?
Tư duy của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không có đường lối hay sách lược đối ngoại. Ông đã có ông Tập là thầy giáo, thầy dùi, thế là đủ. Ông không thích xuất ngoại tìm hiểu tận mắt thế giới. Bắc Kinh là nơi ông đi lại nhiều nhất.
Trong tư duy của bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh không có di truyền quý từ ông bố Nguyễn Cơ Thạch. Thật tội nghiệp. Ông ngoan ngoãn vâng theo ông TBT Nguyễn Phú Trọng, quay về nghiên cứu chuyện dân số như một viên chức ngoan ngoãn, buông mặc cho lĩnh vực ngoại giao hầu như hoàn toàn bỏ trống gần 30 năm nay.