23-1-2018
Cách đây 110 năm (1908), bắt đầu tự huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) một sự kiện chấn động đã lan tỏa sang một số tỉnh thành khác. Nó trở thành phong trào chống sưu thuế được dân nghèo nhiệt liệt ủng hộ. Lịch sử gọi đó là cuộc Trung kỳ dân biến, nhưng thực tình nó là phong trào do dân nghèo đứng lên chống sưu thuế quá nặng, đè vai của họ.
Khởi sự chỉ vài người đi bộ từ huyện Đại Lộc để đi xuống Hội An để xin giảm thuế. Trên con đường dài chừng 40km, những nông dân vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu xin giảm thuế. Chuyến đi bộ đã được sự ủng hộ của rất nhiều người nên đã tạo ra phong trào lan tỏa sang cả một số tỉnh thành kế cận, như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và ra hướng Bắc có tỉnh Thừa Thiên.
Cách đó khoảng 110 năm sau, trên con đường thiên lý Bắc Nam, nơi trước đây người Pháp đã cho thành lập con đường cái quan, nhà cầm quyền CSVN đã cho mở rộng để thuận cho thương mãi. Sau khi mở rộng, chính quyền đã cho bọn tư bản đỏ mở dày đặc các trạm thu phí để lấy tiền của dân qua lại. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ của người dân khắp mọi miền đất nước. Vì rằng, họ đã phải đóng phí đường bộ thì lý ra số tiền ấy phải được chính quyền dùng để mở rộng quốc lộ. Vậy nhưng, nhà cầm quyền lại còn hậu thuẫn cho bọn tư bản đỏ để bắt chẹt người dân.
Không chỉ phí đường bộ, mà người dân nghèo khổ còn phải chịu rất nhiều thứ thuế phí vô lý khác, như: phí xăng dầu, phí bảo vệ môi trường, phí đăng kiểm và khi mua chiếc xe cũng phải đóng hàng chục thứ thuế. Tất cả số tiền ấy người dân đều không được biết sử dụng vào mục đích gì. Nói cách khác, họ không thể hiểu tiền của họ được dùng để làm gì hoặc rơi vào tay ai.
Quá bất bình trước những bất công, khởi sự từ tỉnh Nghệ Tĩnh, hàng trăm tài xế đã vây trạm thu phí trong cả tháng liền, bất chấp chính quyền sở tại kết hợp với bọn tư bản đỏ dùng mọi chiêu trò để chống lại người dân. Những tài xế ở Hà Tĩnh-Nghệ An kiên trì phản đối kể cả trong mưa nắng, gió lạnh. Phương cách của họ là sử dụng tiền lẻ để chi trả nhằm kéo dài thời gian, gây ra kẹt xe trên diện rộng. Nặng nề hơn là họ đậu xe trước trạm thu phí, treo biểu ngữ để phản đối bọn tư bản đó móc túi người dân.
Cuộc đấu tranh của người dân Hà Tĩnh-Nghệ An đã giành được thắng lợi. Bọn tư bản đỏ biết không thể dùng súng để giết người dân, làm thui chột ý chí đấu tranh nên đã đồng ý miễn phí qua lại cho các tài xế ở các vùng lân cận.
Thắng lợi của người dân Hà Tĩnh-Nghệ An đã được nhân rộng, tạo thành cảm hứng cho các tài xế nghèo khổ trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, tại huyện Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang, cùng với các phương cách mà người dân Nghệ Tĩnh đã áp dụng, họ còn áp dụng thành công hơn và chiến thắng vang dội hơn, huy động được một lực lượng tham gia phản đối đông hơn gấp bội.
Không chỉ ở Tiền Giang, công cuộc đấu tranh chống thuế phí,chống mốc túi, chống bất công còn xuất hiện ở cả Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang…hay bất cứ nơi nào có các trạm thu phí của đám tư bản đỏ.
Trước tình hình đó, bọn tư bản đỏ đã khôn khéo giảm một phần thu phí nhằm hạ hỏa cơn giận của dân chúng. Mặt khác, chúng áp lực lên nhà cầm quyền, vì trong quá trình xây dựng, giữa bọn tư bản đỏ với nhà cầm quyền đã có những thỏa thuận. Chính quyền sẽ bảo kê cho bọn tư bản đỏ được quyền móc túi người dân trong thời gian vài chục năm, cho đến khi bọn chúng thu hồi được cả vốn lẫn lãi mà chúng đã bỏ ra.
Thực ra, tiền bỏ ra để làm đường là từ dân chúng nghèo khổ, chẳng có tiền nào là từ bọn tư bản đỏ. Vì, bọn tư bản đỏ chỉ cần lập ra dự án, lấy dự án đó đem đi cầm cố ngân hàng. Ngân hàng sẽ trích một đống tiền để bọn tư bản đỏ xây đường. Xây xong, người dân phải trả tiền để trả bọn tư bản đỏ. Bọn tư bản đỏ lấy tiền đó để trả cho ngân hàng. Một vòng như vậy để thấy rằng, tiền cuối cùng móc ra để làm đường chính của dân, còn bọn tư bản đỏ chỉ là người đứng trung gian, móc túi dân để kiếm tiền mà thôi.
Để bảo vệ bọn tư bản đỏ, nhà cầm quyền đã viện cớ rằng, việc mở rộng, cho bọn tư bản giàu có thoải mái móc túi dân bằng các trạm thu phí là chủ trương, là chính sách đúng đắn của chính quyền. Người dân phản đối trạm thu phí, phản đối bị móc túi là chống lại chủ trương, chống lại chính sách. Do đó, sẽ bị nghiêm trị. Chẳng bao lâu sau, ông thủ tướng đã ra lệnh cho công an vào cuộc. Những ai đã tham gia vào việc phản đối chống móc túi, chống thuế phí sẽ bị công an bắt vào tù cho đếm kiến.
Nếu nhìn vào phong trào chống sưu thuế mà chúng ta được biết với tên “Trung Kỳ dân biến”, thì phong trào chống thuế phí BOT còn vang dội hơn gấp bội. Hơn hẳn không chỉ về số người tham gia, mà tầm cỡ hơn là vì nếu cách đây 110 năm, người Việt chống lại bọn thực dân Pháp bóc lột. Thì nay, người dân Việt phải đấu tranh chống lại người Việt để chống bị bóc lột. Sự khốn nạn của dân tộc này chỉ luẩn quẩn từ ngoại bang sang nội bang, từ thực dân sang Cộng sản. Có khác nhau chăng là người Việt đang chống lại cái tư tưởng thối nát được đến từ nước Nga xa xôi.
Cách đây 110 năm, những người nông dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nổi dậy từ một buổi ăn giỗ, thì hôm nay, cũng đúng vào ngày giỗ ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên Cộng sản, một người thuộc thành phần thứ 3, một người từng ủng hộ nhiệt tình cho CS Bắc Việt để lực lượng này cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, thì tôi mong sao trong ngày này, những người ủng hộ Lê Hiếu Đằng, thành viên trong CLB Lê Hiếu Đằng cũng hãy tổ chức một buổi giỗ, rồi từ đó làm một cuộc “Nam Kỳ dân biến” như đã từng xảy ra ở miền Trung. Có như thế mới đúng với tinh thần Cộng sản, luôn luôn đấu tranh giai cấp không ngừng và tuân theo quy luật, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.