Một số vấn đề về vây cá mập

FB Trang Nguyen

22-1-2018

Ảnh này lấy từ cảnh quay phim ngắn “Nước mắt của người cá” do người mẫu Hannah Fraser thực hiện. Ảnh: FB Trang Nguyen.

Mình nhận thấy có 1 số hiểu lầm về việc vây cá mập – đặc biệt là vụ việc liên quan đến ĐSQ VN ở Chile, nên mình xin ghi lại ở đây:

1. Shark cartilage KHÔNG PHẢI là shark fin. Có bạn gửi tin và hỏi là thế shark cartilage đang bán ở Mỹ là từ đâu, mình xin trả lời bạn thế này. Shark – Cá Mập – được phân loại với các loài cá khác, là vì bộ khung xương (skeleton) có cấu tạo từ chất sụn. Shark cartilage chỉ đơn giản có nghĩa là xương (sụn) của cá mập mà thôi.

Hành vi finning – bắt cá mập, cắt vây và vứt cá mập (vẫn còn sống) xuống biển, để mặc nó chết vì chảy máu hoặc chết đuối là hành vi dã man. Việc sử dụng vây cá mập là lý do chính dẫn đến shark finning, và dẫn đến sự tàn sát hàng trăm triệu cá mập mỗi năm – và vì thế mà cộng đồng bảo tồn quốc tế vận động các quốc gia cấm việc buôn bán và sử dụng vây cá mập (điều này ứng dụng cho tất cả các loài cá mập). Ở một số nơi, đánh bắt cá mập một cách bền vững – đối với những loài chưa bị đe dọa nguy cấp vẫn được phép, trong khi hành vi finning – lấy vây cá mập – của bất cứ loài cá mập nào – là bất hợp pháp.

Shark cartilage và cả vây cá mập được quảng cáo là “thuốc” cho người bị ung thư, tuy nhiên bạn có thể xem ở ngay đây – trên trang chính của Hội nghiên cứu ung thư ở Vương Quốc Anh, trả lời rất rõ ràng sụn cá mập KHÔNG HỀ có khả năng chữa hay ngăn chặn bệnh ung thư.

Ngoài ra thì còn có nhiều lời đồn là tốt cho sức khỏe. Nhưng mà chẳng có bằng chứng khoa học nào cho thấy thịt hay xương (sụn) hay vây cá mập tốt cho sức khỏe cả. Tuy nhiên lại có nghiên cứu cho thấy cá mập, cá voi, cá heo và nhiều loài động vật biển khác nữa có nồng độ thủy ngân trong người rất cao. Mà ngộ độc thủy ngân gây tai hại cho sức khỏe con người thế nào thì thôi mình chả nói nữa. Mọi người có thể đọc nghiên cứu này ở đây.

2. Ở một số nơi trên thế giới, với số lượng quần thể 1 loài động vật nào đó phát triển quá mạnh và có khả năng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, quốc gia đó có chương trình kiểm soát loài (nói ngắn gọn là bắn loại bớt những cá thể già, yếu.v.v.. để giữ loài ở số lượng vừa phải). Có bạn cho rằng bull shark – cá mập bò ở Mỹ bị đưa vào chương trình kiểm soát số lượng và vây của bull shark được phép đưa vào tiêu thụ.

Bên cạnh việc “kiểm soát số lượng” cá mập ở nhiều nơi đã và/hoặc đang diễn ra như Mỹ và Úc đều làm dấy lên rất nhiều bất đồng và vẫn đang được bàn cãi, thì việc bạn cho rằng vây cá mập bull shark được đưa vào tiêu thụ ở Mỹ là hoàn toàn sai. Gấu nâu Bắc Mỹ theo luật pháp Mỹ có thể được săn với số lượng nhất định và vào mùa săn bắn nhất định, tuy nhiên người đi săn có giấy phép KHÔNG được phép lấy túi mật của gấu – vì nó được những người Trung Quốc chuộng và gây ra nạn săn bắt gấu trái phép. Những sản phẩm tương tự, như mật gấu, vây cá mập bull shark.v.v.. được tịch thu và tiêu hủy hoặc quản chế bởi cơ quan US Fish & Wildlife Service. Cái này các bạn có thể tự google.

Tương tự với sport hunting ở một số nước tại Châu Phi cho phép săn bắn voi, thợ săn có giấy phép có thể săn nhưng không được phép lấy ngà.

3. Nếu Chile chưa cấm việc dùng vây cá mập thì bộ ngoại giao chả làm gì sai.

Thưa với các bạn, Chile cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá mập từ năm 2011 (xem ở đây). Luật cấm này áp dụng với vây của tất cả các loài cá mậ – trong link này ghi rõ là của 53 loài cá mập sinh sống tại vùng biển của Chile, chứ không phải chỉ vây của những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Xin nói thêm là buôn bán vây cá mập xuyên quốc gia là bất hợp pháp theo điều luật của công ước quốc tế CITES – vì thế mà nếu bạn cho rằng vây cá mập này “nhập” từ nước ngoài vào và ĐSQ “chỉ” phơi thôi thì đấy cũng là bất hợp pháp đấy ạ.

Nếu bạn nào ra chợ mà thấy quảng cáo bán “thuốc” vây cá mập nhập từ Úc Mỹ Hàn Nhật về thì xin bạn cũng hiểu khả năng cao đó là “thuốc” được nhập về bất hợp pháp, vi phạm công ước quốc tế về buôn bán sản phẩm từ động – thực vật hoang dã đang bị đe dọa CITES – trừ khi cửa hàng đó cho bạn xem giấy phép nhập vây cá mập xuyên biên giới của CITES, chứ đừng lấy đó ra để làm ví dụ về sự “hợp pháp” của việc ĐSQ VN phơi vây cá mập ở Chile.

Dù Chile có chưa cấm đi chăng nữa, thì việc sử dụng và buôn bán vây cá mập được cộng đồng quốc tế lên án từ rất lâu và rất nhiều lần rồi, nên chắc chắn nhân viên công vụ của bộ ngoại giao cũng biết (dân đen như mình còn biết cơ mà). Vì thế mà sử dụng, tàng trữ và “phơi” vây cá mập lên nóc nhà như thế cho thấy việc đại diện của cả 1 đất nước, cả một dân tộc đồng tình với nạn thảm sát cá mập và làm xấu hình ảnh đất nước.

4. Vây cá mập bị phơi là của loài nào mà dám bảo ĐSQ vi phạm?

Thưa với các bạn, luật cấm shark finning và cấm sử dụng VÂY cá mập áp dụng với tất cả các loài cá mập, không phân biệt loài, vì như đã nói ở trên shark finning dẫn đến tình trạng thảm sát cá mập. Vì vậy mà có thể 1 số loài có mức độ nguy cấp thấp hơn loài khác, nhưng chúng đều được bảo vệ khỏi hành vi shark finning và dĩ nhiên là được bảo vệ khỏi nạn tiêu thụ vây cá mập. Điều này áp dụng với những nước đã ban hành luật cấm đánh bắt, buôn bán và tiêu thụ vây cá mập như Chile, và với công ước quốc tế CITES.

Điều luật tương tự áp dụng với sừng tê giác, ngà voi hay mật gấu, cho dù đó là voi châu Á hay châu Phi, sừng tê giác Java ở châu Á hay sừng tê giác trắng ở châu Phi, dù là mật gấu nâu Bắc Mỹ hay mật gấu chó, gấu ngựa ở Việt Nam.

Danh sách luật bảo vệ cá mập ở những nước đã ban hành luật cấm sử dụng/buôn bán vây cá mập có thể xem tại đây.

Mọi người có thể thấy là trong số những chuỗi nhà hàng/khách sạn vẫn bán vây cá mập có tên những khách sạn lớn của Nhật như Nikko hotels và Princes hotels & resorts – và những công ty vẫn nhận chuyên chở vây cá mập sẽ có cái tên quen thuộc Vietnam Airline, China Airlines và Japan Airlines.

Những bạn chưa hiểu lắm về vấn đề vây cá mập có thể xem 1 phim phóng sự do đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay thực hiện trên youtube.

Trước đây mình cũng có viết 1 bài ngắn về phim tài liệu “Nước mắt của người cá“.

Bình Luận từ Facebook