9-1-2018
Được quan tâm nhất qua nay là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1 nổi tiếng từ ngày ra quân đẹp vỉa hè. Dẹp không được, ông ấy nộp lá đơn xin từ chức. Dù từ ngày đầu ra quân hay tới lúc nộp đơn, ông Hải vẫn có những người ủng hộ hay phản đối.
Theo phe nào không phải lựa chọn của tôi nên tôi chọn cách kể vài câu chuyện!
Trước hết là nói về chính sử.
Vỉa hè Sài Gòn có trước ông Hải, việc bị lấn chiếm cũng vậy. Dân số tăng và quản lý lỏng lẻo một thời gian dài nên vỉa hè mới bị chiếm. Người dân mặc nhiên coi vỉa hè trước nhà mình là “của mình”. Điều này sai cơ bản vì vỉa hè là công sản và việc Nhà nước cho thuê lại vỉa hè để thu thuế từ hoạt động kinh doanh vỉa hè là chủ trương đúng.
Bạn nghĩ sao khi nghe 2 thông tin này trong vô số chuyện vỉa hè Sài Gòn: 1- Một vị trí để xe bánh mì được bán lại với giá 40 lượng vàng vào năm 1998. 2- Hai nhóm giang hồ đã đánh nhau vì muốn thầu một bãi trống vỉa hè. Đó chỉ là 2 ví dụ trong vô số ví dụ về giá trị và sự khốc liệt của vỉa hè Tp.HCM.
TP.HCM có “ruộng mật” QUẬN 5, và “bờ xôi” QUẬN 1 nên kinh tế vỉa hè nơi tấc đất, tấc vàng có những điều đó là không lạ. Nhà nước phải lấy lại công sản cho thuê và kèm theo các yếu tố khác như điều tiết giao thông, ổn định trật tự lòng lề đường nên cần dọn dẹp vỉa hè. Cần có người tiên phong và ông Đoàn Ngọc Hải xung phong. Và tôi chỉ lạ về cách ông Hải ra quân đẹp vỉa hè!
Có 5 điều cần làm trước khi triển khai 1 chính sách có ảnh hưởng đến người dân: 1- Khảo sát xã hội học về vấn đề vỉa hè. 2- Lấy ý kiến chuyên gia đa ngành liên quan đến vấn đề cần khảo sát. 3- Lập kế hoạch cho chính sách đó với từng bước khoa học. 4- Triển khai thí điểm. 5- Triển khai đồng bộ. (Có thể xem link để biết thêm về cách Singapore quy hoạch vỉa hè ra sao.)
Cách ra quân ồ ạt thiếu khoa học chỉ giải quyết phần ngọn chứ không phải gốc của vấn đề! Cách đập phá và cưỡng chế, dù đúng luật, chỉ gây phản cảm. Vì ngoài yếu tố thừa duy tình thiếu duy lý của người Việt thì như đã nêu, ngay từ đầu thiếu một phương pháp khoa học. “Vấn đề không thể được giải quyết bởi cùng một cách suy nghĩ đã tạo ra nó.” – Albert Einstein.
Vì tôi biết QUẬN 1, Quận 5 là “bờ xôi, ruộng mật” nên tôi không lạ ý “Thường vụ quận uỷ Q1, Q5 là hàm Tổng cục phó” và ông Đoàn Ngọc Hải có thể được điều chuyển đến vị trí tương đương” của một nhà báo. Nhưng tôi tin ông Hải sẽ “cởi áo về vườn” như tuyên bố từ ngày đầu đẹp vỉa hè. Ngoài ra, nếu cần dọn vỉa hè thì những lực lượng nuôi bằng thuế dân đâu mà để cho ông Phó Chủ tịch của QUẬN “rất nhiều nghìn tỉ” phải xuống đường?
Đáng lẽ phải khen ông Hải “dân chơi Sài Gòn” vì quyết định “từ quan” như nhiều người thì tôi lại rất bình thản. Bởi ở các quốc gia tiến bộ, từ chức vì không hoàn thành trách nhiệm là bình thường. Thật bất thường khi khen cảnh sát giao thông không nhận “bánh mì” hay quan toà công minh- điều họ phải làm- để hưởng lương từ thuế dân.
Không liên quan, giờ là nói về huyền sử…
Mẫu lãnh đạo dân túy luôn dễ thuyết phục đám đông ở bất kỳ thời đại nào. Càng dễ dàng hơn trong thời hiện đại với sự góp sức của truyền thông.
Và không phải một ông quan tên Ngọc Biển ít xuất hiện xưa nay bỗng dưng xuất hiện như cồn! Đó là kết quả sau khi gặp một đàn anh đồng hương tên Si Giáng- người “quá ải Bộ Thông, trảm tướng dự án” với vô số huyền thoại về chơi đẹp với đối tác, em út. Ví dụ một lãnh đạo lương khoảng 10 triệu, tay đeo đồng hồ Patek, nghe điện thoại Vertu sẽ dễ dàng học cách tặng bút Parker hay chai rượu Tây mấy chục năm tuổi cho ký giả từ kinh nghiệm đàn anh.
Cái ngày được đàn anh dẫn đi gặp hòa thượng tên Út thì vị quan ấy tưởng bắt đầu “lên voi” chứ có ngờ đâu… Nếu không đặt trong một bối cảnh chung thì sẽ khó nhận ra năng quan khác tham quan chỗ nào, đó là vấn đề của một đám đông thiếu thông tin.
Đàn anh giờ ở chốn công môn hỏi gì nhận nấy còn mình thì chủ động từ quan kể cũng là chuyện xưa nay hiếm. Vì kể cả khi thất thế, vị nhất phẩm tên Si Giáng vẫn còn không chỉ một người vẫn giữ nghĩa đệ- huynh mà dự bữa rượu tiễn đưa trước ngày trả giá. Còn đám chầu chực chờ “vuốt mông ngựa, núp bóng quan” nay ráo hoảnh lời ơn.
Cái tình lúc thất cơ lỡ vận mới quý và không phủ nhận được!
Lời bàn cho huyền sử: có một ký giả ở Biên Trấn thầm giá như bữa rượu ấy không cao lương, chẳng mĩ vị và thiếu cả thượng hạng tửu nhưng vui vẻ từ trước đó và lâu dài về sau. Ký giả cũng tiếc mình không dự buổi “tiễn đưa” ấy để tự xách chai chuối hột rẻ tiền đến mượn chung rượu uống ba ly cảm hoài cho nghĩa khí hiếm hoi giữa đời này và có thêm tư liệu để viết về một thời đại rất đau thương nhưng cũng đầy thú vị.
Bình luận: chẳng có chính, huyền gì ở đây cả: bạn hãy đọc Bí Mật Vỉa Hè ở Q1 thì thấy có đến 10 Đoàn Ngọc Hải cũng phải bó tay mà thôi!