Quỳnh Vi
6-1-2018
Ngày 3/1/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến trong vụ án cưỡng chế đất liên quan đến công ty Long Sơn.
Ngay lập tức, đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra xung quanh bản án. Có ý kiến cho rằng, bản án quá nặng nề vì hành vi của ông Đặng Văn Hiến – một người cư ngụ và canh tác trên mảnh đất đang có tranh chấp – chỉ là tự vệ vì phía nhân viên công ty Long Sơn đã tấn công vào đất của ông trước.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu một công dân có quyền được tự vệ, cũng như bảo vệ đất đai và nơi ở của mình bằng mọi biện pháp, kể cả sử dụng vũ khí gây sát thương như dao hoặc súng hay không?
Công ty Long Sơn đã cưỡng chế mảnh đất đang có tranh chấp giữa họ và cư dân đang sinh sống tại đó, bao gồm gia đình ông Hiến và các đồng phạm, bằng cách dùng vũ lực cùng máy móc và hung khí để phá hủy tài sản của người dân. Điểm này đã được làm rõ trong cùng một bản án với ông Hiến, qua việc phó giám đốc và trưởng quản lý của công ty Long Sơn đã bị phạt tù về tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác.
Vì để tự vệ trước hành vi hủy hoại tài sản và thậm chí là tấn công cá nhân mà ông Hiến đã dùng súng bắn vào nhóm cưỡng chế khiến cho ba người chết và một số khác bị thương.
Trong những lập luận ủng hộ quyền được tự vệ của ông Hiến, một số ý kiến đã dẫn luật Hoa Kỳ làm cơ sở để tham khảo cho quan điểm yêu cầu tòa xem xét và giảm án cho ông. Họ cho rằng ở Mỹ, một người luôn có quyền được nổ súng và thậm chí là giết người để bảo vệ đất đai và nơi cư trú của mình trước những kẻ cố ý xâm nhập – và đó là một lập luận pháp lý có thể cân nhắc đến trong vụ án ông Hiến.
Vậy thì trong thực tế, có phải luật pháp Hoa Kỳ luôn cho phép công dân có được quyền đó không? Câu trả lời là có.
Quyền được dùng vũ khí sát thương để bảo vệ tính mạng, đất đai, hoặc nơi cư trú của công dân, đều được các tiểu bang Hoa Kỳ cho phép.
Các đạo luật tiểu bang và hệ thống án lệ của các tòa liên bang ngày nay đều dựa vào một chuẩn mực pháp lý được cổ xúy mạnh mẽ bởi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Đó là nguyên tắc, người tự vệ “không có nghĩa vụ phải thoái lui” (no duty to reatreat).
Trước hết, chúng ta cần hiểu nghĩa vụ phải thoái lui là gì. Nghĩa vụ này có thể hiểu nôm na là nếu một người bị người khác tấn công thì trước tiên phải kiếm đường… né. Nếu như chẳng may tránh né không được hoặc không thể nào chạy trốn, thì chỉ lúc đó mới được sử dụng vũ lực để tự vệ. Lý do là vì luật pháp khuyến khích người dân tìm các phương pháp giảm thiểu tranh chấp để tránh những hành vi bạo lực.
Thế nhưng, pháp luật Hoa Kỳ trong vòng gần 200 năm qua lại kết luận rằng, nghĩa vụ nói trên là không cần thiết khi một người vì bảo vệ đất đai hoặc nơi cư trú của mình mà phải sử dụng vũ lực. Tức là ở Mỹ, người dân có quyền lập tức nổ súng tấn công kẻ xâm nhập đất đai của họ, chứ không việc gì phải tìm đường trốn trước.
Không phải ngay từ đầu nước Mỹ đã có quy định này. Mọi thứ bắt đầu từ Anh quốc và được các thẩm phán Mỹ tiếp thu, sửa đổi.
Các thẩm phán Mỹ thời kỳ mới lập quốc chịu ảnh hưởng rất lớn từ hệ thống thông luật, cũng như tư tưởng của các pháp quan Anh quốc, trong đó bao gồm việc tôn trọng các nguyên tắc về quyền tư hữu, đặc biệt là đối với ngôi nhà của một người. Ngôi nhà của một công dân được xem như là một “tòa lâu đài” gần như bất khả xâm phạm trong luật Anh từ thế kỷ thứ 17.
Pháp quan nổi tiếng của Anh quốc, Ngài Edward Coke, đã tuyên bố trong án lệ nổi tiếng Semayne (Semayne’s Case) rằng, “căn nhà của một người chính là tòa lâu đài của anh ấy”. Lâu đài đó là một thành trì với những tài sản quý báu của chủ nhân, và vì vậy anh ấy có quyền dùng mọi cách để bảo vệ nó, thậm chí có thể giết chết những kẻ xâm nhập để trộm cướp mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây chính là nguồn gốc của “Học thuyết Lâu đài” (Castle Doctrine) nổi tiếng trong thông luật.
Một án lệ tiêu biểu được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên phán năm 1859 đã mở rộng phạm vi áp dụng “Học thuyết Lâu đài” từ nhà sang đất và có thể giúp giải thích rõ hơn nguyên tắc “không có nghĩa vụ phải thoái lui”.
Trong vụ án Beard kiện Chính phủ Hoa Kỳ (Beard vs. The United States), ông Beard – một người nông dân da trắng nghèo – đã vì tự vệ mà giết chết Will Jones, người đã cùng hai em trai tiến vào trang trại của Beard với ý đồ dùng vũ lực để lấy đi một con bò. Con bò này là vật mà Beard và anh em nhà Jones đang tranh chấp về quyền sở hữu.
Theo quan điểm của tòa hình sự cấp sơ thẩm, trước khi ra tay hành hung và giết chết một trong ba gã cầm súng đến cướp con bò tại trang trại của mình, thì ông Beard có nghĩa vụ phải tìm đường thoái lui. Chỉ khi nào lui không được, chẳng đặng đừng thì mới có thể tấn công ngược lại với lý do tự vệ.
Một trong những lý do của tòa sơ thẩm đưa ra để giải thích quan điểm của mình là do ông Beard đã xảy ra tranh chấp với ba anh em nhà Jones trên đất của trang trại ông. Đó là khu vực ở phía ngoài phạm vi căn nhà mà ông Beard và vợ cư trú, do đó không thể áp dụng “Học thuyết Lâu đài” và nguyên tắc “không có nghĩa vụ thoái lui” được.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong phán quyết của vụ án ông Beard đã kết luận, trong trường hợp một người – vì bảo vệ tính mạng và tài sản mà có hành vi giết người trên mảnh đất mà họ cư trú (chứ không chỉ là ở bên trong căn hộ của mình) – thì họ cũng không có nghĩa vụ phải thoái lui trước khi ra tay. Vì vậy, ông Beard được Tối cao Pháp viện lật ngược bản án và tuyên bố vô tội.
Như vậy, đến thời ông Beard và nước Mỹ miền Viễn Tây của thế kỷ 19, đất đai và trang trại của một người dân cũng được pháp luật xem như là “lâu đài của họ”.
Nguyên tắc “không có nghĩa vụ phải thoái lui” được Tối cao Pháp viện xác lập từ vụ án ông Beard (và những vụ việc khác cùng thời điểm) đã tồn tại từ đó cho đến nay. Hơn thế, nguyên tắc này còn trở thành chuẩn mực và là căn cứ pháp lý của gần như toàn bộ các điều luật liên quan đến quyền được dùng vũ khí để tự bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân ngay trên đất của mình tại Mỹ.
Tuy nhiên ngày nay, các đạo luật được ban hành liên quan đến vấn đề này có khác biệt đôi chút ở từng bang. Cần lưu ý rằng các phán quyết của Tối cao Pháp viện cấp liên bang chỉ xác lập quyền tối thiểu, pháp luật các bang có thể nới rộng quyền này.
Ví dụ có 25 tiểu bang Hoa Kỳ, trong đó có Florida và Texas, áp dụng nguyên tắc “không nhượng bộ” (stand your ground). Các bang này đã mở rộng quan điểm của các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án ông Beard hơn rất nhiều. Theo đó, luật hình sự của 25 bang này cho phép người dân được quyền tự vệ bằng mọi biện pháp – kể cả dùng vũ lực – ở bất cứ nơi nào chứ không chỉ là ở mảnh đất của mình (dĩ nhiên bạn cũng phải có mặt ở nơi đó một cách hợp pháp).
Trong khi đó, vẫn có một số tiểu bang – ví dụ như California – tiếp tục chọn con đường lập pháp mang vẻ bảo thủ hơn. Những bang này vẫn dựa vào nguyên tắc của “Học thuyết Lâu đài” thừa kế từ Ngài Edward Coke trong gần 500 năm qua, giới hạn quyền tự vệ nói trên trong phạm vi của ngôi nhà và đất đai mà một người đang cư trú.
Tài liệu tham khảo:
- Five ‘Stand Your Ground’ cases you should know about
- Sir Edward Coke declares that your house is your “Castle and Fortress” (1604)
- 5 Things To Know About ‘Stand Your Ground’ In California