4-1-2018
Trước hết, xin nhắc lại, tôi không chống Hán một cách cực đoan. Tôi đã có nhiều bài viết tuyên bố rõ ràng về lập trường này và khuyến khích mọi người nên học chữ Hán, văn hóa Hán, vì đó cũng là văn hóa ngàn năm trước của cha ông. Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ chính sách duy trì quan hệ bang giao Việt – Trung. Càng mâu thuẫn thù địch càng gây tổn thương về tinh thần lẫn xương máu của nhân dân hai nước. Nhưng quan hệ đó phải là quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau đúng tinh thần quan hệ quốc tế hiện đại.
Thực tế, suốt ngàn năm phong kiến, do tư tưởng hệ Nho giáo, quan hệ Việt – Trung được xem là quan hệ thiên tử – chư hầu, An Nam phải nhất mực trung thành và lễ cống thiên tử thiên triều thường xuyên. Nhưng không có lý do gì sang thế giới hiện đại, quan hệ ấy vẫn duy trì để được gọi là truyền thống như một số học giả phía Trung Quốc lẫn Việt Nam đang nỗ lực tuyên truyền.
Đáng buồn là, hiện nay, nhiều trang mạng Trung Quốc cố tình tuyên truyền chủ nghĩa bá quyền bằng cách lôi lại lịch sử thần phục của An Nam xưa, kể cả trưng ra những bức tranh mô tả vua An Nam quỳ lạy Thiên tử thiên triều. Nhưng đáng buồn hơn là sử gia hay khoa học gia của ta lại dựa vào cái gọi là sử liệu ấy để tiếp tay tuyên truyền cho họ.
Tạo tương tác đa chiều là tốt, nhưng ở đây gần như một số sử gia ta lại tin nguồn cứ liệu đó như thật và dùng nó như là chứng cứ để phản bác những điều đã được viết trong sử Việt lẫn sử Thanh. Rõ nhất là Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức toàn dùng tư liệu mới của Trung Quốc để in thành sách hoặc tuyên truyền với nội dung phản bác sử liệu cũ, gieo rắc niềm tin rằng, không phải Quang Trung giả mà là chính Quang Trung thật đã từng sang quỳ lạy Càn Long, lại viết bài với sự cố công chứng minh “một cách logic”, rằng bức chân dung photo bôi nhọ Quang Trung trên trang mạng Trung Quốc kia là thật!
Sự cố công chứng minh ấy không thể biện bạch là bất cẩn hay vô tình trong việc sử dụng nguồn dữ liệu của Trung Quốc được! Tôi nhắc lại, một bức chân dung cắt dán và photo đen nhẻm với thần thái thảm hại kia không bao giờ là một cứ liệu khoa học đáng tin cậy nếu không kiểm chứng từ bản gốc. Mà nếu có bản gốc cũng không thể xác tín rằng bức chân dung kia giống Quang Trung!
Tai hại hơn, sau khi mạng xã hội Việt Nam dậy sóng thì phía trang mạng Trung Quốc rất nhanh nhạy, cập nhật ngược lại cái hình ảnh ấy với sự chua nguồn như là sử gia Việt đã thừa nhận là đúng, là chân thực!
Vậy là sự dối trá đã lộ nguyên hình. Trên các trang của họ chỉ có nội dung tuyên truyền chủ nghĩa bá quyền, về chiến công của Càn Long và sự thần phục của các nước chư hầu, trong đó có vua An Nam mà họ hả hê cho là giả, hèn. Trong khi loạt tranh minh họa về ông vua Việt Nam thần phục thiên triều, ngoài series ảnh màu gốc, họ dùng ảnh photo cắt dán và không cần chú thích rõ ràng, thì bây giờ, lẽ ra phải trưng ảnh gốc để chứng minh thì họ lấy lại bài viết của Nguyễn Duy Chính (và ảnh của Trần Quang Đức) với chú dẫn số 47: “Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung”.
Tất nhiên, họ vẫn rất khôn ngoan chứ không ngớ ngẩn như ta, vì dưới bức tranh họ vẫn giữ lời chua mang tính nghi ngờ: “Tử Quang Các tại Trung Nam Hải vốn lưu giữ bức “Tân phong An Nam quốc vương tượng đồ”. Các bộ sử [như Thanh sử cảo] cho thấy bức họa chân dung không phải là bản thân Nguyễn Huệ”, nhưng sau đó lại lập lờ đánh dấu đến 4 nguồn (47, 44, 9, 48). Điều đó có nghĩa là trong 3 nguồn 44, 9, 48 là sử Thanh và sử Việt cũ là không thừa nhận vì đều nói đó là Quang Trung giả, còn nguồn 47 mới cập nhật: “Đã tìm ra chân dung Hoàng Đế Quang Trung”, coi như ta đã thừa nhận bằng logic một Quang Trung thật đi chầu thiên tử theo suy luận của Nguyễn Duy Chính (trên trang Blog Trần Đức Anh Sơn).
Họ ngụy tạo hình ảnh rồi lấy sự thừa nhận ngớ ngẩn của ta để thuyết phục mọi người rằng có thể đấy là chân thực, đẹp mặt chưa! Cho tôi nói thẳng: ai không phẫn nộ điều này, người đó không phải là người Việt!
Bức chân dung ngụy tạo ấy có nguy cơ ăn mòn và phá hủy cái tâm thức dân tộc về một ông vua anh hùng đuổi giặc ngoại xâm giữ gìn chủ quyền đất nước, nếu chúng ta không cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ và kịp thời.