Chuyện Sài Gòn – TPHCM

FB Mai Quốc Ấn

2-1-2018

Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông trong quá khứ, cái đó không bàn. Nhưng Tp.HCM hôm nay đặt chỉ tiêu thu ngân sách 367.000.000.000.000 (367 nghìn tỉ) cho năm 2018 là một con số khiến tôi phải suy nghĩ.

Đây là ngân sách thuần túy, hoàn toàn chưa tính đến những tấm lòng thơm thảo của dân Sài Gòn với đồng bào mỗi khi có thiên tai, lũ lụt. Kể cả không có thiên tai, lũ lụt thì những mảnh đời bất hạnh xứ khác cũng được dân Sài Gòn san sẻ.

Ngân sách Tp.HCM năm 2017 nộp trung ương là gần 348 nghìn tỉ đồng! Trong đó, thương mại quốc tế đóng vai trò rất quan trọng khi hệ thống Hải quan Tp.HCM đã kiếm được 120 nghìn tỉ ngân sách/năm, chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách năm qua. Riêng Cảng Cát Lái là khoảng 40 nghìn tỉ. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất dời về Long Thành, Tp.HCM sẽ mất đi bao nhiêu ngân sách? Bài toán ấy rất đau đầu!

Vậy mà cũng tại Cảng Cát Lái giữa Tp.HCM, 213 container đã “bỗng dưng biến mất” và 30 người toàn là nhân viên, cán bộ Hải quan. Trong đó, có rất nhiều người không phải “người Sài Gòn”!

Lại nói về 1 câu chuyện khác, từ vụ “quán phở Xin Chào” mà Thủ tướng phải vào cuộc chỉ đạo mới thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể “khó sống” ra sao. Đại tá Nguyễn Văn Quý mất chức trưởng công an huyện Bình Chánh vì lộng quyền, vụ này là lời cảnh tỉnh cho các cấp khác về việc kềm hãm sự phát triển của Sài Gòn.

Nhắc hai câu chuyện này để thấy rằng Tp.HCM chỉ cần siết lại công tác cán bộ và giám sát chặt sử dụng ngân sách là việc đạt chỉ tiêu thu-nộp ngân sách là khả thi.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc giữ và tăng tỷ lệ tăng trưởng năm 2017 rất vất vả. “Đến 6h chiều ngày cuối năm vẫn còn hồi hộp và sau 6h mới hoàn thành thu ngân sách. Nếu cộng từ dưới lên thì thành phố thu ngân sách bằng 45 tỉnh”.

Thu vất vả là thế nhưng Tp.HCM nộp trung ương đến 82% ngân sách, chỉ giữ lại 18% để đối diện với triều cường, ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm.v.v…

Qua cách nói của ông Nguyễn Thiện Nhân về ngân sách 1 thành phố bằng 45 tỉnh cho thấy, hiện tượng “ăn bám” ngân sách ở nhiều tỉnh là có thật.

Nó giống như những biệt phủ sừng sững thách thức dư luận ở Yên Bái, như câu chuyện báo khống thiệt hại về bão ở Thanh Hóa, như câu chuyện đòi xây tượng đài ở Bình Định, như câu chuyện băm nát rừng phòng hộ Phú Yên làm dự án,.v.v…

Nó giống như những “nắm đấm kinh tế” mang tên tập đoàn nhà nước đã gây ra những siêu lỗ, siêu nợ và làm béo bở một số người, một số nhóm người. Những PVN, EVN, TKV, Vinashin, Vinalines, Sợi Đình Vũ, Gang Thép Thái Nguyên,… đã “hóa vàng” ngân sách để rồi dân oán thán về các “thái tử Đảng”, các COCC tới các cấp cao nhất.

Nó giống như địa phương thì án oan chất chồng kêu không thấu để những người dân Bình Phước, Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau,… phải đội đơn ra Hà Nội kêu oan. Dân Miền Tây chân chất nhất, khi họ đã phải đội đơn ra Hà Nội nghĩa là “chịu hết siết” rồi.

“Ăn của dân không từ một thứ gì” rồi bắt Sài Gòn gánh là chơi hổng đẹp. Câu này đúng chất Sài Gòn!

Ví dụ xây thủy điện rồi phá rừng nơi khác có ảnh hưởng tới dân Sài Gòn không? Có! Vì dân Sài Gòn đóng góp nhiều nhất về thuế, phí (luật pháp) và các khoản cứu trợ, thiện nguyện (tình người).

Ví dụ có người nói mỉa rằng Tp.HCM “trộm cướp như rươi”. Tôi đáp ngay lập tức: Nhìn vào nguyên quán thì thấy trộm cướp từ tứ xứ đổ về là chính. Riêng tôi còn thấy có thêm loại cướp từ xa, cướp cho chữ ký và con dấu…

Ví dụ như cứ bắt người ta phải “anh Hai Sài Gòn” trong khi mình thì cứ muốn làm “cha thiên hạ” thiệt coi hổng có đặng chút nào!

Tôi tin là 2018, người Sài Gòn vẫn đóng đủ thuế, phí để Tp.HCM nộp ra trung ương. Nhưng trung ương “nợ” dân Sài Gòn một cách xử lý nghiêm hơn những địa phương “ăn bám”, những bộ ngành bội chi, những tập đoàn thua lỗ. Và về lâu dài thì không thể cứ để tình trạng làm ra 100 đồng mà chỉ hưởng 18 đồng mãi được vì đô thị Tp.HCM đang xuống cấp về hạ tầng rất nhanh (tôi sẽ viết trong 1 bài khác) trong khi nhu cầu về phát triển rất lớn.

Thương cho dân Sài Gòn. Đi trước để làm mà về sau lúc ăn. Đó là sự vô lý có thực mà Tp.HCM phải đối diện và tìm cách giải quyết!

Ảnh: 24h

Chú thích: Bạn đừng ngạc nhiên nếu có một người Sài Gòn nói giọng pha Bắc, pha Trung hay rặt Tây Nam Bộ hoặc có thể nói tiếng Hoa, tiếng Khmer, tiếng Ấn Độ. Sài Gòn là “hợp chủng phố” của những người mang ứng xử Sài Gòn.

Bình Luận từ Facebook