Tin Trong Nước
Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Trung Quốc khai trương thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Bài viết cho biết, thủy phi cơ lớn nhất thế giới của Trung Quốc AG600, với sải cánh dài 38 mét, vừa thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 24/12/2017, từ sân bay Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.
Dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho hay, chiếc máy bay AG600 này đã được đặt tên là “Côn Long” (Kunlong), “trang bị bốn động cơ phản lực được cho là có thể bay được 12 tiếng đồng hồ”, với phi hành đoàn 50 người, “chuyến bay khai trương thành công đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có thể sản xuất được thủy phi cơ cỡ lớn”.
Máy bay AG600 là sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo từ nguyên mẫu Boeing 737 của Mỹ. Nhiệm vụ trên danh nghĩa của nó là cứu hộ trên biển và chữa cháy rừng, nhưng phát ngôn của phía truyền thông Trung Quốc cũng cho thấy khả năng Bắc Kinh sử dụng thủy phi lớn nhất thế giới để phục vụ tham vọng bá quyền ở Biển Đông.
Nhà phân tích James Char, thuộc trường đại học kỹ thuật Nanyang ở Singapore, đánh giá: “Tầm hoạt động 4.500 km và khả năng đáp xuống mặt nước của nó rất thuận tiện để triển khai tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lên”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ lớn nhất thế giới, bao quát Biển Đông (TT). – ‘Sẽ thu hồi toàn bộ sách nếu đưa sai trái về chủ quyền Biển Đông’ (MTG).
Quan hệ Việt – Trung
Bàn về hành động lạm quyền và xu thế gần Trung Quốc của ông tổng Trọng, báo Tiếng Dân có bài của tác giả Âu Dương Thệ: Thói kiêu căng và độc tài của Nguyễn Phú Trọng đang đưa VN càng lệ thuộc Bắc kinh và đẩy đảng phân hóa, tan rã nhanh hơn. Với kinh nghiệm hơn 2 thập niên xem xét ông Tổng, tác giả đánh giá, “tâm lí như trẻ con, đã tin điều gì thì như đinh đóng cột!”.
Tác giả nhận định, TBT Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra rất độc tài và lạm quyền khi ra lệnh bắt, khởi tố Đinh La Thăng và đồng phạm trong khoảng thời gian “thần tốc”. Biểu hiện của sự độc tài là tính trình diễn, khoe khoang trong vụ “chống tham nhũng” mà thực chất là thanh trừng nội bộ, vì ông Trọng vẫn bảo vệ lợi ích của phe nhóm giúp ông đốt lò, mà không động chạm đến những sai phạm về đất đai, chính sách ở Yên Bái.
Không những độc tài, ông ta còn có xu hướng đưa nước Việt Nam lại gần Trung Quốc, trong thời điểm Trung Quốc từng bước hiện thực hóa tham vọng trên Biển Đông. Ông ta đã cố tình bỏ qua sự kiện Tòa án Trọng tài Quốc đưa ra phán quyết có lợi cho Việt Nam vào năm 2016.
TTXVN đưa tin, Trung Quốc và Việt Nam thiết lập “hành lang logistics vàng”. Bài viết cho biết, “hai ngành đường sắt của Trung Quốc và Việt Nam đang cùng nỗ lực, phấn đấu sớm thúc đẩy thực hiện kết nối các đoàn tàu container hàng hóa từ Việt Nam… qua Trung Quốc đến nước thứ ba, và ngược lại”.
Thông tin từ Cục Đường sắt Nam Ninh nói rằng, sau 20 ngày khai thông, “đoàn tàu côngtennơ chuyên tuyến Trung Quốc-châu Âu đã có 4 chuyến vận chuyển hàng hóa liên vận từ thủ đô Hà Nội tới Bằng Tường”, nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam đang từng bước thiết lập “hành lang vàng về logistics” giữa hai nước.
Đảng và nỗi ám ảnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Báo Quân Đội … chống nhân dân: Khi “Chống diễn biến hòa bình” lên truyền thanh nội bộ. “Để chủ động làm rõ âm mưu, thủ đoạn ‘diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phản động”, chỉ huy Lữ đoàn 950, thuộc Quân khu 9, đã yêu cầu “đưa chuyên mục ‘Chống diễn biến hòa bình’ vào chương trình phát thanh nội bộ”.
Bài viết dẫn lời Thượng úy Nguyễn Thanh Phương: “Năm 2017, các thế lực thù địch, phản động tăng cường sử dụng mạng xã hội, internet để chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội”. Tuy nhiên, Thượng úy Phương đã quên rằng, luôn có một lượng thông tin mà ông ta cho là “chống phá” được tiết lộ từ chính nội bộ Đảng Cộng sản.
Trong buổi gặp gỡ cán bộ cao cấp nghỉ hưu tổ chức ở Thành ủy TP HCM ngày 24/12/2017, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM đã tuyên bố, “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Khi nói đến vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giọng điệu của họ thường chỉ xoay quanh luận điểm “quyết liệt ngăn chặn, phòng chống”. Nghĩa là họ vẫn chưa hiểu, hoặc không muốn hiểu, tại sao làn sóng đảng viên “tự chuyển hóa” vẫn đang tiếp diễn.
Mời đọc thêm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần nêu gương công khai tài sản để nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống (FB Nguyễn Anh Tuấn).
Bí ẩn Vũ “nhôm”
Vụ án Vũ “nhôm” xuất hiện thêm tình tiết mới: Vũ nhôm từng muốn nắm Đông Á Bank? Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 mà ông Đinh La Thăng cũng từng dính chàm ở công ty này, sở hữu 10% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đông Á, tức Đông Á Bank, đã từng giới thiệu ông Phan Văn Anh Vũ làm ứng viên thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong tình hình Vũ “nhôm” kịp thời bỏ trốn trước khi có lệnh truy nã chính thức, báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao Vũ “nhôm” có thể bỏ trốn? Thông tin từ phía công an xác nhận, cuộc khám xét nơi cư trú của Vũ “nhôm” tối 21/12/2017 là để bắt Vũ “nhôm” cho kịp quyết định khởi tố sáng hôm sau. Nhưng Vũ “nhôm” không có mặt tại nơi ở, quyết định khởi tố bị can được thay bằng lệnh truy nã.
Về nguyên nhân Vũ “nhôm” nhanh chân tẩu thoát, Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, cho rằng, “do luật pháp quy định không chặt chẽ. Đó là cái hay, cái nhân đạo của Việt Nam cũng là cái sơ hở”. Vị tướng này đổ thừa cho pháp luật, và hoàn toàn bỏ qua các chứng cứ của dư luận phía dân, rằng đã có người trong nội bộ công an báo động cho Vũ “nhôm” từ trước.
Về hiện tượng lộ thông tin nội bộ khiến không ít “củi to” bỏ trốn trước khi lực lượng an ninh kịp thời bắt giữ và khởi tố, báo Một Thế Giới đặt nghi vấn: Rồi sẽ còn ai tiếp tục đào tẩu như Vũ ‘nhôm’, như Trịnh Xuân Thanh. Bên cạnh trường hợp Trịnh Xuân Thanh và Phan Văn Anh Vũ biết tin trước và sử dụng chước thứ 36, còn có trường hợp Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, đã xin đi nước ngoài nghỉ phép rồi bỏ trốn, theo đúng bài của Trịnh Xuân Thanh.
Tác giả đánh giá: “thật không thể ngờ được rằng lại thêm một nhân vật thứ 3, Phan Văn Anh Vũ,… cũng đào tẩu ngay khi pháp luật sờ đến. Vũ ‘nhôm’ (tên quen gọi) từng là thượng tá Công an, trên danh nghĩa là lãnh đạo một doanh nghiệp bình phong của Tổng cục 5, bộ Công an. Ông ta đã đào tẩu như trong một bộ phim tình báo ly kỳ” .
Thông tin từ các đảng viên của thành phố Đà Nẵng xác nhận rằng, “quyền lực vô hình” của Vũ “nhôm” từ lâu đã trở thành một nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. Tác giả đồng ý với những tin đồn trong dân về vấn đề “lộ thông tin nội bộ”, và cho rằng, những chuyển động ngầm của phía công an để bắt một số yếu nhân tuy là chuyện nội bộ, nhưng “vì là người cùng ngành nên ai đó đã để lộ thông tin theo dõi, giám sát để Vũ trốn thoát”.
Đánh giá hiện tượng “quyền lực vô hình” của Vũ “nhôm”, báo Dân Trí có bài: Vũ “nhôm” – phải chăng là hồi chuông báo động về “tư bản thân hữu”? Tác giả gọi tên của bản chất quyền lực Vũ “nhôm” là “tư bản thân hữu”, nghĩa là hiện tượng doanh nghiệp kết nối với quan chức để làm giàu, đến khi có tiền rồi thì họ tiếp tục thao túng các quan chức đã lỡ “nhúng chàm”, can thiệp vào công việc của chính quyền.
Tác giả cho rằng, kiểu “tư bản thân hữu” như Vũ “nhôm” không phải là hiếm, thậm chí quyền lực của “tư bản thân hữu” đã tồn tại song song với quyền lực của quan chức từ rất lâu, góp phần làm biến chất bộ máy công quyền và tạo nên những cá nhân, tập thể kỳ quái sở hữu cả tài sản rất lớn và khả năng thao túng chính trường của một tỉnh.
Vấn đề “tư bản thân hữu” cũng liên quan trực tiếp đến một vấn nạn mà những đảng viên phản tỉnh đã gọi tên từ lâu, là “lợi ích nhóm”. Yếu tố “tiền bạc đi đôi với quyền lực” đã góp phần tạo nên đặc quyền, đặc lợi, biến những “nhóm lợi ích” trở thành những thực thể chính trị có thể hầu như đứng trên pháp luật của chính Đảng Cộng sản.
Liên quan đến vấn đề Vũ “nhôm” biết thông tin mật để kịp thời trốn thoát, trang Đất Việt đặt câu hỏi: Ai để lộ bí mật nhà nước cho Vũ nhôm? Bà Bùi Thị An, cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII cho rằng: ”Một doanh nghiệp không thể có bí mật nhà nước. Chỉ có những đồng chí có trách nhiệm và những cơ quan có trách nhiệm mới được giao bí mật nhà nước. Cá nhân, tập thể được giao phải có trách nhiệm bảo vệ những bí mật đó”.
Không chỉ các ĐBQH ở Đà Nẵng, cả báo giới và dư luận cũng đang đặt câu hỏi: nhân vật nào trong nội bộ công an đã tiết lộ thông tin mật cho Vũ “nhôm”. Hiện tại, nhân vật này vẫn đang là ẩn số, nhưng vấn đề mâu thuẫn ngay trong chính lực lượng công an chắc chắn không còn là ẩn số nữa.
Về hiện tượng Vũ ‘nhôm” và “tư bản thân hữu”, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đánh giá: Từ Vũ “nhôm” nhìn ra các Đinh La Thăng. Điểm mặt các sai phạm trong quá trình thực hiện 9 dự án và bán 31 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước có dấu tay của Vũ “nhôm”, tác giả cho rằng, “sai phạm tày đình như vậy diễn ra công khai giữa thiên thanh bạch nhật kéo dài trong 15 năm, nhưng không ai biết đến”.
Theo ông Chênh, “bộ máy nhà nước của chế độ nầy lập ra vô cùng cồng kềnh,… nhưng chẳng có một chút hiệu quả nào”, toàn bộ hệ thống công quyền ở Đà Nẵng đã bị vô hiệu hóa bởi Vũ “nhôm”, nhờ sự tiếp tay của ông Nguyễn Bá Thanh, người được điều về Đà Nẵng để “tổng tấn công truy quét tham nhũng”.
Vũ “nhôm” xây dựng được “quyền lực vô hình” cũng nhờ “Đinh La Thăng” và cả các quan chức công an ở Đà Nẵng giúp sức, và ngay cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng phải chịu trách nhiệm về đường dây chính trị-kinh tế đã tạo nên thế lực cho Vũ “nhôm”.
Mời đọc thêm: Triển khai nhiều biện pháp truy bắt Vũ ‘nhôm’ (TN). – Loại sân golf khỏi siêu dự án dính líu đến đại gia Vũ ‘nhôm’ (VOV). – Điểm mặt 9 dự án liên quan đến Vũ “nhôm” (BGT). – Đại gia Vũ ‘nhôm’ đang bị công an truy nã là ai? (Zing/GĐVN). – Luật sư nói gì về tội làm lộ bí mật nhà nước của đại gia Vũ “nhôm”? (LĐ). – Ông Vũ “nhôm” từ lâu đã chuẩn bị “đào thoát”? (NĐT). – Tại sao khởi tố Vũ “nhôm” về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước? (DT). – Truy nã thượng tá công an, ‘trùm mafia đỏ Đà Nẵng’ (NV).
Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ở PVN
Báo Dân Việt đưa tin: Những bao tiền “đi đêm” ở PVN. Tác giả điểm mặt 3 vụ trọng án kinh tế-chính trị liên quan đến những khúc củi tẩm dầu: vụ góp vốn OceanBank làm thất thoát 800 tỷ đồng, vụ án tham nhũng tại PVN và PVC, vụ án tham nhũng tại PVP Land.
Trong vụ PVN góp vốn vào OceanBank, phía an ninh điều tra công bố thêm tình tiết mới: từ tháng 3/2009 đến tháng 11/2010, ông Nguyễn Xuân Sơn đã thường xuyên đưa “tiền phong bì” cho ông Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của PVN, mỗi lần khoảng 500 triệu đồng, đến giai đoạn 2011-2012 thì số tiền hối lộ đã tăng lên mức 1-2 tỷ đồng trong mỗi lần đưa.
Báo Công An Nhân Dân có bài tổng hợp: Những sai phạm thiệt hại nghìn tỉ liên quan đến các đối tượng ở PVN và PVC. Thông tin từ phía an ninh điều tra xác nhận cho biết: sau khi đưa Trịnh Xuân Thanh về làm lãnh đạo PVC, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVC phải tiếp nhận hầu hết các khoản đầu tư của PVN, dù các khoản đầu tư này đều là nợ xấu, và chính tình trạng tài chính của PVC cũng gặp khủng hoảng vào cuối năm 2009.
Trong vụ án tham nhũng ở PVP Land, Trịnh Xuân Thanh đã thông qua em trai ông Đinh La Thăng để “thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land” và mua với giá thấp hơn giá thỏa thuận đặt cọc để chiếm 87 tỷ đồng.
Về bộ máy tuyên truyền của chính quyền Việt Nam đưa tin sai sự thật trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhà nghiên cứu Phương Thơ bình luận, “báo chí VN và cả ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhất là phe nhóm ông Tổng Trọng vẫn còn lạc quan tuyên truyền Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang diễn ra… Thực tế hồ sơ EVFTA trên trang chủ của EU họ đã tháo cái EVFTA ra mục đàm phán và trì hoãn một thời gian dài”.
Mời đọc thêm: Chuyện không ưa vẫn đưa tiền tỷ trong vụ án Đinh La Thăng (DV). – Trịnh Xuân Thanh đã bị kê biên những tài sản gì? (DV).
Tiếp tục câu chuyện lò và củi
Nhà báo Nguyễn Thông có bài bình luận: Chống tham nhũng: Ai chống, chống ai? Tác giả cho rằng, bất cứ xã hội nào cũng có thể nảy sinh tham nhũng, vì lòng tham là bản tính tự nhiên của con người và kẻ tham nhũng phải là kẻ có quyền. Tuy nhiên, khác với nền dân chủ tư bản, người dân trong nền “dân chủ” xã hội chủ nghĩa nếu dám chống tham nhũng thì đều “chịu lên bờ xuống ruộng”.
Ông Thông cho rằng, công cuộc đốt lò của bác Tổng chỉ chứng minh được những vết rạn nứt khá nghiêm trọng trong nội bộ thể chế, chứ không chứng minh được chế độ này có thể chống tham nhũng theo cách hiệu quả và thực chất như các nền dân chủ tư bản. “Họ lợi dụng nhân dân, dựng chiêu bài chống tham nhũng vì nước vì dân để tranh thủ lôi kéo nhân dân vào phe với mình”.
Nhân dịp ông Tổng nhặt một loạt củi trước khi năm 2017 kết thúc, báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Lò nóng và củi tươi đang cháy! Tác giả nhắc lại lời ông Tổng tuyên bố cuối tháng 7/2017: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên”. Cũng chính phát ngôn này đã khởi sự chuyện lò và củi trong chính trường Việt Nam giai đoạn cuối năm 2017.
Bàn về hiện tượng “quyền lực vô hình” của Vũ “nhôm”, tác giả thừa nhận: “Kẻ đáng sợ nhất là thế lực chống lưng đứng đằng sau. Nếu bắt được Vũ mà không bứng luôn cả bệ thì mới chỉ thành công một nửa”. Tuy nhiên, tác giả cũng không thoát khỏi lối mòn của những nhà báo “lề phải” khác, những người chấp nhận làm tuyên truyền viên của Đảng, khi cho rằng, “bản chất của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nếu quyền lực ấy thực sự thuộc về dân thì người dân không phải quá khốn khổ dưới thời CS như hiện nay.
Báo Kinh Tế Nông Thôn đưa tin: Cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục “nóng”. Tác giả nhận định, “nhiều tuần qua, liên tục các quan chức, cựu quan chức bị bắt giữ cho thấy công cuộc ‘đốt lò’ chống tham nhũng của Đảng ta đang được thực thi rất mạnh mẽ”, và điểm lại trường hợp các khúc củi to gần đây đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Công cuộc “đốt lò” ấy vẫn gặp phải rào cản là những rạn nứt trong nội bộ thể chế, điển hình là trường hợp Vũ “nhôm”. Tác giả thừa nhận Vũ “nhôm” đã trốn thoát thành công trước khi công an đến khám xét nơi cư trú, và thay vì công bố quyết định khởi tố, thì công an phải công bố lệnh truy nã.
Mời đọc thêm: Tạm giam nguyên GĐ Công ty Cổ phần Quốc tế CT (ĐV). – Đề nghị xem xét lại việc tặng huân chương cho nguyên Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (DT). – Giấy tờ giả: Lỗi, phải của công chứng, công an (PLO). – Hà Nội: Cán bộ tố Chánh thanh giao thông bảo kê xe quá khổ, quá tải (VOV).
Bất cập chuyện chung cư, khu đô thị ở Việt Nam
Nhìn lại năm 2017 với không ít mâu thuẫn, xung đột trong vấn đề chung cư, khu đô thị, báo VietNamNet có bài tổng hợp: Mua nhà tiền tỷ ở không yên: Nhịn ăn đi đòi quyền lợi. Bài viết có đoạn, “từ Nam chí Bắc, danh sách những chung cư chìm trong băng rôn, biểu ngữ của người mua nhà tiếp tục nối dài. Cuộc chiến đòi quyền lợi không chỉ diễn ra riêng lẻ, mà thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau”.
Tiêu biểu là trường hợp hơn 400 hộ dân ở chung cư VP3 Linh Đàm đã phải chịu đựng tình cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên suốt gần 4 năm trời. Có lúc, hàng trăm cư dân VP3 đã giăng biểu ngữ để biểu tình với khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư trao lại quyền quản trị cho cư dân, xử lý tình trạng mất nước, thiếu nước sạch.
Báo Thanh Niên đưa tin: Cư dân khu Đoàn ngoại giao phản đối xây bệnh viện ung bướu trong khu đô thị. Ngày 24/12/2017, nhiều người dân sống ở khu đô thị Đoàn ngoại giao (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tập trung, giương biểu ngữ “phản đối việc xây dựng bệnh viện ung bướu trong khu đô thị này”.
Về lý do người dân phản đối quyết định quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội, là vì họ ”lo lắng việc xây dựng bệnh viện ung bướu giữa lòng khu đô thị có hàng chục nghìn dân sẽ gây ra hệ lụy về sức khỏe cộng đồng”. Nhiều người dân ở đây phản ánh, chủ đầu tư khu đô thị cấp 1, đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch mà không tham khảo ý kiến của cư dân.
Mời đọc lại: Vỡ mộng với Khu đô thị Ngoại giao đoàn (TP).
Hồ sơ Đồng Tâm
Facebooker Lê Đình Công chia sẻ video về buổi tiếp xúc cử tri của xã Đồng Tâm, bà Nguyễn Thị Lan, cựu Bí thư xã Đồng Tâm “đã tố cáo tội trạng bọn tham nhũng”:
BUỔI TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA XÃ ĐỒNG TÂM NGÀY 23/12/2017-Được nghe Bà Lan bí thư tố cáo tội trạng bọn tham nhũng của UBND xã ĐỒNG TÂM rất lớn.-Cần phải kiểm tra làm rõnhờ bà con chia sẻ
Publié par Công Lê sur samedi 23 décembre 2017
Tin quốc tế
Điểm nóng Bắc Hàn
Ngay sau khi bị LHQ gia tăng các biện pháp trừng phạt, Bắc Hàn đã có phản ứng rất gay gắt, VOA đưa tin Triều Tiên nói chế tài mới của LHQ là hành động chiến tranh. Bài báo dẫn lời Bộ Ngoại giao Bắc Hàn:”Những chế tài mới nhất nhắm vào Triều Tiên là một hành động chiến tranh và ngang như một sự phong tỏa kinh tế hoàn toàn nhắm vào nước này”.
Vẫn theo giới chức ngoại giao Bắc Hàn, “Mỹ đang kinh hãi về sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên” và “ngày càng điên cuồng trong những hành động nhằm áp đặt những chế tài nghiêm khắc nhất từ trước tới giờ và gây áp lực lên đất nước chúng tôi“.
Đứng trước những phản ứng gay gắt đó của Bắc Hàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi binh sỹ sẵn sàng cho khả năng chiến tranh Triều Tiên, VTC đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra lời kêu gọi trên khi nói chuyện với các binh sĩ ngày 23/12 tại căn cứ Fort Bragg ở bang North Carolina.
Bài viết cho hay: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định vẫn chưa cần phải sơ tán gia đình các quân nhân Mỹ đang sống ở Hàn Quốc về nước vào thời điểm này, đồng thời nói thêm rằng giới chức Mỹ vẫn đang tìm cách giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng phương pháp ngoại giao”.
Cũng liên quan đến nguy cơ chiến tranh Triều Tiên nổ ra, báo Đất Việt có bài: Mỹ lo Trung Quốc đưa quân tràn sang Triều Tiên?. Bài viết cho rằng “Trung Quốc sẽ không khơi mào một cuộc xung đột với Triều Tiên, nhưng nếu bất ổn hoặc chiến tranh nổ ra, họ sẽ chẳng cam tâm đứng bên lề”.
Tác giả cũng trích dẫn những phân tích trên báo Newsweek cho hay: “Khi tình hình (Triều Tiên) lâm nguy, với tham vọng ngày càng lớn và năng lực quân sự cũng mạnh lên, Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội tốt để điều hàng chục nghìn binh lính và cảnh sát sang Triều Tiên“. Con bài Bắc hàn có lẽ Trung Quốc sẽ không thể bỏ, mặc dù có thể từ bỏ bảo kê chế độ độc tài họ Kim, vì vị trí áp sát “mạng sườn” Trung Quốc của quốc gia này.
Mời đọc thêm: Triều Tiên phản đối các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc (VOV). – Mỹ yêu cầu binh sĩ sẵn sàng cho chiến tranh Triều Tiên (TN). – Triều Tiên tố nghị quyết LHQ là hành động chiến tranh (PLO). – Ông Kim Jong-un kêu gọi tấn công “hiện tượng chống chủ nghĩa xã hội” (LĐ). – Bắc Hàn: Lệnh phạt mới của Liên Hiệp Quốc là ‘gây chiến’ (BBC). – Ớn lạnh: Triều Tiên nếu tấn công hạt nhân sẽ huỷ diệt 90% dân số Mỹ (DV).
Tin nước Mỹ
Tổng thống Donald Trump tiếp tục vấp thất bại nỗ lực nhằm hạn chế người tị nạn. VOA đưa tin: Thẩm phán liên bang chặn một phần hạn chế người tị nạn mới nhất của Trump. Ông James Robart, thẩm phán liên bang ở Seattle là người đưa ra phán quyết chặn một phần những quy định về hạn chế người tị nạn được nhận vào Hoa Kỳ từ 11 quốc gia.
Bài báo trích dẫn: “Thẩm phán Robart phán quyết rằng chính quyền có thể thực hiện cuộc thẩm xét an ninh, nhưng không thể ngừng làm thủ tục hoặc nhận người tị nạn từ 11 quốc gia đó trong thời gian chờ đợi, miễn là những người tị nạn này có mối liên hệ “thực thụ” với Mỹ”. Trước đó, “chính quyền Trump đã tạm dừng lại một chương trình cho phép người tị nạn đoàn tụ gia đình trong khi chờ thêm các thủ tục rà soát an ninh được áp dụng”.
Tổng thống Mỹ cáo buộc phó giám đốc FBI ăn tiền từ phe Clinton là tựa bài trên tờ Một Thế Giới. Bài viết cho biết, ông Trump viết trên Twitter: “Làm sao mà phó giám đốc FBI Andrew McCabe, người phụ trách vụ James Comey rò rỉ thông tin cho báo chí, về cuộc điều tra Hillary Clinton (gồm vụ bà ta xóa 33.000 email trái phép) lại được bọn bù nhìn của Clinton trao tiền cho chiến dịch vận động của vợ ông ta, ngay trong cuộc điều tra?”.
Liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ mới được thông qua, báo Thanh Niên có bài: Châu Á lo ngại vì chính sách thuế mới của Mỹ. Ông Trump ký ban hành luật thuế mới trong đó quy định giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, điều này đang dấy lên sự lo ngại từ các quốc gia châu Á.
Theo tác giả, “nhiều nền kinh tế châu Á đang gấp rút điều chỉnh các chính sách nhằm đối phó với làn sóng công ty Mỹ rút về nước và xu hướng các công ty trong nước muốn đầu tư vào Mỹ”. Trò chơi thuế của ông chủ Nhà Trắng đang gây lo ngại cho nhiều nền kinh tế châu Á như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc…
Mời đọc thêm: Chicago (Mỹ) chứng kiến hàng loạt vụ xả súng dịp Giáng sinh — Ông Donald Trump tiếc 7 nghìn tỉ đô Mỹ “dại dột” tiêu tốn ở Trung Đông (Soha). – Nhà Trắng bác tin ông Trump nói dân nhập cư Haiti bị AIDS (TN).
Quan hệ Nga- Mỹ và điểm nóng Ucraine
Báo Đất Việt chạy tít: Sự thật sốc vũ khí Mỹ cấp cho Ukraine: Đã có Javelin. Dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết, “cùng với súng bắn tỉa M107A1, hiện nay Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng thông qua kế hoạch cung cấp khoảng 210 hệ thống tên lửa chống tăng tối tân FGM-148 Javelin cho quân đội chính phủ Ukraine”.
Theo giới phân tích, việc Nga “tá hỏa” khi biết thông tin Mỹ trang bị cho quân đội Ucraine tên lửa chống tăng vác vai tối tân FGM-148 Javelin là vì nó quá nguy hiểm: “Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng vác vai của Mỹ được thiết kế để nhắm mục tiêu là xe xe tăng, thiết giáp hoặc các mục tiêu bay ở tầm thấp” và thêm một chi tiết cũng làm Nga sôi máu đó là, “Mỹ từng nhiều lần khẳng định, chỉ cần dính 1 quả đạn Javelin, bất cứ dòng tăng tối tân nào của Nga đều dễ dàng bị biến thành đống sắt vụn”.
Những căng thẳng gần đây giữa Nga và Mỹ đã được Tiền Phong chạy tít: Tư lệnh Thủy quân lục chiến cảnh báo xung đột Mỹ – Nga. Ông Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo về xung đột Nga – Mỹ trong cuộc gặp gỡ lính thủy đánh bộ Mỹ.
Theo ông Neller, “Trung Đông không còn là mối quan tâm như trước kia của Mỹ, bởi bộ phận cơ bản của lực lượng khủng bố đã bị tiêu diệt, chính vì vậy khu vực Thái Bình Dương và Nga sẽ cần được tập trung quan tâm“. Neller cũng nhấn mạnh “sự ‘va chạm mạnh mẽ’ đang sắp xảy ra, chính vì vậy cần sẵn sàng cho kịch bản phát triển của các sự kiện”.
Cũng trên báo Tiền Phong có bài: Nga khẳng định ‘không chạy đua vũ trang với Mỹ’. Đó là khẳng định của ông Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Cựu Tư lệnh hàng không vũ trụ Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Nga sẽ không làm leo thang chạy đua vũ trang do chúng tôi sẽ không tấn công bất cứ ai”.
Lời phát biểu không “tấn công ai” của ông Viktor Bondarev làm người ta nhớ ngay đến sự rối ren tại Đông Ucraine, hay tình hình ở Syria hiện nay. Và nếu ngân sách không cạn kiệt vì khủng hoảng, trừng phạt, giá dầu giảm và chi tiêu quốc phòng không phải giảm bắt buộc, liệu Nga có tham gia “trò chơi” chạy đua hay không?
Mời đọc thêm: Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi EU không bị cuốn theo các nước chống Nga (TTXVN). – NATO tìm cách đối phó tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương (TN). – Thực chất của tuyên bố kinh tế Nga thoát khỏi suy thoái (BĐV). – Nga : Biểu tình ủng hộ ứng cử viên đối lập Navalny trên toàn quốc (RFI).
Căng thẳng Trung Đông
Liên quan đến câu chuyện tranh chấp “đất thánh” Jerusalem, VOV có bài: 11 người Palestine thiệt mạng khi đụng độ binh sĩ Israel ở Jerusalem. Bài báo cho biết, suốt 2 tuần nay kể từ khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, các cuộc biểu tình của người Palestine liên tục diễn ra. Đụng độ đã xảy ra khi binh lính Israel phải dùng đạn hơi cay, súng phóng lựu để giải tán đám đông. Bộ Y tế Palestine ở Dải Gaza cho biết, sau 2 tuần đụng độ đã có 11 người Palestine thiệt mạng. Con số thương vong sẽ tăng lên nữa với những hành động gần đây của các bên liên quan.
Cũng liên quan đến tình hình Jerusalem, báo Đất Việt có bài: Jerusalem: Trump tung tám đòn hiểm, quyết giúp Israel đánh gục Palestine. Theo bài viết “Nhà Trắng đã quyết định gia tăng thêm sức ép với Chính quyền Palestine để ủng hộ Israel, bằng cách cắt đứt tất cả các mối quan hệ của Mỹ với cá nhân Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas và chính quyền của Fatah do ông lãnh đạo, có trụ sở tại Ramallah”.
Mỹ cũng đưa ra một lộ trình 8 điểm nhằm trừng phạt Palestine bao gồm nhiều vấn đề trong đó vẫn đang bỏ ngỏ về các khoản viện trợ cho Palestine.
Mời đọc thêm: Hàng nghìn người phản đối Thủ tướng Israel tại Tel Aviv, Jerusalem (TTXVN). – Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Jerusalem, thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước (VOV)
Trung Quốc và Thế giới
Báo Tiền Phong có bài mang hơi hướng nịnh “Thiên triều” với tựa đề: Trung Quốc năm 2017: Quyết liệt ‘đả Hổ’. Bài viết như một áng văn ca ngợi thành tựu “đả hổ” của Trung Quốc khi đưa ra các số liệu như: đã có 313 vụ phạm tội chức vụ bị lập án điều tra, trong đó có 25 quan chức lãnh đạo cấp tỉnh, bộ trở lên bị lập án điều tra trong năm 2017.
Bài viết cũng cho biết thêm: “Tính đến tháng 10/2017, Trung Quốc đã truy bắt được 3.587 tội phạm bỏ trốn từ hơn 90 nước và khu vực, truy thu tang vật hơn 9 tỷ 541 triệu NDT“. Trung Quốc là nước đi đầu về nghệ thuật bắt cóc tham nhũng trốn ở nước ngoài mà Việt Nam học theo qua vụ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan đến chuyện Trung Quốc kiểm duyệt thông tin, RFI có bài: Trung Quốc : Đóng cửa hơn 13.000 trang web từ năm 2015. Bài viết cho biết, có hơn 10 triệu tài khoản trên các mạng xã hội cũng bị đóng cửa vì bị xem là “vi phạm các quy định của nước này về Internet”.
Tác giả cho biết thêm, “Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát mạng thông tin toàn cầu kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012“. Với việc áp dụng bàn tay sắt trong kiểm duyệt thông tin và tư tưởng người dân như vậy, theo Freedom House, “Trung Quốc là quốc gia có chính sách kiểm soát Internet nghiêm ngặt nhất trong số 65 quốc gia mà tổ chức này nghiên cứu, tệ hơn cả Iran và Syria”.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong mối quan hệ Mỹ- Đài-Trung, báo Soha có bài: Trung Quốc “dằn mặt” Đài Loan, Mỹ bơm thêm vũ khí cho Đài Bắc. Thời gian gần đây Trung Quốc gia tăng áp lực và leo thang đe dọa Đài Loan khi liên tiếp cho nhiều máy bay vận tải quân sự bay gần Đài Loan.
Trước những hành động diều hâu của Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan khẳng định, “Mỹ sẽ kiên định ủng hộ khả năng tự phòng vệ của Đài Loan, cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho Đài Loan, để Đài Loan có thể ngăn chặn bất cứ hành động vũ lực nào đe dọa an toàn của nhân dân hoặc chế độ xã hội, kinh tế của Đài Loan hoặc những mối đe dọa khác”.
Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản được báo Dân Việt chạy tít: Nhật Bản – Trung Quốc: Đối thủ truyền kiếp. Bài viết phân tích nhiều khía cạnh trong “thái độ đối đầu” giữa 2 quốc gia có lịch sử đối đầu lâu dài này. Các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc-Nhật Bản hiện nay được thể hiện qua nhiều lĩnh vực như: Gia tăng ảnh hưởng mềm, các định chế kinh tế thương mại, đối đầu trên biển…
Trong cuộc đối đầu về quyền lực mềm tại Philippines cả 2 quốc gia đều đang ráo riết thể hiện để lôi kéo Manila (bài viết không nói đến Việt Nam, mặc dù chúng ta cũng là đối tượng “tranh giành” của 2 nước Trung – Nhật). Với cuộc chiến các định chế thương mại, trong khi Bắc Kinh đưa ra và thúc đẩy “Một vành đai, Một con đường” thì phía Nhật Bản lại thúc đẩy TPP (nay là CPTPP). Trung Quốc đang hung hăng trên Biển Đông với ý định độc chiếm thì Nhật Bản lại ủng hộ Đối thoại An ninh Bốn bên (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).
Cũng xin nói thêm, trong lịch sử “đối đầu” trước đây Trung Quốc luôn thất bại nhục nhã, cay đắng trước Nhật Bản. Từ những trận hải chiến trên biển trước thế kỷ 19, đến thế kỷ 20 Trung Quốc liên tiếp bị Nhật Bản “làm nhục”, điều mà đến tận bây giờ Trung Quốc không thể nuốt trôi với tư tưởng dân tộc cực đoan và bành trướng.
Mời đọc thêm: Trung Quốc lo sợ Nga, Ấn Độ sắp biên chế chiến đấu cơ Su-57? (Soha). – Thủy phi cơ cỡ lớn của Trung Quốc tiến hành chuyến bay đầu tiên (TTXVN). – Quân đội Trung Quốc lần đầu tiên tới Syria chống IS (VNN).
Các tin quốc tế đáng chú ý khác: Venezuela ‘không chấp nhận’ các đại diện ngoại giao Brazil và Canada (TTXVN). – Đa số người dân Thái Lan muốn có thêm các đảng phái chính trị mới (VOV). – Indonesia tăng cường an ninh trước dịp lễ cuối năm (RFI). – Peru: Cựu ‘Tổng thống độc tài’ nhập viện từ nhà tù (BBC). – Phát hiện tín hiệu thủy âm nghi của tàu ngầm Argentina mất tích (VNE).