22-12-2017
Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên y án đối với nhà hoạt động Thúy Nga tại phiên phúc thẩm ngày 22/12.
Như vậy, bà Thúy Nga sẽ chịu mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế như đã tuyên trong phiên sơ thẩm. Bà Nga bị Công an tỉnh Hà Nam bắt và truy tố hồi tháng Một theo Khoản 1 Điều 88 với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước.’
Mức án ‘khắc nghiệt’
Trao đổi với BBC từ TP Hồ Chí Minh ngày 22/12, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế giới Luật pháp nhận định mức án này ‘quá cao và quá khắc nghiệt’.
“Khung hình phạt của Khoản 1 Điều 88 là từ 3 đến 12 năm. Nếu không có thêm tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì toà phải áp dụng mức trung bình của khung hình phạt. Tức là 7 năm 6 tháng tù. Do đó, tòa án cấp phúc thẩm tuyên y án 9 năm tù cho bà là quá cao và quá khắc nghiệt, khi mà hành vi của bà không gây thiệt hại vật chất nào cho nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bà Nga còn phải nuôi hai con nhỏ,” luật sư Sơn nói.
Theo luật sư Sơn, ‘vấn đề cần mổ xẻ’ trong vụ việc của nhà hoạt động Thúy Nga không nằm ở việc bà ‘bị tuyên án nặng hay nhẹ mà các hành vi của bà có thực sự gây nguy hiểm cho xã hội và đáng phải xử lý hình sự hay không’.
“Hiện nay, điều 88 Bộ luật Hình sự quy định về tội tuyên truyền chống phá nhà nước toàn là định tính chứ không định lượng nên rất mơ hồ và dễ lạm dụng,” ông Sơn nói với BBC.
‘Không bất ngờ’
Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 22/12 sau khi được thả từ đồn công an, ông Phan Văn Phong chồng bà Thúy Nga cho biết ‘không bất ngờ’ vì đã lường trước kết quả.
“Tuần tới gia đình sẽ tới trại giam để tìm hiểu xem khi nào thì được vào thăm,” ông Phong, người chưa từng được thăm vợ một lần kể từ khi bà Thúy Nga bị bắt, cho biết.
Ông cũng nói thêm “Tôi mới gửi hoạt huyết dưỡng não vào trong tù cho Nga theo yêu cầu Nga viết trong thư gia đình nhận được tuần trước.”
Bắt ‘câu lưu’
Bị tạm giữ
Một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền đã bị công an tỉnh Hà Nam tạm giữ trước phiên phúc thẩm bà Thúy Nga.
Trong số những người bị bắt có chồng bà Nga, ông Phan Văn Phong.
Ông Phong cho BBC biết ông bị ‘hốt lên xe’ khi vào khoảng 08:00.
‘Tôi vừa mua sữa ở cổng bệnh viện Hà Nam, đang đứng uống cách cách hàng rào an ninh vài trăm mét thì bị hốt lêt xe,’ ông Phong nói.
Cùng bị bắt với ông Phòng còn có khoảng 3 – 5 người nữa đều là các nhà hoạt động nhân quyền. Tuy nhiên ông Phong cho BBC biết ông bị tách ‘câu lưu’ ở một mình ở phòng riêng biệt, có người giám sát.
Ông Phong nói trước đó ông nhìn thấy hàng trăm cảnh sát cơ động quanh tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam cùng rất đông cựu chiến binh đeo huân chương. Các cựu chiến binh này được phép vào dự phiên tòa.
Ông Phong nói không ai trong gia đình ông được dự phiên tòa.
Trên Facebook cá nhân nhà báo và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cũng đưa thông tin về vụ bắt giữ những người tới ủng hộ bà Thúy Nga sáng 22/12.
“Trong số người bị bắt, có các chị Mai Phương Thảo (Thảo Teresa), Nguyễn Thúy Hạnh, Hoàng Lan, các anh Trịnh Đình Hòa, Trương Văn Dũng… Tất cả đều đi từ Hà Nội về Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trong một nỗ lực bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ với blogger Trần Thị Nga – người bị Tòa án Hà Nam xét xử phúc thẩm hôm nay với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Theo blogger Đoan Trang, những người này “bị công an đẩy lên một chiếc xe 16 chỗ và đưa đi ngay khi chỉ mới xuất hiện trước cổng Tòa được vài phút. Đa số bị đưa về trụ sở UBND phường Trần Hưng Đạo (địa chỉ: số 2 đường Trần Hưng Đạo, TP. Phủ Lý), riêng Thảo Teresa và Trương Dũng bị tách riêng và chở đi đâu không rõ”.
Bà Đoan Trang cũng cho hay cảnh sát và công an ‘bao vây khu vực xử án’ và còn ‘leo lên cả mái nhà để kiểm tra xem có flycam không’.
Trong sáng cùng ngày bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động, cũng xác nhận trên Facebook cá nhân việc việc bà cùng một số người khác bị bắt.
BBC cố gắng liên lạc với bà Hạnh qua điện thoại nhưng không được.
Trả lời BBC hôm 19/12, chồng bà Thúy Nga cho biết vợ ông sẽ kiên quyết không nhận tội tại phiên phúc thẩm.
Hai ngày trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm bà Thúy Nga, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi chính phủ Việt Nam “lập tức phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà”.
Bà Trần Thuý Nga từng tham gia các hoạt động phản đối Trung Quốc, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, ngăn chặn án tử hình oan sai. Hai đứa con trai nhỏ của chị, bé Phú và bé Tài, năm nay chỉ mới năm và ba tuổi.
Thêm một chiến công khiến hình ảnh hào kiệt lú được nâng lên một tầm cao mới .