Đinh La Thăng có thoát án ‘dựa cột?’

Người Việt

17-12-2017

Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên bộ chính trị, cựu chủ tịch Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Getty Images.

Bắt ông Đinh La Thăng rồi, dư luận bàn xuôi tán ngược xem liệu số phận một người từng nhiều lần ngồi họp trong Bộ Chính Trị của đảng CSVN với ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra sao?

Một trong số các bàn luận đó là liệu ông Thăng có thoát bản án tử hình, hay còn gọi là “dựa cột!”

Thuộc cấp một thời của ông Thăng như ông Nguyễn Xuân Sơn đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa hôm 29 Tháng Mười Một, 2017 với cáo buộc “lạm dụng chức vụ…” và “tham ô tài sản…” Nhiều thuộc cấp khác của ông hoặc thay thế ông ở cương vị chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) hơn hai chục ông đã bị tống giam, chờ cuộc điều tra đang mở rộng và khó tránh khỏi những bản án nặng nề.

Người như Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham nhũng và làm thất thoát hơn 3 ngàn tỷ đồng của tổng công ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC), một công ty con của PVN, Tháng Chín, 2016 từng viết thư bỏ đảng và lại còn dám viết “không còn tin tưởng” vào ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nữa, thấy “một cái chân đặt vào quan tài.”

Đẩy được Đinh La Thăng vào trai giam Thanh Liệt B14, báo chính chính thống theo nhau ca ngợi ông Trọng “phát đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước.”

Trong lịch sử đảng CSVN, việc hành tội đảng viên đã leo lên đến cấp Bộ Chính Trị là rất hiếm hoi. Năm 1979, Hoàng Văn Hoan, ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch Quốc Hội, đã trốn sang Trung Quốc để tránh bị bắt vì chống lại chủ trương dựa vào Nga lúc đó của Lê Duẫn. Ông đã bị kết án tử hình khiếm diện.

Mấy ngày cuối tuần qua, người ta thấy có một bài viết và một cuộc phỏng vấn trên hai tờ báo trong nước, Dân Việt và Giáo dục Việt Nam (GDVN), nói bóng gió khi đặt câu hỏi “Liệu ông Đinh La Thăng có bị tuyên án tử hình như ông Trần Dụ Châu?” Và “Có ai đứng sau ông Đinh La Thăng không?”

Đại Tá Trần Dụ Châu, cục trưởng Cục Quân Nhu và nhóm thuộc cấp bị kết tội “tham ô, biển thủ công quỹ, phá hoại công cuộc kháng chiến” bị kết án tử hình ngày 5 Tháng Chín, 1950 ở chiến khu Việt Bắc. Bây giờ tờ Dân Việt kể lại vụ án này để đặt dấu hỏi về trường hợp của ông ủy viên Bộ Chính Trị nay đã ngã ngựa Đinh La Thăng.

Tờ GDVN đi phỏng vấn cựu tướng công an Lê Văn Cương, từng là viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược (Bộ Công An) nghe ông này đòi hỏi “Phải làm rõ, việc ông Thăng ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ dưới những hình thức nào? Còn ai tham gia vào việc này nữa không? Có việc ông ấy lấy tiền của nhà nước để đi biếu người khác không? Có khoản tiền nào ông ấy bỏ túi riêng không? Chuyện này phải làm rõ để trả lời dư luận.”

Ông Tướng Cương còn đặt câu hỏi “… thời điểm xảy ra vi phạm, ngoài ông Thăng, có ai đứng sau chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước những vi phạm liên quan tới việc Tập Đoàn Dầu Khí góp vốn 800 tỷ vào ngân hàng hàng OceanBank không?”

Người ta thấy thấp thoáng trong câu hỏi của ông Cương là “đồng chí Ba Ếch” Nguyễn Tấn Dũng vì “đồng chí” ngồi trên đầu họ Đinh. Vấn đề là “ông chủ lò” Nguyễn Phú Trọng có dám chơi tới cùng hay vẫn còn run.

Khi bắt ông Đinh La Thăng ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017 vừa qua, thấy báo chí trong nước nói ông bị bắt giam để điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Hai mấu chốt của việc bắt ông liên quan đến các chỉ đạo của ông cho PVN góp vốn “trái luật” dẫn đến làm mất trắng 800 tỷ đồng vào Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank), và những khuất tất tại dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Thật ra, nhiều báo trong nước hài tội, chỉ kể riêng giai đoạn ông là chủ tịch hội đồng quản trị PVN, đặc biệt giai đoạn 2009-2011, các quyết định sai trái ông Thăng đã làm tập đoàn này tiêu tan “hàng tỉ đô la” chứ không phải ít.

Ngoài chuyện mất trắng 800 tỷ đồng đầu tư vào OceanBank, công ty “ma” Đầu Tư và Tài Chính Dầu Khí (PVFC Invest) thành lập năm 2007 với vốn 500 tỷ, đến năm 2012 phải bán lại với giá 20 triệu đồng trong khi có hơn 8,500 tỷ đồng nợ xấu của hầu hết khách hàng không có khả năng trả như Vinashin, Vinalines…

Tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) từng được xem là con cưng của PVN, mang hơn 3 ngàn tỷ đồng đi đầu tư vào 40 công ty con, đến năm 2013, PVC lỗ lũy kế gần 3,300 tỷ đồng. Cả ông Trịnh Xuân Thanh cùng dàn lãnh đạo cấp cao của PVC đã bị bắt.

Một dự án đầu tư khá tai tiếng của PVN là Nhà máy xuất xơ sợi polyester Đình Vũ – PVTex (Hải Phòng). PVN nắm trên 75% vốn cổ phần với tổng vốn đầu tư $325 triệu (tương đương khoảng 7,000 tỷ đồng). Theo kế hoạch nhà máy có công suất 170,000 tấn sản phẩm xơ sợi/năm từ nguyên liệu nhập khẩu và dự trù hoạt động từ năm 2012. Khi khởi sự vận hành vào Tháng Năm, 2014, nhà máy đã phải ngừng sản xuất vì không bán được hàng và nay vẫn “đắp chiếu.” Nguyên Tổng Giám Đốc Vũ Đình Duy đã trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã đặc biệt.

Bên cạnh những dự án trên, ba nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol ở Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước được PVN quyết định đầu tư từ Tháng Mười, 2007 – Tháng Ba, 2009. Công suất mỗi nhà máy là 80,000 tấn etanol nhiên liệu/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng 70%. Tuy nhiên nay đều chung tình trạng “đắp chiếu.”

Lại còn cái dự án hợp tác khai thác dầu mỏ ở Venezuela làm mất toi của PVN 500 triệu đô la mà không nhìn thấy giọt dầu nào.

Chờ xem cuộc điều tra ông Đinh La Thăng và hơn hai chục ông trùm lớn nhỏ của PVN những ngày tới đây dẫn đến kết cục thế nào. (TN)

Bình Luận từ Facebook