15-12-2017
Chỉ kêu gọi “Tránh nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” thì khó tránh việc quan chức chính phủ can thiệp vào doanh nghiệp và chuyện UVBCT vào tù sẽ còn tiếp diễn.
Trong entry trước tôi có nhắc tới hai ông Đinh La Thăng và Vũ Ngọc Hải ở hai vụ việc cách nhau hơn 20 năm. Nhiều bạn đọc cho rằng, sự so sánh là khập khiễng.
Trong bài có một thông điệp quan trọng “Thể chế tam quyền phân lập, lấy pháp trị làm đầu, đức trị đến sau thông qua giáo dục, báo chí đóng vai làm quyền lực thứ tư giám sát tam quyền còn lại, nay thêm quyền lực thứ 5 là mạng xã hội, sẽ giúp giảm thiểu những vụ như ông Thăng, ông Hải”, thì ít độc giả để ý mà chỉ thấy tác giả khen ông Thăng nên nổi đóa.
Ông Hải vào tù vì ký một thư riêng gợi ý mua 4000 tấn thép. Ông Thăng khuynh đảo từ sông Đà ra biển cả đến cao tốc và tới cả cao ốc Sài Gòn, được cho là “an tàn phá hại hàng tỷ đô”.
Có một điểm chung giữa hai ông là ở tầm quản lý nhà nước, các ông đã chọc ngoáy vào hoạt động của doanh nghiệp.
Ở cương vị Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông Hải nên dừng ở mức lên kế hoạch xây dựng đường dây 500KV để cho các doanh nghiệp đấu thầu công khai và chọn ai thuộc về ban mua sắm của chính phủ. Nhưng có “thư tay” là sai vì “thò bàn tay lông lá” vào hoạt động của doanh nghiêp thi công.
Ông Đinh La Thăng thì tội chưa biết rõ, phải đợi tòa xử mới biết có “tày trời” hay không. Hay rồi như báo chí trong vụ PMU18 rùm beng và cuối cùng nhà báo vào tù. Trong chính trị chả biết đâu mà lần.
Nhưng chỉ cần ví dụ nhỏ trong BOT như định thầu do bên bộ gợi ý, bộ đồng ý, bộ chỉ giáo, là bên chính phủ đã sai. BOT là đầu tư kiểu tư nhân, tại sao các doanh nghiệp không được tham gia sân chơi một cách công bằng.
Chưa kể nếu tin đồn “anh Thăng đi đâu có bầu đoàn thê tử các nhà báo đi theo và PR cho anh thăng thiên lên trời xanh, tới doanh nghiệp đánh chén, doanh nghiệp trả tiền, doanh nghiệp chi phong bì cho các nhà báo” là có thật, thì ông Thăng cũng “thò bàn tay lông lá” vào hoạt động của doanh nghiệp.
Cái sai của ông Hải và ông Thăng là hiểu nhầm vai trò của chính phủ, can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp một cách có chủ ý trong khi nhiệm vụ của chính phủ là tạo ra môi trường pháp lý cho doanh nghiệp và người dân “được làm những gì luật không cấm”, giới công quyền “được làm những gì luật cho phép”.
Ở quốc gia phát triển, chính phủ “liêm chính, kiến tạo” cần có 7 trách nhiệm cơ bản đối với hoạt động doanh nghiệp như sau:
- Cấp phép (Permission);
- Chế tài hợp đồng (Contract Enforcement);
- Bảo vệ người tiêu dùng (Consumer Protection);
- Bảo vệ người làm thuê (Employee Protection);
- Bảo vệ môi trường (Environmental Protection);
- Thu thuế (Taxation);
- và Bảo vệ nhà đầu tư (Investor Protection).
Dư luận đang kêu ca về chính phủ phình to, một bộ có tới 10 thứ trưởng, số vụ trưởng khó đếm hết, bởi ghế quan vẫn “bốc mùi tiền”. Nếu chỉ làm đủ 7 chức năng trên, các chức tước sẽ bớt đi, ít ai bỏ hàng trăm triệu mua biên chế.
Làm sao bớt “thò bàn tay lông lá” không thể làm được ngày một ngày hai, mà là quá trình dài lâu xây dựng thể chế pháp trị hợp với thời đại.
Chỉ kêu gọi “Tránh nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” thì chuyện UVBCT vào tù sẽ còn tiếp diễn.