Bà Lan

FB Tuấn Ngô

15-12-2017

Bà Nguyễn Thị Lan và LS Trần Vũ Hải. Ảnh: FB Tuấn Ngô

Ở Đồng Tâm, người cán bộ gần dân và được dân tin tưởng nhất trong giai đoạn khó khăn nhất đó là bà Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nguyễn Thị Lan.

Trong những ngày đỏ lửa ở Đồng Tâm, bà Lan là một trong số ít những người “có tiếng nói” góp phần làm dịu hoá những cái đầu nóng và là một cầu nối hết sức quan trọng giữa chính quyền các cấp với người dân. Trong buổi đối thoại cuối cùng để trao trả các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được người dân giữ lại, sau khi mọi việc bàn bạc ổn thỏa, chính bà Lan là người được giao đọc bản cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. Tôi nghe giọng đọc dõng dạc, mạnh mẽ, thuyết phục của bà trong từng câu chữ nhấn nhá. Sau buổi họp đó, bà còn đại diện xã dẫn đại diện chính quyền thành phố đi thăm một số công trình phúc lợi xã hội của nhân dân xã Đồng Tâm…

Cơn bão nóng ở Đồng Tâm đã tạm qua đi, đáng ra những người như bà Nguyễn Thị Lan cần được tín nhiệm, trọng dụng. Nhưng thực tế thì:

– Ngày 17/10/2017, Huyện ủy Mỹ Đức ra quyết định số 403/QD-HU để kỷ luật bà với hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

– Ngày 13/12/2017, thường trực HĐND xã Đồng Tâm đã làm tờ trình số 02/TTr-HĐND để HĐND xã Đồng Tâm bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND xã đối với bà trước sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều người dân – Như vậy, chức vui cuối cùng mang tính đại diện cho nhân dân, cho tới thời điểm này coi như đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn. Bà Lan chỉ còn là người dân thường.

Nhiều người dân không tin đây là chỉ đạo của Chủ tịch thành phố vì họ hiểu ông Chung không chấp vặt và nhỏ mọn như vậy; họ còn cho rằng phía chính quyền thành phố nên cảm ơn bà Lan vì những gì bà đã làm – phải chăng đây là quyết định đơn phương từ phía huyện Mỹ Đức vì không muốn nhìn thấy sự tồn tại của cái gai trong mắt khi mà bà Lan công khai đứng ra bảo vệ nhân dân Đồng Tâm trong các sự kiện đã qua?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, cần thiết phải có những người thẳng thắn, dám đứng lên để nói tiếng nói của dân, dù tiếng nói ấy, trong một thời điểm nhất định nó chưa được thừa nhận, xem xét. Chúng ta cần phải biết lắng nghe và gạn lọc ý tốt từ những lời nói trái tai. Xã hội sẽ tốt lên nhờ những tiếng nói phản biện chứ không tốt lên vì những lời tung hô. Do đó, nên giữ những cán bộ như bà Lan thay vì “trừng phạt” họ. Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm này, khi mà các vấn đề của Đồng Tâm còn chưa giải quyết xong, khi mà mâu thuẫn giữa người dân nơi đây và một bộ phận lãnh đạo của chính quyền vẫn còn thì việc giữ bà lại như là một cầu nối giữa hai bên là một việc làm hết sức cần thiết. Chúng ta đang muốn giải quyết dứt điểm trên cơ sở ôn hoà, hoà hợp lợi ích giữa nhà nước và người dân hay muốn đẩy người dân sang thế bị cô lập, phải đối đầu? Câu hỏi ấy những người lãnh đạo đương nhiên hiểu được cách trả lời xác đáng – những bậc chính nhân quân tử trước đây chưa hề lựa chọn đối đầu với dân để thiết lập lại trật tự xã hội.

Đồng Tâm giờ như là từ được đưa vào danh sách những câu chữ bị hạn chế sử dụng, ít ai dám dùng nhưng tôi vẫn sử dụng thường xuyên; tôi không ái ngại, lo sợ vì điều đó bởi tôi nói vì lẽ phải mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai – tôi hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn, nhân văn hơn trên đất nước này. Tôi đã nói và tiếp tục sẽ nói dù người ta yêu hay ghét mình…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bình luận:Tôi cám ơn cụ Kình và bà Lan: họ là số ít trong các quan chức hiện nay hiểu ra rằng không thể vừa là kẻ cướp vừa là người lãnh đạo dân chúng!

Comments are closed.