VietTuSaiGon
13-12-2017
Tôi đặt đề từ như vậy nghe rất trái khoáy và chói tai, nhưng đó là sự thật, đa số người Việt cuồng si Cộng sản. Và người Việt cho đến hiện tại vẫn không chạm tới hạnh phúc được bởi số đông cuồng si Cộng sản. Vì sao?
Vì đôi khi cuộc hôn ước giữa nhân dân và đảng cầm quyền giống như một cuộc hôn phối của một đôi vợ chồng. Và dù muốn hay không thì nhân dân vẫn đứng ở vai trò người vợ, người mẹ, còn nhà cầm quyền nắm vai trò người chồng, gia trưởng. Phép so sánh này rất khập khiểng nhưng lại rất hợp lý trong bối cảnh Việt Nam.
Một cặp vợ chồng hạnh phúc, điều đơn giản nhất là người chồng giữ danh dự, giữ lời và mọi lời thề hẹn trước khi tiến đến hôn nhân vẫn nguyên vẹn sau khi kết hôn, sinh con, đẻ cái. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được hạnh phúc, bởi hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu, lòng tự trọng và danh dự. Nếu một trong hai người để tình yêu nguội lạnh, đánh mất lòng tự trọng và xem rẻ danh dự của mình và đối phương thì không còn là tình yêu, hạnh phúc nữa mà là sự chịu đựng hoặc sự cuồng si.
Tôi đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng mà ở họ, đôi khi người vợ bị đối xử như một ô sin, thậm chí dưới mức một ô sin, người chồng bê tha, nát rượu, đánh đập vợ, cờ bạc, hút chích… Nói chung là mọi cái xấu anh chồng đều có đủ nhưng người vợ vẫn chịu đựng, chịu đựng đến độ thù hận trong lòng nhưng bên ngoài vẫn cứ chấp nhận thân phận người vợ tôi đòi.
Nhìn kĩ hơn, hầu hết các cô vợ chấp nhận thân phận này đều bị chung một căn bệnh: Sợ tương lai. Nghĩa là tay chồng xấu xa mọi bề nhưng hắn lại có một thứ rất được, đó là tài sản và khả năng tình dục. Tài sản của hắn đủ lớn và bí mật để cô vợ đâm ra lo sợ khi ra đi, khả năng tình dục hắn đủ mạnh, thậm chí bạo động để khiến cho cô vợ trở thành một con nghiện của hắn.
Đây là bi kịch mà đôi khi cô vợ lại tự huyễn hoặc rằng mình hạnh phúc, mình có nhà cao cửa rộng của chồng làm cho, mình có người chồng giúp mình giải tỏa những ẩn ức sau những bạo hành và đòn roi… Một kiểu cuồng si bệnh hoạn. Và ở đây không thể nào có hạnh phúc hay tình yêu. Nhưng người ta vẫn nhầm tưởng hoặc cố dối mình để tồn tại, vì người ta sợ tương lai, sợ thay đổi, sợ những thứ mình chưa quen nhìn, chưa gặp…
Và sự thù hận, căm ghét, đau khổ vẫn âm ỉ cháy bên trong, cháy cho đến khi nào nó đủ sức bùng vỡ thì lại có chuyện vợ giết chồng, vợ đầu độc chồng, vợ cắt của quí của chồng… Có một ngàn lẻ một chuyện đau lòng khi người vợ phản ứng tức thời, hết chịu đựng được. Nhưng tất cả các hệ lụy mà người vợ chịu đựng, cam chịu đều không mang tới kết quả tốt đẹp nào, thậm chí nguy hại cho cả đôi bên.
Trong mối quan hệ giữa nhân dân với chế độ cầm quyền, có vẻ như số đông người Việt chấp nhận thân phận của cô vợ chịu đựng trước đảng độc tài. Mặc dù đảng Cộng sản bội ước, để cho những đảng viên tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, coi dân như cỏ rác… tha hồ tác oai tác quái, nhưng số đông nhân dân vẫn cam chịu, thậm chí vẫn xu phụ, chờ đợi một điều gì đó. Một kiểu chờ đợi của người vợ tôi đòi cố nịnh chồng, cố chiều ý chồng mặc dù đằng sau sự chiều chuộng này là cả một trời cay đắng và căm phẫn.
Thử đặt câu hỏi: Có bao nhiêu dư luận viên, bao nhiêu thành viên đội cờ đỏ, thậm chí bao nhiêu nhân viên an ninh Cộng sản có thể không chửi thề nếu như sau ba tháng, họ không nhận được đồng lương nào và họ không còn nhận được quyền lợi nào từ phía đảng Cộng sản? Tôi dám nói là may mắn lắm thì một ngàn người, còn được vài người không phản ứng hoặc không buộc miệng chửi thề, hoặc không rút súng bắn thẳng vào cái nơi họ phục vụ! Đó là sự thật!
Ngay cả một dư luận viên gạo cội và hết mực yêu đảng, sẵn sàng hiến thân cho đảng như Trần Nhật Quang, nhiều khi tôi thử đặt câu hỏi nếu như trong vòng ba tháng, vì một lý do nào đó, ông Quang không nhận được đồng lương nào, không còn hưởng những ân sủng của đảng, liệu lòng trung thành của ông còn bao nhiêu phần trăm? Thật là khó nói!
Đó là những ví dụ chỉ những thành phần con cưng của đảng, những đứa con trung thành của đảng. Với số đông nhân dân không tên tuổi, những người từng đóng từng đồng thuế, đong từng lon gạo, ki cóp từng đồng trong ống tre để mua công trái xây dựng đất nước thì sự cuồng si Cộng sản của họ có phần thụ động, họ không muốn cuồng si rồi cũng phải cuồng si. Bởi họ sợ tương lai.
Cái tương lai nếu không chấp nhận sự tồn tại, sự độc đoán, độc tài của đảng Cộng sản thì phải ngồi tù, phải bị xếp vào hàng phản động, cái tương lai mờ mịt khi bị nhà cầm quyền vùi dập… Dường như ai cũng sợ tương lai.
Sở dĩ người ta sợ tương lai một cách kéo dài, lê thê như vậy cũng có lý do của nó. Điều đó có hai yếu tố cốt lõi, vấn đề quyền sở hữu và nhân quyền tại Việt Nam là chuyện đã rồi, mặc dù không có quyền sở hữu thứ tài sản quan trọng nhất là đất đai, không có nhân quyền, nhưng người ta vẫn cứ bị nhà cầm quyền ma mị bằng thứ lập luận rằng Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước dân chủ và Việt Nam có thừa nhân quyền nên không cần nhân quyền của phương Tây.
Nó cũng giống như một cô vợ về nhà chồng, cô vẫn phải thực hiện mọi sứ mệnh của người vợ, người mẹ nhưng luôn bị nhà chồng ép chế bởi đơn giản mọi thứ đã có sẵn trước khi cô làm dâu. Nếu lỡ có đổ vỡ, chia ly thì cô đi ra trắng tay vì mọi thứ thuộc về nhà chồng. Đây là một kiểu đối xử khốn nạn nhất mà anh chồng đã dành cho cô. Nó cũng giống như đảng cầm quyền đã khéo léo tước hết mọi thứ quyền của người dân, người ta phải cam phận, cuồng si để khỏi phải đối mặt với tương lai đen.
Đương nhiên mỗi câu chuyện mỗi khác nhau về mặt bản chất. Nhưng rõ ràng, cái đích đến, thân phận của người Việt, nói cho cùng, một con số không nhỏ đã cam chịu và cuồng si đảng Cộng sản này suốt nhiều chục năm. Và cái trạng thái cách mạng của người Việt có hơi hướm giống với trạng thái của người vợ hết chịu nổi ông chồng thì nổi loạn, giết chồng hoặc cắt của quí hoặc có một hành vi nào đó mang tính trả thù, man rợ hơn là tỉnh táo suy xét thiệt hơn khi chưa quá muộn màng để đưa ra quyết định li hôn, để giải thoát cho bản thân lúc chưa quá muộn.
Đáng sợ nhất của Việt Nam nằm ở chỗ những cuộc cách mạng dù chỉ mới manh nha hay phôi thai thôi đã thấy hơi hướm của thù hận và trừng phạt nhiều hơn là bao dung và hướng đến tiến bộ, hướng đến cái chung của quốc gia, dân tộc!