Bùi Tín
11-12-2017
Công cuộc chống tham nhũng do tổng bí thư Nguyễn Phụ Trọng trực tiếp chỉ đạo cả năm 2017 do dự, ngập ngừng, như hết hơi đến cuối năm bỗng sôi nổi hẳn lên, hứa hẹn « khẩn trương, quyết liệt, mạnh mẽ » trong 2 tháng tới.
Trong thời gian này sẽ « quyết tâm » đưa ra xét xử hơn 20 vụ án kinh tế tài chính lớn, có liên quan đến vài chục viên chức cao cấp của đảng cộng sản và Nhà nước, liên quan đến những số tiền khủng khiếp hàng vài trăm nghìn tỷ đồng bị các quan tham ở các đỉnh cao quyền lực ăn cắp, chia chác cho nhau cùng một lũ tay chân bộ hạ tẩu tán gần hết, không chắc thu hồi có được vài phần trăm.
Đây là lần rất hiếm hoi các bị cáo là những kẻ ở các cương vị lãnh đạo cao nhất,
ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành TƯ đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, các Tổng giám đốc, Chủ tịch Ủy ban quản trị các Tổng công ty quốc doanh to lớn nhất vốn được coi là những quả đấm thép của nền kinh tế quốc gia.
Riêng vụ án đầu vị ở Tổng công ty dầu khí Việt Nam POV dính đến nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng giao thông vận tải, nguyên Bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng, bị thi hành kỷ luật cảnh cáo truất chức ủy viên bộ chính trị, nhưng vẫn còn để giữ chức Ủy viên TƯ, phó ban kinh tế TƯ, đại biểu Quốc hội, biểu hiện rõ sự do dự, ngập ngừng, vừa đánh vừa run của ông tổng Trọng.
Một quy định kỳ quặc làm trò cười cho nhân dân và thiên hạ là đảng viên cấp cao phạm pháp không thể bị công an tóm gáy ngay, mà phải được đảng xem xét trước, được Ban kiểm tra TƯ đảng hoặc Bộ Chính trị quyết định khai trừ đã, hoặc là đại biểu Quốc hội thì phải bị Quốc hội truất chức, rồi Công an mới dược quyền đến bắt tạm giam, chờ ngày xét xử.
Điều này nói lên 2 điểm phi lý và phạm pháp. Một là giữ danh dự hão cho đảng. Cán bộ là đảng viên đương chức không bao giờ bị công an tóm gáy, trói tay giải đi khi phạm luật. Chỉ khi nào đã bị khai trừ, truất chức rồi, – là công dân thường, mới bị công an đụng đến. Như thế đảng chia ra 2 lọai công dân: một lọai « công dân đảng viên » là bất khả xâm phạm và một loại công dân thường ngoài đảng là công dân lọai 2, hạng bét, tha hồ bị bắt bớ.
Điểm phi lý thứ 2 là đảng đứng ra xét xử kết tội, khai trừ trước khi đưa ra tòa án xét xử một cách hình thức, nghĩa là đảng ngồi trên luật pháp, ngồi trên đầu các cơ quan tư pháp, bao biện, vi phạm hiến pháp quy định rõ ràng « Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp ».
Hai vụ xét xử đại án Đinh La Thăng và đại án Trịnh Xuân Thanh sắp tới sẽ là cuộc biểu diễn công khai để xét nghiệm lời hứa của ông Tổng Trọng là sẽ xét xử « khẩn trương, kiên quyết, nghiêm khắc và đúng luật » có thật lòng hay không?
Đúng luật nghĩa là phải để cho bị cáo tự bào chữa đến cùng, không được cắt lời, bịt mồm bằng bất cứ cách nào; đúng luật nghĩa là phải có luật sư được cãi đầy đủ, có tranh tụng, đối đáp công khai giữa bên nguyên và bên bị, có nhân dân và các nhà báo trong và ngoài nước chứng kiến đầy đủ để đánh giá phiên tòa có công tâm, công bằng, xử đúng luật tố tụng hình sự hay không.
Đúng luật còn có nghĩa là xử công bằng cho mọi người, không theo phe cánh, phe của « đồng chí thù địch » thì xử thẳng tay, người của cánh mình thì xử qua loa nhẹ nhàng hay là cho lọt lưới.
Trong vụ xử Trịnh Xuân Thanh, cần mời đại diện Sứ quán CHLB Đức, các nhà báo Đức và Liên Âu, bà luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh tham dự, để chứng tỏ sự công khai, minh bạch của một nền tư pháp đã đổi mới theo hướng thời đại, đồng thời biết hòa giải, phục thiện với CHLB Đức đã bị xúc phạm qua cuộc bắt cóc trên đất Đức.
Nhiều nhà bình luận am hiểu tính tình, tâm lý của ông Trọng, oán thù dai dẳng với « đồng chí thù địch » Ba X – Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng cái đích lớn nhất của ông Trọng là con hổ số 1 này, sau vụ xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh sẽ đến Nguyễn Tấn Dũng. Và sau Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến lượt Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm và Trần Đại Quang (3 ủy viên bộ Chính trị), mở đường cho ông Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước, để trở thành một phiên bản của ông hoàng đế Đỏ Tập Cận Bình ở thiên triều Bắc Kinh.
Một cuộc phiêu lưu liều lĩnh khó được lòng tán thưởng của đảng viên thường và đông đảo nhân dân. Ông có thể bị ngã ngựa ngay từ trên lưng con ngựa thần mã « chống tham nhũng » của ông. Nước cờ được ăn cả ngã về không là thế.
Nếu Ủy Ban phòng chống tham nhũng trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng đích thân chỉ đạo không hành động minh bạch theo luật như nói trên, vẫn xét xử theo kiểu qua loa, « bỏ túi » theo chỉ thị cấp ủy như xưa nay – thì thà rằng đừng xét xử, chỉ làm mất thêm uy tín, danh dự của đảng cộng sản và Nhà nước, nói một đằng làm một nẻo, khinh thường thế giới văn minh, coi thường nhân dân. Một cuộc phiêu lưu mù quáng tự mình làm hại mình, gần như một cuộc tự sát.
Trái lại nếu như việc xử các đại án sắp đến đều được tiến hành đúng pháp luật, với các Hội đồng xét xử nghiêm chỉnh, có tranh tụng công khai đầy đủ, lấy cung và tranh tụng đến nơi đến chốn, có luật sư tham gia tận cùng, có thẩm định các nhân chứng và chứng cứ, đựợc công luận trong ngoài nước hoan nghênh đồng tình ca ngợi, sẽ là một thắng lợi của chế độ, thắng lợi rực rỡ của Ủy ban phòng chống tham nhũng, một thắng lợi huy hoàng của riêng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một cuộc phiêu lưu lú lẫn dại dột hay một thắng lợi lịch sử huy hoàng? Sẽ tùy các ông Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng là bộ ba lãnh đạo các vụ xử án sắp tới lựa chọn.
Các Quỉ Viên Sình Ương sẽ ra tòa, nhưng vì nhân thân t́́ốt nên sẽ… bị cảnh cáo và mất những chức vụ giữ hồi … năm xưa. Tiền dân thì mất cứ mất. Vợ con của những đồng chí này thì sang các nước…dẫy chết mở tiệm bán nữ trang sống qua ngày, chờ bảo lãnh chồng qua đoàn tụ. Kịch bản này xưa rồi diễm! Hê hê…