Báo Cáo viên Đặc biệt LHQ không đến được vùng thảm họa Formosa

FB Paul Trần Minh Nhật

10-12-2017

Báo Cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp quốc về Quyền lương thực, bà Hilal Elver đã không được đến một số khu vực chịu thiệt hại nặng từ thảm họa Formosa trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 13-24/11/2017 vừa qua.

Bà Hilal Elver, Báo Cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về Quyền lương thực. Ảnh: UN

Trước chuyến viếng thăm này, Trợ lý của bà đã cho biết mong ước của bà Elver là được tới một số khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của Formosa như Tỉnh Hà Tĩnh và một số nơi tại Quảng Bình, Nghệ An để tìm hiểu về an ninh lương thực, và biến đổi khí hậu có tác động thế nào tới đời sống dân sinh.

Bà Báo Cáo Viên Đặc Biệt được thông tin và bày tỏ ý định tới một trong số các nơi sau: Cồn Sẻ (Quảng Bình), thị xã Kỳ Anh (cụ thể là Đông Yên – Hà Tĩnh), xứ Song Ngọc và Phú Yên (hai làng chài tại Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Nhưng cuối cùng bà chỉ được phép đến ba địa điểm ở tỉnh Bắc Cạn, Quảng Bình và Cần Thơ.

Tại buổi họp báo ở Hà Nội hôm 23/11/2017 bà đã có bản báo cáo sơ khởi về những gì bà thu thập được chuyến công tác của mình về thực trạng quyền lương thực tại Việt Nam. Cũng cần nói qua rằng quyền lương thực là một quyền trong đó bao gồm những mảng lớn như:
– Nông nghiệp và khung pháp lý

– quyền được tiếp cận lương thực;

– tình trạng đói nghèo và đời sống của người dân;

– tình trạng suy dinh dưỡng;

– an toàn vệ sinh thực phẩm;

– tình trạng sử dụng đất canh tác;

– biến đổi khí hậu và xử lý thảm họa

– sự bền vững của sinh thái, phát triển, nông nghiệp

… và ở Việt Nam còn những yếu tố như ảnh hưởng của chất độc da cam.

Bà đã có một vài đánh giá tổng quan về hiện tình quyền này tại đất nước hình chữ S mà theo tôi là khách quan, không thiên lệch. Bà ghi nhận những tiến triển của Việt Nam để giảm đói nghèo và cải thiện đời sống của người dân. Nhưng đề nghị nhà cầm quyền có nhiều thay đổi chính sách và thực hiện nhiều cải cách để bảo đảm cho người dân được thực sự thụ hưởng quyền căn bản này, đồng thời hạn chế những tác hại của sự phát triển thiếu cân bằng.

Bà Elver đã được tới một làng chài do nhà cầm quyền sắp đặt, tuy vậy với những nghiên cứu độc lập, đánh giá toàn diện, trao đổi với giới chức địa phương, phỏng vấn cư dân và những thông tin tài liệu, nghiên cứu liên quan và độc lập khác, bà có cái nhìn sát về tác động của thảm họa này tới cư dân bản địa.

Trong bản báo cáo công bố tại Hà Nội, Bà Elver đã khái quát hóa lại điều kiện nghèo khổ vào bậc nhất của người dân ven biển. Đến thăm Quảng Bình bà đã mắt thấy tai nghe về điều kiện sống mà bà nói là khá nghèo và phụ thuộc lớn vào tài nguyên thiên nhiên và nhận định rằng: “dân cư ven bờ biển là những người nghèo nhất do đó nằm trong những vùng dễ bị tổn thương nhất của dân số Quảng Bình”.

Bà được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xác nhận rằng đã nhận được 140 triệu đô la tiền đền bù thiệt hại từ Formosa (qua chính phủ). Nhưng về toàn bộ số tiền 500 triệu đô la thì “tôi không nhận được thông tin chính thức nào về cách thức phân bổ các khoản bồi thường ở cấp quốc gia”.

Bà nhận được những phản hồi về tình trạng đền bù không đủ, không công bằng, nghề nghiệp và sinh kế bị ảnh hưởng.

“Tôi cũng tiếp nhận phàn nàn từ người dân rằng họ buộc phải ăn cá nhiễm độc, do thu nhập giảm sút trầm trọng từ việc không thể thực hiện các hoạt động đánh bắt cá.” bà cho biết.

Bà cũng ghi nhận thông tin rằng “tình trạng di dân trên bình diện quốc gia và quốc tế ở khu vực ảnh hưởng đã lan rộng vì người dân phải ly hương để tìm kiếm cơ hội mới.”

Bà cũng khuyến khích chính phủ Việt Nam minh bạch và công khai về những vấn đề liên quan đến thảm họa này.

Tôi muốn gửi đến mọi người thông tin về chuyến đi của bà Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về một khía cạnh ảnh hưởng tới hàng triệu người dân Miền Trung.

Những quan sát và khuyến nghị của Báo Cáo Viên Đặc Biệt sẽ được phản ánh qua bản báo cáo cuối cùng của bà, bản này sẽ được trình bày tại phiên họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lần tới.

Bà Hilal Elver, người Thổ Nhĩ Kỳ, được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm làm Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Quyền Lương Thực năm 2014. Bà là Giáo Sư Nghiên Cứu, và đồng giám đốc của Dự Án Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu, An Ninh Nhân Loại, và Dân Chủ được đặt tại Trung Tâm Orfalea về Nghiên Cứu Quốc Tế và Toàn Cầu. Bà cũng là nghiên cứu sinh đặc biệt toàn cầu tại Đại Học California trường Luật Los Angeles và Trung Tâm Chính Sách.

Các Báo Cáo Viên Đặc Biệt được biết đến là một phần của Thủ Tục Đặc Biệt của Hội Đồng Nhân Quyền. Thủ Tục Đặc Biệt, cơ quan lớn nhất của các chuyên gia độc lập trong cơ cấu Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, là một tên chung của cơ chế kiểm soát và tìm kiếm sự thật độc lập của Hội Đồng vốn nghiên cứu tình hình một nước cụ thể hoặc các vấn đề then chốt ở các khu vực của thế giới. Các chuyên gia về Thủ Tục Đặc Biệt làm việc trên cơ sở tự nguyện; họ không phải là nhân việc Liên Hiệp Quốc và không nhận lương cho công việc của họ. Họ độc lập và không bị chi phối bởi các chính phủ.

Ngày nhân quyền tôi muốn mọi người cũng đừng quên những con người là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của Formosa. Những ngư dân, những trẻ em và người già đang phải ăn cá nhiễm độc mà không biết, những phóng viên và nhà hoạt động trực tiếp tại nơi này đã bị bắt hoặc đang bị dồn vào chân tường.

Cuộc sống của họ đang bị ảnh hưởng từng ngày và bị bỏ rơi ngay trên chính quê hương mình mới thật sự là thao thức của chúng ta. Chắc chắn sắp tới trong báo cáo trước Hội Đồng Nhân Quyền chuyện Formosa sẽ được trình ra trước toàn thế giới, nhưng liệu người trong nước chúng ta có còn tha thiết với chính sinh mạng của tha nhân mình?

Bình Luận từ Facebook