Khởi tố, bắt giam em trai ông Đinh La Thăng

Pháp Luật TP

Nguyễn Đức

9-12-2017

Ông Đinh Mạnh Thắng trong một đại hội của công ty. Ảnh: báo PLTP

Ông Đinh Mạnh Thắng là giám đốc một doanh nghiệp liên doanh giữa Tập đoàn Sông Đà và PVN. Ông Thắng bị khởi tố về hành vi tham ô.

Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng, làm rõ các sai phạm tại PVN và những người có liên quan đến vụ án.

Ông Thắng (55 tuổi), giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà.

Cơ quan điều tra xác định ông Thắng có sai phạm có liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra Tổng công ty xây lắp dầu khí VN

Trước đó, tối 8-12, các lực lượng chức năng đã thi hành lệnh khám xét tại nhà riêng đối với ông Đinh La Thăng (ở phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) theo các quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét của Bộ Công an.

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: H. Giang/ PLTP

Ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu QH khóa XIV. Ông Thăng được xác định liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra.

Điều tra ông Thăng về tội cố ý làm trái

Thông báo về việc khởi tố, bắt bị can trong vụ án tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), do Bộ Công an phát đi chiều tối cùng ngày cho hay: Cơ quan CSĐT và Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank. Cùng đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 8-12, Cơ quan CSĐT và Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Cùng đó là lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng. VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Cũng theo thông báo này, Cơ quan CSĐT và Cơ quan an ninh điều rta – Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan CSĐT và Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản  để sớm kết luận điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Đình chỉ sinh hoạt đảng, tư cách ĐBQH của ông Thăng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM cùng ngày, Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc cho hay chiều cùng ngày Ủy ban Thường vụ QH đã họp phiên họp 18 và quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu (ĐB) QH đối với ông Đinh La Thăng.

Lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ liên quan tại nhà ông Đinh La Thăng (Hà Nội). Ảnh: Tuyến Phan/ báo PLTP

Thông cáo về phiên họp thứ 18 phát đi sau đó cho hay Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận, tiến hành biểu quyết với tỉ lệ nhất trí cao thông qua Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 ngày 8-12-2017 “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với ông Đinh La Thăng, ĐBQH khóa XIV”.

Trong một diễn biến liên quan, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã ký quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng – phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Quyết định này nêu rõ: Đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ ngày 8-12-2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46 và lệnh bắt tạm giam số 134/C46 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).

Ông Đinh La Thăng sinh ngày 10-9-1960, quê quán Nam Định. Ông Thăng có học vị tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI và XII, ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, đại biểu Quốc hội (QH) khóa XI, XIII, XIV.

Từ tháng 1-2006 đến tháng 12-2008, ông Thăng là bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông Thăng lúc này là phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó là đại biểu QH khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII tháng 8-2011, ông Thăng được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ GTVT.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng tháng 1-2016, ông Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị. Sau đó được bầu là đại biểu QH khóa XIV.

Từ ngày 5-2-2016, ông Đinh La Thăng được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM và giữ chức vụ bí thư Thành ủy TP.HCM.

Ngày 7-5-2017, tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận: Ông Đinh La Thăng mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị ông giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân ông, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.

Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Sau đó ông Thăng thôi giữ chức bí thư Thành ủy TP.HCM.

Bình Luận từ Facebook