7-12-2017
Đảo đá Chữ Thập nằm trên quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) và đang bị Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép.
Tên gọi: đá Chữ Thập; tiếng Anh: Fiery Cross Reef hoặc North West Investigator Reef; tiếng Filipino: Kagitingan; giản thể: 永暑礁; bính âm: Yǒngshǔ jiāo, Hán-Việt: Vĩnh Thử tiêu.
Đặc điểm: Chiều dài tính theo trục đông bắc – tây nam là 14 hải lý (25,93 km) và chiều rộng là 4 hải lý (7,4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thuỷ triều lên.
Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60 m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăng-ten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar. Ngày 26.5.2010, Trung Quốc phủ sóng mạng điện thoại trên đá này.
Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa có diện tích 2,74 km2 (tính đến tháng 7.2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD).
Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt phía Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược cất hạ cánh tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám.
Từ đầu năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các chuyến bay vận tải quân sự, dân dụng và các máy bay thử nghiệm khác, lên và xuống đảo nhân tạo Chữ Thập.
Đặc biệt, ngày 6.1.2016, lần đầu tiên 2 máy bay chở khách của Hãng Hàng không Trung Quốc đã hạ cánh xuống Chữ Thập, đưa nhiều khách du lịch ra thăm quan trên đảo.