Kịch bản nào khả thi cho BOT Cai Lậy?

FB Trần Bảo Toàn

6-12-2017

Thời gian qua trạm thu phí BOT Cai Lậy làm sống lại một thời hào hùng của địa danh Cai Lập tiền kháng chiến. Người dân ở vùng sông nước Cửu Long đã vận dụng mọi sáng kiến, ứng dụng đúng pháp lý hiện hành, để phản đối việc thu phí mà người dân cho là không đúng. Chủ đầu tư dự án đã bỏ tiền ra làm đường, cũng mong sớm thu lại lợi nhuận, nhà nước cho làm dự án cũng mong có thể xã hội hóa những công trình mà chính phủ không đủ kinh phí “bao cấp” hết. Còn người dân, đã bao năm qua họ đi trên con đường quốc lộ này, bỗng dưng bị đóng tiền “mãi lộ” thì họ quả là không chịu nổi.

Đúng vậy, trong sự việc gây tranh cãi kịch liệt này gồm có ba nhóm hữu quan: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Đó là chưa kể đến các nhóm hữu quan khác như Ngân Hàng tài trợ vốn và các nhà thầu thi công chưa chắc đã lấy được hết tiền (tối thiểu 5-10% bảo trì 3 năm).

Sự bất đồng quan điểm đã khiến truyền thông đại chúng đến mạng xã hội phải cập nhập nhật hàng giờ, đến nỗi Thủ tướng chính phủ phải triệu tập ngay cuộc họp giữa các cơ quan chức năng có liên quan để đưa ra giải pháp, cuối cùng là việc quyết định xả trạm tạm thời 30 ngày và bộ chủ quản Giao Thông Vận Tải đưa ra BA KỊCH BẢN sau:

Dẫn trích:

“Kịch bản thứ nhất, vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.

Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Theo ông Đông, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí.

“Theo tính toán thì phương án này không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng”, ông Đông nói.

Còn kịch bản thứ ba, Bộ đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

“Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng yêu cầu dừng thu phí một tháng để rà lại tổng thể, báo cáo Thường trực Chính phủ”, ông Đông thông tin.

“Nếu đền bù cho nhà đầu tư sẽ tạo gánh nặng ngân sách”

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nếu điều chỉnh hoặc không thu phí BOT Cai Lậy thì nhà nước phải đền bù cho nhà đầu tư khoảng 1.398 tỷ đồng, trong đó phần đầu tư trên quốc lộ 1 là 380 tỷ, tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ.

“Ta đang không có tiền nên huy động đầu tư mà giờ nhà nước lại cân đối tiền đó thì cực kỳ khó khăn và tạo gánh nặng cho ngân sách. Hơn nữa, các cơ quan chức năng vào thanh tra, kiểm toán BOT Cai Lậy đều khẳng định tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Đông nói.”

Hết trích

Theo thiển ý của tôi, thì cả ba kịch bản đều có những ưu khuyết điểm, song không thể giải quyết ráo rốt được vấn đề bất đồng giữa BA NHÓM HỮU QUAN chính. NGƯỜI DÂN chắc chắn không hài lòng theo kịch bản thứ nhất. CHỦ ĐẦU TƯ sẽ không hài lòng với kịch bản thứ hai (ngân hàng cũng không hài lòng, vì như vậy thời gian thu hồi vốn sẽ lâu hơn dự kiến.) Còn kịch bản thứ ba thì rườm rà, cũng khiến cho cả hai nhóm hữu quan trên cùng không hài lòng, chi phí điều hành lại cao hơn vì sẽ cần nhân viên điều hành cả hai trạm. Điều kiện là người dân không tiếp tục phản đối. Một kịch bản nữa mà Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông có nêu và cho là không khả thi đó là dùng tiền ngân sách, đúng vậy vì kịch bản này sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách.

Tôi xin kiến nghị một giải pháp, nếu thực hiện được, sẽ làm hài lòng các nhóm hữu quan. Nhà nước thu được thuế, chủ đầu tư thu hồi được tiền, người dân sẽ cảm nhận thấy sự công bằng, ngân hàng cũng an tâm vì khoản tài trợ cho dự án này không biến thành nợ xấu, còn nhà thầu xây dựng sẽ nhận được khoản bảo hành sau khi hết hạn. Tuy nhiên, có một vài nhóm hữu quan với các “chi phí ẩn mình” sẽ hơi lo, song trên đời này, chả có gì THẬP TOÀN KỲ MỸ (mười bề trọn vẹn) cả.

Giải pháp tôi kiến nghị gồm các bước như sau:

1. Giữ nguyên pháp lý khi ký kết thực hiện dự án.

2. Cho kiểm toán một cách minh bạch để xác định giá trị đầu tư thật của dự án.

3. Chứng khoán hóa giá trị dự án, được tính bằng “khoản đầu tư thật cộng với chi phí lãi vay, coi như lãi vay 100% từ ngân hàng khi làm dự án, cộng thêm chi phí cơ hội bằng 50% chi phí lãi vay ngân hàng để bồi thường cho chủ đầu tư.”

4. Bán khoản chứng khoán hóa giá trị dự án đó cho các nhà đầu tư mới, ví dụ giá trị dự án được tính là 1600 tỷ đồng, sẽ bán với giá 1600 tỷ đồng cộng với 10% lợi tức hàng năm, thời gian thu sẽ được ấn định là thời gian thu hồi đủ vốn cộng với lợi tức 10%/năm, (sau khi trừ đi tiền thuế đóng cho nhà nước và tiền trượt giá đồng nội tệ, nếu nhà đầu tư mới là nhà đầu tư quốc tế).

5. Sẽ để bản tính tiền thật lớn giữa hai đầu trạm thu phí, khi người dân trả 25.000 đồng, thì tổng số thu của nhà đầu tư mới sẽ ngay lập tức cộng thêm 25.000 đồng.

6. Để cho đơn vị độc lập thứ 3 đúng ra giám sát khắt khao việc cần trừ này.

Ngay lập tức, sau khi nhà đầu tư TÀI CHÍNH MỚI NHẬN ĐỦ TIỀN NHƯ THỎA THUẬN TRONG HỢP ĐỒNG thì con đường đó sẽ thuộc về toàn dân, không còn bị đóng thuế mãi lộ nữa.

Tôi tin chắc rằng người dân sẽ hoan hỷ đồng ý với giải pháp này. Và khi nhà nước cần thu xếp tài chính cho khoản này, tôi sẽ có thể giới thiệu nhà đầu tư đứng ra mua.

CẦU RẰNG ĐẤT NƯỚC PHÚ CƯỜNG, QUỐC DÂN THỊNH VƯỢNG, CÔNG BẰNG SẼ HIỆN HỮU TẠI QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA.

Ảnh: Trạm BOT Cai Lậy và hình ảnh người dân đang đấu tranh, đòi lại công bằng. Nguồn: internet

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Mưu Cơ Hoàng Nó ăn nhiều quá đâm ra lú lẫn chứ chỉ cần lập ra một trạm chó vàng đứng canh trên tuyến quốc lộ 1a qua thị xã Cai Lậy là tự nhiên xe nó qua hết tuyến tránh thì tha hồ mà thu phí ! vì bọn chó vàng nó táp còn kinh hơn cái trạm BOT đó nhiều lần.

Comments are closed.