Khi lưng dân trở thành… lưng cọp

Blog VOA

Trân Văn

4-12-2017

BOT Cai Lậy hỗn loạn ngày 30/11/2017. Ảnh: Báo TT

Trạm thu phí cho dự án BOT đường tránh Cai Lậy chỉ mới hoạt động trở lại được bốn ngày nhưng đã phải “xả” (tạm ngưng thu phí) khoảng… 40 lần.

Diễn biến bốn ngày vừa qua cho thấy, cả Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án BOT đường tránh Cai Lậy) lẫn hệ thống công quyền đều sai trong lượng định về dân.

Ba tháng rưỡi chuẩn bị cho việc thu phí trở lại, bao gồm cả việc dọn riêng một khoảnh để đối phó với những tài xế trả phí bằng tiền lẻ, rồi trong ngày đầu tiên (30 tháng 11) điều động đủ loại cảnh sát, kể cả cảnh sát cơ động – chuyên dùng để trấn áp bạo động,… đã thành công dã tràng.

Những video clip, bài tường thuật của cả mạng xã hội lẫn báo giới cho thấy, dân hết ngu và không còn… thuần như hệ thống công quyền vẫn… tưởng.

Giữa rừng cảnh sát trang bị tới tận răng, giới tài xế bình thản trả tiền lẻ và đòi 100 đồng tiền thối, ôn tồn nhắc nhở cảnh sát rằng quan hệ giữa họ và chủ đầu tư dự án BOT đường tránh Cai Lậy là “giao dịch dân sự”, không có chỗ cho cảnh sát can dự.

Từ 1 tháng 12, các loại cảnh sát đã phải rút khỏi hiện trường, không phải để tránh tai tiếng, bởi nếu ngại tai tiếng thì đã chẳng có chuyện rải hàng trăm cảnh sát sát khí đằng đằng khắp khu vực mà Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đặt trạm thu phí. Các loại cảnh sát được rút khỏi hiện trường vì thái độ của dân chúng cho thấy, đàn áp là dại, nó giống như kích nổ một trái bom mà hệ thống công quyền không thể đo được mức độ tác động tới cỡ nào, phạm vi tác động lan đến đâu.

Giống như trước đây – những khi hệ thống công quyền cảm thấy bất tiện khi dùng cảnh sát, du đãng xuất đầu lộ diện. Tối 2 tháng 12, du đãng bắt đầu dằn mặt một số tài xế gây khó khăn cho hoạt động của Trạm thu phí Cai Lậy nhưng khác với trước đây, dân chúng không thúc thủ và báo giới không làm ngơ. “Tai mắt nhân dân” nhanh chóng giúp xác định lai lịch du đãng và đã có những tài xế tìm tới tận nhà của hai du đãng, một ngụ tại xã Phú Nhuận, một ngụ tại xã Bình Phú của huyện Cai Lậy để hỏi thăm. Từ khi tham gia hăm dọa tài xế, hình ảnh được bày ra trên mạng xã hội, cả hai đều không về nhà… Theo báo điện tử VietNamNet thì giới tài xế đã xác định được, gần đây, có một người (họ đã xác định được lai lịch nhưng không công bố), chuyên liên lạc với một số băng du đãng ở Cai Lậy để thuê những băng du đãng này hăm dọa tài xế.

Lần này, tham gia vào việc phản đối việc đặt Trạm thu phí cho dự án BOT đường tránh Cai Lậy trên quốc lộ 1 không còn chỉ là những cá nhân kiếm sống bằng nghề lái xe. Trong bốn ngày vừa qua, Trạm thu phí Cai Lậy phải “xả” còn vì sự phản kháng của những người lái “xe nhà”. Đáng lưu ý là theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, mỗi khi Trạm thu phí Cai Lậy phải “xả”, dân chúng địa phương vây quanh trạm lại reo lên tán thưởng, dùng điện thoại đề chụp, quay và thông báo cho thiên hạ qua Internet. Còn theo tờ Người Lao Động thì Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại được bốn ngày thì đó là bốn ngày dân chúng địa phương túc trực 24/24 để cùng giới tài xế phản đối. Một người đàn ông bảo với tờ Người Lao Động rằng mỗi lần Trạm thu phí Cai Lậy “xả” là ông “thấy vui như trúng số”. Một phụ nữ là chủ quán giải khát nằm sát Trạm thu phí Cai Lậy bảo rằng, nếu trạm này tồn tại, bà có lợi lớn vì giới tài xế ngừng lại uống nước, mua sắm nhưng giống như mọi người, bà mong nó biến mất. Bốn ngày vừa qua, người phụ nữ này không bán nước, bà và con trai mang nước ra tặng những tài xế đang kiên nhẫn nhích từng chút trên quốc lộ 1 để đẩy Trạm thu phí Cai Lậy đến chỗ thất thủ.

***

Tại sao hệ thống công quyền Việt Nam không chấp nhận giải pháp mà cả dân chúng lẫn các chuyên gia, báo giới liên tục lặp đi, lặp lại: Đưa Trạm thu phí Cai Lậy ra khỏi quốc lộ 1, buộc Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang phải đặt trạm này đúng vị trí – đường tránh Cai Lậy?

Tuy giải pháp này hợp tình, hợp lý và sẽ giúp ổn định tình hình ngay lập tức nhưng hệ thống công quyền Việt Nam không còn cơ hội lựa chọn vì họ đã phê duyệt dự án BOT đường tránh Cai Lậy với trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1. Thay đổi vị trị đặt trạm thu phí là vi phạm hợp đồng đã ký với Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang và tất nhiên là phải chịu toàn bộ trách nhiệm về gói đầu tư trị giá 1.386 tỉ, trong đó có 85% là tiền Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang đi vay.

Sự nguy hiểm không chỉ ngừng lại ở đó. Thoái bộ đối với trường hợp Trạm thu phí Cai Lậy sẽ tạo ra tiền lệ, có thể dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt dự án cầu đường đầu tư theo hình thức BOT mà hệ thống công quyền Việt Nam đã phê duyệt. Theo một báo cáo mà chính phủ Việt Nam trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8 thì tính đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đang nợ hệ thống ngân hàng khoảng 84.000 tỉ đồng. Khoản tiền khổng lồ ấy vốn là tiền dân chúng gửi ngân hàng theo hình thức ngắn hạn và được hệ thống ngân hàng cho chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vay dài hạn. Nếu việc thu phí của các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông không ổn định, hệ thống ngân hàng sẽ sụp.

Hệ thống công quyền và chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông từng bắt tay nhau cưỡi lên lưng dân chúng, thành ra mới có chuyện, thay vì dùng hình thức BOT để phát triển thêm hệ thống hạ tầng giao thông thì lại chọn nhiều công lộ, giao cho các “nhà đầu tư” sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí. Hoặc gạt bỏ tất cả các qui định hiện hành nhằm giúp “nhà đầu tư” có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn. Hay cho các “nhà đầu tư” thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác, ép tất cả các phương tiện phải trả phí, bất kể có sử dụng những công trình được đầu tư theo hình thức BOT hay không. Các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông trở thành cơ hội, giúp nhiều “nhà đầu tư” không có bột vẫn gột nên hồ.

Dường như hệ thống công quyền và chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông chỉ quên một điều: Con giun xéo mãi cũng quằn! Và chỉ tính sai có một chuyện là giai đoạn dân chúng khom lưng cúi đầu chấm dứt sớm hơn dự kiến.

Lưng dân dường như đang thành… lưng cọp. Cưỡi tiếp khó kham nhưng tụt xuống không dễ.

Đâu phải tự nhiên mà hệ thống công quyền Việt Nam gạt những kết luận kiểm tra, thanh tra các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông của Kiểm toán, Thanh tra và cả chính phủ sang một bên, không rờ tới ai mà cũng chẳng đụng đến dự án BOT cầu đường nào? Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng CSVN biết đâu người ta lại tìm ra tư thế an toàn dù lưng dân đã thành… lưng cọp?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. hành động của các tài xế là hình thức đấu tranh mới chống lại chế độ cướp, cầm, tham quyền, cố vị. cần được đúc rút thành bài học lịch sử để vận dụng.điều cần trước mắt là toàn dân cả nước phải làm chỗ dựa vật chất tinh thần cho cuộc đấu tranh này đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn. khó vạn lần, dân liệu cũng xong. cả nước vùng lên chống bọn cướp ngày.

  2. Khoảng 90 dự án BOT tại Việt Nam có quá nửa là do ông Nguyễn Văn Thể ký duyệt. Đại đa số BOT bị Thanh tra Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm lên tới hàng trăm tỉ đồng. Riêng đặt trạm sai vị trí gây bất ổn xã hội như kiểu BOT Cai Lậy có tổng cộng 7 trạm.
    Với những sai phạm ấy, vì sao ông Nguyễn Văn Thể có thể thênh thang hoạn lộ về Sóc Trăng làm Bí thư tỉnh ủy rồi ra Hà Nội ngồi vị trí Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải?
    Đơn giản là vì đó là những con bò sữa cho chúng nó cướp bóc chia nhau đến nổi giờ đây thằng thái thú CLMV cũng phải BLMV để mị dân.
    Ngừng thu phí một tháng rồi sao nửa. Đã hơn 4 tháng kể từ khi BOT Cai Lậy hoạt động và bị phản đối, cả cái Bộ GTVT và cả cái chính phủ kiến tạo của thằng niểng đã không có giải pháp nào, giờ thêm một tháng nửa để làm gì?
    Để xử dụng lực lượng công an âm thầm xử lý, khủng bố những người phản đối hăng hái nhất mà trong thời gian qua chúng bí mật theo dỏi được phải không? và sao khi triệt hạ hết những thành phần phản kháng chúng lại tiếp tục thu phí bóc lột người dân đúng không.

Comments are closed.