Người đi tìm bản đồ về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

VNTB

Vũ Quốc Ngữ dịch

27-11-2017

Tiến sĩ Trần Nguyễn Anh Sơn cho hay, Chính phủ Việt Nam không sử dụng những tài liệu mà ông tìm ra để kiện Trung Quốc. “Do vậy, nhiều tài liệu của chúng tôi không được công bố.” Ảnh: The New York Times.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho hay chính phủ Việt Nam không sử dụng những tài liệu mà ông tìm ra để kiện Trung Quốc. “Do vậy, nhiều tài liệu của chúng tôi không được công bố.”

Đà Nẵng, Việt Nam – 8 năm trước, lãnh đạo Đà Nẵng đã yêu cầu Trần Đức Anh Sơn đi khắp thế giới để tìm kiếm các tài liệu và bản đồ hỗ trợ cho các tuyên bố lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông.

Ông đã làm như yêu cầu, và ông kết luận rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc về các hoạt động trong vùng nước xung quanh một số hòn đảo đang tranh chấp  ở Biển Đông, như Philippines thành công khi kiện Trung Hoa lên Toà án Trọng tài Quốc tế kết thúc vào năm ngoái. Tuy nhiên, những lãnh đạo của ông đã im lặng.

“Họ luôn luôn nói với tôi rằng ‘Anh Sơn, hãy giữ bình tĩnh’,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở Đà Nẵng, thành phố ven biển, nơi ông là phó giám đốc một viện nghiên cứu của nhà nước. “Đừng nói xấu về Trung Quốc” là yêu cầu của lãnh đạo đối với ông.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là “nô lệ” của Bắc Kinh, ông nói thêm một cách cay đắng, khi mưa xối xả đập vào cửa sổ của ông. “Đó là lý do tại sao chúng tôi có nhiều tài liệu không được công bố.”

Sứ mệnh của Tiến sĩ Son, và thái độ im lặng của ban lãnh đạo là dấu hiệu của các giai đoạn trong đó Việt Nam luôn sống dưới cái bóng của Trung Quốc nhưng muốn một sự độc lập nào đó.

Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra lo lắng cho Việt Nam, coi chủ quyền lãnh thổ là một nguyên tắc thiêng liêng và khuyến khích chính phủ thúc đẩy các tuyên bố về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Tuy nhiên, ngay cả khi bằng chứng cho những tuyên bố như vậy được thu thập được, Hà Nội không muốn dùng chúng như những vũ khí, theo các nhà phân tích nói. Trung Quốc, quốc gia láng giềng kế cận và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đang ngày càng quyết đoán trong việc xây dựng một chuỗi các tiền đồn quân sự trên biển Đông.

Mọi người ở Việt Nam, “chính phủ và các cơ quan phi chính phủ ở đều chia sẻ một ý nghĩ chung là Trung Quốc nên tránh xa những hòn đảo đó, theo Liam C. Kelley, giáo sư về lịch sử tại Đại học Hawaii ở Manoa và là người đã nghiên cứu nguồn gốc của mối quan hệ giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.

Nhưng ông nói rằng việc sống dậy chủ nghĩa dân tộc gần đây do sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đặt ra một câu hỏi gai góc “Làm thế nào mà bạn có thể bảo vệ Việt Nam khỏi Trung Quốc khi Bắc Kinh chống lưng Hà Nội?.”

Trung Quốc từng cai trị Việt Nam trong một giai đoạn kéo dài một nghìn năm, để lại nhiều di sản văn hóa tích cực nhưng cũng chuốc lấy sự căm giận từ người dân. Bắc Kinh đã giúp Hà Nội đánh bại  Pháp để giành được độc lập năm 1954 nhưng cũng xâm chiếm miền Bắc Việt Nam vào năm 1979, bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi.

Vào năm 2014, tinh thần chống Trung Quốc bùng nổ khi một công ty dầu mỏ của Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu lên vùng biển gần Đà Nẵng, gây ra căng thẳng hàng hải và nhiều cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại một số khu công nghiệp của Việt Nam.

Một chuyên gia cao cấp về luật tại Hà Nội, người không muốn tiết lộ danh tính khi nói về chính trị nhạy cảm, nói rằng sự quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ đã từ lâu đã là “trái tim” của người Việt Nam. Nhưng vụ giàn khoan đã làm tăng thêm sự quan tâm.

Trung Quốc đã kiểm soát Hoàng Sa từ năm 1974 sau một cuộc hải chiến với Việt Nam Cộng hoà. Bắc Kinh gia tăng sự hiện diện ở Trường Sa bằng một chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo này.

Nhiều quan chức và học giả Trung Quốc tìm cách biện minh cho tuyên bố chủ quyền chin đoạn của Bắc Kinh đối với vùng biển bao quanh cả hai quần đảo bằng cách trích dẫn các bản đồ và các bằng chứng khác từ những năm 1940 và 1950.

Nhưng một số ở Việt Nam, như Tiến sĩ Sơn, đang cố gắng thu thập các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của quốc gia ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cho dù họ có ít quyền hạn để ngăn cản Trung Quốc.

Tiến sĩ Sơn, 50 tuổi, và các học giả Việt Nam khác nói rằng triều đại nhà Nguyễn, trị vì Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945, đã kiểm soát hành chính đối với Hoàng Sa bằng cách gửi người đi khảo sát quần đảo này và thậm chí trồng cây trên đó như là một cảnh báo đề phòng tàu đắm. Họ nói rằng điều này đã xảy ra vài thập niên trước khi người Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến các hòn đảo này.

“Người Trung Quốc biết rất rõ rằng họ không bao giờ đề cập đến Hoàng Sa hay Trường Sa trong sách lịch sử hoặc bản đồ lịch sử của họ,” tiến sĩ Sơn nói.

Ngược lại, ông cho biết, ông đã tìm thấy bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã đặt lá cờ hoàng gia ở Hoàng Sa vào những năm 1850.

Các nhà phân tích cho rằng, trọng tài quốc tế về chủ quyền lãnh thổ chỉ có thể tiến hành nếu hai bên đồng ý, và Trung Quốc đã không quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, việc quan tâm đến lịch sử hàng hải của Việt Nam kể từ năm 2012 đã tạo ra tiếng vang trên các phương tiện truyền thông nhà nước và có nhiều thú vị bất ngờ.

Một là Trần Thắng, một kỹ sư cơ khí người Việt Nam sống ở Connecticut. Ông nói qua điện thoại rằng ông đã tặng 153 bản đồ và sách atlases mua chúng trên eBay với giá khoảng 30.000 USD.

Trong số các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông, TS. Sơn là một trong số những người nổi bật nhất.

Ông sinh năm 1967 tại Huế, khoảng 50 dặm về phía tây bắc của thành phố Đà Nẵng, và cha của ông đã bị giết chết vào năm 1970 trong khi chiến đấu ở phe Việt Nam Cộng hoà. “Tôi chỉ nhớ đám tang,” ông nói.

Ông lớn lên trong nghèo khó, nhưng học xuất sắc trong trường Đại học Huế, nơi luận án lịch sử của ông đã khám phá đồ sứ thời Nguyễn. Sau đó ông lãnh đạo viện bảo tàng mỹ thuật của Huế và đã nỗ lực trong việc đưa kinh thành Huế trở thành di sản UNESCO.

Tiến sỹ  Sơn cho biết, ông muốn sao chụp bản đồ nêu bật các yêu sách lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông. Vì vậy, khi các quan chức hàng đầu ở Đà Nẵng yêu cầu ông trong năm 2009 thực hiện một nghiên cứu của chính phủ, ông đã không bỏ lỡ cơ hội.

“Tôi luôn chống lại Trung Quốc,” ông nói bằng cách giải thích. “Các học giả Trung Quốc đã và đang tiến hành nghiên cứu tương tự trong nhiều năm với sự hỗ trợ của Bắc Kinh.” Ông thấy công việc của mình không uổng, ông cho biết.

Các quan chức Đà Nẵng đã cho phép Tiến sĩ Sơn tuyển mộ một nhóm hỗ trợ gồm bảy thành viên, nhưng không tài trợ cho chuyến đi quốc tế của ông. Ông nói ông đã phải dùng tiền túi của mình để thanh toán cho một số nghiên cứu mà ông đã tiến hành từ năm 2013 trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ, nơi ông là một học giả Fulbright tại Đại học Yale.

Tiến sĩ Sơn, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết ông vẫn hy vọng rằng một ngày Việt Nam sẽ đưa Trung Quốc ra tòa.

Nhưng ông không nói nhiều về kết quả cuối cùng nếu có một vụ kiện như thế.

“Tôi không phải là chính trị gia,” ông nói thêm. “Tôi là một nhà khoa học.”

Nguồn: A Defiant Map-Hunter Stakes Vietnam’s Claims in the South China Sea (NYT).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

  2. “thái độ im lặng của ban lãnh đạo là dấu hiệu của các giai đoạn trong đó Việt Nam luôn sống dưới cái bóng của Trung Quốc nhưng muốn một sự độc lập nào đó

    Tự trị trong Liên bang Xã hội chủ nghĩa . Từ mới, chế độ toàn trị tự trị, viết tắt là chế độ “toàn tự trị”

    “Đừng nói xấu về Trung Quốc” là yêu cầu của lãnh đạo đối với ông” & “Tôi luôn chống lại Trung Quốc,” ông nói”

    Ông Sơn chống lại lãnh đạo tức là chống Đảng gòi

    một câu hỏi gai góc “Làm thế nào mà bạn có thể bảo vệ Việt Nam khỏi Trung Quốc khi Bắc Kinh chống lưng Hà Nội?.”

    2 xu của tớ, tuần tự nhi tiến . 1- Ủng hộ & tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Hà Nội . 2- Giữ vững lý tưởng Cộng Sản Bác Hồ kính yêu đã chọn cho dân tộc . 3- Phản biện ôn hòa, không chống đối, không đòi lật đổ . 4- Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh & xếp sòng của Giáo sư Tương Lai là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mời cố vấn Trung Quốc qua xây dựng chủ nghĩa xã hội . 5- Sau khi đã thực hiện 4 điều trên, thay vì “mất nước”, chúng ta sẽ tự tạo cho mình 1 khái niệm khách quan hơn, đó là “được nước”

    “Tôi chỉ nhớ đám tang,” ông nói

    Tiến Sĩ Sơn có thể tự hào vì cha ông đã hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay .

    “Tiến sĩ Sơn, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết ông vẫn hy vọng rằng một ngày Việt Nam sẽ đưa Trung Quốc ra tòa” & Phạm Tấn Phú “Tôi tin tưởng chắc chắn đến một ngày nào đó những tư liệu sứ thật lịch sử về chủ quyền của Tổ Quốc Việt Nam chúng do Ts Sơn dày công sưu tập,khảo cứu sẽ được công bố để đánh bại những luận thuyết hoang đường,dối trá của bành trướng Đai Hán Trung Quốc sẽ bị lật tẩy trước công lý quốc tế”

    Hmm, Giáo sư Tương Lai viết “trước sự sụp đổ của hệ thống XHCN đã hốt hoảng và dại dột bấu víu vào Đảng Cộng sản Trung quốc mong cứu vãn lâu đài xây trên cát đã sụp đổ tan tành trước sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử … Võ Văn Kiệt là một trong những người lãnh đạo sớm nhận ra được sự thật nghiệt ngã này và quyết liệt góp phần ngăn chặn cái nguy cơ đang được từng bước trở thành hiện thực đau đớn trên đất nước ta”

    Đã, đang và sẽ có những lãnh đạo như đồng chí Võ Văn Kiệt quyết liệt ngăn chặn cái nguy cơ lâu đài trên cát sẽ sụp đổ tan thành trước sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử . Và Trung Quốc đã, đang & sẽ là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng Sản Hà Nội .

    Và dân ta vẫn một lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng .

    Thu thập bản đồ không có nghĩa lý gì đâu . Bản công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhổ toẹt vào tất cả các chứng cứ bất cứ ai đưa ra nhằm chứng minh Việt Nam có chủ quyền không dám tranh cãi đ/v “mấy đảo chim … ẻ” -trích Bác Hồ . Và những hành động mới đây qua sự triệt thoái của Repsol & ExxonMobil, Trung Quốc có thể đưa chúng ra như chứng cứ để tuyên cáo chủ quyền của mình đ/v … khu tự trị Việt Nam .

Comments are closed.