Blog VOA
Trân Văn
17-11-2017
Kỳ họp thứ tư (từ 23 tháng 10 đến 24 tháng 11) của Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc và nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội khóa này cho thấy họ không khác gì lắm so với nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội các khóa trước!
***
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành, ông Nguyễn Bắc Việt – Phó Đoàn Đại biểu của tỉnh Ninh Thuận tại Quốc hội, đòi luật mới phải minh định “rèn luyện thân thể” là nhân quyền, không phân biệt đối xử giữa công dân lẫn cán bộ. Ông Việt tỏ ra hết sức bất bình khi dân có thể tham gia thể dục, thể thao nhưng “cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà tham gia thể dục, thể thao thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc”. Ông Việt yêu cầu nội dung luật mới về thể dục – thể thao phải giúp “cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis vì đó là ‘quyền’ của họ”.
Ông Việt nói thêm, dẫu dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành có khuyến khích cán bộ, công chức tham gia các hoạt động thể dục – thể thao nhưng chừng đó chưa đủ. Luật mới phải “tạo điều kiện” để “đầu tư, hỗ trợ” cán bộ, công chức về “cả nơi tập lẫn trang, thiết bị”.
***
Trước đó một tuần, hôm 8 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Tố cáo, ông Ngô Tuấn Nghĩa – thành viên Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội, đề nghị hệ thống công quyền không nên chấp nhận những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vì sẽ ảnh hưởng tới giới này. Ngoài ra, theo lời ông Nghĩa, Luật Tố cáo mới nên buộc người tố cáo phải “xuất đầu, lộ diện” bằng cách chỉ chấp nhận tố cáo trực tiếp, nếu không “sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan hoặc tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để quấy rối cán bộ”.
Ngày hôm sau, 9 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, ông Trần Hoàng Ngân – một thành viên khác của Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội, đề nghị luật mới nên buộc đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng. Ông Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội tỏ ra rất tâm đắc với đề nghị của ông Ngân. Ông Nhân nhấn mạnh, hồi ông sang Mỹ học về “quản lý nhà nước”, tham quan trại giam là một phần trong chương trình học (người viết bài này đã cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy chương trình nào đào tạo về “quản lý nhà nước” tại Mỹ đưa tham quan trại giam vào chương trình đào tạo để răn đe các viên chức trong hệ thống công quyền đừng tham nhũng như ông Nhân dẫn chứng).
Khoan bàn tới nhận xét từ công chúng về những “góp ý lập pháp” của các đại biểu vừa kể, chỉ xét bình luận của các cán bộ, viên chức thì đã đủ để thấy những “góp ý lập pháp” này không ổn. Tờ Đất Việt kể rằng, một “viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu” và bà Lê Thị Thu Ba – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 12, cùng cho rằng, dùng luật để ngăn chặn việc tố cáo cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu vừa vi hiến, vừa vi phạm pháp luật vì mọi người bình đẳng trước pháp luật.
Đối với ý tưởng buộc phải đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng, “viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu” lưu ý, “nhiều khi ở tù sướng hơn ở ngoài vì đầy đủ tiện nghi chẳng thiếu thứ gì” thành ra coi chừng… phản tác dụng.
***
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì đại diện cho toàn bộ dân chúng Việt Nam để lập hiến, lập pháp, quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của quốc gia, giám sát toàn bộ hoạt động của hệ thống công quyền.
Trong thực tế, đa số đại biểu của dân chúng Việt Nam tại Quốc hội vừa là thành viên của Đảng CSVN vừa tham gia lãnh đạo hệ thống công quyền. Ông Nguyễn Bắc Việt – người đòi Luật Thể dục – thể thao mới phải giúp “cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis”, phải “tạo điều kiện” để “đầu tư, hỗ trợ” cán bộ, công chức về “cả nơi tập lẫn trang, thiết bị” là Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy Ninh Thuận. Ông Ngô Tuấn Nghĩa – người đòi Luật Tố cáo mới phải vô hiệu hóa những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, buộc người tố cáo phải “xuất đầu, lộ diện” là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM. Ông Trần Hoàng Ngân thì là Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Đó có thể là lý do người ta không thấy bóng dáng nhân dân trong các “góp ý lập pháp”. Đó hình như cũng là lý do Quốc hội Việt Nam miệt mài “sửa đổi, bổ sung” hết luật này sang luật khác, từ thập niên này sang thập niên khác…
Sau khi được ban hành lần đầu vào năm 1998, đến năm 2004, Luật Khiếu nại – Tố cáo được “sửa đổi, bổ sung” lần thứ nhất. Năm 2005 được “sửa đổi, bổ sung” lần thứ hai rồi đến năm 2011 thì được tách ra thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Từ 2012, khi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực, năm nào Quốc hội Việt Nam cũng bàn về việc “sửa đổi, bổ sung” thêm!
Tương tự, sau khi ban hành Bộ Luật Hình sự đầu tiên năm 1985 và “sửa đổi, bổ sung” bốn lần trong các năm 1989, 1991, 1992, 1997, đến năm 1999, Quốc hội Việt Nam thay thế Bộ Luật Hình sự 1985 bằng một Bộ Luật Hình sự mới. Bộ Luật Hình sự 1999 tiếp tục được “sửa đổi, bổ sung” cho đến năm 2009 thì có một Bộ Luật Hình sự mới hơn thay thế. Năm 2015, Bộ Luật Hình sự mới hơn Bộ Luật Hình sự 2009 ra đời. Tuy nhiên ba ngày trước khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các đại biểu Quốc hội khóa 13 – những người đã từng “nhất trí thông qua” bộ luật này – “nhất trí hoãn thi hành” nó vì tới lúc đó họ mới chịu “nhất trí” với các chuyên gia rằng Bộ Luật Hình sự 2015 “có nhiều sai sót nghiêm trọng” không hoãn và sửa thì… “dân chết”. Chuyện “sửa đổi, bổ sung” Bộ Luật Hình sự 2015 vừa hoàn tất hồi tháng 7 năm nay và đến 1 tháng Giêng năm tới nó mới có hiệu lực!
***
Không phải tự nhiên mà khi đề cập đến Quốc hội Việt Nam, nhiều người cố tình viết thành “Cuốc hội”. Nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam không những không thèm bận tâm, mà luôn tìm đủ mọi cách chứng minh họ đúng là đại biểu “Cuốc hội”!