Nhà báo Quốc Phong, cựu Phó tổng Biên tập báo Thanh Niên: Vụ nhà 34 Hoàng Diệu, cần nói lại cho rõ

Việc cụ bà Trịnh Văn Bô vừa qua đời, nay cần phải nói cho rõ một số thông tin nhiễu trên mạng

Quốc Phong

12-11-2017

Tổng bí thư Đỗ Mười thăm cụ bà Trịnh Văn Bô năm 1994 – cái năm có quyết định trả nhà bằng hình thức QUÀ TẶNG. (Tư liệu gia đình cụ Trịnh Văn Bô). Nguồn: Quốc Phong

Sau khi báo Thanh niên đăng bài “Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông Trịnh Văn Bô” mới đây của tôi, bên cạnh sự chia sẻ và cảm thương cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa qua đời, cũng có ý nói trái chiều cho rằng điều tôi viết không có cơ sở. Nay buộc tôi phải nói kỹ hơn để bạn đọc hiểu cho đúng vì nếu không nói, e rằng lại nghĩ tôi không biết.

Những người làm báo chúng tôi luôn phải thận trọng và hiểu rằng nếu mình có biết đến mười thì cũng chỉ nên viết vài ba phần là cùng, phòng khi thật cần mới viết thêm hoặc báo cáo cơ quan có trách nhiệm khi họ hỏi đến.

Chúng tôi từng viết về cụ Trịnh Văn Bô ngay từ năm 1990 nhân kỉ niệm 45 năm nước nhà Độc lập. Vì thế, có thể khẳng định, những điều tôi được nghe từ cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ nói là khi cụ vô cùng sắc sảo và tinh tường bởi năm đó, cụ mới có 76 tuổi.

Năm 1998, báo Thanh niên chúng tôi có nhà báo Nguyễn Thế Thịnh viết tiếp đề tài nói trên, do lúc này quyết định “Tặng” nhà của Thủ tướng Chính phủ cho gia đình người có công lao đặc biệt đó, dù đã được kí năm 1994 vẫn chưa triển khai.

Bộ Quốc phòng đã phản ứng với chúng tôi nhưng rồi hoá ra, tài liệu về chuyện nhà cửa mà cụ bà Hoàng Minh Hồ họ không đầy đủ như chúng tôi có. Vậy là chúng tôi thoát hiểm mà không bị họ kiện tiếp như văn bản họ gửi thượng cấp lúc đầu.

– Có thật là có chuyện Quân đội mà trực tiếp là tướng Hoàng Văn Thái mượn biệt thự 30 Hoàng Diệu của hai cụ không? Rồi thì có hay không chuyện Quân đội đã từng trả tiền thuê nhà mà nhà trả tiền đó là nhà nào? 

Trong nhiều vấn đề về chuyện nhà 34 Hoàng Diệu Hà Nội mà Quân đội mượn của gia đình hai cụ Trịnh Văn Bô, sự thể thế nào, tôi được cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại cho nghe như sau:

Thời kỳ ở chiến khu, các cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ đã có quen biết tướng Hoàng Văn Thái.

Khi tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, cụ Bô về thành trước cụ bà và về 34 Hoàng Diệu để sống. Lý do thì cụ bà nói với tôi là do cũng thấy tình hình buôn bán chắc sẽ khó khăn. Hơn nữa, sau 9 năm sống ở núi rừng Việt Bắc, các cụ bắt đầu quen sống môi trường yên tĩnh, thích cảnh nhà có vườn tược để trồng rau, nuôi gia cầm. (chả vậy mà 1 tháng sau đó cụ bà Minh Hồ về, đã mang cả trăm con gà về nuôi tại 34 Hoàng Diệu).

Tại Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng, tướng Hoàng Văn Thái lúc này quay lại một lần nữa thay tướng Văn Tiến Dũng làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội.

Tướng Thái đến gặp cụ Bô đề nghị cho Quân đội, mà cụ thể là ông mượn nhà 34 nói trên để ông ở, tiện cho công việc. Khu này lúc đó đã có đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng ở. Nếu về ở cùng cụm nhà này kể cũng rất tiện cho công tác bảo vệ khi mà đất nước vẫn còn chia cắt, an ninh chưa thật đảm bảo.

Tinh thần mà tướng Thái nêu là “mượn nhà trong 2 năm, khi nào Thống nhất Bắc Nam thì Quân đội sẽ trả anh chị”.

Ban đầu ông Bô không đồng ý vì nếu cho mượn thì gia đình về sẽ ở đâu (cụ bà và các con sau 1 tháng mới về Thủ đô). Nếu về ở 24 Nguyễn Gia Thiều thì làm gì có tiền mà sống với 7 người con mà bản thân lại không đi làm? Phải đến lần đề nghị thứ 3 các cụ mới đồng ý cho Quân đội mượn vì cũng nghĩ, 2 năm thì cũng chẳng bao xa.

Một lý do cụ Bô bàn với vợ để đi đến nhận lời cho mượn là bởi lúc đó, Quân đội họ đặt ở đây 2 bốt gác ở 2 đầu một đoạn phố rất nhỏ độ trăm mét: bốt ở quãng nhà gần nhà 34 và bốt ở cạnh nhà tướng Văn Tiến Dũng chỗ cạnh tượng đài Bắc Sơn. Việc đi lại ngày đó với khách đến nhà thăm nom rất bất tiện, nhiều khi mất cả bạn bè.

Được lời giới thiệu của cụ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội, họ đến biệt thự số 23 Phố Quán Thánh thuê nhà của bác sĩ Nguyễn Đình Hào vì nhà trống. Họ đi di cư vào Nam. (Do cũng có ý 2 năm, chờ thống nhất thì bác sĩ cũng sẽ quay về Hà Nội nên không cho thuê). Vì được người giới thiệu nên được người nhà bác sĩ Hào chấp nhận đến thuê. Mỗi tháng, cụ Bô trả cho bác sĩ Hào 100 đồng (bằng hơn nửa lạng vàng).

Số tiền này được ông bà rút từ tấm sổ của mình được Sở Bằng khoán điền thổ họ cho thuê giúp gia chủ khi thấy ngôi nhà để trống. Rồi sở này chia tỷ lệ được hưởng phần trăm môi giới và quản lý và trừ đi tiền sửa nhà, cứ 2 năm một lần. Đây là điều rất bất ngờ của chế độ cũ. Nó hoàn toàn không như chúng ta sau giải phóng, thấy nhà trống lâu là chia cho cán bộ cách mạng tắp lự. Cách làm này quả là nghiêm túc và rất lạ với lớp người như tôi. Điều này ở chế độ thực dân Pháp họ thực hiện rất dân chủ, không hề trả thù người đi vắng (dù đoán biết là ra vùng chiến khu) mà không hề có chuyện lấy cớ này tịch thu nhà hoặc bắt chẹt của người đi lâu ngày khỏi thành phố.

Vì số tiền được nhận này cũng khá nên cụ ông mới tính lấy từ khoản này bù sang. Mới chưa được năm, ai dè tính ra thấy nó ngốn nhiều quá khiến cụ bà lo, không biết hết rồi sẽ sống thế nào.

Các cụ lên gặp TBT Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ phàn nàn chuyện Quân đội mượn nhà mà không phải là thuê của cụ, nay phải tự đi thuê nơi khác thì thấy tốn nhiều tiền vô lý, chịu không thấu mà con cái thì đông.

Các vị lãnh đạo đã hội ý rồi có ý kiến với Bộ Quốc phòng hàng tháng Quân đội sẽ trả thay tiền thuê nhà 23 Quan Thánh cho gia đình cụ Bô.

Năm 1966, nhà 47 Quán Thánh bị trúng đạn tên lửa của máy bay Mỹ oanh tạc, cụ bà biết là gần nhà máy điện Yên Phụ sẽ không an toàn nên đã quyết định không cho thuê nhà 24 Nguyễn Gia Thiều nữa để về ở cho xa mục tiêu đánh phá.

Đây là ngôi nhà cụ cho thuê duy nhất để sinh sống vì không có lương. Các cụ có 1,4 tấn bạc nén còn lại sau khi chôn xuống giếng rồi đi kháng chiến thì đã đem đầu tư Công Tư Hợp doanh vào nhà máy gạch Nam Thắng và bị thua lỗ hết đến mức trắng tay chỉ vì cái mô hình chẳng giống ai của Chủ nghĩa xã hội giáo điều vận dụng máy móc của các nước bạn.

Cụ Bô cũng là trường hợp không bị thu nhà cải tạo tư sản khi miền Bắc tiến hành vì có công đóng góp đặc biệt to lớn cho đất nước. Vả lại, vào lúc này gia đình cũng đã hiến ngôi nhà 48 Hàng Ngang để làm di tích lịch sử, nơi Bác Hồ soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quốc khánh mùng 2/9/1945. Ngôi nhà này nếu còn sở hữu, giá bây giờ cũng khoảng 4-5 trăm tỷ vì nó rộng cả ngàn mét đất nơi phố cổ, lại thông suốt hai mặt phố (sang tận phố Hàng Cân).

Cụ được Quân đội trả tiền thuê nhà thay từ 1955 cho đến 1966, tức là 11 năm chứ đâu ít ỏi gì. Như vậy cũng gián tiếp cho mọi người thấy chuyện Quân đội mượn nhà là có gì không đúng. Nếu thuộc diện thu hồi cải tạo tư bản tư doanh thì sao phải trả đến 11 năm và có thể lâu hơn nếu các cụ không tự đi vì sợ máy bay Mỹ đánh phá khu Ba Đình.

Chuyện” cuốn sổ trợ cấp đặc biệt” hay là chuyện” nhà nước đã thanh toán tiền mua biệt thự 34 Hoàng Diệu”? 

Có thông tin trên mạng khẳng định ngôi nhà 34 Hoàng Diệu đã được nhà nước thanh toán mua lại của gia đình cụ Bô. Người ta còn khẳng định chắc như đinh đóng cột câu chuyện trên. Điều này khiến cụ bà ngày đó rất bất bình vì đã có sự hiểu lầm về chủ trương của Đảng Chính phủ về chế độ đãi ngộ đặc biệt với người có công lớn với đất nước. Thà họ mời lên để chỉ ra chứng cứ thì ra một nhẽ và sẽ được cụ chứng minh. Nhưng đây chỉ là do cụ được người khác nói thầm cho biết. Tuyệt nhiên không ai dẫn ra chứng cứ để từ chối trả nhà khi cho rằng nhà nước đã trả tiền mua nhà 34 HD rồi.

Thực ra, đây là sự nhầm lẫn rất tai hại từ cuốn sổ trợ cấp đặc biệt được xem như là để thay sổ hưu của cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Nó không phải là tiền nhà nước mua nhà 34 Hoàng Diệu hay 48 Hàng Ngang.

Lúc Bác Hồ còn sống, Người cũng biết cụ Bô lúc này đã khánh kiệt về tài sản do đầu tư làm gạch nung cùng nhà nước (chiến tranh thì có mấy ai xây dựng nhà cửa?).

Song áy náy là vậy nhưng cũng không biết tính sao, không lẽ tính lương hưu cho cụ bà vì trên danh nghĩa, cụ chưa bao giờ là người nhà nước mà chỉ hoạt động phong trào, đi làm công tác xã hội, vận động theo kiểu mặt trận…

Phải đến năm 1978, sau khi đất nước thống nhất vài năm, Chủ tịch nước Trường Chinh đã bàn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và giao cho bộ Tài chính làm “cuốn sổ trợ cấp đặc biệt” đối với người có công đặc biệt với đất nước. Mỗi tháng cụ bà Bô lên Văn phòng Chính phủ rút ra 500 đồng để chi tiêu trong gia đình và tiết kiệm đôi chút đem đi trả dần nợ nần khi các cụ đầu tư làm gạch thua lỗ. Tháng nào cần nhiều thì phải làm đơn xem xét. Tiếc rằng ngày đó cụ đã nói nhưng nay cũng đã quên con số cụ thể. Tiếc rằng cuốn sổ này đến năm 1985 thì nhà nước đổi tiền 10 ăn 1 cho nên xem như không còn gì, gần như cuốn sổ mất giá trị và nhanh chóng hết nhẵn sau 1-2 năm.

27 năm qua, tôi là người kiên trì theo dõi vụ này nên đã gặp cụ bà vài chục lần trong sự ngưỡng mộ người nữ doanh nhân tài ba, nhớ kinh khủng đến từng con số, chi tiết xen lẫn xót xa. Ban biên tập chúng tôi cũng từng bị phiền toái khi báo chúng tôi đăng bài. May là hồ sơ tài liệu ngày đó đầy đặn nên không ai văn vẹo gì được với 11 chữ ký của các uỷ viên Bộ chính trị là tứ trụ qua các thời kỳ đề nghị và ủng hộ trả nhà cho 2 cụ. Cố vấn Phạm Văn Đồng mời cụ bà lại chơi tại Phủ chủ tịch đã phải thốt một câu chua xót, “cứ mỗi lần gặp chị là tôi cảm thấy day dứt, có lỗi vì chuyện nhà 34 HD chưa trả được cho gia đình…”

Nỗi buồn nơi cụ đã kéo dài 40 năm chứ đâu ít gì. Cụ ông ra đi cũng có nỗi buồn tương tự nhưng khi đó, còn có vẻ việc sắp xong. Cụ không nói ra nhưng thấy nói cũng buồn về lối ứng xử này của Đảng và Nhà nước.

Ngay đến như cụ Đỗ Đình Thiện, nhà đại tư sản, nhà trí thức yêu nước và cũng là đảng viên cộng sản Pháp từ năm 1927 khi ông học Kỹ sư Canh nông ở Pháp. Cụ chính là người làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp năm 46.

Cụ cũng bị Pháp bắt tù trên đất Pháp năm 1931 vì hoạt động in tài liệu để chuyển về Việt Nam vận động nhân dân đánh Pháp. Cụ bà cũng bị tù Hoả Lò vì là người hoạt động bí mật nội thành. Năm 1943, quỹ Đảng chỉ có 24 đồng Đông Dương, vậy mà cụ bà Đỗ Đình Thiện rút két đưa luôn 3 vạn đồng cho tổ chức thì kinh hoàng thật.

Năm 45, tại Tuần lễ Vàng, gia đình cụ Thiện cũng ủng hộ 100 lượng vàng và 100 ngàn đồng Đông Dương. Chưa kể sau đó ủng hộ 1 triệu nữa trong cuộc đấu giá để gây quỹ bằng cách mua bức chân dung cụ Hồ. Sau đó cụ tặng luôn chân dung trên cho chính quyền Hà Nội và rất nhiều tài sản khác như cụ Bô.

Cụ Thiện đã 3 lần được tổ chức gợi ý làm đơn tiếp tục sinh hoạt đảng cho nối mạch thời kỳ ở Pháp, cụ từ chối cả 3. Năm 1946, giới thiệu cụ tham gia đại biểu Quốc hội cụ cũng từ chối. Cụ về nghỉ sớm từ đầu những năm 60 để tới mức Bác Hồ phải đi tìm, mời ra làm tiếp cũng không được. Cụ rời sớm công việc nhà nước nghe đâu cũng là vì cụ hiểu rằng việc chúng ta đi theo con đường XHCN hình như có gì không ổn. Mình đấu tranh cho độc lập dân tộc thì nay đã hoàn thành sứ mệnh và khát vọng của người dân bị áp bức, vậy là cụ đã thấy thoả mãn rồi chăng? Tấm Huân chương Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quý mà cụ đã được trao tặng đã nói lên nhiều điều.

Cụ Trịnh Văn Bô cũng có đôi chút như vậy về sự nghiệp sau năm 1954… tôi không muốn nói lại.

Tôi viết bổ sung như trên, mong được mọi người đọc và chia sẻ với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kẻo cụ sang bên kia suối vàng, người đời vẫn chưa mấy người hiểu hết về cụ. Một người phụ nữ yêu nước nồng nàn và hy sinh không biết bao nhiêu tài sản vì đất nước để giành Độc lập như bấy giờ mà đến khi nhắm mắt vẫn còn nhiều điều trăn trở, buồn tủi.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc trả nhà lại cho cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: FB Quốc Phong

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bpjn CS là lũ chó. Tiêu đi cho sạch đất nước
    Không thèm nói nữa.

Comments are closed.