Lê Anh Hùng
26-10-2017
Tình trạng ngân sách nhà nước rơi vào cảnh bí bách chẳng phải là điều mới mẻ gì, mà đó là thực tế công chúng Việt Nam đã biết đến từ vài năm gần đây.
Hội chứng “hết tiền trả lương”
Sự kiện đầu tiên báo hiệu tình trạng ngày một xấu đi này diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2015, khi một loạt tờ báo “chính thống” đồng loạt chạy những hàng tít như “Thành uỷ Bạc Liêu hết tiền hoạt động”, hay thậm chí còn bi đát hơn: “Thành ủy Bạc Liêu không chỉ hết tiền mà còn… nợ nần chồng chất.”
Câu chuyện Thành uỷ Bạc Liêu vỡ nợ chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại rộ lên trước thông tin về thực trạng tương tự ở Cà Mau, khi không chỉ UBND TP Cà Mau nợ đầm đìa, không còn tiền trả lương cho công chức, mà cả huyện Cái Nước cũng hết tiền chi lương, phải cầu cứu ngân sách tỉnh.
Hai sự kiện xẩy ra liên tiếp này tuy khiến dư luận bàn tán xôn xao, nhưng không khiến người ta phải quá ngạc nhiên, bởi chỉ hơn một tháng trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh đã “bộc bạch” trong một tâm trạng đầy ưu tư tại phiên thảo luận tổ của các ĐBQH: “Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ.”
Lo sợ tình trạng nợ lương công chức sẽ gây ra phản ứng dây chuyền cùng những tác động tiêu cực khó lường trong xã hội nên chỉ ít ngày sau hai vụ lùm xùm ở Bạc Liêu và Cà Mau, Bộ Tài chính đã cấp tốc gửi công văn xuống các địa phương, yêu cầu không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan quản lý ngân khố quốc gia thậm chí còn “vẽ đường” cho các địa phương như giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện các khoản chi chưa cần thiết; sử dụng thêm các nguồn lực tài chính của địa phương như quỹ dự trữ tài chính, v.v.; và nếu thực hiện các giải pháp trên mà ngân sách địa phương vẫn khó khăn thì cần báo cáo bằng văn bản lên cấp trên, để cho phép tạm ứng nguồn chi.
Tuy nhiên, sau công văn chỉ đạo nói trên của Bộ Tài chính chỉ mươi hôm, báo chí lại loan tin về việc UBND xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh suốt hai tháng liền không có tiền trả lương cho cán bộ, công chức. Và cũng ở huyện Thạch Hà, mấy tháng sau vụ xã Thạch Khê nợ lương lại đến lượt xã Thạch Văn lên mặt báo vì nợ lương công chức.
Và chỉ cách đây vài hôm, báo chí lại rộ lên thông tin là cán bộ, công chức tại một số xã, phường trên địa bàn TP Vĩnh Long đã không được nhận lương từ nhiều tháng qua.
Nợ lương công chức vốn dĩ là một chủ đề “nhạy cảm”, nên những gì được phơi bày trên mặt báo mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Công an cũng không thoát
Công an là lực lượng mà giới lãnh đạo cộng sản thường ví là “thanh gươm của đảng”. Một trong những khẩu hiệu mang tính chất “kim chỉ nam” của đội quân hùng hậu này là: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình.” Điều này giải thích tại sao bộ máy công an luôn nhận được sự đãi ngộ đặc biệt và không ngừng phình ra, còn chế độ CSVN vẫn được gọi là chế độ “công an trị”.
Tuy nhiên, tình trạng ngân sách khốn khó cũng đã tác động đến lực lượng công an, đội quân kiêu binh mà xưa nay đảng vẫn dùng tiền để mua sự trung thành và tưởng như “bất khả xâm phạm”. Chẳng hạn, trước kia cán bộ công an mỗi khi được điều động đi làm nhiệm vụ bên ngoài đều được nhận một khoản hỗ trợ khá hậu hĩnh (thường là 500.000VNĐ/ngày), nhưng nay khoản này hầu như bị cắt hẳn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cán bộ ngoại giao làm việc tại các nước là sỹ quan tình báo từ Tổng cục V, Bộ Công an “biệt phái” sang. Trước đây, cán bộ cấp lãnh sự (thường là sỹ quan tình báo biệt phái), đều được nhận thêm trợ cấp cho vợ (hoặc một người giúp việc), với mức trợ cấp bình quân mỗi tháng từ 400 đến 600USD, bất kể người vợ có sống cùng chồng tại nơi công tác hay không. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm nay, khoản trợ cấp đó đã không còn.
Xin dẫn thêm một ví dụ từ Bắc Ninh, một tỉnh giàu có nằm ngay cửa ngõ thủ đô và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.
Trong cuộc cưỡng chế đất tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn ngày 22/12/2016, khoảng 450 cảnh sát đã được điều động để trấn áp bà con dân oan. Sau cuộc cưỡng chế, ngoài bữa ăn trưa, mỗi viên cảnh sát còn được nhận khoản “bồi dưỡng” 500.000VNĐ. Tất cả các khoản chi đều được lấy từ ngân sách công an. Tuy nhiên, cuộc cưỡng chế đất cũng tại phường Đồng Kỵ ngày 20/9 vừa qua thì chỉ khoảng 350 cảnh sát được huy động. Và sau cuộc cưỡng chế, đội quân chuyên đàn áp dân đen đã không còn được nhận khoản “bồi dưỡng” mà bình thường họ vẫn nhận. Họ vẫn được ăn trưa, nhưng khoản chi đó cũng không phải được trích từ ngân sách công an, mà từ Trung tâm Quỹ đất tỉnh.
Điều tất yếu phải đến?
Những hiện tượng nêu trên chỉ là “triệu chứng ngoài da” của một “con bệnh” mà ngay từ khi chào đời đã bộc lộ những bất ổn bên trong. Như một lẽ tự nhiên, càng ngày khả năng cầm cự của nó càng kém.
Tại hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách đầu năm 2017, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thú nhận những thực tế đáng báo động như “Nợ công nếu tính đủ đã vượt trần”, “Chi thường xuyên tăng rất nhanh khiến ngân sách căng thẳng” hay “Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.
Trong cuộc làm việc với Bộ GTVT ngày 16/3, người đứng đầu chính phủ cũng đã cảnh báo cơ quan quản lý hạ tầng quan trọng này là vốn ngân sách đang ở vào tình trạng cực khó.
Và trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình tài chính quốc gia: “Nền tài chính chúng tôi thấy không được bền vững. Sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên, tiêu dùng cũng là khó.”
Đâu là giải pháp?
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, cựu TBT Lê Khả Phiêu đã nhận định là yêu cầu tinh gọn bộ máy hiện “không còn đường lùi”. Tổng số công chức biên chế của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay là 3.734.302 người, tức chiếm đến 4% dân số, gấp tới gần 6 lần so với tỷ lệ công chức/dân số ở Mỹ (chỉ 0,68%). Chưa hết, nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì số người mà ngân sách nhà nước phải “cõng” trên lưng lên tới con số 11 triệu.
Không một quốc gia nào, dù giàu có đến đâu, có thể nuôi nổi một đội quân khổng lồ như thế bằng tiền thuế của dân.
Cách đây mấy năm, dư luận đã tá hoả trước thông tin một xã nghèo với 9.500 dân ở Thanh Hoá nhưng lại có đến… 500 cán bộ. Và đây không phải là trường hợp cá biệt trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam.
Thực ra, không phải bây giờ ban lãnh đạo CSVN mới kêu gào “tinh giản biên chế” hay “tinh gọn bộ máy”, mà vấn đề này đã được đặt ra ngay từ thời họ còn ở “thủ đô kháng chiến” Việt Bắc. Từ đó đến nay, đây là một trong những “điệp khúc” mà công chúng Việt Nam được nghe nhiều nhất, song tình hình lại ngày một trầm trọng hơn.
Lần này cũng vậy, số lượng biên chế hay số cơ quan trong hệ thống chính trị không thể nào giảm được chỉ bằng cách kêu gào, hay bằng “quyết tâm chính trị” kiểu cộng sản.
Trong bối cảnh áp lực nợ công ngày một lớn, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đang đuối dần, mức độ ưu đãi của các khoản vay từ các đối tác phát triển (World Bank, ADB hay IMF…) hầu như không còn, gánh nặng bộ máy đảng – chính quyền – đoàn thể tiếp tục chồng chất trên lưng người đóng thuế, ngân sách nhà nước ngày càng khốn quẫn, ban lãnh đạo Việt Nam xem ra chỉ còn giải pháp duy nhất để duy trì tăng trưởng và đảm bảo ổn định xã hội: Cải cách chính trị song hành với cải cách kinh tế.
Ngược lại, nếu vẫn cứ đà này, sự đổ vỡ của nền tài khoá quốc gia kéo theo sự sụp đổ của hệ thống là thực tế khó tránh khỏi. Đó là một cái giá đắt đến đến mức không ai mong muốn.