Chế độ trách nhiệm trước cử tri

FB Nguyễn Sĩ Dũng

26-10-2017

Mỗi người một kiểu. Ảnh: internet

Chế độ trách nhiệm trước cử tri là điều kiện tiên quyết để Quốc hội vận hành vì lợi ích của nhân dân.

Khác với chế độ trách nhiệm pháp lý, chế độ trách nhiệm trước cử tri là chế độ trách nhiệm chính trị. Cử tri không phạt tiền và không bỏ tù ai cả. Nhưng cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng 2 cách:

1. Cử tri có thể nhận xét và phê phán. Một phát biểu dở có thể bị cử tri chê bai. Một kiến nghị chịu ảnh hưởng nặng nề của lợi ích nhóm có thể bị cử tri bài xích. Sự phê phán của cử tri có thể làm mất uy tín và hủy hoại hình ảnh công chúng của bất kỳ vị đại biểu Quốc hội nào. Nếu vị đại biểu đó không nhanh chóng tìm cách lấy lại uy tín thì khả năng tái cử trong nhiệm kỳ tới là rất không chắc chắn. Áp đặt chế độ bằng cách này vì vậy không phải là không có hiệu quả. Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay là một bộ phận cử tri còn khá thờ ơ với việc các vị đại biểu của mình hoạt động như thế nào. Một bộ phận cử tri khác lại thường “ném đá theo phong trào”, vì vậy sự phê phán của họ không phải bao giờ cũng công bằng. Mà như vậy thì phê phán của họ cũng ít có tác dụng thúc đẩy sự tiến bộ nói chung.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, với sự phát triển của truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội, cách áp đặt chế độ trách nhiệm thông qua nhận xét và phê phán đã và đang được thực hiện ngày càng có hiệu quả. Hiện nay, các vị đại biểu QH hoàn toàn có thể vào mạng xã hội để biết cử tri đang nhận xét như thế nào về phát biểu của mình.

Tất nhiên, cử tri không phải bao giờ cũng chỉ phê phán. Những vị đại biểu Quốc hội dám nói và nói đúng, thì lại được cử tri ca ngợi, tôn vinh. “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” là sự ghi nhận để đời mà cử tri đã ban tặng cho bốn vị đại biểu Quốc hội: Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc.

2. Cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng sự bất tín nhiệm. Một đại biểu ngồi xuyên nhiệm kỳ không nói năng chi, khó có thể được cử trị bầu lại. Cử tri không bầu lại cho một vị đại biểu nào đó là một sự bất tín nhiệm rõ ràng nhất. Rất tiếc, một sự bất tín nhiệm như vậy chỉ có thể được thực hiện tại một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tiếp theo. Kể ra thời gian chờ đợi để bày tỏ sự bất tín nhiệm như vậy là hơi lâu. Tuy nhiên, rủi ro không được cử tri bầu lại luôn luôn hiện hữu và tác động không nhỏ đến cách hành xử của mỗi vị đại biểu Quốc hội. Để cách thức áp đặt chế độ trách nhiệm này phát huy tác dụng, thì quan trọng là các vị đại biểu Quốc hội đã ứng cử ở đâu thì phải tái cử ở đó. Cách luân chuyển các ứng cử viên theo kiểu mỗi nhiệm kỳ ứng cử ở một nơi khác nhau sẽ vô hiệu hóa khả năng của cử tri áp đặt chế độ trách nhiệm ở đây. Trong lần bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, nguyên tắc ứng cử ở đâu thì tái cử ở đấy đã được khởi xướng. Mặc dù, nguyên tắc này chưa được áp dụng triệt để cho mọi ứng cử viên đại biểu Quốc hội, thì đây vẫn là một sự khởi đầu đáng được ghi nhận.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, cử tri thậm chí còn có thể trực tiếp bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo “trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định” (Khoản 3, Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội). Quả thực, đến nay có vẻ như Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn chưa quy định về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Mà như vậy, thì cách áp đặt chế độ trách nhiệm trước cử tri thứ 2 vẫn chưa phát huy được tác dụng một cách đầy đủ. Thực ra, ở một số quốc gia, như Nhật Bản chẳng hạn, cử tri có thể thu thập chữ ký để bãi nhiệm bất kỳ một vị đại biểu quốc hội nào không còn được tín nhiệm. Với một số lượng chữ ký nhất định được thu thập, thì hội đồng bầu cử sẽ tổ chức cho cử tri ở đơn vị bầu cử bỏ phiếu để bãi nhiệm đại biểu của mình. Ví dụ, một nhóm cử tri nào đó đứng ra thu thập được 10 ngàn chữ ký ủng hộ việc bãi nhiệm một vị đại biểu nào đó, thì hội đồng bầu cử phải đứng ra tổ chức cho cử tri bỏ phiếu miễn nhiệm đại biểu đó.

Ở ta, Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ tồn tại trong thời gian bầu cử, nên việc tổ chức cho cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu chắc sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, khó hơn thì vẫn không có nghĩa là không thể thực hiện được. Vấn đề là Ủy bạn thường vụ Quốc hội phải nhanh chóng triển khai quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và nhanh chóng ban hành quy trình bãi nhiệm đại biểu. Đây là điều kiện quan trọng để cử tri có thể thực thi quyền của mình và áp đặt chế độ trách nhiệm một cách hiệu quả hơn.

Còn để bãi miễn một vị đại biểu QH, chắc cử tri vẫn phải tiếp tục chờ trình tự do Ủy ban thường vụ QH ban hành.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thật khôi hài- Đại biểu QH ở VN đâu có phải do cử tri bầu mà chỉ là bỏ phiếu để hợp thức hóa nhân sự do Đảng CS cử. Mặt trận tổ quốc VN qua bao nhiêu lần hiệp thương để loại những người không được Đảng CS cơ cấu. Vậy mà Trịnh Xuân Thanh lọt vào QH với phiếu cao nhất Hậu Giang, Châu Thi Thu Nga khai chi hơn 30 tỷ chạy ĐBQH… Vậy mà Chủ tịch MTTQVN không những không phải chịu trách nhiệm gì mà còn được Đảng CS bố trí làm BT Tp. HCM???… Vậy cử tri áp đặt chế độ bất tín nhiệm bằng cách gì???

  2. “Cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng sự bất tín nhiệm. Một đại biểu ngồi xuyên nhiệm kỳ không nói năng chi, khó có thể được cử trị bầu lại. Cử tri không bầu lại cho một vị đại biểu nào đó là một sự bất tín nhiệm rõ ràng nhất. Rất tiếc, một sự bất tín nhiệm như vậy chỉ có thể được thực hiện tại một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tiếp theo. Kể ra thời gian chờ đợi để bày tỏ sự bất tín nhiệm như vậy là hơi lâu. Tuy nhiên, rủi ro không được cử tri bầu lại luôn luôn hiện hữu và tác động không nhỏ đến cách hành xử của mỗi vị đại biểu Quốc hội.”

    Nguyễn Sĩ Dũng té giếng, tuyên ngôn độc lập 2-9 bìm bịp, học tập và làm theo hồ chí minh ném bả chó

Comments are closed.