25-10-2017
Mấy hôm nay lại nóng biệt phủ quan chức. Chưa hết công sở hoành tráng lại đến biệt phủ của quan. Quan nhân từ phủ tới dinh, một đường nhung gấm. Dân từ nhà ra ngõ, lầm lũi một nỗi nhọc nhằn.
Công sở hoành tráng là một căn bệnh phô trương nhức nhối. Công sở ngày càng to trong khi bát cơm của người nghèo không thêm được hạt cơm nào. Dân nhiều nơi vẫn mơ miếng thịt.
Công sở như ở Quảng Bình quê tôi, 4 nghìn mét vuông cho 100 cán bộ, mỗi người bình quân 40 mét vuông. Nhiều cán bộ tỉnh, mỗi người một biệt thự hoành tráng ở biệt khu nhà giàu bên biển. Chạnh nhớ tỉnh tôi, bao năm trời đi xin ngân sách trung ương. Tỉnh nghèo, sao cán bộ giàu khủng khiếp vậy?
Vừa rồi, bão lũ tang tóc giết bao nhiêu mạng người. Nhìn những biệt thự ngập gỗ quý. Tôi cay đắng nghĩ, rừng sinh ra để làm đẹp nhà cán bộ. Dân trơ trọi với con nước thì kệ dân. Cũng không khác mấy mệnh sống thời phong kiến. Dân chết cho thú vui của quan là lẽ thường.
Bạn tôi bảo, ở thời này cán bộ chỉ cần làm đúng, người ta tri ân thôi đã đủ giàu. Nhưng họ chẳng muốn vậy đâu. Họ muốn bẻ cong tất cả để kiếm nhiều hơn. Vơ vét càng nhiều càng tốt.
Anh tôi, người làm trong một tập đoàn nhà nước kể rằng rất ngạc nhiên khi gói thầu tương đương nhau nhưng tốn 10 đồng lãnh đạo k duyệt. Chấp nhận duyệt tốn 30 đồng để nhận 1 đồng lót tay. Một đồng tư túi, đất nước hy sinh 19 đồng. 19 đồng ấy là mồ hôi nước mắt của bao người.
Tôi cũng nhớ một thời, cán bộ rất dè dặt khi phô trương tài sản. Nhiều vị về hưu vài năm mới dám tậu chiếc xe rim. Giờ khác rồi, họ phô trương, trâng tráo và ngạo mạn. Như một trào lưu, để chứng minh khoảng cách quan dân, giữa thân phận quan quyền và hạng cùng đinh.
Vì sao lại thế? Vì rằng quyền lực hệ thống đã tạo một tấm khiên vững chắc bảo vệ họ trong thành luỹ lợi ích. Và cũng vì rằng, từ lâu rồi, ta thán và chịu đựng đã trở thành bản năng của mỗi người dân.
Cũng tin rằng quan nhất thời dân vạn đại. Nhưng vạn đại lầm than vậy. Đau xót nhường bao!
Ghi chú ảnh: “Nhà” nguyên bí thư Quảng Bình. Chụp tấm ảnh này nghe bảo nhà báo bị phiền. Nhà báo còn vậy, thì dân có đường rọ mõm!