Chuyện 14 năm trước ở trạm CSGT Dầu Giây – Sau loạt bài điều tra (tiếp theo)

FB Nguyễn Đức Hiển

21-10-2017

Tiếp theo bài trước

Ông Võ Đình Thường. Ảnh: Báo NLĐ

Thứ nhất: Ông Thường không bị đuổi khỏi ngành như bữa giờ dư luận hiểu.

Cần phải nói ngay, việc dẫn lại thông tin của nhiều tờ báo điện tử thời điểm ấy (khi đó Pháp Luật TP.HCM chưa có ấn bản điện tử) khiến dư luận hiểu lầm. Đại uý Võ Đình Thường, Trạm trưởng Trạm Tuần Tra kiểm soát giao thông Ngã Ba Dầu Giây (thời đó còn gọi là Trạm 17 QL1A) không bị đuổi khỏi ngành công an.

Kết luận của Thanh tra thời điểm đó cho thấy với trách nhiệm quản lý, đại uý Thường và toàn bộ Ban chỉ huy Trạm Dầu Giây phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra các hiện tượng sai quy trình trong tuần tra kiểm soát giao thông của đơn vị; Đại uý Thường đã có những phát biểu hàm ý tiêu cực trong cuônc giao ban Trạm Dầu Giây bị ghi âm.

Ban Giám đốc CA Đồng Nai đã quyết định kỷ luật 11 cán bộ chiến sĩ, đưa ra khỏi lực lượng CSGT, thuyên chuyển các CNCS còn lại đi về các đơn vị CSGT huyện, thị trong tỉnh, thay toàn bộ quân số trạm.

Theo quy định của ngành, sai phạm về quy trình bị điều chuyển khỏi lực lượng tức là qua một đơn vị chuyên môn khác chứ không phải tước quân tịch. Đại uý Thường bị cách chức, điều chuyển về phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Hết thời hạn kỷ luật, ông Thường được xem xét lên đội trưởng Cảnh sát 113, sau đó là Phó phòng CS Môi trường trước khi được điều động về Phó phòng CSGT như hiện nay. Còn lon thì lên theo niên hạn. Vì vậy nay ông Thường là thượng tá cũng là bình thường.

Vì sao chỉ bị kỷ luật ở mức ấy?

Vấn đề là khả năng chứng minh của báo Pháp Luật TP.HCM thời điểm đó chỉ dừng ở những sai phạm quy trình tuần tra và chứng minh có biểu hiện thoả hiệp, bao che, bật đèn xanh tiêu cực thông qua phát biểu của Ban chỉ huy Trạm Dầu Giây tại cuộc họp giao ban. Các thông tin về ăn chia, cống nạp như dư luận, báo không thể chứng minh được. Và cuộc thanh tra của công an tỉnh thay vì mở rộng, chứng minh các dấu hiệu ấy, lại chỉ dừng ở mức độ xử lý cán bộ chiến sĩ chỉ qua những thông tin mà Báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp.

Đó, cũng là tình trạng chung xưa nay của các cuộc thanh tra tiêu cực trong CSGT khi báo chí lên tiếng. Ngay cả chuyện ầm ĩ bán phù hiệu xe vua dán lên kianh để không bị CSGT xử phạt mấy năm qua cũng chỉ dừng lại ở việc xử lý người bán. Dù chúng ta biết nếu không móc nối với CSGT thì cho dù có dán phù hiệu nào cũng sẽ bị xử lý. Vấn đề là sự chung chi, cái phù hiệu decal chỉ là dấu hiệu nhận biết: xe này đã chi tiền “mua” trạm, chốt CSGT.

Thứ hai: Báo chí có thể gặp nguy hiểm

Ngay sau loạt bài, cùng với sự ủng hộ của dư luận và chính quyền là những hiểm nguy thật sự với những người làm báo Pháp Luật TP.HCM, gồm cả nhóm PV điều tra, Lãnh đạo toà soạn và Ban Biên Tập.

Các bạn cần nhớ rằng nội dung một cuộc họp giao ban của lực lượng vũ trang (quân đội, công an bao gồm cả Cảnh sát giao thông) là tài liệu mật. Nó có thể là văn bản, cũng có thể là hình ảnh, lời nói, đoạn ghi âm ghi hình. Bởi về nguyên tắc nội dung các cuộc họp giao ban là bàn phương án sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy việc chiếm giữ, tiết lộ, công bố, mua bán nội dung các cuộc họp này là vi phạm Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.

Vấn đề ở chỗ, đây là loại tội phạm có cấu thành hình thức, nó khác tội phạm có cấu thành vật chất ở chỗ hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Hậu quả chỉ là tình tiết tăng nặng. Có nghĩa là, bất kể việc anh làm có gây hậu quả hay không, anh biết nội dung giao ban của lực lượng vũ trang là tài liệu mật, mà anh chiếm đoạt và công bố, thì anh có thể bị khởi tố. Tội phạm hoàn thành ngay từ thời điểm anh có hành vi chiếm giữ, tiết lộ, mua bán tài liệu. Bất kể nội dung nó là gì.

Ba tháng trời, nhiều đoàn công tác của các đơn vị công an các cấp đã làm việc với báo. Bên cạnh xin tư liệu để xử lý cán bộ chiến sĩ Trạm Dầu Giây, chúng tôi hiểu, họ muốn chứng minh và xử lý các nhà báo.

Ban Biên Tập báo đã họp nhiều lần để đánh giá tình hình. Các phóng viên không được tham dự những cuộc họp này. Tuy nhiên TBT Nam Đồng và các Phó TBT luôn khẳng định nếu có rủi ro pháp lý thì lãnh đạo báo sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn, bởi PV đã thực hiện đúng chỉ đạo, động cơ trong sáng, tuân thủ chế độ báo cáo tác nghiệp.

Điều này còn được ông Nam Đồng tái khẳng định 5 năm sau đó khi một số nhà báo của Pháp Luật TP.HCM bị cơ quan điều tra triệu tập trong vụ PMU18. Có người nói ông Nam Đồng sắp hưu nên mạnh miệng, tôi khẳng định kẻ nào nói vậy là sai. Ở thời điểm 2003, nhà báo Nam Đồng còn một nhiệm kỳ TBT (ông về hưu 31-12-2008). Đó là quan điểm xuyên suốt xưa nay của ông và lãnh đạo báo.

Cuối cùng thì bằng nhiều cách, không có một hậu quả pháp lý nào xảy ra với các phóng viên. Dĩ nhiên việc khởi tố phóng viên sẽ rất bất lợi cho uy tín lực lượng công an vì báo Pháp Luật TP.HCM chỉ nêu những biểu hiện sai trái, hư hỏng của một bộ phận cán bộ chiến sĩ CSGT Đồng Nai, cụ thể là Trạm Dầu Giây.

Thứ ba: Ghi âm lén một cuộc giao ban có là việc nên làm?

Tôi nghĩ, cái chính là do mỗi tờ báo cân nhắc. Bởi như đã nói, hành vi đó hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự. Nếu bạn thấy mục tiêu lớn, bạn sẵn sàng hy sinh, hoặc cơ quan báo chí có đủ khả năng tự bảo vệ mình và phóng viên thì hãy bàn bạc và thống nhất ý chí thực hiện. Trong trường hợp này, các PV Pháp Luật TP.HCM may mắn có một tập thể lãnh đạo máu lửa, biết và dám chịu trách nhiệm. Và thời điểm đó, như tôi biết, Tập thể BBT đã tranh thủ được sự đồng thuận của cấp trên và cơ quan quản lý báo chí để bảo vệ lính, bảo vệ mình.

Nhiều đồng nghiệp báo khác sau đó, đã không may mắn như vậy khi dấn thân quá sâu vào tác nghiệp và phạm vào những quy định pháp luật.

Bình Luận từ Facebook