20-10-2017
Mấy ngày qua nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm… bị phó trưởng phòng CSGT Đồng Nai Võ Đình Thường mời lên. Lục lại hồ sơ mới thấy nhiều điều bất thường xung quanh cái tên này…
Có một Võ Đình Thường là đại úy, trạm trưởng trạm CSGT Dầu Giây vào năm 2003. Năm ấy, CSGT Dầu Dây bị báo đài phanh phui tiêu cực tưng bừng: Muốn qua trạm, xe tải dưới 5 tấn phải nộp 50.000 đồng/lượt, xe tải nặng là 100.000 đồng/lượt, hoặc nộp hàng tháng 1 triệu đồng/lượt. Xe khách cũng phải đóng tiền mãi lộ theo tuần, tháng để khỏi bị kiểm tra. Tiền mãi lộ thu được, mỗi cảnh sát phải nộp cho trạm trưởng 2 triệu đồng/tháng.
Đại úy Võ Đình Thường nói trong cuộc giao ban chiều 16/6/2003 của trạm cảnh sát giao thông (CSGT) Dầu Giây thuộc Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai như vầy:
“Làm lâu năm trong nghề phải biết kinh nghiệm. Làm sao phải nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng. Chứ làm mà ai liếc vô cũng biết thì yếu quá. Làm thế báo nó chụp vô là thấy liền… Phức tạp lắm đâu phải đơn giản. Báo chí nó nhao lên rồi, mai mốt Thanh tra Bộ, rồi đoàn này đoàn kia đi kiểm tra…”
Ông Thường nói tiếp: “Với báo chí, các anh thấy rồi. Tình hình rất phức tạp. Nó đánh tùm lum hết, nên các anh phải cố gắng. Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi. Riêng tôi, còn sống với anh em ngày nào, tôi còn lo cho anh em ngày đó. Anh em làm sao thì làm, đừng để bị gài máy ghi âm hoặc là tiền bạc mà để bị chụp hình, rất khó giải quyết… Từ thời gian này trở đi, các đồng chí cố gắng đi làm phải để ý”.
22/6/2003, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập tổ kiểm tra do Phó giám đốc Nguyễn Xuân Kim làm tổ trưởng, để xác minh các sai phạm của CSGT mà báo chí đã nêu. Bộ Công an chỉ đạo trong vòng một tháng phải hoàn tất báo cáo về vụ tiêu cực. Thiếu tướng Lê Thành, phụ trách lực lượng CSGT cả nước khi ấy nói: “Trước mắt là phải thay thế hết những anh dính líu vào tiêu cực, còn sau đó xử lý thế nào là phần hai. Chúng tôi đã đặt ra yêu cầu là phải kiên quyết chống tiêu cực trong chính lực lượng CSGT, kiên quyết làm trong sạch nội bộ”.
Vậy mà…
Đến tháng 4/2010, có một Võ Đình Thường khác mang hàm trung tá, phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, nguyên Đội trưởng Cảnh sát 113 Đồng Nai xuất hiện trên báo. Ông trung tá Thường nói “không liên quan” dù của hàng Hoàng Dũng của gia đình ông này cung cấp rượu cho quán bar được bảo kê bởi một trùm giang hồ (trong một đại án khi ấy).
Mới đây có một Võ Đình Thường, phó trưởng phòng CSGT Đồng Nai mang hàm thượng tá ký giấy mời sai hình thức để mời 20 tài xế lên “với mục đích giáo dục, tuyên truyền” quanh việc tài xế kiên quyết trả tiền qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa. Lại có thông tin ông Thường này là con rể chủ đầu tư tuyến BOT được cúng… cá tra này.
Vậy là hàng ngũ công an tỉnh Đồng Nai có 3-4 cán bộ tên Võ Đình Thường? Hay có một cán bộ Võ Đình Thường vi phạm từ 2003 đến nay vẫn đều đặn lên chức? Cái này phải hỏi quy trình bổ nhiệm cán bộ của công an tỉnh Đồng Nai hoặc xác minh qua Tổng Cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an.
Vấn đề này cần làm rõ để yên lòng dân! Xin nhắc rằng, tại Đồng Nai từng có đối tượng Trần Hữu Nam cầm đầu một băng nhóm cướp giật và bị truy nã với tội danh cướp tài sản từ năm 2004 nhưng chỉ hơn 1 năm sau đó, Nam được tuyển dụng làm chiến sĩ nghĩa vụ rồi dần được thăng hàm trung úy ngành công an.
Bổ nhiệm cán bộ chiến sĩ kiểu này là một mối nguy không chỉ cho uy tín ngành Công an mà còn là sự nguy hiểm nội bộ cho lực lượng bảo vệ an ninh Tổ quốc!
Tôi được biết Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an đã có rất nhiều hoạt động chấn chỉnh kỷ cương ngành mình quản lý. (Ông Tô Lâm nói ít và không làm truyền thông nhiều như một số Bộ trưởng khác.) Hy vọng ông Tô Lâm quan tâm cụ thể đến vấn đề này. Đó cũng là cách thể hiện sự nghiêm minh của Chính phủ minh bạch và quyết liệt “đốt lò”.
“Làm hợp lòng dân thì dân tin” là phát biểu của của ông Nguyễn Phú Trọng. Câu hỏi đặt ra là “Công an Đồng Nai bổ nhiệm cán bộ “Võ Đình Thường 2003” và cán bộ “Võ Đình Thường 2017” mời tài xế vì phản đối BOT đã hợp lòng dân chưa?”.
Thưa các anh chị “chủ đất nước”, các anh chị nghĩ sao?
Nát từ ngoài lò đến trong lò!