Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, mong chờ gì ở họ?!

FB Nguyễn Thị Bích Ngà

17-10-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC

Trong vài cuộc tranh luận với tôi, nhiều ngưởi cho rằng, chỉ có tầng lớp trung lưu mới có thể thay đổi được đất nước. Các bạn nghĩ, khi con người ta không phải hục mặt vào việc kiếm đủ no ngày hai bữa, nhu cầu vật chất không phải là điều cần phải băn khoăn thì như một lẽ dĩ nhiên con người sẽ tìm đến các giá trị tinh thần. Khi nhu cầu về tinh thần tăng lên, lúc đó họ sẽ khát khao tự do, dân chủ, văn minh. Mà, đã là tầng lớp trung lưu, nghĩa là đã có của ăn hơn thiên hạ thì ít nhiều họ có kiến thức, có tri thức hơn số đông. Tầng lớp này khi đòi tự do, dân chủ thì sẽ xây dựng được nền tảng vững chắc cho xã hội. Họ thường là thành phần dẫn dắt vì có uy tín, có tiếng nói trong xã hội.

Tôi đã bị lý lẽ trên thuyết phục. Tìm hiểu xã hội phương Tây, ta cũng dễ dàng nhìn thấy xu hướng này. Không biết có chủ quan không khi nhận định khi tôi nghĩ rằng các nước phương tây hiện nay giúp các nước kém phát triển, các nước xã hội chủ nghĩa, độc tài bằng cách giao thương, bằng các gói viện trợ, dự án kinh tế này kia cũng với mong muốn phát triển kinh tế cho những nước này, nhằm tạo ra một tầng lớp trung lưu đủ mạnh để họ tự tìm đến các giá trị dân chủ, văn minh. Vì, thời đại này không có nước nào có thể đem quân đi đánh độc tài ở một nước khác một cách công khai. Họ chỉ có thể sử dụng quyền lực mềm khéo léo thông qua kinh tế, tri thức.. Vâng, tôi đã tin như vậy. Và dĩ nhiên tôi hi vọng vào tầng lớp trung lưu, trí thức của đất nước, những con người có trách nhiệm hướng đạo, dẫn dắt số đông.

Và rồi tôi thấy điều gì đang diễn ra trên đất nước mình? Tôi thấy tầng lớp trung lưu đang bỏ chạy, bằng mọi cách có thể. Nguyên nhân nào khiến họ bỏ đi thay vì đấu tranh, cải tạo mảnh đất cằn để làm cho nó trở thành nơi đáng sống, đáng tự hào cho chính họ và con cháu, cho chính gia đình họ? Tại sao họ lại chọn phương cách dễ dàng hơn là đối mặt và làm gì đó? Rõ ràng là họ có hiểu biết và có tri thức, nhận thức để tìm kiếm tự do, dân chủ, văn minh…nhưng họ bỏ tiền ra để tìm nó ở một nơi có sẳn chứ không phải bỏ công bỏ của để cải tạo nơi họ sinh ra và lớn lên, làm giàu.

Ngẫm, lật lại lịch sử, nghiên cứu xã hội, nghiên cứu dân tộc tính, nghiên cứu tâm lý con người… tôi loay hoay đi tìm nguyên nhân để giải đáp hiện tượng xã hội trên. Và:

1. Từ cuộc cải cách ruộng đất “thần thánh,” cộng sản đã biến tầng lớp trung lưu ít ỏi thời đó thành bần nông, mọi người trong xã hội đều cùng một giai cấp đói nghèo, dĩ nhiên trừ lãnh đạo cấp cao vì có cơ chế. Hơn thế nữa, làm mất phẩm giá của tầng lớp trung lưu.

2. Với cơ chế bao cấp, cộng sản đã biến mọi con người thành tầng lớp bị trị, mọi tầng lớp từ anh trí thức đến cô công nhân đến bà nội trợ đều phải vì miếng ăn một cách hèn yếu, phải quy luỵ bà phân phát ở cửa hàng mậu dịch. Cái đói, cái thiếu thốn về mặt vật chất đã biến tất cả thành một lớp người duy nhất: nơm nớp lo âu về sự sinh tồn và tích trữ. Phẩm giá con người bị đẩy xuống tận cùng.

3. Thêm việc đánh trí thức, cộng sản thành công triệt để trong cách mạng vô sản hoá con người. Vô sản theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Con người không được phép tư duy, không đuọc phép có tư tưởng, không được phép sáng tạo, không được phép nghĩ khác.

Từ 1, 2, 3 ta thấy xã hội lúc này chỉ còn hai giai cấp: trị và bị trị, và nó kéo dài cho đến tận ngày nay. Sau khi chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, để có thể tồn tại đảng cộng sản ở VN buộc phải mở cửa một phần. Việc mở cửa này dù gắn thêm cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nó vẫn dần tạo ra một tầng lớp trung lưu mới-những người nắm bắt và nhanh chóng thích ứng được với cơ chế mới, trong đó có không ít người tận dụng lỗ hổng trong cơ chế để làm giàu.

Xã hội bị méo mó với công cuộc phát triển theo hướng làm giàu bất chấp mọi thứ: đạo đức, lương tri, sự công chính. Người ta dựa vào quan hệ, dựa vào sự đổi chác, mua chuộc và đánh đổi. Tầng lớp trung lưu xuất hiện nhưng vẫn là tầng lớp bị trị. Với việc mở cửa, với việc đi đây đó học tập, tầng lớp trí thức mới xuất hiện, nhưng vẫn là tầng lớp bị trị. Bị trị ngay trong chính tư duy.

Để thoát việc bị trị, người ta cho con đi du học, người ta thu xếp vun vén cho bản thân để cả nhà cùng di cư đến một nơi có sẳn các giá trị về tự do, dân chủ, văn minh. Tôi gọi đó là cuộc đào thoát một nửa. Vì sao? Vì họ chỉ có thể dùng tiền để giải thoát thân xác mình ra khỏi đất nước mà họ bị trị, còn về tinh thần và tư duy thì mãi mãi họ lf những kẻ bị thống trị. Họ không hề có được tư do ngay cả khi sống ở Mỹ, Úc hay bất kỳ đâu.

Nói như thế, tôi không hề có ý chê trách, phán xét hay khinh miệt, tôi không có quyền làm điều đó. Nói để thấu hiểu xã hội VN và không quá trông chờ vào tầng lớp trung lưu kiểu mới. Khi xác định được, ta mới có thể nghĩ đến những điều khác hơn là cứ trông mong và loay hoay với những điều hoang tưởng.

Nói thêm để tránh việc gây tổn thương bạn bè: Nhận định trên dành cho số rất đông, không bao gồm tất cả, vì mình có những anh chị bạn là doanh nhân và họ là những người thuộc tầng lớp trung lưu có tri thức, làm giàu chân chính và có trăn trở với đất nước. Nhưng họ quá cô đơn vì hiếm hoi.

Trân trọng.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Phân tích thành phần trung lưu của Việt Nam bật ra nhiều điều thú vị

    Có 2 tầng lớp trung lưu ở Việt Nam; tầng lớp I là những gia đình có gốc miền Nam ngày xưa . Lớp này chính là lớp muốn đào thoát nhiều nhất . Lý do, do bị phân biệt đối xử từ 1975, họ không có quyền lực & quyền lợi, hầu như bị đẩy ra khỏi tất cả các vị trí lợi lộc . Lớp này chỉ mới thành trung lưu từ hồi tư bẩn nước ngoài vào Việt Nam do lợi thế truyền thống học hỏi của gia đình . Họ “bị” ở lại Việt Nam vì nhiều lý do, và họ có lý khi không coi nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là 1 thứ tổ quốc, có nghĩa tự thân cảm thấy có nghĩa vụ đóng góp . Sự hiện diện của tầng lớp II lại là 1 lý do nữa để I càng thấy khái niệm Tổ quốc là xa vời . Tầng lớp II có nguồn gốc Xã Hội Chủ Nghĩa, chiếm lãnh toàn bộ những vị trí điều hành trong mọi cơ quan . Bật TV, đọc báo là thấy họ, và mồm của họ ra rả những thứ tl I không nghe nổi . Đ/v tl I, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh & những ông thánh xã hội chủ nghĩa chỉ là những tay khủng bố chuyên nghiệp chuyên reo rắc kinh hoàng . Nhưng tl II lại tôn thờ họ, và vì nắm giữ tất cả cái mồm, họ ra rả ông này ông kia vĩ đại . Lên youtube mà coi ô Lê Đăng Doanh khuyên nên lấy Võ Nguyên Giáp làm gương thì biết. Tl I không muốn con cái mình lớn lên sẽ phải thần tượng bọn khủng bố nên nếu có điều kiện là đi ngay & luôn . TL II nếu có đi cũng về “xây dựng đất nước” -đúng, sau khi lập ATK ở nước ngoài- vì biết với “truyền thống cách mạng” của gia đình mình, Việt Nam trở thành cái hũ mật vô tận . Cứ nhìn đám COCC đang làm lãnh đạo, và những gì chúng học từ tư bẩn về áp dụng vào thực tế xã hội chủ nghĩa thì biết; 1 loạt những quái tướng!!! Dân phản đối, chúng lại đổ lỗi cho tư bẩn, đấy là những thứ chúng tao đem về từ tư bẩn .

    Ai nói chủ nghĩa lý lịch là 1 thứ của quá khứ là chưa từng sống ở Việt Nam 1 ngày nào hoặc đang nói láo vì lý do gì đó . Đi học, đi xin việc làm trong nhà nước vẫn ghi rõ lý lịch 5 đời . Nếu không phân biệt lý lịch thì tại sao phải ghi lý lịch kỹ thế ? Và năm ngoái năm kìa, báo nhà mềnh phát hiện 1 vụ tiêu cực ở 1 trường đại học, 1 ông nhà báo nhiệt tình quá mức cần thiết moi ra 1 người trong middle management có lý lịch “xấu”, aka sĩ quan chế độ cũ, thế là ném đá “lý lịch như thế mà nắm giữ địa vị thế này”! Nhờ tay nhà báo nhiệt tình quá mức cần thiết đó mới lòi ra có 1 cái trần cho những người lý lịch “xấu”.

    Thử hỏi với thực trạng như vậy, có ai trong TL I muốn ở lại để xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa này hay không ?

  2. Về những người VN, có tiền rồi bỏ ra nước ngoài sinh sống, tôi cũng đồng ý như chị Ngà Voi là “không hề có ý chê trách, phán xét hay khinh miệt”. Ngược lại, tôi mừng cho họ, vì theo tôi, những ngày mà họ phải chịu đưng “không có tự do”, “bị trị trong chính tư duy” ở Mỹ hay ở Úc cũng không phải còn nhiều, nhiều nhất là chỉ một phần tư cuộc đời, nhưng bù lại, họ được hy sinh cho tương lai con cái họ. Khác với họ, con cái họ đã không phải làm người bị trị ở VN, và được quyền không thèm biết những kẻ mọi rợ đang cai trị đất nước VN là ai.
    Không trông chờ ở tầng lớp trung lưu, tôi trông chờ vào sự thối nát, rồi tan rữa (bất khả kháng!) của Nhà cầm quyền VN.
    Tôi hy vọng tương lai của VN nằm trong tay những nạn nhân của cái chế độ độc tài bất công, những người dân oan, tầng lớp công nhân, và 8 triệu giáo dân Thiên Chúa giáo …

Comments are closed.