Lệnh cấm hay lời quảng cáo ngầm?

Blog VOA

Bùi Tín

12-10-2017

Bìa sách “Mối Chúa” bị cấm phát hành ở Việt Nam. Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí

Một số báo lề phải trong nước mới đây có đăng công văn của Cục trưởng Cục xuất bản in và phát hành thuộc Bộ Thông tin truyền thông gửi Hội nhà văn Hà Nội và nhà xuất bản Nhã Nam về đình chỉ phát hành tác phẩm «Mối chúa» của tác giả Đãng Khấu đã được in xong.

Đãng Khấu là tên mới của nhà văn Tạ Duy Anh khá nổi tiếng trước đây với các tác phẩm «Lão khổ», «Thiên thần sám hối», «Sinh ra để chết», «Bước qua lời nguyền», nói lên nỗi đau khổ nhọc nhằn bế tắc của nông dân Việt Nam thấp cổ bé họng bị tầng lớp cường hào mới cướp đất, hà hiếp, bi đát hơn cả thời phong kiến, thực dân cũ.

Đãng chữ hán nghĩa là trừ hại. Khấu nghĩa là bọn cướp, như thảo khấu. Một tên mang ý nghĩa là lên tiếng để tố cáo vạch mặt bọn cường hào mới, bênh vực bà con nông dân lương thiện.

Nội dung cuốn sách ra sao mà bị đình chỉ phát hành?

Mời các bạn đọc kỹ công văn nói trên của Cục trưởng Đặng Văn Hóa là có thể hiểu nội dung của cuốn sách. Công văn có đoạn:

… «Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay.

Tác giả vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội.

Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp lên cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn.

Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu ngốc, tham lam, thủ đoạn.

Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền.

Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả có phần tô đậm và có tính chất khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám …».

… «Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như 2 lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh địch với vũ khí, lực lượng bí mật …».

Vẫn chưa hết, sau mỗi đọan công văn còn chỉ ra những trang sách đáng chú ý nhất, đó là những trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251 và các trang 113, 118, 124, 167, 168, 207, 209, 220 và 248.

Trong công văn không có một đọan nào phân tích, phê phán tác giả phạm những lầm lỗi sai phạm ra sao, ở những chỗ nào, có nguy hại gì cho độc giả để dẫn đến việc phải ra lệnh đình chỉ phát hành, không cho tác phẩm đã in đến tay bạn đọc. Đây là một điều lạ!

Thành ra xét cho cùng bản công văn chỉ có một tác dụng là kích thích tò mò của bạn đọc, làm cho nhiều bạn đọc thèm muốn thưởng thức tác phẩm hiếm có, thú vị này, khi mà tác phẩm có thể truyền bá nhanh nhậy, nhân lên nhanh chóng, phổ biến đầy đủ rộng rãi trên các mạng điện tử tự do, internet, Facebook, Youtube… và in thành sách ở nước ngoài.

Một số bạn đã được đọc tác phẩm này của Tạ Duy Anh cho biết đây là tác phẩm rất hay, độc đáo, kể về đỉển hình một tên tỉnh trưởng kiêm bí thư tỉnh ủy cùng bọn cường hào mới cướp đất của nông dân ra sao rồi đàn áp những người chống đối ra sao với một văn phong quen thuộc của Tạ Duy Anh, giản dị, sống động, chân thực, lôi cuốn.

Tít của cuốn sách «Mối chúa» muốn nhắn nhủ bạn đọc và xã hội rằng mối là loại sinh vật cực kỳ nguy hiểm, các ổ mối đều có những con mối chúa sinh sôi vô hạn độ, có thể đục khoét từng mảng tường, nền nhà, từng mảng đê kiên cố, gây nên những tổn thất ghê gớm. Muốn trừ khử bọn phá họai này cần phải tận diệt các ổ mối chúa, cũng như muốn diệt bọn tham nhũng ăn cướp tiền của đất đai của dân thì phải tận diệt bọn trùm tham nhũng lớn nhất, bọn cầm quyền độc đoán hèn với giặc, ác với dân, ăn không từ một thứ gì, đang ngồi trên pháp luật đục khóet và hành hạ nông dân và toàn thể nhân dân ta.

Ngài Cục trưởng ra lệnh đình chỉ phát hành cuốn «Mối chúa» đã vô tình tôn cao giá trị của tác phẩm hay là ông cố tình có thiện chí quảng cáo ngầm cho tác phẩm này, làm cho tác phẩm thêm giá trị, kích thích sự tò mò tìm đọc của hàng triệu bạn đọc ở khắp nơi?

Tôi còn nhớ một bài báo rất hay, rất độc, cũng rất độc đáo của nhà văn Trần Huy Quang mang đầu đề «Linh nghiệm» hồi 1980 được đăng lọt lưới trên tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, bị cấm, thu hồi, nhưng càng được phổ biến rộng rãi, với chữ mở đầu bài là tên nhân vật: «H…inh», đọc xong mới vỡ lẽ đoán ra đó là tên ông Hồ Chí Minh rút gọn. Một bài báo kín đáo, sâu xa, thú vị cực hiếm trên văn đàn.

Bình Luận từ Facebook