Gần nửa thế kỷ mẹ mới biết con là liệt sĩ

LTS: Bà Lê Thị Yến có con trai là Nguyễn Văn Hùng, tử trận ở chiến trường Quảng Trị ngày 20-7-1969, mãi đến gần 50 năm sau, ngày 23-8-2017, bà mới tìm được giấy báo tử của con mình vì nó đã “bị bỏ quên trong tủ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2000 đến nay“.

Còn bao nhiêu người lính như ông Nguyễn Văn Hùng, chết trong cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam”, nhưng đến bây giờ người thân của họ vẫn chưa nhận được tin báo tử? Hơn 58.000 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến này, sau khi cuộc chiến kết thúc 7 năm, tên của họ đã được khắc trên bức tường tưởng niệm ở Washington DC năm 1982. Nhưng còn rất nhiều người lính Việt Nam, sau 42 năm chiến tranh kết thúc, họ đang ở đâu? Những người lính đó đã ra đi, nhưng đằng sau họ còn có mẹ, cha, anh chị em, những thân nhân của họ đã và đang sống ra sao suốt 42 năm qua, mòn mỏi chờ tin của họ?

Nhà báo Huy Đức viết: “Khi lên Điện Biên Phủ, tôi rất ngạc nhiên thấy nghĩa trang A1 thường là những ngôi mộ vô danh. Sau ngày 7-5-1954, phần đất này thuộc về chính quyền Việt Nam DCCH ngay. Chấp nhận có những người lính hy sinh đầu tiên trong 56 ngày đêm có thể không còn xác nhận được danh tính. Nhưng, những người lính hy sinh trong tuần trước đó thì sao.

Nhiều năm nay, tôi cố tìm con số chính xác đồng đội tôi hy sinh ở Campuchia. Một sỹ quan cao cấp hứa cho tôi cách đây gần 10 năm. Hôm rồi gặp lại, tôi nói ‘Anh còn nợ tôi’. Anh bảo, ‘Tôi không biết chứ không phải tôi giấu’. ‘Cỡ anh mà người ta cũng không cho biết?’ Anh nói, ‘Người ta cũng không biết’.

______

Tuổi Trẻ

Gần nửa thế kỷ mẹ mới biết con là liệt sĩ

Văn Định

27-9-2017

TTO – ​Một bà mẹ 93 tuổi vừa mới biết tin người con trai cả đã hi sinh năm 1969 tại Quảng Trị. Giấy báo tử của anh bị bỏ quên trong tủ của Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2000 đến nay.

Đó là bà Lê Thị Yến (ở thôn Yên Bình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc). Bà có ba người con, hai trai, một gái. Con trai đầu của bà là ông Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1948, nhập ngũ năm 1966.

Bà Yến và di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Anh Nguyễn Văn Ba, cháu nội của bà Yến, kể lại lúc ông nội là Nguyễn Văn Khánh hi sinh, bác Hùng viết đơn bằng máu để xin đi bộ đội. Nhưng hai năm sau, gia đình suy sụp khi có tin đồn ông Hùng bỏ theo địch.

Suốt từ đó, bà Yến cũng không nhận được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến con trai. Dù mỗi ngày một già yếu nhưng bà Yến vẫn không nguôi hi vọng, vẫn nhờ người nghe ngóng, tìm kiếm thông tin về người con trai cả.

Nhiều lần bà nhờ người viết đơn gửi đi các cấp để hỏi về trường hợp con trai mình mà không nhận được hồi đáp.

“Đến ngày 23-8-2017, tôi tìm đến Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh xin tra cứu thông tin thì bất ngờ phát hiện giấy báo tử của bác Hùng. Tôi không hiểu tại sao giấy báo tử của bác tôi nằm ở đây trong khi bà nội tôi không hề biết” – anh Ba kể lại.

Nội dung giấy báo tử xác nhận ông Nguyễn Văn Hùng là liệt sĩ, hi sinh ngày 20-7-1969 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, nay thuộc tỉnh Quảng Trị.

Giấy báo tử do đại tá Nguyễn Hữu Quyền – cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng – ký.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Công, phó trưởng Phòng người có công, Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết năm 2000, Bộ Lao động – thương binh và xã hội phân cấp về cho sở hồ sơ người có công, trong đó có giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng.

Ông Công giải thích: “Lúc có giấy báo tử, chúng tôi không thể nắm được thân nhân còn sống hay không. Chỉ căn cứ giấy báo tử này thì không thể giải quyết chế độ chính sách cho người thân liệt sĩ được”.

Theo ông Phạm Văn Công, nội dung giấy báo tử công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, không cần xác minh thêm nữa.

Ở đây chỉ còn việc thân nhân liệt sĩ chưa được hưởng chế độ chính sách như quy định.

Hiện tại Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh không có hồ sơ lưu của liệt sĩ, không có giấy chứng nhận thân nhân gia đình liệt sĩ và không có giấy tờ phản ánh để có căn cứ giải quyết chế độ.

Còn ông Võ Xuân Phong, trưởng Phòng lao động – thương binh và xã hội huyện Can Lộc, nói hiện nay bà Yến mới biết được giấy báo tử của con trai là hết sức vô lý, tồn đọng giấy báo tử này là do cấp trên.

“Bà Yến có chồng liệt sĩ. Nếu giờ biết giấy báo tử của con trai thì bà Yến phải được công nhận là bà mẹ Việt Nam anh hùng” – ông Phong nhấn mạnh.

_____

Mời đọc lại bài viết của nhà báo Bùi Tín: Những oan hồn của cuộc chiến (VOA/ TD).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thật đau đớn cho “người vợ, người mẹ liệt sĩ”, gần trăm tuổi mới nhìn ra sự thật nhơ nhuốc của chế độ cs. BÀ cần chẳng những một lời xin lỗi, mà còn một đền bù vật chất xứng đáng cho suốt bao nhiêu năm cái guồng máy vô trách nhiệm chỉ biết cướp giật không biết báo đáp này đã bỏ rơi gia đình bà!
    Cũng đừng kể cho bà nghe về đại hội “Cám Ơn Anh” của VNCH cho bà bới tủi lòng !

Comments are closed.