Tại sao lại không cho khai số tiền chạy ghế Đại biểu Quốc hội?

FB Bạch Hoàn

5-10-2017

Lời khai “chạy” 30 tỷ đồng để được làm Đại biểu Quốc hội của bà Nga gây chấn động dư luận. Ảnh: Soha

1,5 triệu USD, tức hơn 30 tỉ đồng. Hơn 30 tỉ đồng, tương đương với 4.515 tháng thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2017.

Hơn 30 tỉ đồng ấy là số tiền mà cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai đã chi để chạy vào Quốc hội. Đó là tiền mà bà Nga đã lừa đảo của những người mua nhà. Đó là tiền mồ hôi công sức mà nhiều người dân đã phải vay mượn, đã tằn tiện tích cóp, đã thắt lưng buộc bụng mà có.

Nếu lời khai ấy là sự thật thì đồng nghĩa những kẻ đã nhận 30 tỉ đồng mà Châu Thị Thu Nga chạy ghế đại biểu Quốc hội đã ăn cắp mất số tiền tương đương một tháng thu nhập bình quân của 4.515 người. Những kẻ này, thực sự đã ăn cả xương máu của nhân dân.

Nếu lời khai của Châu Thị Thu Nga là thực, thì những kẻ đã vì tiền đưa một kẻ lừa đảo vào Quốc hội, lẽ ra phải bị vạch trần, phải bị lôi ra ánh sáng và cũng phải đứng trước vành móng ngựa để pháp luật trừng trị. Họ phải trả giá cho hành vi nhận hối lộ của mình.

Quốc hội là gì nếu không phải nơi tập hợp những con người đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là nơi bàn thảo và xây dựng pháp luật. Vậy mà, lại có những kẻ chà đạp lên pháp luật để đưa một kẻ lừa đảo vào vai một đại biểu Quốc hội. Những kẻ ấy là ai? Họ có đang cũng ngồi trong hội trường Ba Đình hay không? Họ có đang đương chức đương quyền? Họ là ai? Làm gì? Ở đâu? Người dân cần được biết và có quyền được biết.

Thế nhưng, thật không thể nào hiểu nổi, tại phiên toà xét xử Châu Thị Thu Nga hôm nay, bị cáo Châu Thị Thu Nga xin khai về việc dùng 30 tỉ đồng để chạy đại biểu Quốc hội khóa 13, nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận cho khai.

Tại sao lại không cho khai khi đó số tiền đó là tiền bà Nga đã lừa đảo của người dân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bà Nga đang bị xét xử? Có điều gì khiến toà lại gạt đi điều này?

Lẽ thường, toà án phải yêu cầu các bị cáo thành khẩn khai báo hết mọi sự thật để xét xử vụ án một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội. Lẽ thường, ở toà án, kẻ có tội mới là kẻ thường dùng mọi chiêu trò bưng bít sự thật nhằm che đậy hành vi phạm pháp của mình. Vậy tại sao ở đây, toà lại không muốn cho bị cáo khai ra sự thật? Tại sao?

Một phiên toà như thế, liệu người dân có thể tin tưởng được không? Một phiên toà như thế thì liệu sự thật có được đi đến cùng và công lý có được thực thi hay không?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thì ra đây lại là nguyên nhân mà những người ứng cử độc lập bị gạt ra ngay từ vòng ngoài!?

  2. “Tại sao lại không cho khai số tiền chạy ghế Đại biểu Quốc hội?”

    Để dễ hét giá . Nếu số tiền chạy ghế được/bị công khai, tới phiên người khác chạy không thể “làm/hét” giá được . Well, thật ra cũng hét giá được chứ không phải không . Lý do, 1 tr 5 USD thì bị lộ giống như bà Nga, giá này bảo đảm không bị lộ .

    Xử bà Nga giống dân mình biểu tình chống Trung Quốc thôi . Dân mình chỉ ghét kẻ mua, nhưng vẫn tin yêu kẻ bán . Có nghĩa tội của bà Nga là ghế quốc hội cộng hòa (chỉ còn định hướng) xã hội chủ nghĩa (thôi) đàng goàng mà trả có triệu rưởi đô thì quá bèo .

    “Quốc hội là gì nếu không phải nơi tập hợp những con người đại diện cho tiếng nói của nhân dân”

    Nếu tớ không lầm, cái lày là định nghĩa của quốc hội tư bẩn . Mình hổng phải tư bẩn

    “Lẽ thường, toà án phải yêu cầu các bị cáo thành khẩn khai báo hết mọi sự thật để xét xử vụ án một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội”

    Hổng hiểu tòa án kiểu tác giả là tòa án gì . Tư bẩn thì tòa án không yêu cầu bị cáo khai báo . Chuyện đó là của các cơ quan điều tra . Tòa án là nơi chứng minh bị cáo có tội hay không, bất kể bị cáo có khai ở tòa hay không .

    “Vậy tại sao ở đây, toà lại không muốn cho bị cáo khai ra sự thật? Tại sao?”

    Nếu tác giả sống ở nước ngoài, ok. Nhưng sống trong nước thì … Tại sao tôi lại phải nhắc nhở mọi người trước khi hỏi những câu đần độn như thế này cần đọc lại tên nước mình ?

    “Một phiên toà như thế, liệu người dân có thể tin tưởng được không?”

    Người dân tin từ hồi Cải cách ruộng đất tới giờ . Dựa trên truyền thống, tôi có thể khẳng định rằng người dân có thể tin tưởng được . Tui cũng tin, nhưng nhớ đừng hỏi tui tin cái gì .

    “Một phiên toà như thế thì liệu sự thật có được đi đến cùng và công lý có được thực thi hay không?”

    Lạc đề 1 tẹo . George Orwell có nhận định rằng trong thời của dối trá, nói thật là 1 hành động cách mạng . Trí thức nhà mình nhất quyết nói không với cách mạng, cho rằng đó là cực đoan, quá khích . Và những gì họ nói & viết đã hùng hồn chứng minh quyết tâm nói không với cách mạng của mình . Vô chủ đề chính, tác giả đòi hỏi đi đến cùng sự thật đã chứng tỏ mình (rất) cực đoan, quá khích … Hổng tốt . Câu hỏi công lý có được thực thi hay không; well, công lý xã hội chủ nghĩa thì có . Những loại công lý khác không tồn tại ở Việt Nam .

  3. Có 2 khả năng:
    – Tay ‘chánh án’ và cấp trên của hắn đã có dính líu trực tiếp với vụ tham nhũng/hối lộ này;
    – Những ‘con sâu tham nhũng’ nằm trong QH đã nuốt hối lộ quá nhiều qua hệ thống mua quan bán chức của chúng từ lâu rồi.

Comments are closed.