3-10-2017
Báo chí thế giới vẫn tràn ngập tin tức về Trung Quốc. Không ưa Trung Quốc đến mấy cũng phải thừa nhận Bắc Kinh đang tiến rất nhanh trên con đường cạnh tranh quyền lực với Mỹ. Các cảnh báo về thủ đoạn và âm mưu Trung Quốc trên con đường ngoi lên vị trí cường quốc vẫn không làm cho doanh nghiệp phương Tây ngưng hợp tác với Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Mỹ lẫn châu Âu phải nhượng bộ rất nhiều trước những yêu cầu và luật lệ trói buộc khi làm ăn tại Trung Quốc.
Nhìn lại sự trỗi dậy Trung Quốc, có thể rút ra vài điểm:
1/ Trung Quốc đang chi cực mạnh cho các thương vụ đầu tư khắp thế giới, đặc biệt Mỹ và châu Âu. Theo hãng nghiên cứu tài chính Rhodium Group, chỉ trong năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ là 45,6 tỷ USD (gấp ba so với năm 2015); và FDI của họ vào châu Âu là 35,1 tỷ euro;
2/ Trung Quốc đang thiết kế nhiều mô hình cùng lúc, từ “Một vành đai, Một con đường” đến Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), để từng bước tạo ra một trật tự thế giới mới mà họ là trung tâm;
3/ Trung Quốc xây dựng “nhuyễn lực” (quyền lực mềm) bằng công cụ truyền thông rộng khắp thế giới và bằng các chương trình “viện trợ” cho những quốc gia mà thời điểm hiện tại có thể phục vụ lợi ích chính trị của họ (Campuchia chỉ là một ví dụ rất nhỏ). Họ cũng đầu tư mạnh vào sản phẩm văn hóa, như điện ảnh, để xuất khẩu và truyền bá “tư tưởng Trung Quốc” và “tinh thần nhân bản Trung Quốc”;
4/ Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao gây hấn và lấn chiếm biển Đông không chỉ để thỏa mãn và đạt được tham vọng bành trướng muôn thuở mà còn để lấy lòng người dân trong nước như một trong những phương thức trị an;
5/ Trung Quốc làm mạnh các chiến dịch lobby ở các nước thông qua các tổ chức lobby chuyên nghiệp trong đó có Mỹ (đề tài này xin được viết riêng thành một bài khác), để đánh bóng hình ảnh Trung Quốc cũng như tìm được đúng cửa để gõ cho các dự án đầu tư vào quốc gia bản địa;
6/ Trung Quốc tổ chức một hệ thống “dư luận viên cấp cao”, gồm nhiều giáo sư, học giả, nhà báo…, để giao chiến trên mặt trận truyền thông (bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Anh), thậm chí ngay trên các chuyên san ngoại giao uy tín của Mỹ (như Foreign Policy) hoặc trên các tờ báo chính trị khu vực quen thuộc như The Diplomat;
7/ Trung Quốc đầu tư mạnh vào kỹ thuật quân sự và hiện đại hóa quân đội không chỉ cho tham vọng bá chủ tương lai mà còn để hù dọa các nước khu vực thời điểm hiện tại;
8/ Trung Quốc đầu tư mạnh vào một số kỹ thuật như công nghệ robot và các lĩnh vực liên quan trực tuyến chẳng hạn điện toán đám mây, viễn thông và không gian, để tạo ra sức mạnh riêng (trong khi nhiều lĩnh vực khác họ bỏ lỏng vì không đủ thực lực và nền tảng kiến thức lẫn kinh nghiệm, chẳng hạn kỹ thuật y học);
9/ Trung Quốc áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch để củng cố sức mạnh doanh nghiệp bản địa;
10/ Trung Quốc tiếp tục ủng hộ (ngầm) chủ trương ăn cắp công nghệ-kỹ thuật thế giới để tiếp cận và sở hữu công nghệ tiên tiến một cách nhanh nhất.
Có thể còn nhiều điểm chưa nêu hết nhưng nhìn chung vẫn phải thừa nhận “mô hình” mà Trung Quốc đang theo đuổi đã giúp họ trở nên mạnh và mạnh hơn rất nhiều lần so với chính họ cách đây chỉ một thập niên. Trung Quốc đang chứng minh, ít nhất với người dân họ, rằng mô hình chính trị và phát triển kinh tế của họ, là thành công. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu Trung Quốc mới có thể bắt kịp các nước tiến bộ, về an sinh xã hội, tự do báo chí, giáo dục, lẫn môi trường. Không có mô hình phát triển nào là toàn bích tuyệt đối và mô hình Trung Quốc càng rất bất toàn. Trung Quốc đã phải trả giá rất đắt cho sự chọn lựa giới hạn bắt buộc các mục tiêu phát triển của họ.
Có thể liệt kê một danh sách dài về mặt trái phát triển Trung Quốc: môi trường tan nát, giáo dục nhếch nhác, dịch vụ công tồi tệ, tham nhũng tràn lan, đạo đức xuống cấp, và cả chính trị phe nhóm. Sau nhiều năm “bùng nổ phát triển”, thành phố Bắc Kinh từng có lúc như phải “đóng cửa” trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; người Trung Quốc phải sống trong sự khủng hoảng an toàn thực phẩm; giới có tiền phải đưa con đi tỵ nạn giáo dục; công nhân bị đối xử như tầng lớp thấp nhất xã hội; đất nước vẫn như một nhà tù khổng lồ đối với những người hoạt động lên tiếng đòi hỏi một xã hội liêm chính và một nền chính trị cởi mở…
Thật trớ trêu là tất cả mặt xấu của tấm huy chương phát triển Trung Quốc đều có một bản sao gần như không sai chệch một ly ở một phiên bản nhỏ hơn: Việt Nam – dù sự phát triển Việt Nam còn lâu mới có thể so với Trung Quốc; bất chấp rằng mô hình chính trị Việt Nam là một phiên bản sao y của Trung Quốc. Có những câu chuyện xảy ra ở hai nước giống nhau đến mức chỉ khác biệt ở tên người và địa danh, từ chuyện đầu độc thực phẩm; xếp hàng tranh chỗ vào lớp một; thi cử rối ren; bệnh nhân đánh bác sĩ; sự lộng hành của nhân viên trật tự đô thị (Trung Quốc gọi là “thành quản”); mua bằng bán cấp; mua quan bán tước; con ông cháu cha; hối lộ quan chức; công an đánh chết dân; hình thức chủ nghĩa; trưởng giả làm sang; đến cả các phương pháp theo dõi, bắt bớ và “xét xử” những bản án dành cho giới hoạt động xã hội. Điều gì khiến Trung Quốc và Việt Nam trở thành một ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử thế giới trong đó hai quốc gia giống gần như hệt nhau, trừ ngôn ngữ?
Yếu tố địa lý có thể là nguyên nhân. Địa lý là một trong những lý do gần như luôn được nêu lên đầu tiên trong các bài viết phân tích và lý giải về sự khó khăn trong việc “thoát Trung”. Cùng với địa lý là văn hóa, với những tương đồng trong văn hóa hai nước. Tuy nhiên, cả địa lý lẫn văn hóa, dù mang lại ít nhiều ảnh hưởng, vẫn không phải là thủ phạm. Nhật Bản vẫn là Nhật Bản dù văn hóa Nhật có nguồn gốc ít nhiều từ Trung Quốc; và Kanji là một trong những chữ viết có nguồn gốc Hán tự nhiều nhất thế giới – nói về văn hóa và ảnh hưởng văn hóa. Singapore vẫn là Singapore dù 74,3% dân số nước này là người gốc Hoa. Nói về địa lý, đã có một Do Thái biết cách tạo ra được một “căn cước dân tộc” đủ mạnh để không bị đồng hóa và chịu ảnh hưởng văn hóa của khối Arab vây kín gần như bít bùng. Địa lý và văn hóa không là thủ phạm. Chính trị và mô hình chính trị tương đồng mới là yếu tố chính, trong trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.
Nếu Việt Nam được lãnh đạo bởi một mô hình chính trị và được điều hành bởi một mô hình kinh tế như Singapore hay Hàn Quốc thì liệu Việt Nam có còn giống Trung Quốc nữa không? Câu hỏi này xin nêu ra như một gợi mở chứ không phải kết luận. Dù vậy, như được thuật trong “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” (tác giả Daron Acemoglu), vai trò điều hành và cách thức điều hành mới là yếu tố quyết định cho phát triển, bất chấp địa lý lẫn văn hóa. Ví dụ được nêu trong “Why Nations Fail” là thành phố Nogales được ngăn chỉ bởi một cái hàng rào – một bên thuộc Santa Cruz, bang Arizona, Mỹ; bên kia thuộc bang Sonora, Mexico. Nogales-Mỹ có thu nhập hộ dân trung bình khoảng 30.000 USD/năm; đa số người trưởng thành tốt nghiệp trung học, người dân được hưởng nhiều dịch vụ phúc lợi, đời sống an toàn, xã hội không trộm cắp, tham nhũng, và họ được bầu thị trưởng, nghị sĩ địa phương…
Trong khi đó, hầu hết người trưởng thành tại Nogales-Mexico không có bằng trung học, nhiều thiếu niên bỏ trường, các bà mẹ lo lắng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, cướp bóc giật dọc nhan nhản… Giữa cái hàng rào, không có khác biệt gì về địa lý, văn hóa, khí hậu hoặc thậm chí các loại dịch bệnh vì vi trùng chẳng phải đối mặt với rào cản hay biên giới nào để gây bệnh. Sự thiếu “may mắn” của người Nogales-Mexico là họ không được sống trong một thể chế chính trị ổn định và quốc gia không được điều hành bằng một nền chính trị minh bạch (Mexico là một trong những nước có tình trạng tham nhũng tồi tệ nhất thế giới). Rõ ràng yếu tố địa lý lẫn ảnh hưởng văn hóa không hẳn là nguyên nhân của vấn đề, khi nói đến Trung Quốc và Việt Nam. Hãy thử nhìn sự khác biệt trong văn hóa sống của người Hong Kong với người Hoa lục sẽ có thể thấy thêm không ít điều.
Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) trong chuyến đi Quảng Tây giữa tháng 9-2017, Trương Hòa Bình (phó thủ tướng) nói: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi…, mối tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ tiền bối dày công gây dựng…, đã trở thành tài sản chung quý báu của hai đất nước, hai dân tộc…”.
Những phát biểu tương tự lặp đi lặp lại, năm này qua năm kia, như được rã ra từ một cuộn băng ghi âm sẵn, đã gần như xác quyết mối quan hệ bất di dịch giữa hai nước. Tuy nhiên, khi Hà Nội “kiên định” với con đường và lựa chọn của họ, có bao giờ họ tự hỏi tại sao họ “chọn đúng” nhưng đất nước vẫn “đi sai” và không thể phát triển theo cách tương tự Trung Quốc; rằng trong khi mô hình Trung Quốc đang lớn dần nhưng phiên bản nhỏ hơn của nó lại ngày càng èo uột, và tệ hơn, ngày càng bị hút mạnh vào sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc? Lý do là gì? Phiên bản nhỏ hơn bị lỗi nhiều hơn, kém chất lượng hơn, hay bị cố tình làm cho hỏng nhiều hơn? Và ai là thủ phạm?
Không người dân nào có thể biết chính xác đằng sau quan hệ Việt-Trung hiện tại là gì, nhưng gần như ai cũng thấy rằng sự chọn lựa của Hà Nội đang mang lại cái giá quá đắt cho đất nước và cho nhiều thế hệ.
NPT
Nếu thưà nhận bất kỳ con người nào sinh ra cũng đã có số phận sẵn an bài, thì dân tộc là phép cộng các số phận đó cũng không tránh khỏi đã an bài. Ai từng sinh sống ở nước ngoài với người Trung Quốc chỉ cần để ý đều dễ dàng nhận ra rằng mọi tính xấu ở họ (có thể tham khảo truyện Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương) chẳng khác gì người Việt Mình nhưng “tệ” và “ghê” hơn nhiều, (chắc do họ đông hơn nên cộng hưởng lớn hơn thôi). Vậy muốn đoán định vận mệnh tương lai Việt Nam chỉ cần nhìn Trung Quốc là đủ. Những gì Trung Quốc “đã” Việt Nam chắc chắn “sẽ”. Ai “khôn” nên nhìn sang Trung Quốc để biết trước vận hệ mình sắp tới. Những Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Xuân Anh… chắc không theo dõi sát tình hình Trung Quốc, trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui mừng như Tập Cận Bình. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đang “lên đồng” nhiệt liệt ủng hộ hệt thời Cách mạng Văn Hoá, Cải cách ruộng đất (Ở đây không bình luận đúng sai vốn là quyền cá nhân từng người, mà chỉ nêu thực tế).
NPT