30-9-2017
Trước tiên tôi phải khẳng định đây là một phim của người Mỹ làm về nước Mỹ và cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam dành cho khán giả Mỹ và phải gọi tên bộ phim tài liệu 10 tập này chính xác là “The American war in Vietnam”, chứ không phải “The Vietnam war” .
Chủ đề theo suốt 10 tập phim nằm ở chính câu kết luận cuối cùng của bộ phim: “Chiến tranh Việt Nam là một bị kịch không đo lường nổi, không bù đắp nổi. Nhưng ta có thể tìm được ý nghĩa của nó bằng những câu chuyện của những người từng trải qua nó: chuyện về lòng dũng cảm và tình đồng đội, về sự kiên gan bền chí, về thấu hiểu và thứ tha và trên hết là về sự hàn gắn”. Vâng quả thực bộ phim đã thành công và gây xúc động nhất chính là ở phần kể chuyện về những người lính Mỹ tham dự vào cuộc chiến ở Việt Nam. Nó như một bản anh hùng ca vừa đau thương, tang tóc, vừa hào hùng dũng khí của sự quả cảm, tinh thần đồng đội với những bi kịch, sự khốc liệt, sự giằng xé của cảm giác giết người tội lỗi và nghĩa vụ của người lính trong chiến tranh làm lay động con tim hàng triệu khán giả đã và đang theo dõi bộ phim.
Sự thật bẩn thỉu đê hèn, hiếu chiến, ngạo mạn và cả sự dối trá, lật lọng của 5 đời tổng thống Mỹ đã bị bộ phim phơi bày. Những nhật vật này cũng đã có mặt trong các bộ phim khác của Mỹ như “Việt Nam thiên sử truyền hình” (1983) và “Cuộc chiến 10 ngàn ngày” (1980). Ở “Vietnam war” tôi lại để ý tới đời tổng thống cuối cùng trong cuộc chiến ở Việt Nam- Nixon, một nhân vật thú vị, đa mặt, dối trái bẩn thỉu, lật lọng vào bậc nhất trong các đời tổng thống nhưng cũng cực độc đoán và yêu nước. Để leo lên được chiếc ghế tổng thống và bảo vệ quyền lực của mình Nixon không từ một thủ đoạn đê hèn nào kể cả việc gài các nhân viên “thợ sửa ống nước” nghe lén trong nhà trắng và các đối thủ của mình. Tuy nhiên việc phản bội lại đồng minh Vietnam Cộng hòa để đi đêm với Trung cộng và Hà Nội hay trút hàng tấn bom B52 xuống Hà Nội chỉ nhằm một mục đích duy nhất: ký được hiệp định Paris, bảo vệ được những công dân Mỹ, những tù binh Mỹ được trở về nhà, rút quân đội Mỹ về trong danh dự mà không bị sa lầy thêm vào cuộc chiến ở Vietnam. Đó lại là một hành động cực kỳ khôn ngoan cho nước Mỹ lúc bấy giờ, mặc dù sự phản bội của ông ta đối với đồng minh VNCH, hay hành động ném bom rải thảm Hà Nội cũng là một tội ác không thể dung thứ, đê hèn, tàn bạo và đáng hổ thẹn. Nhưng như một người Mỹ trong phim đã nói “Chúng tôi không quan tâm con số thương vong giữa Mỹ và Việt Cộng là 1:10, 10 người Việt Cộng chết không đáng để chúng tôi quan tâm, chúng tôi chỉ quan tâm tới con số 1 người Mỹ chết mà thôi”. Chủ nghĩa dân tộc được thể hiện ở mức cao nhất!
Hầu hết những việc làm sai trái của chính phủ bị lộ ra ngay trong thời chiến, từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước và được đưa ra ánh sáng từ chính những nhà báo công tâm, những phóng viên truyền hình đi sâu vào cuộc chiến và cả những người dân Mỹ, những người lính Mỹ có lương tri biết phân biệt đúng sai và dám lên tiếng. Từ vụ thảm sát Mỹ Lai cho đến vụ bê bối Watergate. Người Mỹ được tự do ngôn luận, tự do trong suy nghĩ và hành động của mình. Tôi phục những nhân vật Mỹ trong phim họ dám nói lên những suy nghĩ ấu trĩ sai trái của bản thân một thời để rút ra bài học và biết xin lỗi. Một nhân vật theo phe phản chiến đã gọi những người lính Mỹ sang Việt Nam là những kẻ sát nhân “Tôi đã gọi họ là đồ sát nhân máu lạnh, đồ rác rưởi nhưng nay tôi thực sự ân hận về những lời nói đó. Tôi muốn nói lời xin lỗi đến họ…”. Biết nhận ra lỗi lầm và biết xin lỗi, có lẽ vì thế nước Mỹ đã được vận động, thay đổi và phát triển.
Nhìn lại Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh bộ máy tuyên truyền một chiều đã có tác dụng triệt để nên 100% người dân Bắc Việt đồng lòng ra chiến trường không quản hy sinh xương máu để thống nhất đất nước. Không một sai lầm nào, không một câu chuyện vô nhân đạo nào như đợt quân Bắc Việt tàn sát 2800 dân thường ở Huế trên đường rút quân được nói ra. Hàng ngàn người Việt bị chết oan trong các vụ cải cách ruộng đất, vụ thanh trừng các đồng chí trong nhóm “xét lại”, vụ cải tạo tư bản, cách mạng văn hóa, phá chùa chiền miếu mạo, thả tượng trôi sông… Tất cả đều là những bí mật bị chôn vùi trong quá khứ chứ không được tự do đào xới quá khứ sai lầm của chính phủ như trong “The Vietnam war”. Người Việt vẫn đang chờ đợi ở chính phủ VN một lời xin lỗi và sửa sai, và tôi hy vọng sự chờ đợi của họ sẽ không phải là vô vọng.
Trong “The Vietnam war”, người Mỹ đã có “một thập niên đau thương và chia rẽ sâu sắc” ở cuộc chiến Việt Nam thì người Việt Nam có cả thập kỷ chiến tranh tàn khốc, nội chiến huynh đệ tương tàn và chia rẽ sâu sắc không chỉ trong thời chiến tranh mà còn tiếp tục kéo dài đến mãi sau này và không biết đến bao giờ mới có thể hàn gắn được. Chiến tranh là ly tan nhưng hòa bình ở Việt Nam chưa chắc đã phải là ngày đoàn tụ. Nội chiến và chia rẽ ngay từ trong các gia đình có người thân ở trong cả hai phe và sẽ còn chia cắt mãi nếu như người cha trong gia đình không đối xử công bằng và không biết cách lấp đầy lại cái hố ngăn cách đó. Nói rộng hơn, những chính sách sai lầm chết người của chính phủ sau cuộc chiến đã làm cho cái hố ngăn cách giữa người Việt hai miền Bắc- Năm dường như ngày một rộng hơn. Ai cũng biết không chỉ người lính VNCH bị trả thù, bị đi cải tạo và nhiều người đã bị chết trong các trại cải tạo khắc nghiệt đó mà cả con cái họ cũng không được phép bước chân vào các giảng đường đại học. Sự chia rẽ ngay cả trong nội bộ “bên thắng cuộc”, các chính sách cục bộ phân biệt đối xử giữa bộ đội Bắc Việt, quân giải phóng Miền Nam và bộ đội Nam tập kết Bắc vô hình chung đã đẩy những người lính ngày nào còn sát cánh bên nhau giờ thành chia rẽ. Cộng thêm vào đó những chính sách đền ơn đáp nghĩa những gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với Cách mạng không được thực thi, đãi ngộ xứng đáng tạo ra một làn song bất mãn lan tràn và vì thế sau giải phóng trong hơn 2 triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi, trong đó có không ít người đã từng là cựu chiến binh Cộng sản. Và đế tận hôm nay 40 năm sau lại một làn sóng di cư khổng lồ sang các nước Phương Tây với 20 ngàn người Việt từ bỏ quốc tịch mỗi năm.
Tôi tin rằng, chỉ có dân tộc nào dám nhìn thẳng vào những sai lầm của chính mình để rút ra bài học như dân tộc Mỹ trong bộ phim, chỉ có sự thật mới hàn gắn được vết thương chiến tranh, mới gắn kết được người Việt và mới xây dựng được một cường quốc văn minh và phát triển. Bởi đó chính là nền móng. Sẽ không có một sự phát triển bền vững nào được xây dựng trên nền móng của sự dối trá.
Suốt một thập kỷ vì dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà người Mỹ chia làm hai phe rõ rệt, phe phản chiến và phe ủng hộ cuộc chiến. Hơn bao giờ hết câu hỏi “Thế nào là một người yêu nước?” – câu hỏi của nhân dân Mỹ đã từng gây tranh cãi cách đây nửa thế kỷ lại như được đặt ra trong xã hội Việt Nam hôm nay. Tôi thích câu trả lời của một cựu chiến binh Mỹ trong bộ phim “Có người cho tinh thần yêu nước là sự im lặng, dù nước Mỹ đúng hay sai, yêu nước hay là Cút! Nhưng tôi không muốn sống trong đất nước mà hành xử đúng hay sai gì chúng tôi cũng phải ủng hộ. Chúng tôi muốn sống trong đất nước hành xử chính trực chứ không phải sai trái. Nếu đất nước không làm thế thì ta phải điều chỉnh chứ!”.
Khi xem đến đoạn phim này tôi chợt nhớ tới bản thông cáo của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội ngày 21/9/2017 vừa qua trên Facebook về quyết định trục xuất tiếp cán bộ ngoại giao thứ 2 của ĐSQ Việt Nam trong vòng 4 tuần phải rời khỏi nước Đức cũng như “Việt Nam sẽ không còn là đối tác chiến lược của Đức” do việc chính phủ Việt Nam đã im lặng khá lâu trước những đòi hỏi của chính phủ Đức trong việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức. Đọc tiếp hàng trăm những lời nhận xét khác nhau của người Việt Nam bên dưới bản thông cáo này làm tôi quá sửng sốt. Có đến 50% là những lời lẽ nhận xét hết sức thô tục, miệt thị đối với nước Đức, một cường quốc lớn ở châu Âu, một đất nước đã từng giúp đỡ ủng hộ Việt Nam rất nhiều suốt cả trong thời chiến lẫn thời bình như vậy.
Tôi hiểu, Việt Nam cũng đang bị chia rẽ cực kỳ sâu sắc. Ở thế kỷ 21 rồi mà một phần không nhỏ người Việt vẫn cho rằng chính phủ Việt Nam “bắt cóc tên tham nhũng về nước trị tội là đúng”, chứ không coi việc “bắt cóc người” trên một đất nước có chủ quyền là cách hành xử rừng rú, coi thường luật pháp quốc tế và đó không phải là cách hành xử của một quốc gia văn minh. “Người Việt có câu- nhà dột từ nóc rất đúng” – một người Mỹ trong phim đã nói vậy.
Một cựu chiến binh Mỹ nói: “Cuộc chiến đã chia rẽ đất nước này sâu sắc. Giống như trong một gia đình có ông bố nghiện rượu. Giò đây điều mà đất nước cần là hàn gắn vết thương và gác Việt Nam vào quá khứ”. Vâng, dân tộc Việt Nam cũng vậy, cũng đã bị chia rẽ bởi cuộc chiến và cả sau cuộc chiến từ rất lâu rồi, điều mà chúng tôi cần cũng là hàn gắn vết thương và gác lại nước Mỹ vào quá khứ! Qua “The Vietnam war” người Việt Nam chắc sẽ rất thấm thía một điều rằng: Chẳng thể trông chờ vào ai, đất nước nào cũng phải lấy quyền lợi bảo vệ nhân dân mình là trên hết, bởi thế chỉ có thể trông cậy vào chính mình, nhân dân mình, đồng bào mình mà thôi. Không có đồng minh hay kẻ thù nào là mãi mãi chỉ có quyền lợi của quốc gia là đồng minh vĩnh cửu. Nếu người Việt còn chia rẽ như hiện nay, yêu nước một cách mù quáng như yêu “một ông bố nghiện rượu” thì e rằng sớm muộn gì khi vận mệnh tổ quốc bị lâm nguy sẽ như ngôi nhà không chỉ bị dột nóc mà còn bị phá đến tan tành.
Điều thất vọng lớn nhất ở bộ phim chính là sự thiếu khách quan trong các bình luận về các sự kiện liên quan đến phía Việt nam cũng như sự thiếu tôn trọng đối với các nhân vật người Việt được phỏng vấn trong phim, cả 2 phía Việt Cộng lẫn Nam Cộng hòa. Với số lượng người phỏng vấn trong phim là 79 người nhưng người Việt ở cả hai phía chỉ khoảng trên dưới 10 người và có tiếng nói rất yếu ớt, mờ nhạt nên các phần nhận định về phía Bắc Việt và Nam Việt nam đều thiếu sức nặng thuyết phục nếu không muốn nói là không có giá trị và còn quá áp đặt, chủ quan. Giá trị lịch sử của các nhân chứng sống người Việt này không được các nhà làm phim coi trọng. Có cảm giác như họ để các nhân chứng người Việt vào phim cho có lệ hay làm nền cho các nhân vật người Mỹ, vì thực ra các nhà làm phim không sử dụng lời phát biểu của họ, hoặc giả chỉ dựng những đọan họ nói lạc đề. Đây là một sai lầm và một lỗi rất lớn của một nhà làm phim tài liệu chính trực. Sự trung thực, tính khách quan, công bằng luôn cần phải có. Bởi phim tài liệu chỉ có giá trị khi các tư liệu đưa ra trong phim là có giá trị và người làm phim cần tránh áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào phim, hãy để các nhân vật, những nhân chứng sống trong phim bình luận đánh giá chứ không phải lời bình của phim.
Điển hình nhất cho sự việc này là khi cả một trường đoạn nói về đường 559- đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch tiếp tế lương thực đan dược cho chiến trường Miền Nam. Họ phỏng vấn trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên tư lệnh đường Trường Sơn suốt 9 năm cuối cùng của cuộc kháng chiến, nhưng khán giả hoàn toàn không biết ông là ai, không một lời giới thiệu, không một dòng chức danh mà chỉ có “Dong Si Nguyen – North Army” (Đong Si Nguyen- quân đội Bắc Việt) và để ông nói không phải về đường mòn Hồ Chí Minh mà nhận xét về chủ tịch Hồ Chí Minh?!? Thật không thể hiểu nổi!
Tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng như tướng Nguyễn Thới Bưng và tất cả các vị tướng tá, hay các cựu chiến binh Việt, những người lính VNCH có mặt trong phim đều không có chức danh cụ thể, làm gì ở đâu trong thời đểm đó nên hầu hết các phát biểu của họ không có giá trị lịch sử, không có sức thuyết phục, bởi khán giả không ai biết họ chui từ đâu ra và có tư cách gì mà nói về sự kiện đó.
Một ví dụ nữa khi lời bình phim nhận định về chế độ Ngô Đình Diệm cũng vậy, không một bằng chứng hay nhân chứng sống nào thuyết phục cho lời bình phim áp đặt một cách lộ liễu khi nói Diệm là một “con người tàn nhẫn, không tin ai ngoài gia đình, lanh lợi, tháo vát, biết khai thác những yếu điểm của đối phương. Ông là đấng cứu thế không có thông điệp”. Điều này khác hẳn các nhận xét khác về ông Diệm của các tờ báo khác.…Trong khi đó tất cả các nhân vật người Mỹ mặc dù cũng chỉ được ghi chức danh rất sơ sài nhưng bù lại họ được nói rõ xuất xứ ngọn ngành đầy đủ trong lời thuyết minh, từ sinh ra ở đâu ngày tháng năm rất cụ thể, vào ngũ khi nào, sang chiến trường Việt Nam khi nào đóng quân ở đâu đã trải qua những tháng năm ở Việt Nam như thế nào, chiến đấu ra sao, chứng kiến sự kiện đang được nhắc đến như thế nào và sau này họ nắm giữ những chức vụ gì, có ảnh hưởng ra sao tới các sự kiện v.v và v.v.
Nói chung là về phía Mỹ, sự kiện Mỹ, con người Mỹ thì rất đầy đủ chi tiết và đầy sức thuyết phục. Trong phim cũng sử dụng rất nhiều đoạn văn hay thay lời bình của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ, thật tiếc là có những câu văn cũng hay không kém viết về chiến tranh và tình đồng đội trong các tác phẩm của Bảo Ninh và Nguyên Ngọc lại không hề có mặt ở đây, cho dù họ cũng có góp mặt trong phim. Thấy rõ ràng rằng, bộ phim chỉ thành công và có giá trị lịch sử ở phía mặt trận của người Mỹ, nội các trên đất Mỹ, giá trị nhân văn của những người lính Mỹ, nhân dân Mỹ, còn về phía Việt Nam thì hoàn toàn là con số không, một thất bại đáng tiếc cho bộ phim.
Tuy nhiên, tôi hiểu đòi hỏi một bộ phim tài liệu trung thực khách quan về phía Mỹ thì dễ còn về phía Việt Nam thì đó là điều khó có thể, bởi bản thân lịch sử Việt Nam hay lịch sử các cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn là những ẩn số ngay cả đối với người Việt.
Và bản thân tôi đã làm đến 8 bộ phim liên quan đến chiến tranh với gần 20 tập phim và phỏng vấn tới hơn 100 con người tham gia cuộc chiến thì thấy rằng không ai dám nói thật những điều bị coi là “nhạy cảm”, người được phỏng vấn luôn né tránh những vấn đề đó. Mà một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật. Tôi nhớ một lần tôi phỏng vấn đại tướng Võ Nguyên Giáp về cái chết bất ngờ của hai vị tướng cánh tay phải và tay trái của ông, tướng Giáp đã òa khóc nức nở như trẻ nhỏ. Ông khóc rất lâu mà chẳng thể nói được gì, chúng tôi vẫn cứ ghi hình hết. Mãi sau khi qua khỏi cơn xúc động thì Tướng Giáp chuyển ngay sang nói về một đề tài khác. Còn chúng tôi, sau khi đóng máy ra về chưa đi được 5 phút đã có một cú điện thoại yêu cầu xóa toàn bộ đoạn băng tướng Giáp khóc và không được phép dựng lên phim. Người ta không muốn thấy hình ảnh một vị tướng oai phong lẫm liệt mà lại xúc động tình cảm khóc nức lên như con trẻ khi nói về cái chết đột ngột của hai đồng đội thân thiết nhất của ông hay còn bởi lý do nào khác?
Tôi cứ ước gì, gíá như ông bà đạo diễn Ken Burns, Lynn Novick không tham lam ôm đồm đi sâu phân tích quá nhiều các sự kiện đã có đầy đủ trong 10 tập phim “Viet Nam thiên sử truyền hình” cũng của các nhà làm phim Mỹ làm từ năm 1983 rất thành công rồi và chỉ tập trung khai thác sâu vào những sự kiện, những tư liệu mới được tìm thấy thì tôi tin rằng bộ phim sẽ thành công hơn rất nhiều. Cho dù “Vietnam thiên sử truyền hình” làm trong thời điểm chỉ 8 năm sau chiến tranh, các nhà làm phim đã có thể phỏng vấn được rất nhiều nhân chứng giá trị, những nhân vật chóp bu ở cả hai phía, còn giờ đây sau 40 năm các nhân chứng sống quan trọng này cũng đã ra thành người thiên cổ rồi.
Dù sao cũng phải cảm ơn bộ phim vì đã cho tôi và khán giả Việt Nam được nhìn thấy nước Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam và được suy ngẫm từ những bài học lịch sử của người Mỹ, để “Xem người mà ngẫm đến ta”.
Đường link để xem 10 tập Vietnam war: 10 tập phim The Vietnam War (Ken Burns & Lynn Novick)
Đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Hải Anh, từ Hà Lan, 30/9/2017