24-9-2017
Ngày chủ nhật hôm nay, trong khi tôi tận hưởng kỳ nghỉ ven biển ở phía Nam, nhiều đồng nghiệp của tôi lại bận rộn ở toà án Hà nội, trong phiên toà xử Hà Văn Thắm và các đồng sự. Khá nhiều luật sư “bất bình” với đại diện Viện Kiểm sát vì cho rằng không tranh luận vào trọng tâm, vẫn nhắc lại quan điềm đã nêu trong luận tội. Nhưng cũng không ít đồng nghiệp cười mỉm, vì thân chủ của họ được VKS để nghị giảm nhẹ, án treo thậm chí miễn hình phạt (so với đề nghị ban đầu khi luận tội). Hai nhân vật chủ chốt của vụ án, vẫn bị giữ nguyên để nghị mức án.
Theo tôi, cần ghi nhận đại diện VKS cũng đã cố gắng tranh luận với các luật sư và chấp nhận một số thỉnh cầu của các luật sư, bị cáo. Đặc biệt đại diện VKS đã nêu lên một tình trạng của Oceanbank, mà nhiều luật sư hay báo chí chưa hay ít đề cập, đó là Oceanbank bị âm vốn đến khoảng 15.000 tỷ đồng trước khi Ngân hàng Nhà nước phải mua ngân hàng này giá 0 đồng, trong đó gần 80% nợ xấu của Oceanbank liên quan đến lợi ích của Hà Văn Thắm.
Nếu đúng như vậy, Hà Văn Thắm đã sử dụng ngân hàng Đại Dương (mà ông sỡ hữu trực tiếp hay gián tiếp gần 75%) như là công cụ huy động vốn cho các doanh nghiệp liên quan của ông. Đây chính là nguyên nhân khiến Oceanbank khó “sống tiếp” nếu không được Ngân hàng Nhà nước bơm vốn, khi các doanh nghiệp của ông lao đao.
Tôi đã viết một bài đưa ra giả thiết vụ án đang xử là một vụ án ảo, che lấp một vụ án thật khác. Nay có vẻ đủ cơ sở để nhận định: Vụ án đang xử là một vụ án ảo (trừ phần liên quan đến công ty Trung Dung và hai đại gia ngân hàng khác Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn), trong khi hai vụ án thật khác đáng xem xét hơn.
Vụ đang xử (nếu không tính phần liên quan đến công ty Trung Dung) chủ yếu đề cập về chi lãi ngoài, không nên là một vụ án hình sự, vì nhiều lý do nếu xét trên khía cạnh Luật các tổ chức tín dụng, Bộ Luật Dân sự 2015, Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cho dù có cách giải thích khác nhau, mọi hành vi cố ý làm trái… trong vụ án này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1/1/2018, tức nếu phiên toà phúc thẩm diễn ra sau ngày này, các bị can sẽ được miễn TNHS về hành vi chi lãi xuất vượt trần. Vụ án xử về những hành vi này là vụ án ảo, khiến đại đa số bị cáo trong vụ án này là bị oan, một vụ đại án oan!
Hai vụ án thật khác, lẽ ra cần xem xét nghiêm túc từ đầu, mới nêu rõ bản chất vấn đề của Oceanbank.
Vụ thứ nhất, làm rõ tại sao HVT đã vượt qua mọi “rào cản pháp lý” chiếm tới gần 75% vốn của Oceanbank và đặc biệt HVT làm cách nào lại biến Oceanbank thành ngân hàng chuyên cấp vốn cho các công ty của mình, có những vi phạm quy định cho vay nào khiến nhóm liên quan của Oceanbank chiếm gần 80% nợ xấu của ngân hàng này, khiến ngân hàng này âm vốn tới 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng nhà nước phải bơm vốn đặc biệt để cứu Oceanbank (nhằm tránh sụp đổ dây chuyền)?
Vụ án thứ hai, liên quan đến việc HVT đã làm thế nào để Tập đoàn Dầu khí (PVN) và các công ty con của PVN tích cực gửi tiền vào Oceanbank, bất chấp độ rủi ro cao khi ngân hàng này không có tín nhiệm cao trong các ngân hàng tại Việt nam? Và việc chi lãi ngoài nhưng không vào tài khoản, sổ sách của PVN và các công ty con, công ty liên quan của PVN cần được xử lý thế nào về mặt hình sự? Đó là những hành vi đưa và nhận hối lộ? Hay hành vi tham ô? Hay hành vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản? Hay phần lớn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được, vì không có đủ bằng chứng chứng minh tội phạm?
Về vụ thứ hai này, tôi xin nhắc lại, các nhân sự cùa Oceanbank đã khai báo đầy đủ “đưa cho ai” trước khi “bị phát giác” với các cơ quan pháp luật đều cần được miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ!
Đáng tiếc vụ án ảo đang xử và hai vụ án thật lẽ ra phải làm cho rõ đã khiến nền tư pháp Việt méo mó, và rất nhiều người bị oan.
Tuy nhiên, cơ hội sửa sai vẫn còn đó!