Vì sao vừa đánh lại vừa run?

Blog VOA

Bùi Tín

19-9-2017

ng Nguyễn Phú Trọng (giữa), sao vừa đánh lại vừa run? Nguồn: AP

Việc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân chỉ đạo đã có dấu hiệu nhúc nhích theo hướng tiến lên.

Tòa án xét xử vụ án tham ô tại ngân hàng Đại dương – Ocean Bank đã tuyên án tử hình đối với nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, án tù chung thân đối với nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Hà văn Thắm và các đồng phạm khác từ 27 năm đến 3 năm tù giam (*).

Thế nhưng có những vụ án tham nhũng lớn hơn vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí đã bị truy tố từ lâu, vẫn chưa được xét xử.

Về trách nhiệm rất lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý cả hệ thống ngân hàng trong nước, mới có nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình bị khởi tố, còn người có trách nhiệm chính là nguyên Thống đốc Nguyễn văn Bình vẫn chưa bị đụng đến, phải chăng vì ông là Ủy viên Bộ Chính trị?

Tại Bộ Công thương, vụ án cực lớn dưới thời nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (từ năm 2011 đến năm 2016) với hàng chục dự án thất thoát đến 30.000 tỷ đồng vẫn chưa bị khởi tố. Ông Vũ Huy Hoàng mới chỉ bị kỷ luật theo một cách thức kỳ lạ, không bình thường là bị «xóa tư cách nguyên bộ trưởng công thương» mà ông từng đảm nhiệm và đã về hưu, cũng như bị «cách chức Bí thư ban cán sự đảng ủy bộ công thương» mà ông từng đảm nhiệm từ năm 2011 đến năm 2017, do sai lầm đưa ông Trịnh Xuân Thanh về công tác ở Bộ do ông phụ trách và đã đề bạt con trai Vũ Quang Hải làm giám đốc một công ty dưới quyền ông. Ông cũng bị giữ không cho xuất cảnh, nhưng chưa bị truy tố.

Vụ án quan trọng hơn nữa là vụ đại án Trịnh Xuân Thanh tham nhũng làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng mà ông Tổng bí thư quyết cho một tốp mật vụ sang tận Berlin bắt cóc về để trị tội, vẫn chưa được xử.

Trong tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Ủy ban phòng chống tham nhũng và hạ quyết tâm xét xử xong các đại án trong năm 2017.

Sao lại có tình hình đình trệ trong việc mở các phiên tòa xét xử các vụ án lớn nhất khi các bị can có người đã bị khởi tố và bắt giữ, chờ để ra tòa?

Câu trả lời chỉ có thể là ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị vừa đánh tham nhũng lại vừa run. Các vụ án có sự đối xử khác nhau, theo các tốc độ, thước đo khác nhau, tùy theo đối tượng, theo phe cánh.

Vì có gì đảm bảo là những Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh… khi bị truy hỏi trước tòa không phun ra hết mọi thủ đọan đút lót, ăn chia, tung hê ra công luận mọi sự thật về những đường giây, ngõ ngách, cung cách ăn vụng rồi chùi sạch mép trong bộ máy của đảng và nhà nước mà tệ tham nhũng lan tràn như bệnh dịch, được các cơ quan điều tra quốc tế xếp vào loại hàng đầu của thế giới và khu vực?

Các quan lớn trong bộ máy đảng trị quen ngồi trên pháp luật mới đây không khỏi giật mình khi bà đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga, tổng giám đốc công ty nhà đất Housing Group, bị truy tố bắt giam hơn một năm nay về tội kinh doanh bất chính, vừa ra tòa, khai báo giữa tòa rằng bà đã chi 30 tỷ đồng, để lo lót cho các cấp để được trúng cử Đại biểu quốc hội của thủ đô, tuy bà là công dân xứ Huế, rồi được vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, làm phó chủ tịch hội doanh nghiệp trẻ. Bà chưa dám, hay chưa muốn kể tên họ các quan chức trung ương và địa phương đã nhận hàng trăm phong bì của bà. Chắc chắn có nhiều quan lớn giật mình lo sợ bị kể tên. Và ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị không khỏi mất ngủ về sự kiện này.

Cho nên cả 12 vụ đại án định dứt điểm trong năm 2017 khó lòng hoàn thành đúng kỳ hạn. Cái lò chống tham nhũng của cụ Tổng lú có khi cháy thật to, có khi như bị dội nước cho nguội lạnh là vì sao?

Riêng vụ Trịnh Xuân Thanh bị giam giữ lâu, mất hoàn toàn tự do, không cho tiếp xúc với bố, con, anh em, bạn bè, luật sư, dù chưa bị tuyên án tù, là điều phạm luật, khó giải thích trôi chảy cho dư luận xã hội cũng như cho công luận quốc tế, nhất là cho CHLB Đức, các nước Liên Âu và toàn thế giới.

Ông tổng bí thư và Bộ Chính trị từng hứa hẹn, cam kết thẳng tay xử lý nghiêm minh kẻ tội phạm tham nhũng, bất kỳ ở đâu, có chức vụ gì, không có khu vực cấm, vùng cấm, cứ chiếu theo kỷ luật và pháp luật.

Vậy tại sao lại e ngại, chậm trễ, vừa đánh lại vừa run đối với các vụ án lớn nhất đụng đến các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, nguyên bộ trưởng…, lẽ ra phải ưu tiên xét xử công khai, đàng hoàng, những vụ án phạm pháp, gây nên những tổn thất to lớn nhất cho đất nước và làm mất uy tín quốc gia trước thế giới cũng như làm mất niềm tin của đông đảo nhân dân.

____

(*) Ghi chú của trang Tiếng Dân: thật ra tòa chưa tuyên án vì vẫn còn đang xử. Thông tin “tử hình Nguyễn Xuân Sơn”, hay “tù chung thân đối với Hà văn Thắm” và các đồng phạm khác, chỉ là phần đề nghị của Viện Kiểm sát.

Bình Luận từ Facebook