Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?

BBC

19-9-2017

Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh Reuters/Kham

Cộng đồng mạng tranh luận liệu ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ có phải là ‘nạn nhân’ sau khi cơ quan kỷ luật Đảng Cộng sản nói hai lãnh đạo Đà Nẵng vi phạm “nghiêm trọng”.

Tin Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị công bố các “vi phạm” làm nóng mạng xã hội hôm 19/9 với những tranh cãi về quá trình thăng tiến của ông.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cùng với Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ đều có vi phạm “nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật”.

Ông Xuân Anh bị liệt kê các “sai phạm”:

  • Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
  • Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
  • Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Hôm 19/9, BBC gọi điện cho một số nhà báo, luật sư tại Đà Nẵng để xin bình luận nhưng những người này từ chối với lý do “có quen biết ông Xuân Anh nên sợ không khách quan.”

BBC cũng gọi cho ông Xuân Anh nhưng ông không bắt máy.

Reuters bình luận về vụ này: “Việc trừng phạt các quan chức cấp cao trước các sự kiện lớn là điều bất thường ở Việt Nam và là chỉ dấu cho thấy quan điểm chống tham nhũng mạnh mẽ hơn từ khi quan chức công an có ảnh hưởng lớn hơn trong Đảng năm ngoái.”

Báo Tuổi Trẻ hôm 19/9 cho hay: “Ngoài nhà 43 Nguyễn Thái Học, gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng hai ngôi nhà liền kề. Đó là số 45 và 47. Nhưng rất “khéo léo”, số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà.”

‘Khối ung nhọt’

Nhà báo Hoàng Hải Vân, từng công tác ở báo Thanh Niên, nơi ông Xuân Anh làm phóng viên sau đó trở thành trưởng ban quốc tế, viết trên Facebook: “Ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch.”

“Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện “nhạy cảm” vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn. Thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư, có một câu đồng dao người lớn, rằng “Trời của Thanh đất của Thanh con chim trên cành của Hoàng Tuấn Anh”, nhưng câu đồng dao đó cũng đã phải sửa lại “Trời của Thanh đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh”. Câu đồng dao đó nói lên thực chất quyền lực của một ông vua cát cứ, vô tiền khoáng hậu kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.”

“Bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng đang bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Ông Nguyễn Bá Thanh không còn, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà ăn sâu vào các chân rết trong bộ máy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn khống chế ở cấp cao hơn, mà sự e ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một ví dụ.”

“Tôi không bênh vực ông Nguyễn Xuân Anh hay ông Huỳnh Đức Thơ. Các ông phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình. Điều tôi muốn nói là, cho dù là ai đi chăng nữa, nếu đưa vào các cương vị lãnh đạo Đà Nẵng trước khi đập vỡ các nhóm lợi ích này thì đều rơi vào thảm cảnh. Người không có bản lĩnh thì bị các nhóm lợi ích nhào nặn để sai khiến, người trung kiên bản lĩnh thì sẽ bị đánh bật ra suốt đời phải chịu oan sai thân bại danh liệt.

“Hy vọng “cái lò” của Tổng Bí thư không bỏ sót các nhóm lợi ích khủng này.”

Nhà báo Nguyễn Huy Toàn phê phán:

“Lên làm quan chưa làm gì cho dân đã lo vun vén cho mình, đã lo vơ vét. Làm sao đủ tư cách để dạy bảo cán bộ công chức dưới quyền, làm sao đủ tư cách nói chuyện với dân.”

Trong khi đó, trên báo chính thống, tờ Một Thế Giới dẫn lời ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng:

“Theo tôi việc mất đoàn kết xảy ra là có thật, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư, người đứng đầu trong Đảng bộ nhưng non yếu, nói không đi đôi với làm, còn chủ quan trong tất cả mọi phát ngôn của mình, không kiểm tra một cách chu đáo”.

“Thứ hai, do còn non kém nên có những quyết định nhanh chóng không có cơ sở.”

“Thứ ba nữa là trong quyết định không cân nhắc đến yếu tố tài năng của mỗi con người và quá trình công tác của họ.”

Bình Luận từ Facebook