EU-VN: Thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh

BBC

18-9-2017

Những phát biểu của ông Bernd Lange (phải) trong cuộc họp báo hôm 15/9 ở Hà Nội được AFP và truyền thông VN diễn giải theo những ý nghĩa khác nhau. Ảnh: FB EUROPEAN UNION IN VIETNAM

Quan chức hàng đầu về thương mại của châu Âu cảnh báo rằng hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có thể bị ‘xôi hỏng bỏng không’ nếu Hà Nội không nghiêm túc cải thiện nhân quyền.

Cùng lúc, báo chí chính thống tại Việt Nam mô tả vị đại diện EU tỏ ra “rất lạc quan” về sự phát triển của các mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, gồm cả thương mại.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu, ông Bernd Lange nói nhân quyền là chủ đề tâm điểm các cuộc thảo luận hiện thời, hãng tin AFP từ Hà Nội trích lời ông nói.

Ông Lange cũng nói ông đã nêu vấn đề Trịnh Xuân Thanh trong chuyến công du tới tại Hà Nội.

AFP dẫn lời ông Lange nói quan điểm của Việt Nam trong vấn đề lao động và tự do ngôn luận là những nội dung cốt lõi của các cuộc đàm phán hiện nay.

“Các chủ đề đó thực sự nằm trong tâm điểm thảo luận… nếu như không có những giải pháp thỏa đáng thì hiệp định sẽ rơi vào dòng nước xoáy (in troubled water),” ông nói tại cuộc họp báo với các phóng viên hôm 15/9/2017.

EVFTA đã được Brussels và Hà Nội ký hồi 2015 và có thể được phê chuẩn vào năm tới sau khi được rà soát pháp lý.

Nhân quyền và vụ Trịnh Xuân Thanh

Ban đầu, hiệp định dự kiến được phê chuẩn vào đầu năm 2018, nhưng nay việc này được cho là sẽ diễn ra vào mùa hè năm tới.

Theo nội dung hiệp định, hầu như toàn bộ các loại thuế quan giữa hai nền kinh tế sẽ được xóa bỏ.

Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam đang bị coi là trở ngại chính cho việc chốt lại thỏa thuận.

Trong những tháng gần đây, Việt Nam bị cáo buộc đàn áp những tiếng nói chỉ trích, kết án tù nặng nề những người bất đồng chính kiến, đồng thời nhắm vào các quan chức đang tại vị lẫn những người đã nghỉ hưu bị cáo buộc tham nhũng.

Đáng chú ý, vụ ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại Hà Nội hồi cuối tháng 7, mà theo Việt Nam là ông ‘tự nguyện ra đầu thú’ còn Đức nói ông bị bắt cóc từ Berlin, đã làm bùng lên căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam với Đức, một thành viên ‘đầu tàu’ của EU.

Ông Lange nói ông đã nêu vấn đề liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh trong chuyến công du mới nhất tới Việt Nam.

“Chúng tôi nay đã rõ hơn, và có chung sự hiểu biết rằng trong tương lai chúng ta phải có những trình tự rõ ràng đối với việc điều tra và truy tố,” ông Lange được AFP trích lời. Ông cũng nói thêm rằng ông hy vọng là vấn đề này sẽ không cản trở các cuộc đàm phán tự do thương mại.

VN không lo lắng về áp lực chính trị từ Đức?

Tuy nhiên, phía Việt Nam dường như có cách hiểu rất khác về những phát biểu của ông Lange.

Tường thuật về cùng sự kiện diễn ra tại Hà Nội cuối tuần trước, trang tin tiếng Anh của Đài Truyền hình Việt Nam viết, “Ông Lange lạc quan về sự phát triển của các mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là trong hoạt động thương mại, đầu tư.”

Báo Tuổi Trẻ thì nói ông Lange khẳng định tại buổi họp báo rằng “EVFTA không chịu áp lực chính trị nào”.

“Nghị sĩ Bernd Lange đưa ra khẳng định như trên, sau khi truyền thông Đức cho hay vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Đức liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU,” Tuổi Trẻ viết.

Báo này cũng dẫn lời vị khách đến từ châu Âu xác nhận việc hai bên đã đề cập tới câu chuyện Trịnh Xuân Thanh, nhưng “hai bên đã đạt được sự thống nhất về cách thức hợp tác rõ ràng hơn để vượt qua những trở ngại hiện nay.”

Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì nói ông Lange nêu ra ba vấn đề lớn mà Việt Nam cần xử lý, gồm việc phê chuẩn các công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Thế giới, việc bảo vệ môi trường, và việc để xã hội dân sự cùng các nhóm phi chính phủ tham gia nhiều hơn vào hoạt động tham vấn liên quan tới EVFTA.

Báo chí Việt Nam không nhắc tới những phát biểu của ông Lange về vấn đề nhân quyền.

Hiệp định tự do thương mại với EU sẽ tạo một cú hích quan trọng cho kinh tế Việt Nam vốn dựa vào hoạt động xuất khẩu.

EVFTA bù vào chỗ cho TPP?

EVFTA đặc biệt quan trọng cho Việt Nam trong bối cảnh nay Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Châu Âu là một trong các đối tác thương mại hàng đầu và là một trong các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Châu Âu nhập khẩu đồ điện tử, đồ may mặc và các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, gạo, thủy sản từ Việt Nam, và xuất các đồ công nghệ cao như máy móc thiết bị điện, máy bay, xe cộ, và dược phẩm.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi tin hãng tin AFP , chứ hoàn toàn không tin báo Tuổi Trẻ của Tuyên giáo VN, nói ông Bernd Lange, Chủ tịch UB Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu, đã “khẳng định tại buổi họp báo rằng EVFTA không chịu áp lực chính trị nào”(!?).

    Đảng ta chỉ đạo đưa tin như vậy nhằm cố tình che đậy những vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật quốc tế trong vụ bắt cóc TXT, với hàm ý “các thế lực chính trị nước ngoài”, bọn “phản động” đang có ý lợi dụng những việc đó để chống NN VN?
    Đưa tin như vậy nên họ cố ý không đưa thông tin, ông Bernd Lange là một nhà chính trị Đức, đồng chí của ông trong đảng SPD là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, người vừa lên án hành động bắt cóc người chưa từng có của phía VN ở giữa thủ đô Berlin.
    Ông Bernd Lange là đại diện cho đảng SPD của Đức tại Nghị viện Châu Âu, trước đó ông có cả chục năm đã làm công tác công đoàn, cho nên vấn đề Nhân quyền là việc ông không thể bỏ qua, coi nhẹ!
    Cũng mong EVFTA giữa EU – VN, không bị “áp lực chính trị” nào, nhưng sẽ bị “áp lực về công lý”. Những kẻ khủng bố, giết người, vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật, sẽ bị Pháp luật quốc tế trừng phạt. Nhẹ nhất là trừng phạt về kinh tế!!!

Comments are closed.