Đinh La Thăng là củi tươi hay củi khô?

Blog VOA

Ngô Đồng

15-9-2017

Một trong những phát ngôn nổi tiếng của ông Đinh La Thăng. Nguồn: Zing

Ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị CSVN bị thất sủng sau nhiều tai tiếng bị bới móc từ khi cầm đầu Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đến thời làm Bộ trưởng GTVT, hiện có thể đang sống trong những ngày phập phồng bất an.

Liệu ông sẽ có thể bị lôi ra tòa hành tội hay không dù ông Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng từng ví von “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” khi ông họp “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” ngày 31/7/2017.

Hôm Thứ Năm 14-9, người ta thấy trên tờ Giáo Dục Việt Nam (GDVN) có bài điều tra nêu hai chuyện ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Thứ nhất, hàng loạt các dự án cầu đường BOT đầy tai tiếng, dân chúng kêu than dậy đất.

Thứ hai, bổ nhiệm một số chức sắc cấp cao không đủ tiêu chuẩn, tức trái với quy định luật lệ.

Bài viết trên tờ GDVN dẫn lại kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 6/9/2017 nói 7 dự án BOT có rất nhiều sai phạm từ xây dựng đến thu phí.

Đường lộ có sẵn chỉ cào lên, tráng lớp nhựa mỏng rồi thu “phí” như đường xây dựng mới hoàn toàn, đặc biệt là BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Một số trục lộ khác cũng như vậy, chẳng hạn như Quốc lộ 1A qua Cai Lậy đã bị dân chúng phản ứng đến phải “xả trạm” nhiều ngày và phải theo nhau “giảm phí”.

BOT là nhóm từ viết tắt “Build-Operate-Transfer” (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao) ở Việt Nam bây giờ dùng khá quen thuộc thường để chỉ các dự án công ích mà chính quyền giao cho tư nhân xây dựng, thu cả vốn lẫn lãi qua “phí” sử dụng, sau đó chuyển giao lại cho nhà nước.

Theo quy định, cứ 70Km đặt một trạm thu “phí”, nhưng thực tế theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, cả nước Việt Nam có 86 trạm thu “phí” thì 9 trạm có khoảng cách từ 60-70km; 24 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60km; lại còn một số tuyến đường, trạm thu phí “dày đặc”.

Con đường đi từ Hà Nội đến Thái Bình chỉ khoảng 110 km nhưng có tới 4 trạm thu “phí”.

Tờ GDVN thuật lời ông Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải: “Thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì dự án BOT giao thông được làm cách xô bồ, làm một cách đại trà vô nguyên tắc”.

Vậy có gì gần giống với tội danh “cố ý làm trái hay không?”

Tờ GDVN cho rằng, ngoài những “bất cập” ở các dự án BOT, ông Đinh La Thăng cũng “không thể thoái thác trách nhiệm” đối với một loạt vụ bổ nhiệm ở các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, “cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.

Tờ GDVN kể vụ bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải vào năm 2015 dù ông này đã “thi trượt Chuyên viên Chính vào năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức”.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Việt làm Cục phó Cục Hàng Hải khi “chưa có bằng đại học.

Ông Hoàng Hồng Giang “nhảy cóc” từ vị trí Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng dù “chưa phải là Chuyên viên, mà chỉ là Giảng viên, vì vậy việc bổ nhiệm này cũng là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành”.

Cùng ngày với bản tin của tờ GDVN, người ta thấy tờ báo Infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông đưa tin, nhằm cứu mạng cho thân chủ, trong phiên tòa ở Hà Nội hôm Thứ Năm 14 Tháng 9, luật sư của ông Nguyễn Xuân Sơn cáo buộc Hội đồng Xét xử đã lờ một chứng cứ quan trọng để chứng minh ông Sơn chỉ là người thi hành lệnh của cấp trên.

Đồng thời những món “lại quả” từ ngân hàng Ocean Bank qua tay ông thì lại được chuyển đến các xếp của PVN.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký ra lệnh cho tất cả các công ty lớn nhỏ của tập đoàn phải mở trương mục tại OceanBank, giao dịch tài chính qua trương mục tại OceanBank bao gồm: cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.

Luật sư Tâm dẫn lệnh trên văn bản do ông Đinh La Thăng ký: “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OeanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”.

Theo luật sư Tâm được báo chí tại Việt Nam theo dõi phiên tòa thuật lại, về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và OceanBank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm với các cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ OceanBank thực hiện các dịch vụ ngân hàng.

Ông Đinh La Thăng còn đích thân quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản đã nêu trên.

Như vậy, ông Nguyễn Xuân Sơn không thể làm trái lệnh cấp trên là ông Đinh La Thăng nên không thể kết tội ông “tử hình” vì đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải “chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân.”

Cuối Tháng Tư 2017, ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng hài tội ra các quyết định để các công ty con của tập đoàn PVN chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; góp vốn trái quy định vào Ocean Bank gây thiệt hại cho PVN (mất trắng 800 tỉ đồng), nhiều công ty con của tập đoàn này thất bại vì đám cầm đầu chỉ lo đục khoét hơn là kinh doanh.

Trong 12 đại dự án kỹ nghệ gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng đang “đắp chiếu” vì tham nhũng và nhiều lý do khác, có 5 dự án là của PVN mà ông Đinh La Thăng cầm đầu tập đoàn.

Những người cầm đầu trực tiếp các dự án này, ít kẻ trốn ra nước ngoài, nhiều người đang nằm trong các nhà tù.

Ngày 13/9/2017, Bộ Công an loan báo “ra Quyết định khởi tố 03 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh.”

Đây là cuộc điều tra được mở rộng thêm ra (tức giai đoạn II) của vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank và đồng phạm với các kết quả của cuộc điều tra giai đoạn hoạt động kéo dài từ 2010 đến 2014.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến số tiền Ocean Bank hối lộ cho viên chức quốc doanh và liên doanh lên hơn 1,576 tỉ đồng, gọi là chi “lãi ngoài”.

Dù rất nhiều tội nợ được nêu ra đều nằm gọn trong điều 165 của Luật hình sự CSVN “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng” và có thể vi phạm một số tội hình sự khác nếu bị moi móc thêm, nhưng ông Đinh La Thăng chỉ bị gạt ra khỏi Bộ Chính Trị, mất ghế bí thư thành ủy Sài Gòn và về “ngồi chơi xơi nước” ở Ban Kinh Tế Trung Ương với cái chức hàm “phó ban”.

Thấy dư luận xã hội ngạc nhiên về cách trị tội nặng nhẹ khác nhau của chế độ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 13/5/2017, khi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ đã giải thích rằng việc “kỷ luật” ông Đinh La Thăng “mới chỉ về mặt đảng”.

Ông hàm ý vụ “kỷ luật” ông Đinh La Thăng sẽ không dừng ở đó. Nhưng đếm các bài viết liên quan đến trách nhiệm và những việc làm sai trái của ông Đinh La Thăng từ khi còn cầm đầu tập đoàn PVN đến khi làm bộ trưởng cũng phải hàng chục bài viết trên nhiều tờ báo khác nhau của hệ thống báo chí chính thống của chế độ.

Vài chục thuộc cấp của ông đối diện với các bản án nặng kề, kể cả tử hình, nhưng ông thì không biết được xếp vào loại củi tươi hay củi khô.

Còn có bị ném vào lò hay không, không có một tiêu chuẩn nào cố định trong một chế độ mà luật lệ được giải thích hay áp dụng co giãn không chừng, tùy người đứng canh lò.

Bình Luận từ Facebook